Nhân vật văn học và vai trò của nhân vật trong tác phẩm

Nhân vật văn học và vai trò của nhân vật trong tác phẩm.

1. Nhân vật văn học.

Ðối tượng chung của văn học là cuộc đời nhưng trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm. Những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, những bức tranh thiên nhiên, những lời bình luận…đều góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho tác phẩm nhưng cái quyết định chất lượng tác phẩm văn học chính là việc xây dựng nhân vật. Ðọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là số phận, tình cảm, cảm xúc, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện. Vì vậy, Tô Hoài đã có lí khi cho rằng “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”

“Văn học là nhân học” (M. Gorki). Văn học bao giờ cũng thể hiện cuộc sống của con người. Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được nhà văn miêu tả thể hiện trong tác phẩm, bằng phương tiện văn học. Nhân vật văn học có khi là những con người có họ tên như: Từ Hải, Thúy Kiều, Lục Vân Tiên, Chị Dậu, anh Pha, … Khi là những người không họ không tên như: tên lính lệ, người hầu gái, một số nhân vật xưng “tôi” trong các truyện ngắn, tiểu thuyết hiện đại, như mình – ta trong ca dao. Khái niệm con người này cũng cần được hiểu một cách rộng rãi trên hai phương diện: số lượng và chất lượng.

Về số lượng, hầu hết các tác phẩm từ văn học dân gian đến văn học hiện đại đều tập trung miêu tả số phận của con người. Về chất lượng, dù nhà văn miêu tả thần linh, ma quỉ, đồ vật, … nhưng lại gán cho nó những phẩm chất của con người. Nhân vật trong văn học có khi là một loài vật, một đồ vật hoặc một hiện tượng nào đó của thế giới tự nhiên, mang ý nghĩa biểu trưng cho số phận, cho tư tưởng, tình cảm của con người. Có thể nói nhân vật là phương tiện để phản ánh đời sống, khái quát hiện thực.

Miêu tả con người, chính là việc xây dựng nhân vật của nhà văn. Ở đây, cần chú ý rằng nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không là sự sao chép đầy mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách. Nói đến văn học thì không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng.

Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Những con người này có thể được miêu tả kỹ hay sơ lược, sinh động hay không rõ nét, xuất hiện một hay nhiều lần, thường xuyên hay từng lúc, giữ vai trò quan trọng nhiều, ít hoặc không ảnh hưởng nhiều lắm đối với tác phẩm.

Có thể nói, “nhân vật là phương tiện để phản ánh đời sống, khái quát hiện thực. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống và của con người, thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, kì vọng về đời sống”. Các vị thần như thần Trụ trời, thần Gió, thần Mưa thể hiện nhận thức của người nguyên thuỷ về sức mạnh của tự nhiên mà con người chưa giải thích được. Truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ thể hiện niềm tự hào về nòi giống dân tộc Việt. Nhân vật lí tưởng của văn học cổ Hi – La là những anh hùng chưa có ý thức về đời sống cá nhân, tìm lẽ sống trong việc phục vụ quyền lợi bộ tộc, thành bang, quốc gia, đó là những Asin, Hécto trong Iliát, Uylítxơ trong Ôđixê, Prômêtê trong Prômêtê bị xiềng. Nhà văn sáng tạo nên nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó.

Nhân vật văn học được tạo nên bởi nhiều thành tố gồm hạt nhân tinh thần của cá nhân như: ý chí, khát vọng, lí tưởng, các biểu hiện của thế giới cảm xúc, các lợi ích đời sống, các hình thái ý thức, các hành động trong quá trình sống. Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật có những dấu hiệu để nhận biết như tên gọi, tiểu sử, nghề nghiệp, những đặc điểm riêng, … Những dấu hiệu đó thường được giới thiệu ngay từ đầu và thông thường, sự phát triển về sau của nhân vật gắn bó mật thiết với những giới thiệu ban đầu đó. Việc giới thiệu nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân dường như cũng báo trước về số phận của nhân vật sau này: “Hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ gì vừa lí thú, vừa dữ tợn. Hắn có tật vừa đi vừa nói. Hắn lảm nhảm than thở những điều hắn nghĩ”.

Gắn liền với những suy nghĩ, nói năng, hành động trong quá trình phát triển về sau của nhân vật. Nhân vật văn học không giống với các nhân vật thuộc các loại hình nghệ thuật khác. Ở đây, nhân vật văn học được thể hiện bằng chất liệu riêng là ngôn từ. Vì vậy, nhân vật văn học đòi hỏi người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng, liên tưởng để dựng lại một con người hoàn chỉnh trong tất cả các mối quan hệ của nó.

