Nhân đạo là một trong hai cảm hứng chủ đạo xuyên suốt nền văn học Việt Nam. Em hãy làm rõ cảm hứng nhân đạo qua truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.

nhan-dao-la-mot-trong-hai-cam-hung-chu-dao-xuyen-suot-nen-van-hoc-viet-nam-em-hay-lam-ro-cam-hung-nhan-dao-qua-truyen-ngan-chi-pheo-cua-nha-van-nam-cao

Nhân đạo là một trong hai cảm hứng chủ đạo xuyên suốt nền văn học Việt Nam. Em hãy làm rõ cảm hứng nhân đạo qua truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.

  • Mở bài:

“Thiên chức của nhà văn là gieo chủ nghĩa nhân đạo sáng ngời chân lí đến từng con người trên Trái Đất” (A-ma-tốp). Hiểu được điều này, nhà văn Nam Cao với ngòi bút sắc xảo của mình đã làm cho tư tưởng nhân đạo được loé sáng trong truyện ngắn Chí Phèo, qua đó nhà văn thể hiện tấm lòng xót thương, chia sẻ với bi kịch của người nông dân đồng thời lên tiếng tố cáo những thế lực phong kiến đã trà đạp, cướp đi quyền sống của con người. Và cao cả hơn thế là sự đề cao, trân trọng với những vẻ đẹp, phẩm chất tốt đẹp trong con người của họ. Đó chính là cội rễ, mạch nguồn sâu xa của giá trị tinh thần nhân đạo chân chính.

  • Thân bài:

Trong quá trình hoàn thiện nhân cách của con người, trong cuộc đấu tranh để phát triển chính nghĩa của nhân loại, trong hành trình vươn tới sự hoàn mĩ, văn học không chỉ là tiếng nói tri âm của con người mà nó còn là một phương tiện, một giải pháp để con người bộc lộ trọn vẹn bản thân mình. Văn học từ xưa đến nay có sứ mệnh giải thoát con người khỏi những ấm ức của xúc cảm bị kìm nén. Và chỉ khi đến với văn chương, sống trong thế giới của văn chương con người mới có thể bộc lộ trọn vẹn nhất mà cũng cụ thể, tỉ mỉ nhất tất cả những khát vọng “đang ngấm ngầm diễn ra” trong lòng mình. Trong dòng văn học hiện thực phê phán ở nước ta cách mạng tháng Tám năm 1945, tình cảnh bi thảm của người nông dân nghèo trong xã hội phong kiến mục rũa, thối nát là một đề tài rất phổ biến.

Ở mỗi người Việt Nam, dù thuộc tầng lớp nào, cũng có một người nông dân. Có lẽ vì thế mà nhiều cây bút đã viết rất hay, rất sâu sắc về người nông dân. Nổi bật lên như một nhà hiện thực chủ nghĩa xuất sắc, một nhà nhân đạo chủ nghĩa có tư tưởng nhân đạo lớn lao, tên tuổi Nam Cao đã gắn liền với tác phẩm cùng tên Chí Phèo được hoàn thành năm 1941. Tác phẩm là tiếng nói riêng của nhà văn, nhưng dù hồ hởi, hân hoan hay điềm đạm, thâm trầm; dù thảng thốt, day dứt hay dữ dội, mãnh liệt thì cũng đều da diết, khắc khoải trước một thực tại chưa bao giờ bằng lòng. Nhờ “tiếng kêu” ấy, “Chí Phèo” mang trong mình những giá trị lớn lao và sức sống bất diệt. Tạo nên những nốt nhạc thăng trầm hoà vào bản nhạc chung của số phận con người trong cuộc sống, trong môi trường “ngột ngạt” của xã hội phong kiến xưa.

