Nghị luận: Ý nghĩa của tinh thần tự học đối với mỗi con người

nghi-luan-y-nghia-cua-tinh-than-tu-hoc-doi-voi-moi-con-nguoi

Nghị luận: Ý nghĩa của tinh thần tự học đối với mỗi con người

  • Mở bài:

Học tập chính là hoạt động tiếp thu tri thức của mỗi cá nhân, là tiền đề quan trọng dẫn tới sự phát triển ở mỗi con người. Quá trình học tập bao gồm học tại trường, lớp, ở những giai đoạn nhất định của cuộc đời và tự học suốt cả cuộc đời mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Trong học tập, cần kết hợp cả học tập ở trường, ở lớp và tự học.

  • Thân bài:

Bản chất của tự học là một quá trình học tập không trực tiếp có người giảng dạy. Tự học là lao động khoa học, vất vả bởi người học phải độc lập xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập, tự tìm hiểu, phân tích những kiến thức trong sách vở, tài liệu để tiến tới làm chủ tri thức. Nếu thiếu sự kiên trì, lòng quyết tâm và sự nghiêm túc của bản thân, thì sẽ không thể thực hiện được kế hoạch học tập do mình đặt ra. Chính việc tự học sẽ giúp mỗi người nhớ lâu và vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích vào cuộc sống.

Không trường lớp nào dạy cho con người đầy đủ các kiến thức, một phần lớn chúng ta học được từ trong đời sống, trong công việc hàng ngày. Không ai dạy cho Newton cách tìm thấy định luật Vạn vật hấp dẫn. Cũng không ai dạy cho Edison cách tạo ra bóng đèn. Họ đã sáng tạo dựa trên những kiến thức thu nhặt được trong quá trình kiên trì với đề tài nghiên cứu. Nếu không biết tự học, có lẽ không có sáng tạo vĩ đại nào được tạ nên.

Tự học còn giúp cho mỗi người trở nên năng động, sáng tạo, không phụ thuộc vào người khác, từ đó chúng ta sẽ hạn chế được những khuyết điểm và hoàn thiện bản thân. Càng cố gắng tự học, con người càng trau dồi được nhân cách và tri thức. Để việc tự học đạt kết quả tốt, mỗi người cần phải xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Việc học không chỉ có ở nhà trường, có lên lớp mới học tập… mà trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều phải học tập lẫn nhau. Ai cũng phải học, không kể người sang hay hèn; giàu hay nghèo; không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, dân tộc… Khi đã xác định việc học là một nhu cầu thì tự giác ai cũng phải học.

Một học sinh biết tự học sẽ luôn khao khát tìm hiểu mọi kiến thức có liên quan. Nếu yêu văn học, sau khi học xong một tác phẩm hay, họ sẽ tìm đọc những tác phẩm tương tự để mở rộng hiểu biết. Nếu yêu cây cối, sau khi học xong bài học ở lớp, về nhà, họ sẽ tập trồng cây và say mê quan sát. Kiến thức có được từ tự học còn quý giá và đáng tin cậy hơn bất cứ sách vở nào.

Trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, nếu thấy cái gì học cái ấy thì chúng ta chỉ thu được một mớ kiến thức hỗn tạp, không có tác dụng với chính người học và cũng không đủ thời gian để học, hiểu hết tất cả. Do đó, ngoài việc học ở nhà trường theo chương trình quy định, chúng ta phải căn cứ vào trình độ nhận thức, công việc đang đảm nhiệm và vị trí của bản thân để lựa chọn những điều cơ bản, thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác đang đảm nhiệm hoặc nhu cầu của mình để học.

Hơn nữa, vấn đề cốt lõi nhất của việc tự học là để nâng cao hiểu biết và để áp dụng những kiến thức đó vào làm việc, “học phải đi đối với hành”. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Học những điều quá cao xa, không sát thực tế công việc chuyên môn của bản thân trong khi thời gian dành cho tự học quá ít, việc học đó cũng chỉ để “trang trí”, cho “oai” mà thôi.

Chúng ta phải học tập với thái độ nghiêm túc, hết sức khiêm tốn, thật thà, biết đến đâu nói đến đó, không được tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Cần nghiêm khắc phê phán tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cao, tự đại, cho mình là giỏi nhất thiên hạ.

Tính khiêm tốn yêu cầu người ta không được thỏa mãn với vốn kiến thức và thành tích đã đạt được. Trong khi học “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Học tập phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem có hợp với thực tế không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”.

Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng. Phương pháp tự học của Bác Hồ là: Muốn nâng cao kiến thức trong quá trình tự học, mỗi người cần phải biết cách tận dụng triệt để thời gian và những điều kiện, phương tiện có sẵn trong xã hội, như thư viện, câu lạc bộ, sách báo, viện bảo tàng, các buổi nói chuyện, hội thảo,…

Ngoài ra, mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn chỉ bảo của bạn bè, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học ở mọi lúc, mọi nơi, học trong khi giao thiệp, trong công việc hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong kinh nghiệm thành công cũng như thất bại và học trong công tác vận động quần chúng. Cuộc sống là một trường học thực tế sinh động, là nơi để “thực hành” những điều đã học. Mỗi ngày phải học hỏi thêm được những điều mới mẻ.

Học phải đi dôi với hành. Học đến đâu, luyện tập và thực hành đến đó. Trong lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm, đúc kết kiến thức từ thực tiễn, và phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Song tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một sự ngẫu hứng, tùy ý mà việc tự học của Người đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật, một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.

Con người luôn ý thức về tương lai, chú trọng năng lực suy nghĩ, năng lực lý giải cho tương lai của mình. Để có được những năng lực ấy, mỗi người phải học tập không ngừng, học tập liên tục, học tập suốt đời thông qua nhiều hình thức, nhưng tự học là điều rất quan trọng. Vấn đề tự học trở thành một yêu cầu cấp bách, bắt buộc đối với con người. Thậm chí tự học quyết định sự thành bại của từng người trước những đòi hỏi ngày càng cao của nền sản xuất, của xã hội.

  • Kết bài:

Trong tình hình hiện nay khi cuộc cách mạng khoa học – công nghệ 4.0 đang phát triển nhanh chóng, đòi hỏi mỗi người cần phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những biến đổi của xã hội, nếu không sẽ bị tụt hậu.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về tinh thần tự học trong xã hội hiện đại - Thế Kỉ

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.