Nghị luận về ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc trong thời đại ngày nay

nghi-luan-ve-y-thuc-giu-gina-van-hoa-dan-toc-trong-thoi-dai-ngay-nay

Nghị luận về ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc trong thời đại ngày nay

  • Mở bài:

Mỗi quốc gia có một nền văn hóa riêng biệt. Chính bản sắc văn hóa riêng biệt ấy là sợi dây gắn kết mọi cá nhân trong một khối cộng đồng chung nhất và duy trì nó trong suốt chiều dài lịch sử. Đánh mất đi bản sắc văn hóa dân tộc là đánh mất tất cả. Bởi thế, nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc cho mỗi cá nhân trong thời đại ngày nay là nhiệm vụ hết sức cần thiết.

  • Thân bài:

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc trong thế giới hiện đại, không chỉ dừng lại trong lĩnh vực kinh tế, mà còn mở rộng, lan tỏa, thâm nhập các lĩnh vực khác của đời sống, từ xã hội, môi trường đến khoa học, công nghệ, văn hóa, pháp luật, giáo dục,… Chính quá trình tác động và thấm sâu của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vào toàn bộ các lĩnh vực của một dân tộc của mỗi quốc gia. Toàn cầu hóa vừa là thời cơ cho sự hội nhập và phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời cũng là những thách thức to lớn, nhiều khi hoàn toàn mới mẻ, đối với vấn đề giữ gìn, bảo vệ, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo, có tính truyền thống của mỗi dân tộc, quốc gia trong bối cảnh và đặc điểm mới của thế giới hiện đại.

Văn hóa dân tộc là gì?

Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần của con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Nền văn hóa dân tộc là sản phẩm do chính dân tộc ấy tạo ra, được xây dựng, gìn giữ và phát triển liên tục từ đời này sang đời khác.

Tại sao phải biết giữ gìn văn hóa dân tộc?

Vấn đề giữ gìn văn hóa và những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc đã được hình thành và lưu truyền từ xa xưa đến ngày nay. Giữ gìn văn hóa là điều tốt đẹp, thiết thực và cần phải làm ngay trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

Quá trình toàn cầu hóa vừa xúc tiến các dân tộc tiến tới một sự đồng nhất về mọi mặt vừa tạo ra những giá trị phổ quát cho nhiều quốc gia, nhiều dân tộc, mang lại cho các dân tộc những điều kiện và cơ hội tốt để phát huy và phát triển những giá trị riêng, độc đáo, đặc trưng của dân tộc mình. Nghĩa là các nền văn hóa của các dân tộc tồn tại vừa đa dạng và vừa thống nhất.

Nếu chúng ta biết giữ gìn văn hóa dân tộc, tâm hồn mỗi người sẽ trở nên giàu có, hướng thiện, vốn sống được tăng lên, hiểu rõ hơn về nguồn cội, quê hương và những tri thức mới lạ trên thế giới. Một xã hội giữ gìn được văn hóa sẽ là một xã hội văn minh.

Nếu chúng ta không biết giữ gìn văn hóa, tâm hồn mỗi người sẽ trở nên khô khan, vốn kiến thức về cuộc sống sẽ bị hạn hẹp, dẫn tới những nhận thức lệch lạc, không đúng đắn. Một xã hội không giữ gìn được văn hóa, không giữ gìn được những điều tốt đẹp cha ông để lại sẽ là một xã hội trống rỗng, không thể phát triển lâu bền nếu quên mất đi nguồn cội tốt đẹp của mình.

Thời gian qua, ở nước ta đã diễn ra không ít sự đảo lộn các giá trị văn hóa, trong đó các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống như trọng tình nghĩa, ưu tiên về mặt đạo đức, vị tha, trung thực,… bị lấn lướt, xâm hại, sự lên ngôi của những giá trị ngoại lai, xa lạ trong một bộ phận quần chúng, sự lộn xộn, lúng túng, bị động, không bình yên trong đời sống tinh thần, trong lối sống và thị hiếu, trong đạo đức, đặc biệt những biến động phức tạp của các lĩnh vực tâm linh, tôn giáo,…

Một số giá trị văn hóa ngoại lai, lệch lạc không ngừng xâm nhập vào đời sống văn hóa Việt Nam. Lối sống tiêu thụ, hưởng thụ, khát vọng tiền tài, tư tưởng kỹ trị và vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự sùng ngoại và đua đòi những lối sống và thị hiếu thấp kém, xa lạ, không phù hợp với dân tộc, những tệ nạn xã hội nguy hiểm như ma tuý, mại dâm,… âm thầm len lỏi, tác động đến đời sống văn hóa nhận dân, đặc biệt là giới trẻ.

Nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng quá nặng nề, dẫn đến những hành động quá mức, thậm chí là lệch lạc, sai trái (tâm lí sính ngoại, sống quá “ thoáng”,v..v). Những người trẻ đang dần quên mất những giá trị văn hóa tốt đẹp. Họ không biết cách cư xử có văn hóa, sử dụng những từ ngữ, cách nói, cách viết làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Trước thực trạng đó, yêu cầu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là hết sức cần thiết, gian nan. Mặc dầu đã có sự chuẩn bị, song chúng ta chưa lường hết được tác động phức tạp của quá trình toàn cầu hóa, vì vậy, văn hóa truyền thống của chúng ta đang chịu những sức ép, sự va đập mạnh và sâu, đang đứng trước những thử thách gay gắt chưa từng có.