Điều gì đã làm cho Nam Cao được nhắc đến nhiều hơn cả so với các nhà văn cùng thời trong khi đến với đề tài người nông dân, Nam Cao là người đến muộn? Trên cái mảnh đất người ta đã đào xới rất kĩ rồi, ông còn tìm tòi được gì mới mẻ đây! Đây quả là một thử thách rất khắc nghiệt đối với một cây bút đòi hỏi nghề văn phải là một nghề sáng tạo? Nhưng Nam Cao đã vượt qua thử thách ấy một cách thật là vinh quang. Câu trả lời chính là tư tưởng nhân đạo. Không giống như Vũ Trọng Phụng viết “Giông tố”, “Vỡ đê” (1936), Ngô Tất Tố viết “Tắt đèn” (1937), Nguyễn Công Hoan với “Bước đường cùng” (1938). Nam Cao với ngòi bút đầy lòng trắc ẩn của mình đã tái hiện lại hiện thực trần trụi không chút tô vẽ với một tấm lòng chan chứa tình yêu thương chân thành, sâu sắc dành cho con người. Bởi vậy, người đọc luôn thấy những tác phẩm của Nam Cao có sức hấp dẫn hơn cả.

Cảm hứng là nguồn gốc trực tiếp của sáng tạo nghệ thuật. Đó là trạng thái tình cảm, cảm xúc cao độ, tròn đầy, đòi hỏi phải có sự tự biểu hiện trong hình thức nghệ thuật. Nhưng cảm hứng ấy chỉ thực sự xuất hiện và chiếm lĩnh tâm hồn tác giả khi có cảm xúc, tình cảm đạt đến độ mãnh liệt và có nhu cầu vượt ra khỏi thực tại, biểu hiện những khát vọng mạnh mẽ hướng tới cuộc sống tròn đầy trong thế giới ước mơ, tưởng tượng. Nam Cao sống trong xã hội thiếu thốn về mặt vật chất, tăm tối về mặt tinh thần, bất công về mọi mặt như vậy, hơn ai hết, con người nhạy cảm đó đã thấu hiểu sự bức bí, ngột ngạt, thiếu sinh khí của xã hội phong kiến đang ngày càng đi xuống đó. Nhưng một điều đáng trân trọng là không bởi thế mà Nam Cao mất đi ý thức cá nhân, lí tưởng sống cao đẹp. Ông luôn trăn trở, xúc động và thương cảm sâu sắc nhất trước vấn đề nhân phẩm con người bị chà đạp, đau đớn trước tình trạng xã hội đoạ đày con người trong sự nghèo đói, vùi dập ước mơ, lẽ sống cao đẹp, làm chết mòn đời sống tinh thần, thậm chí huỷ hoại cả thân xác, nhân cách … của con người. Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao xuất phát từ những tội ác của xã hội phong kiến. Ông đã tố cáo, lên án xã hội đầy rẫy những bất công đó đã đẩy người nông dân vào hoàn cảnh bế tắc, tù túng không lối thoát.

Nói đến cảm hứng nhân đạo là nói đến tình cảm hướng tới con người, bảo vệ quyền làm người của con người. Cảm hứng nhân đạo trong các tác phẩm bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo của người Việt Nam. Nó xuyên suốt quá trình lịch sử văn học, từ cội nguồn văn học dân gian đến văn học hiện đại. Tác phẩm văn học chứa đựng tinh thần nhân đạo phải cất lên tiếng căm phẫn, tố cáo các thế lực chà đạp lên quyền sống của con người. Hình tượng nghệ thuật, cảm hứng, cảm xúc, giọng điệu, lời văn … sẽ là những phương tiện chính giúp con người hiểu rõ hơn nguồn cảm hứng mà nghệ sĩ muốn truyền tải đến.

Mặt khác, tư tưởng nhân đạo của nhà văn còn được thể hiện thông qua việc ca ngợi, khẳng định vẻ đẹp của con người về các mặt: phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính như quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, quyền công lý, chính nghĩa và niềm tin vào khả năng vươn dậy của con người trong mọi hoàn cảnh khốn cùng. Nói cách khác, bản chất của tinh thần nhân đạo chính là thái độ, cảm xúc của nhà văn trước hiện thực. Văn học Việt Nam từ xưa đến nay luôn coi trọng nội dung nhân đạo và xem đó là chuẩn mực trong sáng tác văn học. Nhìn chung từ những năm 1930 cho đến năm 1975, văn học nước ta đứng trước nhiều cơn bão táp lịch sử, những cuộc chiến tranh trường kỳ và những đổi thay của chế độ xã hội nên mỗi giai đoạn, cảm hứng nhân đạo lại có những biểu hiện giống và khác nhau. Và giá trị nhân đạo những năm 1930 – 1945 thể hiện rõ nét trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