2. Vai trò và chức năng của nhân vật trong tác phẩm.

Nhân vật văn học có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Khi xây dựng nhân vật, nhà văn có mục đích gán liền nó với những vấn đề mà nhà văn muốn đề cập đến trong tác phẩm. Vì vậy, tìm hiểu nhân vật trong tác phẩm, bên cạnh việc xác định những nét tính cách của nó, cần nhận ra những vấn đề của hiện thực và quan niệm của nhà văn mà nhân vật muốn thể hiện. Chẳng hạn, khi nhắc đến một nhân vật, nhất là các nhân vật chính, người ta thường nghĩ đến các vấn đề gắn liền với nhân vật đó. Gắn liền với Kiều là thân phận của người phụ nữ có tài sắc trong xã hội cũ. Gắn liền với Kim Trọng là vấn đề tình yêu và ước mơ vươn tới hạnh phúc. Gắn liền với Từ Hải là vấn đề đấu tranh để thực hiện khát vọng tự do, công lí… Trong Chí Phèo của Nam Cao, nhân vật Chí Phèo thể hiện quá trình lưu manh hóa của một bộ phận nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiên. Ðằng sau nhiều nhân vật trong truyện cổ tích là vấn đề đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu, giàu và nghèo, những ước mơ tốt đẹp của con người…

Nhân vật là phương tiện để phản ánh đời sống, khái quát hiện thực. Vai trò của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kì vọng về con người. Mặt khác, nhân vật là phương tiện khái quát tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng. Ví dụ: nhân vật người anh trong truyện cổ tích Cây khế là biểu hiện của loại người tham lam trong xã hội. Nhân vật còn là phương tiện thể hiện tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Nó thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người. Vì thế, nhân vật luôn luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm.

Thông qua việc xây dựng nhân vật, nhà văn bộc lộ tư tưởng, tình cảm của mình đối với từng loại người trong xã hội, đồng thời dẫn dắt người đọc đi vào những thế giới riêng với đủ mọi khát vọng cùng với cảm xúc yêu thương hay lòng căm giận. Nhân vật Hămlét của Sêchxpia tiêu biểu cho con người thời đại Phục hưng có lí tưởng nhân văn cao đẹp bị bế tắc và khủng hoảng khi phải đối diện với những cách sống, phản trắc, cơ hội, tàn nhẫn, con đẻ của chủ nghĩa tư bản ở thời kì tích luỹ ban đầu. Qua việc mô tả các nhân vật như bà Phó Đoan, cụ Cố Hồng trong tiểu thuyết Số đỏ, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã bộc lộ niềm căm ghét lối sống suy thoái về đạo đức đến cùng cực của giới thượng lưu trong xã hội thực dân phong kiến.

Nhân vật văn học do nhà văn sáng tạo nên, trên cơ sở quan sát những con người trong cuộc sống. Chính vì vậy, khái niệm nhân vật văn học là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét tài năng nghệ thuật của nhà văn. Sức sống của nhân vật được thể hiện qua việc mô tả ngoại hình, nội tâm, ngôn ngữ và hành động của nhân vật, những cái làm cho nhân vật có sức hấp dẫn kì lạ với người đọc. Có những nhân vật đã bất tử với thời gian: Hămlét, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, Lâm Xung, Khổng Minh, Trương Phi, Quan Công, Tào Tháo, Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc, AQ, Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thúy Kiều, Lục Vân Tiên, …

Sức hấp dẫn đối với người đọc của một nhân vật có nhiều lí do. Nhưng một lí do cơ bản là họ rất độc đáo, không hề giống ai như Hêghen từng nói. Chí Phèo được nhớ mãi bởi những lời lẽ chửi rủa độc đáo, bởi cách đến nhà Bá Kiến xin được đi ở tù lại, bởi cách trêu ghẹo Thị Nở.

Do nhân vật có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời cho nên trong quá trình mô tả nhân vật, nhà văn có quyền lựa chọn những chi tiết, yếu tố mà họ cho là cần thiết bộc lộ được quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Chính vì vậy, không nên đồng nhất nhân vật văn học với con người trong cuộc đời. Khi phân tích, nghiên cứu nhân vật, việc đối chiếu, so sánh có thể cần thiết để hiểu rõ thêm về nhân vật, nhất là những nhân vật có nguyên mẫu ngoài cuộc đời (anh hùng Núp trong Ðất nước đứng lên; Chị Sứ trong Hòn Ðất…) nhưng cũng cần luôn luôn nhớ rằng nhân vật văn học là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo gắn liền với ý đồ tư tưởng của nhà văn trong việc nêu lên những vấn đề của hiện thực cuộc sống. Betông Brecht cho rằng: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả”.

Nhân vật văn học giữ vai trò quyết định nội dung tư tưởng trong tác phẩm, vì vậy nhà văn luôn dồn tâm huyết và tài năng của mình vào việc khắc hoạ nhân vật chính vì thế mà chúng ta thấy có nhiều người không nhớ tên tác giả nhưng rất nhớ tên các nhân vật tác giả tạo dựng nên. Do nhân vật có vai trò khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời, cho nên trong quá trình mô tả nhân vật, nhà văn có quyền lựa chọn những chi tiết, yếu tố mà họ cho là cần thiết bộc lộ được quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Chính vì vây, không nên đồng nhất nhân vật văn học với con người trong cuộc đời. Khi phân tích, nghiên cứu nhân vật, việc đối chiếu, so sánh có thể cần thiết để hiểu rõ thêm về nhân vật, nhất là những nhân vật có nguyên mẫu cuộc đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang