Nghị luận: Xuân Diệu đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn kết thân với con người có hình thức phương xa ấy…

nghi-luan-xuan-dieu-da-toi-giua-chung-ta-voi-mot-y-phuc-toi-tan-va-chung-ta-da-rut-re-khong-muon-ket-than-voi-con-nguoi-co-hinh-thuc-phuong-xa-ay

Nghị luận: “Xuân Diệu đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn kết thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi ta cũng quen dần, vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng” (Hoài Thanh)

1. Ý nghĩa câu nói của Hoài Thanh:

– Xuân Diệu đến với thơ ca và có những đóng góp mới mẻ về thi pháp với những cách tân nghệ thuật giàu sáng tạo . Nhưng sự cách tân của Xuân Diệu vẫn có gốc rễ rất sâu trong thư ca truyền thống.

– Xuân Diệu là một trí thức Tây học , đã hấp thụ ảnh hưởng của tư tưởng và văn hoá Pháp .Đối với thơ ca Pháp , ông đặc biệt chịu ảnh hưởng của trường thơ tượng trưng .

– Thơ Xuân Diệu thể hiện quan hệ tương giao giữa các giác quan cùng tính nhạc của thơ . Ông là nhà thơ của niềm khát khao giao cảm với đời. Niềm say mê mùa xuân , tuổi trẻ , tình yêu ở Xuân Diệu đã dẫn đến một cách tân đặc sắc về cảm hứng, thi tứ, bút pháp; xây dựng hình ảnh, cú pháp, nhịp điệu …

+ Trước Cách mạng tháng Tám, đóng góp của Xuân Diệu không phải là ở đề tài mà nét đặc sắc của Xuân Diệu là ở cảm hứng cô đơn. Trước nay là vì thiếu vắng con người , thiếu vắng một cái gì bầu bạn. Tản Đà cô đơn vì “Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông”. Và Nguyễn Bính thì “Cô đơn buồn lại thêm buồn / Tạnh mưa bươm bướm có còn sang chơi”. Nhưng Xuân Diệu thì lại khác , dù có người, có vật, có cảnh bên mình cũng vẫn là “hòn đảo cô đơn” :

Dù tin tưởng chung một đời một mộng
Em vẫn là em , anh vẫn cứ là anh
Có thể nào qua vạn lí trường thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật

(Xa cách)

–  Tình yêu trong thơ Xuân Diệu không diễn tả bóng gió , ước lệ tượng trưng như trước kia mà nói một cách cụ thể , đầy đủ với ý nghĩa tình yêu bao gồm cả tâm hồn và thân xác: “Đây gối lả .Tay em đây , mời khách ngả đầu say”, “Mình em không được quấn chân anh / Sát đôi vai, kề đôi ngực / Trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài”

– Thiên nhiên trong thơ xưa thường được tiếp nhận bằng thị giác , ít nhiều bằng thính giác nhưng Xuân Diệu thưởng thức thiên nhiên không chỉ vậy mà còn cả bằng xúc giác :

Tôi để da tay ý dịu tràn
Gửi vào cây cỏ chút mơn man
Chân trần sung sướng nghe da đất
Tôi nhận xa xôi của dặm ngàn

(Đi dạo)

Và cả bằng vị giác :

“Hương hiu hiu nên gió cũng ngọt ngào”.

Xuân Diệu thường nhân hoá thiên nhiên một cách táo bạo. Nhà thơ gắn cho thiên nhiên những tâm tư, hành động, tâm trạng “rất người” một cách tự nhiên, hợp lí :

“Bữa nay lạnh , mặt trời đi ngủ sớm”
“Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trong cành”
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”

+ Xuân Diệu ảnh hưởng của thơ Pháp thế kỉ XIX về cách diễn đạt , nhịp điệu , cú pháp … nên cách diễn đạt của Xuân Diệu quá mới đối với người đọc Việt Nam lúc bấy giờ :

Hôm nay tôi đã chết trong người
Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi

(Ý thơ )

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

(Đây mùa thu tới)

+ Xuân Diệu cũng lục tìm , sáng chế những từ mới :

“Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc”
“Cành biếc run run chân ý nhi”
“Em vui đi răng nở ánh trăng rằm”

– Nhưng sự cách tân của Xuân Diệu vẫn có nguồn gốc của thơ ca truyền thống mà Hoài Thanh gọi đó là “tình đồng hương vẫn nặng”. Bởi lẽ Xuân Diệu là con của một ông tú kép nên có điều kiện tiếp xúc và sớm hiểu biết văn chương cổ điển. Bản thân Xuân Diệu hấp thụ một cách tự nhiên ảnh hưởng của nền văn hoá truyền thống trong quá trình học tập , sinh sống (ông từng học ở Qui Nhơn, Huế, Hà Nội và có thời gian công tác ở Mĩ Tho ). Ông tìm đến thơ ca hiện đại Pháp vì nó có khả năng diễn tả chân thực những khát khao mãnh liệt của lòng mình nhưng Xuân Diệu vẫn gắn bó với thơ ca dân tộc :

+ Có lúc những từ ngữ Xuân Diệu chọn lựa thật giản dị, mộc mạc :

Anh bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững thững chẳng theo gần
Vô tâm nhưng giữa bài thơ lạ
Anh với em như một cặp vần

(Thơ duyên)

+ Những biện pháp tu từ thường thấy trong thơ ca truyền thống :

Cách dùng điệp ngữ , điệp từ :

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sắp già”
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”

(Vội vàng)

Có lúc phát huy tối đa từ láy trong vốn từ tiếng Việt: “Những luồng run rẩy rung rinh lá”

2. Nhận xét

– Nhận định của Hoài Thanh là xác đáng, nhà phê bình đã thấy được ở nhà thơ Xuân Diệu – một nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Bên cạnh những nét mới lạ, có vẻ rất phương Tây là một “tình đồng hương vẫn nặng” nghĩa là vẫn rất Việt Nam. Đây chính là nét độc đáo của Xuân Diệu nói riêng và của phong trào Thơ mới nói chung.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.