Điều mới mẻ trong tư tưởng nhân đạo của Nam Cao là tìm tòi, đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật, phát hiện và khẳng định nhân phẩm, bản chất lương thiện của họ, ngay cả khi họ bị cướp mất hình hài, nhân phẩm. Đến với thế giới của Chí Phèo, ấn tượng đầu tiên gieo vào lòng người đọc chính là bức tranh đen tối ngột ngạt, bế tắc của nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, đồng thời thức tỉnh lương tri tốt đẹp nhất của con người, khơi dậy lòng căm ghét xã hội cũ thối nát đã chà đạp lên nhân phẩm con người, thương xót, cảm thông với thân phận cùng đinh bị giày vò, tha hoá trong chế độ cũ. Đọc tác phẩm Chí Phèo, người đọc như được sống lại những năm tháng của nông thôn Việt Nam trước cách mạng. Trong đề tài người nông dân ấy, Nam Cao được biết đến với các tác phẩm: Chí Phèo, Một đám cưới, Lão Hạc, Mua danh, Tư cách mõ, Nửa đêm … Nhà văn quan tâm trước hết đến cuộc sống tối tăm thê thảm của những số phận hẩm hiu, bị đè nén áp bức. Nam Cao thường đi sâu vào những trường hợp vì nghèo đói khốn cùng nên người nông dân đã bị lăng nhục một cách tàn nhãn, bất công. Và ông đã kiên quyết đứng về phía của những con người thấp cổ bé họng này để đòi quyền sống và nhân phẩm cho họ.

Viết về quá trình bị tha hoá của người nông dân Việt Nam trong những năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp và Phát xít Nhật, Nam Cao đã tố cáo xã hội tàn bạo huỷ diệt cả thể xác lẫn linh hồn của người nông dân, đồng thời nhà văn cũng trân trọng phát hiện những phẩm chất cao đẹp của họ cho dù họ bị xã hội tàn phá cả hình người và tính người. Điều này chứng tỏ chiều sâu hiện thực và nhân đạo của ngòi bút Nam Cao mà ở đây truyện ngắn Chí Phèo được khẳng định là một kiệt tác. Nếu như đã từng lướt qua thế giới “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, chắc hẳn độc giả sẽ tưởng chừng như không còn gì để nói thêm nữa về nỗi khổ của người nông dân thời trước, ngoài những điều mà “anh Pha” (Bước đường cùng), “Chị Dậu” (Tắt đèn) phải gánh chịu. Vậy mà khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách của Nam Cao, người đọc mới nhận thấy rằng: hoá ra đây mới là kẻ khốn cùng nhất ở nông thôn ta trước cách mạng! Chị Dậu phải bán đi tất cả: bán con, bán chó, rồi bán sữa đi ở vú … người nông dân còn có gì nữa để mà bán! Ấy thế mà Chí Phèo vẫn tìm ra một tài sản để bán, cái tài sản cuối cùng mà chị Dậu chưa phải bán ấy là nhân tính, là hồn người. Mất tài sản này thì con người trở thành quỷ dữ. Chị Dậu khổ cực thế nào nhưng vẫn còn được là người trong khi Chí Phèo phải trở thành một kẻ tha hoá, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại …

