Nghị luận về tính tiết kiệm

tinh-tiet-kiem

Nghị luận về tính tiết kiệm

  • Mở bài:

Cuộc sống trở nên phồn vinh không những do con người luôn tạo ra của cải vật chất mà còn ở việc sử dụng tiết kiệm của cải vật chất ấy. Dù ở thời đại nào, tính tiết kiệm và lối sống cần kiệm cũng được trân trọng và đề cao. Bởi thế, giáo dục đức tính tiết kiệm và lói sống cần kiệm cho mỗi học sinh là nhiệm vụ rất cần thiết.

  • Thân bài:

Tiết kiệm là gì?

Tiết kiệm là biết sử dụng một cách hợp lí, đúng mức của cải vật chất, thời gian, sức lực của mình và của người khác. Tiết kiệm là tránh lãng phí, thất thoát cảu cải vật chất một cách vô ích.

Tại sao học sinh phải rèn luyện tính tiết kiệm?

Tiết kiệm không những là ý thức mà còn là một phẩm chất cần có ở mỗi con người. Sống tiết kiệm sẽ làm tăng lên của cải vật chất của bản thân, gia đình và xã hội. Sự tích lũy vật chất từ ít đến nhiều góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước.

Sống tiết kiệm thể hiện sự quý trọng thành quả lao động của bản thân và của người khác. Vật chất trong cuộc sống này luôn có hạn. Một ngày nào đó nó cũng sẽ được dùng hết. Thành quả lao động cũng không tự nhiên mà có. Nó là kết tinh của biết bao sức lực, trí tuệ và niềm tin của con người. Bởi thế, khi sử dụng, ta phải biết tiết kiêm nó. Tránh làm cho nó bị lãng phí vô ích.

Sống tiết kiệm thể hiện lối sống văn hóa, tiến bộ. Người có lối sống tiết kiệm luôn được mọi người yêu mến, kính trọng.

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt giữa lối sống tiết kiệm và lối sống keo kiệt, bủn xỉn, ki bo quá đáng. Người tiết kiệm luôn có ý thức sử dụng của cải vật chất một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích lớn nhất cho bản thân và cho mọi người. Họ cũng là người hào phóng trong việc giúp đỡ người khác. Còn người keo kiệt chỉ biết giữ cho riêng mình. Họ sống ích kỉ, khắc nghiệt cả với bản thân. Họ muốn tích lũy của cải vật chất thật nhiều, không muốn giúp đỡ ai. Đối với họ, tiền bạc là trên hết. Bởi thế, họ thường bị mọi người khinh thường và xa lánh. Những người như thế thật đáng chê trách.

Học sinh cần rèn luyện tính tiết kiệm như thế nào?

Để có cuộc sống tốt đẹp, phồn vinh, nhất định phải sống tiết kiệm. Mỗi người cần phải rèn luyện cho mình tính tiết kiệm. Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Trước hết, học sinh phải ra sức học tập và rèn luyện bản thân tốt đẹp. Có tri thức mới có thể tạo ra nhiều của cải vật chất và thực hành lối sống tiết kiệm.

Học sinh cần tránh xa lối sống đua đòi, xa hoa và lãng phí. Học sinh là người chưa tạo ra được các giá trị vật chất. Học sinh đang được ba mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng. Mọi vật chất mà học sinh thụ hưởng đều do người khác làm ra. Bởi thế, cần phải trân trọng và tiết kiệm nó.

Biết sắp xếp việc làm khoa học tránh lãng phí thời gian. Thời gian luôn là hữu hạn đối với cuộc đời con người. Thời gian mất đi không thể nào có lại được. Lãng phí thời gian là sự lãng phí lớn nhất của con người. Trách nhiệm của học sinh là học tập tốt và rèn luyện bản thân có đủ năng lực làm viêc thành công. Đừng bao giờ lãng phí thời gian cho những công việc không hữu ích.

Biết bảo quản, sử dụng và tận dụng các đồ dùng học tập, lao động. Những gì còn sử được thì không nên mua cái mới. Những gì có thể tái sử dụng thì đừng bỏ phí. Tiết kiệm giấy bút trong học tập. tập thói quen tiết kiệm trong ăn uống, tiêu dùng. Chỉ mua những thứ cần thiết, đúng với nhu cầu sử dụng.

Biết trân trọng vật chất và sức lao động của người khác. Kêu gọi mọi người thực hành lối sống tiết kiệm, bảo vệ môi trường sống. Nhắc nhở, phê phán những hành vi phung phí của cải vật chất. Đặc biệt là những giá trị vật chất, tinh thần do cha ong để lại.

Phê phán lối sống xa hoa, phung phí của cải:

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người không biết tiết kiệm. Họ sống đua đòi, xa hoa, lãng phí nhiều của cải, tiền bạc. Những hành vi đó không những làm hao tổn của cải bản thân mà còn làm lãng phí của cải xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Những người như thế thật đáng che trách.

