Qua bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện cái đẹp… Dấu hiệu và bằng chứng của nhà thơ là ở chỗ anh ta nói được những lời người khác chưa từng nói.

nha-tho-la-nguoi-phat-ngon-nguoi-dat-ten-nguoi-dai-dien-cai-dep-dau-hieu-va-bang-chung-cua-nha-tho-la-o-cho-anh-ta-noi-duoc-nhung-loi-n

Qua bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện cái đẹp… Dấu hiệu và bằng chứng của nhà thơ là ở chỗ anh ta nói được những lời người khác chưa từng nói.

Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

– Khái quát vai trò, trách nhiệm của nhà văn đối với việc sáng tạo tác phẩm.

– Trích dẫn ý kiến: Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện cái đẹp … Dấu hiệu và bằng chứng của nhà thơ là ở chỗ anh ta nói được những lời người khác chưa từng nói.

– Sang thu thể hiện sâu sắc.

  • Thân bài:

1. Giải thích nhận định:

Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện cái đẹp: nhà thơ là người phát hiện, người sáng tạo cái đẹp.

Dấu hiệu và bằng chứng của nhà thơ là ở chỗ anh ta nói được những lời người khác chưa từng nói: phần còn lại của nhận định đã khẳng định sáng tạo văn chương không phải là những người thợ khéo tay, chỉ làm theo một vài khuôn mẫu đưa cho, mà người nghệ sĩ phải tìm tòi, phát hiện ra những cái mới, nói như Nam Cao chính là: “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”

→ Nhận định đã nói lên vai trò trách nhiệm của nhà văn đối với việc sáng tạo tác phẩm.

2. Bàn luận.

Vì sao trong nghệ thuật văn chương cần phải sáng tạo?

– Trong bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là văn chương sáng tạo là điều vô cùng quan trọng, bởi sáng tạo mới làm ra chất riêng, phong cách riêng và từ đó mới làm nên thương hiệu của mình.

– Nếu văn chương chỉ là sự rập khuôn, sáo rỗng thì đó chỉ là bản sao không hoàn chỉnh.

– Sáng tạo nghệ thuật là quá trình lào động vất vả, đòi hỏi sự nghiên cứu tỉ mỉ, nghiêm túc của nhà văn. Bởi vậy, không có sáng tạo trong văn chương tức là tác phẩm đó đã chết.

Làm sáng tỏ nhận định qua phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.

– Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giản dị mà tinh tế, nhẹ nhàng nhưng giàu cảm xúc, thiên về cảm nhận vẻ đẹp tự nhiên, thanh bình của thiên nhiên đất nước và cuộc sống.

– Tác phẩm Sang thu được sáng tác gần cuối năm 1977, thời kì đất nước vừa hòa bình, thống nhất. Bài thơ được in lần đầu trên báo Văn Nghệ, sau đó được in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố” xuất bản năm 1991.

Sự sáng tạo, nét cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về mùa thu:

Trước hết mùa thu được cảm nhận trong không gian gần và hẹp:

– Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ, chỉ với một từ “bỗng” mở đầu bài thơ đã khiến ta cảm nhận thu đến thật bất ngờ, đột ngột, không hẹn trước.

– Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu thật độc đáo: Không phải từ cây ngô đồng (Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu); không phải từ bầu trời xanh (Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt – Nguyễn Khuyến), từ hương cốm mới (Gió thổi mùa thu hương cốm mới – Nguyễn Đình Thi) mà từ hương ổi thứ hương thơm dân dã, muộc mạc, đặc trưng của các làng quê Bắc Bộ lúc cuối hạ đầu thu. Đây chính là nét mới, sự phát hiện độc đáo và đầy tinh tế của Hữu Thỉnh.

– Trong “gió se” gió thu se lạnh hơi khô, thứ hương thơm ấy càng như sánh lại, luồn vào trong gió. Cách sử dụng động từ mạnh “phả” chứ không phải lan, tỏa, bay trong gió, được gió đưa đi, đánh thức cả một không gian làng quê yên bình.

– Cùng với hương ổi, gió se, tín hiệu sang thu còn là sương thu lãng đãng: “sương chùng chình qua ngõ”. Những hạt sương thu ươn ướt mềm mại giăng màn qua ngõ. Mùa thu lại về, mùa thu mang theo hương quê và sương mờ ướt lạnh. Sương được nhân hóa qua từ láy “chùng chình” đầy tâm trạng, chùng chình như chờ đợi điều gì đây? “Chùng chình” còn gợi màn sương li ti giăng mắc nơi đường thôn ngõ xóm. Phép nhân hóa còn khiến ta cảm nhận màn sương như dùng dằng, như cố ý chậm lại, nửa sang thu nửa còn như luyến tiếc mùa hạ. “Ngõ” ở đây vừa là ngõ thực, vừa có thể là cửa ngõ sang mùa.