Không thấy xuất hiện tiếng trống thúc sưu dồn dập, những tiếng khóc thảm thiết … Nhưng Chí Phèo vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ bởi chính cuộc đời bi kịch của mình. Bi kịch của Thị Nở, Chí Phèo điển hình cho số phận người nông dân trên con đường đời đầy bất công của xã hội cũ. Qua đó ta thấy được ngòi bút nhân đạo của nhà văn trong việc xây dựng hình tượng nhân vật. Bi kịch của Chí Phèo bắt đầu ngay từ khi hắn mới xuất hiện trên cõi đời này. Một đứa bé “trần truồng và xám ngắt” trong một cái váy đụp bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ. Số phận của đứa bé bị trao tay như một món hàng từ tay anh thả ống lươn đến người đàn bà goá mù. Một Chí Phèo bất hạn từ khi đỏ hỏn đã lớn lên, trở thành một thanh niên khoẻ mạnh, chăm chỉ lao động. Nhưng trò đùa số phận lại không dừng lại với hắn. Cơn ghen của Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo tới bi kịch bị từ chối quyền làm người. Nhà tù của chế độ thực dân đã nhào nặn ra một Chí Phèo hoàn toàn khác: “đầu cạo trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm …”

Chí Phèo trở về xã hội với một sự ruồng rẫy. Không ai nói chuyện với hắn. Nhu cầu được giao tiếp tối thiểu cũng không được chấp nhận, bị từ chối, hắn chỉ còn biết chửi đời, chửi người, “chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn”. Những tiếng chửi cất lên trong cơn say ngật ngưỡng chính là tiếng nói khao khát của một con người đang bị xã hội chối bỏ. Những hành động tự huỷ hoại nhân hình cùng những bước trượt dài về nhân cách của Chí đã trở thành minh chứng điển hình của số phận người nông dân trên con đường tha hoá, bần cùng hoá. Chính xã hội tàn ác cùng với nhà tù thực dân đã biến Chí Phèo thành một con người khác, bị đẩy vào con người tha hoá, đánh mất nhân tính và trở thành tay sai đắc lực của Bá Kiến. Hai mươi tuổi, Chí bước vào đời, cuộc đời thực sự với những giông tố không ngừng tắt ấy. Hắn làm canh điền cho nhà Bá Kiến, bị bà Ba vợ Bá Kiến lợi dụng, ghẹo nạt. Rồi đời hắn rẽ ngoặt cũng từ năm hắn hai mươi tuổi. Từ một anh canh điền hiền lành, “hiền như đất”, bóp chân cho bà Ba còn “run run”, Chí hết hạn tù trở về làng với hình hài dị dạng, gớm ghiếc. Chẳng ai còn nhận ra hắn nữa. Quanh người hắn giờ đây không phải là mùi bùn đất, mồ hôi của những người nông dân chất phác nữa, người ta chỉ thấy ở hắn một mùi rượu nồng sặc, kinh tởm. Cái giọng nói của hắn cũng méo mó, biến chất. Hắn nói giọng lè bè của những gã say khướt, hắn phát ngôn ra cái giọng “uống máu người không tanh”. Chí lưu manh, hung dữ từ ngoại hình trở đi. Đời hắn cũng bắt đầu những ngày “phèo” phợt, những ngày lưu mạnh từ đấy.

Phát hiện ra nỗi khổ ấy, Nam Cao đã đem đến cho tác phẩm của mình một sức tố cáo thật sâu sắc mãnh liệt. Đúng vậy, Chị Dậu của Ngô Tất Tố thật là cực khổ đủ đường, nhưng Chị vẫn giữ được nguyên vẹn cả nhân tính lẫn nhân hình. Chí Phèo thì đành để mất tất cả. Chính vì thế mà hắn không được chấp nhận trở lại làm người. Cái bộ mặt đầy sẹo ngang dọc ấy, cái lí lịch đầy tội lỗi và những cơn say triền miên ấy khiến cả làng Vũ Đại, ngoài Thị Nở ra không ai còn có thể tin rằng, trong tâm hồn hắn còn sót lại một chút gì gọi là lương tâm hay nhân tính. Chí Phèo đã rơi vào tấn bi kịch đau đớn nhất – bi kịch bị từ chối quyền làm người.