Cần làm gì để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc?

Muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc trong thời đại ngày nay, không gì quan trọng bằng việc giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa còn phổ biến trong nhân dân; sưu tầm, tìm kiếm và khôi phục các giá trị văn hóa quý báu đang dần mai một nhưng có tác động to lớn đối với đời tinh thần và văn hóa của nhân dân. Khuyến khích các địa phương giữ gìn và phát triển các hoạt động văn hóa. Những giá trị văn hóa nào tích cực, có tác động thiết thực đến đời sống thì quyết phải giữ gìn. Những giá trị văn hóa nào đã lạc hậu, không còn phù hợp thì dũng cảm bỏ đi. Trong thời đại quốc tế hóa cao, cần sàng lọc ngay chính trong nền văn hóa của mình để tiến đến hòa hợp với văn hóa thế giới.

Tích cực tăng cường sự hợp tác quốc tế về văn hóa, qua đó làm tốt hơn, có hiệu quả hơn nhiệm vụ “giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài”, tạo nên sự đồng cảm, hiểu biết và xích lại gần nhau hơn nữa giữa dân tộc ta và các dân tộc trên thế giới. Tăng cường vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, giúp nhân dân thế giới hiểu rõ hơn, đúng hơn về văn hóa, con người và đất nước Việt Nam.

Để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa, trước những thách thức và tác động phức tạp của mặt trái toàn cầu hóa trên lĩnh vực văn hóa, chúng ta sẵn sàng và chủ động mở cửa, hội nhập, hòa mình vào xu thế chung của thế giới hiện đại, đồng thời đứng vững trên những nguyên tắc quan trọng, làm cơ sở cho việc tranh thủ thời cơ, vượt qua trở ngại, thách thức và tự lực, chủ động xây dựng văn hóa dân tộc bằng sức mạnh, bản lĩnh, cốt cách của chính dân tộc ta. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác.

Nâng cao bản lĩnh văn hóa của dân tộc ta trong quá trình thực hiện giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế. Mục đích của hội nhập và giao lưu để vừa bảo vệ, làm bền vững hơn các bản sắc văn hóa, vừa làm phong phú hơn, giàu có hơn, hiện đại hơn bản sắc đó và toàn bộ nền văn hóa của chúng ta. Giữ vững chủ quyền và bản sắc văn hóa dân tộc, làm đậm đà hơn cốt cách, tâm hồn dân tộc trong quá trình, giao lưu, tiếp nhận.

Nuôi dưỡng và phát huy những giá trị văn hóa của chính mình, vừa biết tiếp nhận, chọn lọc những giá trị tốt đẹp của nhiều nền văn hóa khác, làm phong phú cho mình bằng những giá trị của nhiều nền văn hóa trên thế giới, cả Đông và Tây, cả gần và xa,… Tiếp tục phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa chân chính của dân tộc như khát vọng hướng thiện, tình yêu thương con người, khát vọng đạo đức của văn hóa bản địa tuy mộc mạc mà sâu xa của con người Việt Nam, tạo nên những chuẩn mực vững bền về đạo đức của văn hóa truyền thống, được thể hiện từ trong gia đình, làng xóm đến cộng đồng và đất nước.

Chống lại chủ nghĩa xâm lược văn hóa, thuyết âm mưu, quyết liệt loại bỏ những yếu tố văn hóa ngoại lai, không phù hợp và trái với văn hóa dân tộc, với khát vọng vì sự phát triển của con người Việt Nam thời kỳ hiện đại, từ đó, chúng ta kiên quyết “ngăn ngừa sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy” từ bên ngoài vào nước ta. Chống lại sự áp đặt văn hóa của các nước lớn, phê phán và khắc phục căn bệnh tự ti, bắt chước, lai căng, hoa mắt trước một số sản phẩm văn hóa của nước ngoài.

Các bạn trẻ, hãy sống với chính bản lĩnh văn hóa của dân tộc mình. Không có nền văn hóa nào là tối thượng, cũng không có nền văn hóa nào thấp kém, tất cả đều bình đẳng với nhau. Văn hóa không phải là cái mà chúng ta đã học được, ấy là cái gì còn lại sau khi chúng ta đã quên tất cả những điều đã học. Cái còn lại cho ta đó là tư tưởng, là đạo nghĩa, là thị hiếu và quan niệm, nó làm tăng gia và cao nhã cái ý thức của chúng ta về cuộc đời.

  • Kết bài:

Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân. Tiếp thu những văn hóa mới lạ là điều cần thiết, nhưng hơn tất cả phải giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc, không được để mất đi những giá trị tốt đẹp của cha ông để lại, nhất là trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều những mối đe dọa đang rình rập đối với đất nước.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: Ý thức kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc - Theki.vn
  2. Suy nghĩ về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của tuổi trẻ ngày nay - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.