– Ta thấy tác giả đã huy động mọi giác quan (khứu giác, xúc giác, thị giác) để cảm nhận những tín hiệu báo thu sang nhưng nó rất mơ hồ, mờ ảo, nhẹ nhàng nên nhà thơ vẫn băn khoăn tự hỏi: “Hình như thu đã về?”. Tình thái từ “hình như” với câu hỏi tu từ khiến ta cảm nhận tâm trạng hoài nghi, cái giật mình bối rối của nhà thơ.

Khổ 1 bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã diễn tả cảm xúc ngỡ ngàng, bâng khuâng của tác giả khi đón nhận sứ giả đầu tiên của mùa thu.

Không chỉ vậy, ông còn cảm nhận mùa thu trong không gian dài, cao và rộng:

– Cái bỡ ngỡ ban đầu tan biến đi nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu. Nếu như ở khổ 1, bài Sang thu của Hữu Thỉnh, tín hiệu thu sang mới chỉ là những gì vô hình, mờ ảo thì sang khổ 2, những dấu hiệu của mùa thu đã rõ nét và hữu hình hơn.

– Bức tranh Sang thu được Hữu Thỉnh miêu tả ở tầm nhìn cao hơn, xa rộng hơn đó là không gian bầu trời, dòng sông.

– 2 câu thơ đầu có cấu trúc đối, nhịp nhàng với những động thái trái ngược nhau nhưng rất đặc trưng cho mùa thu: “Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã”, thiên nhiên được nhân hóa vừa có hồn, vừa có tình.

+ Dòng sông lúc sang thu không còn cuồn cuộn, gấp gáp như trong những ngày hè mưa lũ mà dềnh dàng thong thả, lững lờ trôi như còn ngẫm ngợi, suy tư.

+ Đối lập với dòng sông ấy là cánh chim, những cánh chim bắt đầu vội vã, chuẩn bị cho chuyến di trú tránh rét hay cũng có thể nó vội vã về tổ lúc chiều hôm chứ không còn nhởn nhơ, rong chơi như những ngày hè.

→ Phải tinh tế lắm, Hữu Thỉnh mới nhận ra được cái “được lúc” của dòng sông và cái “bắt đầu” của cánh chim. Ý thơ thấp thoáng cảm xúc của lòng người sang thu.

– Hai câu thơ sau mới là bức tranh tuyệt đẹp về mùa thu, một sáng tạo của tác giả.

“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

+ Thu đang ở nơi cửa ngõ của mùa vì thế đám mây mùa hạ mới chỉ vắt nửa mình. Cách sử dụng từ “mình” khiến câu thơ thêm ý vị, nhẹ nhàng, duyên dáng. Đám mây như một dải lụa bồng bềnh vắt nửa mình sang trời thu. Đây có thể xem là hình ảnh liên tưởng sáng tạo, độc đáo nhất trong bài thơ

+ Thật sáng tạo khi Hữu Thỉnh dùng một hình ảnh của không gian để diễn tả sự vận động của thời gian. Mây là thực, còn gianh giới mùa là ảo. Cách diễn đạt này khiến bầu trời như nhuộm nửa sắc thu để đến một lúc nào đó nó sẽ là bầu trời thu

Khổ 2, hạ đã nhạt dần, thu đậm nét hơn, phép nhân hóa khiến cảnh vật và lòng người đang bước vào mùa thu và dường như còn quyến luyến mùa hạ.

Bằng cảm quan tinh tế, bằng sự nghiêm cứu nghiêm cẩn và óc sáng tạo của một người nghệ sĩ, Hữu Thỉnh đã sáng tạo nên một bức tranh mùa thu thật đẹp và cũng thật độc đáo. Lần đầu tiên trong văn học dân tộc, mùa thu lại được cảm nhận ở những thứ bình dị, gần gũi mà cũng hết sức tinh tế đến vậy. Bên cạnh đó là việc sử dụng ngôn từ đặc sắc, các kết hợp từ lạ cũng là điểm làm nên nét đẹp nổi bật cho bài thơ.

  • Kết bài:

– Sáng tạo nghệ thuật là vấn đề muôn thuở của các nhà thơ, nhà văn. Chỉ có sáng tạo mới làm nên một tác phẩm văn học đích thực.

– Điều đó đã đặt ra yêu cầu nơi người sáng tác đó là cần lao động nghiêm túc, không ngừng tìm tòi, đổi mới để không lặp lại chính mình và lặp lại người khác.

Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.