Chí Phèo ra tù hôm trước, hôm sau tìm đến nhà Bá Kiến để trả thù. Nhưng bao nhiêu hận thù, căm hờn của Chí đành ngủ yên trước lời lẽ ngon ngọt của Bá Kiến. Chí Phèo trở thành tay sai của Bá Kiến, giúp hắn gây chiến với đội Tảo, với những phe cánh khác của làng Vũ Đại. Chí đốt nhà, bắt vật, giết người, rạch mặt ăn vạ, … gây bao oan ức cho cho những người dân lành. “Có lẽ hắn cũng không biết rằng hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, để tác quái cho bao nhiêu dân làng. Hắn biết đâu hắn đã phá biết bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện”. “Bao nhiêu, bao nhiêu” tội ác của hắn đã không thể đếm nổi nữa rồi. Đời hắn chẳng biết bao nhiêu tuổi mà sao hắn đầy đoạ dân làng nhiều đến thế? Và có lẽ nếu Nam Cao không để cho Thị Nở – người đần trong cổ tích bước ra làm bạn với Chí Phèo thì hắn sẽ chẳng bao giờ thức tỉnh.

Ngòi bút nhân đạo của Nam Cao còn dành cho cả những người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ xấu xí như Thị Nở, bị xã hội xa lánh bởi định kiến về nhà có dòng dõi mả hủi. Miêu tả Thị Nở như sự trêu đùa của tạo hoá. Thị Nở xuất hiện như một “con vật rất tởm”, ngoại hình xấu xí, tính tình dở hơi. Nam Cao đi sâu khai thác bi kịch của Thị Nở gây hiệu quả tích cực trong việc thể hiện tư tưởng nhân đạo. Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng, Nam Cao đã bôi nhọ danh dự người nông dân khi xây dựng họ qua hình tượng Chí Phèo và Thị Nở. Bởi một người thì xấu đến ma chê, quỷ hờn còn kẻ kia thì mang dáng hình của một con quỷ dữ. Có thể thấy đó là lời nhận xét vội vàng, chủ quan bởi ngọn nguồn của sự tha hoá này đã chỉ ra rằng: những người nông dân như Chí Phèo vốn có bản tính hiền lành, lương thiện chỉ vì hiện thực quá tối tăm, tủi cực mà họ là nạn nhân của xã hội, trở thành những con người tha hoá và tuyệt vọng như Chí.

Sự xuất hiện của Thị Nở và tấm lòng yêu thương, trân trọng của nhà văn nhất là sau cái đêm chung chạ với Thị đã khiến Chí thức tỉnh, khát khao hoàn lương, khát khao “làm hoà với mọi người”. Thị Nở với tình cảm chân thành, hồn nhiên đã đánh thức phần người lương thiện trong Chí Phèo. Bát cháo hành của Thị Nở đã giải thoát cho Chí, giúp hắn tỉnh rượu, tỉnh người. Hơi cháo hành lấn át cả hơi rượu, khiến Chí phải sợ rượu. Cháo hành hay tình thương mà lần đầu tiên Chí được “cho” bởi một người, lại là người đàn bà, đã khiến hắn thức tỉnh. Lần đầu tiên từ khi ra tù về, Chí thấy cuộc đời xung quanh bình yên quá, vui vẻ quá. Lần đầu tiên Chí “buồn”, lần đầu tiên Chí được người ta “cho” chứ không phải “bố thí”, lần đầu tiên mắt Chí “ươn ướt”. Những giọt nước mắt hoen trên mắt Chí như nguồn nước hiếm hoi người ta tìm thấy giữa sa mạc. Những giọt nước mắt ấy đã chứng tỏ sự thức tỉnh trong Chí.

Bằng tấm lòng cao cả, bằng tình yêu thương dành cho những số phận nhỏ nhoi. Nam Cao đã khám phá, trân trọng và nâng niu những vẻ đẹp và khát vọng thầm kín của những người nông dân, đồng thời cũng đồng tình với ước mơ, nguyện vọng chính đáng của con người, khát khao đổi thay số phận của họ. Trong quan niệm của Nam Cao về nghệ thuật, ông cho rằng văn chương phải nhằm mục đích “ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình …” (Đời thừa). Chính vì thế, Nam Cao phát hiện bên trong sâu thẳm con quỷ dữ ấy là anh Chí hiền lành, lương thiện. Hắn “hiền như đất”, có lòng tự trọng, biết “nhục hơn là thích” khi bị bà Ba bắt bóp chân “mà cứ bóp lên trên”. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã làm đổi thay nhận thức và số phận của Chí Phèo.

