Nguồn gốc vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt và những sáng tạo của Lưu Quang Vũ

nguon-goc-vo-kich-hon-truong-ba-da-hang-thit-va-nhung-sang-tao-cua-luu-quang-vu

Nguồn gốc vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và những sáng tạo của Lưu Quang Vũ

Tác giả Lưu Quang Vũ (1948- 1988). Lưu Quang Vũ thoạt đầu được nhiều người biết đến với tư cách nhà thơ. Nhưng về sau, ông gây được tiếng vang và đặc biệt được biết tới một với tư cách một nhà viết kịch tài ba. Những năm tám mươi, kịch của Lưu Quang Vũ đã chiếm lĩnh sàn diễn của rất nhiều nhà hát.

Lưu Quang Vũ mang khát vọng được bày tỏ, muốn được thể hiện tâm hồn mình vào thế giới xung quanh, muốn được tham dự vào dòng chảy mãnh liệt của đời sống, được trao gửi và dâng hiến. Khi đất nước bước vào thời kì vận động đổi mới, ý thức dân chủ trong đời sống xã hội đã ùa vào văn học. Hiện thực được phản ánh mang tính đa diện, đa chiều. Số phận con người, vấn đề cá nhân được khám phá, thể hiện đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Khát vọng được tham dự, được trao gứi. dâng hiến, khát vọng về cái đẹp, cái thiện, về sự hoàn thiện nhân cách con người vừa là ý thức công dân vừa trớ thành nhiệt hứng nghệ sĩ ờ Lưu Quang Vũ. Lúc ấy, viết kịch chính là hình thức có điều kiện tham dự “xung trận” trực tiếp.

Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 kịch bản sân khấu, phần lớn đã được dàn dựng. Vở Hồn Trương Ba da hàng thịt của Ông đã được nhiều đoàn văn công dàn dựng, công diễn hàng trăm buổi trong nước, rồi vươn ra tận Nga và Mỹ. Ông đã trở thành một nhà viết kịch tài năng được đông đảo công chúng mến mộ.

Ý nghĩa tác phẩm:

Hồn Trương Ba, da hàng thịt được Lưu Quang Vũ viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới công diễn. Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc.

Ý nghĩa tư tưởng: Qua đoạn trích, Lưu Quang Vũ đã truyền đi bức thông điệp: Được sống làm người quí giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mà mình vốn có càng quí giá hơn. Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được sống theo lẽ tự nhiên, hài hoà thể xác và tinh thần . Con người phải biết luôn đấu tranh với nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quí.

Nguồn gốc vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Hồn Trương ba, da hàng thịt là một câu chuyện không mấy tiêu biểu cho thi pháp cổ tích nếu đặt bên cạnh những Tấm cám, Cây tre trăm đốt, Thạch Sanh… Tuy nhiên, từ góc nhìn tự sự, người ta cũng dễ dàng nhận diện những yếu tố cơ bản tạo nên sắc thái cổ tích cho tác phẩm: Đó là nhân vật, tình huống, diễn biến cốt truyện, phép mầu mang đến may mắn cho con người… Và mặc dù câu chuyện dân gian này còn phảng phất dấu ấn sáng tác bởi các cụ đồ Nho, nhân vật vua cờ Đế Thích vẫn có thể được coi là một kiểu “Bụt”, “Tiên” giáng thế để cứu vớt, bù đắp cho những mất mát, đau thương cho trần giới. Câu chuyện mở đầu bằng một cuộc cờ và kết thúc bằng một “phép tiên” cải tử hoàn sinh – một mơ ước ngàn lần không tưởng của con người.

Sáng tạo của Lưu Quang Vũ:

Khác với văn bản tự sự cổ tích xoay quanh câu chuyện chỉ vẻn vẹn vài nhân vật: ông Trương Ba, vợ ông Trương Ba, Tiên Đế Thích, người bạn cờ, anh hàng thịt, vợ anh hàng thịt và quan toà; “thế giới” nhân vật trong tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ có sự hiện diện của rất nhiều nhân vật khác “châu tuần” chung quanh nhân vật chính: Nam Tào, Bắc Đẩu; anh con trai, chị con dâu, cháu nội ông Trương Ba; Lý trưởng, Trương Tuần, Lái lợn 1, lái lợn 2… Chính họ là những phía đối lập của xung đột, can dự, chi phối đẩy cốt truyện kịch lên cao trào và tạo nên bi kịch lạ lùng cho số phận Trương Ba. Tương tự như vậy, các yếu tố không gian, thời gian trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ cũng trở nên đa chiều hơn.

Đặc biệt là ngôn ngữ nhân vật, (chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại) – một hình thức đặc thù của văn bản kịch – đã được vận dụng một cách hiệu quả và sáng tạo trong một tác phẩm được coi là “để đời” của một nhà viết kịch tài năng và thuộc một thể loại kể chuyện bằng ngôn ngữ đối thoại và “tất cả mọi vấn đề xung quanh hình tượng” đều nằm trong lời ăn tiếng nói của nhân vật.

Điều đặc biệt thứ ba chính là khi câu truyện cổ tích khép lại cũng chính là lúc vở kịch của Lưu Quang Vũ mới mở ra đầy mâu thuẫn, xung đột, đòi hỏi phải được giải quyết.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích màn đối thoại giữa hai nhân vật Trương Ba và Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt của của Lưu Quang Vũ - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.