Bài học nhạn thức:

Sống tiết kiệm là tự làm giàu cho bản thân mình. Mỗi học sinh cần phải rèn luyện và thực hành lối sống tiết kiệm cho mình.

  • Kết bài:

Con người trở nên giàu có bởi vì biết lao động nhưng sẽ hạnh phúc hơn nhờ lối sống tiết kiệm. Sống tiết kiệm không những là một trong những cách làm giàu mà còn thể hiện lối sống cao cả và nhân cách tốt đẹp của con người. Của cải vật chất luôn có hạn. Sự xa hoa, lãng phí là kẻ thù của giàu có và là mầm móng của tai họa.

Câu nói, tục ngữ liên quan đến tiết kiệm:

– Tích tiểu thành đại
– Ăn có chừng, dừng có mực
– Thắt lưng buộc bụng
– Sản xuất mà không đi đôi với tiết kiệm thì như gió vào nhà trống.


Bài tham khảo:

  • Mở bài:

Có người nói rằng tiết kiệm, chất phác, đều là đức tốt của người ta. Thế mà, trong xã hội ngày nay, vẫn còn một số ít bạn trẻ chưa có ý thức về tiết kiệm thời gian quý báu của mình. Chúng ta nên giành những thời gian quý báu đó để làm những việc có ích như: học tập, đọc sách, tham gia các hoạt động ngoài xã hội…

  • Thân bài:

Đất nước của chúng ta hiện nay đang trên đà phát triển, đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc kỉ càng về vấn đề hợp tác giữa các nước đặt biệt là tiết kiệm thời gian. Tiết kiệm là một việc hết sức đúng đắn và cần thiết.

Thế nào là tiết kiệm?

Tiết kiệm là biết sử dụng một cách hợp lí, đúng mức của cải vật chất, thời gian, sức lực của mình và của người khác.

Trên vấn đề tiền bạc thì tiết kiệm không phải là không được dùng nữa mà chúng ta phải lao động và tạo ra nó nhiều hơn.

Vì sao chúng ta cần phải tiết kiệm?

Tính tiết kiệm thể hiện một lối sống có văn hóa và đạo đức của mỗi người. Không nên lãng phí những của cải không do chúng ta làm ra. Vì đó là mồ hôi nước mắt của người khác. Không lãng phí vào những việc không cần thiết.

Đối với em là một học sinh thì em nghĩ mình cần phải biết tiết kiệm thời gian, đồ dùng học tập, phải biết giữ gìn những tài sản của chung và của riêng bản thân. Những chiếc bàn chiếc ghế trong nhà trường là bố mẹ gom góp từng đồng tiền lẻ để phụ giúp nhà trường mua những chiếc bàn ghế ấy cho chúng ta ngồi học.

Chúng ta cần phải tiết kiệm, giữ gìn những của cải của chung hay của riêng. Là một đứa con trong gia đình thì em cũng cần phải cố gắng học tập để bố mẹ vui lòng. Vì phải đi làm cực khổ để dành dụm số tiền để cho em ăn học. Vì vậy em nên trân trọng những gì bố mẹ làm cực khổ mới có được cho em. Vì thế khi đi học về chúng ta nên phụ giúp bố mẹ mình làm việc nhà, phụ giúp bố mẹ một tay.

Tiết kiệm thể hiện sự quý trọng thành quả lao động của bản thân và của người khác. Tiết kiệm giúp làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước.

Nhưng bên cạnh đó còn một số bạn được sinh ra trong gia đình khá giả thế nên các bạn cứ nghĩ có thể tiêu tiền một cách phung phí mà không biết trân trọng. Không biết tiết kiệm những đồng tiền ấy mà chỉ tiêu xài trong những việc không cần thiết.

Có một số bạn phung phí đến mấy trăn ngàn mua những thẻ cào nạp vô game mà không nghĩ nó sẽ tập cho các bạn hư hỏng và không biết trân trọng những gì mình có. Nếu như không biết tiết kiệm thì tương lai sau này của chúng ta sẽ không tươi sáng nữa.

Không chỉ như thế mà còn một số bạn chỉ biết ăn chơi lêu lỏng mà lỡ sa vào những tệ nạn xã hội khi đang ở lứa tuổi ở trên ghế nhà trường. Trong khi các bạn ấy còn cả một tương lai rộng lớn ở phía trước.

  • Kết bài:

Người ta giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu. Tiết kiệm là một đức tính quý báu của con người. Cần phải hiểu rõ thế nào là tiết kiệm và phải thực hành việc tiết kiệm, trước hết là cho bản thân mình, gia đình và xã hội.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Viết đoạn văn 200 chữ nghị luận về lối sống giản dị - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.