Khi được sống năm ngày ngắn ngủi trong tình yêu thương của Thị Nở, phần người còn sót lại trong con người Chí đã được đánh thức. Chí tỉnh táo để nhận ra đã sang bên kia dốc của cuộc đời mà hắn vẫn bơ vơ, hắn nghĩ về tương lai già, đói, và cô độc của mình mà hắn sợ. hắn nhận ra hương sắc và âm thanh của cuộc sống “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng gõ mái thuyền đuổi cá, tiếng của mấy bà đi chợ về” để rồi giấc mơ thời trai trẻ lại sống dậy. Chí đã từng có ước mơ về cuộc sống gia đình “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ ở nhà dệt vải …”. Chí biết xúc động khi thấy Thị Nở chăm sóc cho mình mà bát cháo hành kia như là hiện thân của một câu chuyện cổ tích. Nó mộc mạc, bình dị nhưng cũng kì diệu biết bao. Nó làm thức tỉnh phần Người bị khuất nấp bấy lâu trong dáng hình của một con quỷ dữ, làm cho Chí khát khao về cuộc sống. Chí muốn được yêu thương, làm nũng với Thị Nở như mẹ và điều quan trọng hơn là hắn nhận ra hắn có thể làm hoà với mọi người và khát khao sống lương thiện.

Như vậy, tình thương có giá trị thật thiêng liêng, nó đã cứu rỗi và thức tỉnh Chí Phèo, đánh đổ bức bình phong vô hình của quyền lực và chiến thắng mọi bạo lực, bạo tàn của nhà tù thực dân và bàn tay tàn độc của Bá Kiến.
Thế nhưng, năm ngày Chí được sống lương thiện đã vội vàng kết thúc khi Chí nhận ra thái độ cự tuyệt của những người sống quanh hắn. Chí thèm khát được trở về cuộc sống lương thiện, muốn sống hoà thuận với mọi người. Nhưng ai tin anh ta được nữa? Xã hội độc ác đã tạo ra cho anh một bản lí lịch đầy tội lỗi, làm sao có thể xoá đi được! Chí Phèo có nên tỉnh rượu không? Hắn lại uống rượu, lại chửi, lại định rạch mặt ăn vạ. Nhưng càng uống hắn càng tỉnh. Mùi cháo hành – hương vị của lòng yêu thương, hương thơm nồng đầu tiên Chí được hưởng cứ quẩn quanh mãi bên hắn. Hắn trong cơn tuyệt vọng ấy chỉ nghĩ đến một cách duy nhất. Hắn xách dao đi tìm kẻ thù của cuộc đời mình. Nam Cao đã rất tinh tế khi để nhân vật của mình đi giữa ranh giới hơi rượu và hơi cháo hành, giữa say và tỉnh. Bước chân cứ bước dần đến nhà Bá Kiến, lần này Chí không đến xin tiền mà để đòi quyền lương thiện, quyền làm người. Hơn khi nào hết, Chí Phèo cay đắng nhận ra cuộc đời mình là một con số không tròn trịa. Hắn chẳng còn gì, chẳng có gì. Chí thấm thía bi kịch của cuộc đời mình và đau khổ đến vô tận: “Chí Phèo vừa chém vừa kêu làng thật to. Hắn kêu làng, không bao giờ người ta vội đến. Bởi thế khi người ta đến thì hắn cũng đang giãy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt hắn trợn ngược, mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng. Ở cổ hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra …”.

Chí Phèo đã chết. Cái chết của hắn cũng đau thương và vật vã. Chí “ngáp ngáp, muốn nói” điều gì? Phải chăng đó là tiếng nói đòi quyền sống, đòi quyền làm người? Chí Phèo chết trên ngưỡng cửa của sự hoàn lương, ân hận về quá khứ, khát khao muốn làm hoà với cuộc đời. Xây dựng một gia đình hạnh phúc với Thị Nở nhưng không được có cơ hội để thực hiện. Cái chết của Chí Phèo không chỉ là đỉnh điểm của bi kịch mà còn là tiếng nói đanh thép lên án xã hội thống trị, là tiếng thét khát khao đòi quyền sống, quyền làm người. Ngòi bút của Nam Cao thật tinh tế khi khai phá được bản chất tốt đẹp ẩn sâu trong cốt lõi “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại. “Đôi mắt” nhân đạo của Nam Cao đã khẳng định bản chất tốt đẹp của người nông dân, thể hiện thái độ trân trọng và niềm tin vào những con người đang bị bần cùng hoá. Câu chuyện khép lại nhưng sự va đập của số phận và các nhân vật vẫn không ngừng, để lại nhiều ấn tượng cho người đọc về giá trị nhân đạo. Nam Cao đã kết án đanh thép cái xã hội mục rũa tàn bạo phá cả thể xác và tâm hồn người lao động. Và chỉ cần vậy thôi, độc giả cũng có thể cảm nhận được rằng con người đang cầm bút để thấu hiểu, cảm thông, xót thương vô hạn cho những con người khốn khổ kia chính là một nhà văn chân chính. Ông đã gieo chủ nghĩa nhân đạo sáng ngời chân lí đến từng con người trong cái xã hội đầy rẫy những bất công, vô lí đó.

Bằng bút pháp xây dựng hình tượng nhân vật điển hình độc đáo, tài hoa linh hoạt, giàu biến hoá. Nam Cao khi tả, kể theo một kết cấu tâm lí và mạch dẫn dắt câu chuyện với một cách thức bề ngoài tưởng chừng như khách quan, lạnh lùng và tàn nhẫn nhưng thực chất bên trong biết bao nỗi niềm đau đớn, quằn quại trước thân phận một kiếp người. Lồng vào bức tranh hiện thực đó là thái độ yêu ghét, là cách phân tích và đánh giá những vấn đề hiện thực mà nhà văn đặt ra. Ngay việc lựa chọn một nhân vật của xã hội làm đối tượng miêu tả và gửi gắm những cảm thông, suy tư ấy. Hình tượng Chí Phèo mang tính quy luật trong xã hội lúc bấy giờ. Trước Chí Phèo còn có Năm Thọ, Binh Chức; sau Chí Phèo còn có Chí Phèo con. Nam Cao như muốn chỉ ra cho người đọc thấy rằng chừng nào còn chế độ phong kiến người nông dân bị đè ép đến con đường cùng cũng còn tình trạng bị lưu manh hoá.
Có thể nói, cảm hứng nhân đạo là nguồn mạch xuyên suốt tiến trình văn học Việt Nam. Qua những số phận nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao, người đọc không chỉ nhận ra phong cách nghệ thuật sâu sắc, điêu luyện mà còn rung động trước bi kịch của Chí Phèo, Thị Nở. Thông qua “đôi mắt” nhân đạo, Nam Cao đã để các nhân vật của mình bộc lộ quan điểm nhân sinh to lớn, đầy ý nghĩa “Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ, và nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ” (Francoie Coppee). Nước mắt chính là thứ nâng đỡ cho tâm hồn con người. Nam Cao thực sự đã khẳng định vị thế của một nhà văn chủ nghĩa nhân đạo khi quan niệm: kẻ mạnh là kẻ giàu tình thương.

  • Kết bài:

Văn học Việt Nam vốn là nền văn học giàu truyền thống nhân đạo. Nền văn học ấy như tấm gương phản chiếu lịch sử tâm hồn con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Một dân tộc nặng nghĩa, nặng tình, giàu lòng nhân ái, vị tha. Góp phần làm giàu thêm truyền thống nhân đạo ấy là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của mỗi nhà văn. Chí Phèo là tác phẩm có đóng góp rất đáng trân trọng vào truyền thống ấy. Và Nam Cao xứng đáng là nhà nhân đạo chủ nghĩa của thời đại, như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời rực rỡ của nền văn học Việt Nam với cái đuôi chói loà rực rỡ của mình.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.