Nhân vật Việt và Chị Chiến trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

nhan-vat-viet-va-chi-chien-trong-truyen-ngan-nhung-dua-con-trong-gia-dinh-cua-nguyen-thi

Nhân vật Việt và Chị Chiến trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

  • Mở bài:

Nhân vật chú Năm trong tác phẩm đã ví câu chuyện về gia đình như hình ảnh một dòng sông “Trăm sông đổ về một biển, con sông của gia đình ta cũng chảy về biển. Mà biển thì rộng lắm,… rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”. Trong dòng sông gia đình ấy, chú Năm chính là một khúc thượng nguồn, chú là một “cuốn gia phả sống” nối nhịp giữa đời cha ông và lớp cháu con. Qua những nét bút “lòng còng” của chú, khúc sông nào cũng soi bóng ít nhất một gương mặt tiêu biểu cho một thế hệ. Vì thế, đọc Những đứa con trong gia đình, ta như đang tự mình lật giở từng trang trong một cuốn sổ gia đình thân yêu, trang trọng và thiêng liêng ấy. Có những trang buồn đau, mất mát, có những trang nghĩa tình gắn kết các thành viên trong một mái nhà thân thuộc; những trang anh hùng rạng rỡ từ đời cha ông còn để lại; và cả những trang nối tiếp đang dày thêm từng ngày bởi chiến công rạng rỡ của lớp con cháu mà ChiếnViệt là những chủ nhân.

  • Thân bài:

Nhà văn Nguyễn Thi đã tạo nên những hình ảnh con người đậm chất Nam Bộ đặc trưng với những hình ảnh chung từ hai nhân vật Việt và Chiến. Hai chị em sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, rất yêu thương ba má, yêu thương chú Năm. Chiến và Việt là những con người gan dạ: chiến đấu lập được nhiều chiến công; “nếu giặc còn thì tao mất” (Chiến), viết giấy tình nguyện ngay cả khi không đủ tuổi (Việt).

Chị Chiến tuy là con gái nhưng vô cùng mạnh mẽ, luôn quyết tâm một lòng chống giặc, không sợ khổ, không sợ nguy hiểm. Còn Việt ngay từ nhỏ đã dám xông vào đánh tên giặc giết hại cha mình. Lớn lên cùng chị Chiến bắn tàu, phá xe tăng địch. Khi đã vào bộ đội, bị bắn, bị thương nặng nhưng vẫn quyết tâm đánh giặc đến cùng.

1. Việt và chị Chiến đều có tình yêu nước, thương nhà, quyết tâm đi bộ đội để trả thù nhà, nợ nước.

– Mang trong huyết quản dòng chảy truyền thống của gia đình, Chiến và Việt có tình cảm yêu nước, thương nhà cháy bỏng. Đối với hai chị em, đi bộ đội để trả thù cho ba má, cho người thân, để giành lại quê hương đất nước trở thành ý nghĩ thường trực, thôi thúc tâm can. Điều này thể hiện trước hết ở việc tranh giành nhau lên đường tòng quân của Chiến và Việt: “Việt vừa ngỏ lời ra, chị Chiến đã giành đi trước… Việt đi đâu chị Chiến cũng dòm chừng, coi Việt có mang bọc quần áo theo không”. Để thuyết phục em nhường lại cái suất ấy, chị Chiến nói: “Tao lớn tao mới đi, mầy còn nhỏ, ở nhà phụ làm với chú Năm, qua năm hãy đi”.Nhưng Việt không chịu. Vừa “đá trái dừa rụng dưới chân xuống mương cái đùng”, Việt “phản pháo” chị gay gắt và đầy thách thức: “Bộ mình chị biết đi trả thù à ?”. Biết không thể dùng cái lý ấy ép buộc cậu em phải ở nhà, chị Chiến mượn lời má để “uy hiếp”:  “Hồi đó má nói cho tao đi, mầy ở nhà làm ruộng với má, trọng trọng rồi đi sau”. Song, Việt cũng không chịu “ Má nói hồi nào”.

– Là chị, Chiến sẵn sàng nhường em mọi việc nhưng riêng việc tòng quân thì không. Là em, dù  yêu chị đến mấy, dù biết phận làm em nhưng riêng việc này Việt nhất định không chịu nhún. Điều này diễn ra ngay cả trong đêm mít tinh ghi tên thanh niên tòng quân. Cùng là những người đầu tiên chạy lên để ghi danh, Việt đã chạy lên trước. Dù chạy sau chị Chiến nhất định không nhường Việt về chuyện đi bộ đội trước. Chị lấy lí do phải đến Tết này Việt mới đủ mười tám tuổi. Còn Việt thì “dòm chị” thấy “mình đứng đâu có thua chị”. Rõ ràng, đằng sau những hành động tranh giành rất trẻ con ấy là tình cảm yêu nước, thương nhà, là ý chí cách mạng mạnh mẽ và tự nhiên của “những đứa con trong gia đình”. Tình cảm ấy hồn nhiên và sáng trong như hoa trái mệt vườn, sông nước Cửu Long; ngay thẳng và bộc trực như những người dân Nam Bộ chất phác, tròn ra tròn, vuông ra vuông, không suy nghĩ lâu, không tính toán kĩ.

2. Hai chị em có lòng căm thù giặc sâu sắc của Chiến và Việt qua ý chí “một đi không về” nếu không giết được giặc.

– Lòng căn thù giặc ngùn ngụ như lửa cháy, ý nguyện trả thù nhà nợ nước còn hiện rõ nét ở tinh thần “nhất khứ bất phục phản” của Chiến và Việt. Mượn lời chú Năm, Chiến nhắc nhở em trước khi lên đường mà như vừa bộc bạch quyết tâm của mình: “Chú Năm nói mầy với tao đi kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”.Việt thì đơn giản, trẻ con hơn song cũng đâu chịu kém canh “bà chị”: “Chị có bị chặt đầu thì chặt chớ chừng nào tôi mới bị”. Mà chị Chiến cũng chẳng vừa, chị khẳng định tinh thần chiến đấu rất cao, cứ như thể là chị đang đưa ra một “Quyết tâm thư” hay bản “huyết thư” của mình khi lên đường: “Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à !”. Câu nói ấy của Chiến là gì nếu như không phải tinh thần Bà Trưng, Bà Triệu ngày xưa đang “vọng nói về” (chữ dùng của Nguyễn Đình Thi trong bài Đất nước), là cái “chất Út Tịch” của thời đánh Mĩ đang chảy rạo rực trong huyết quản của Chiến.

– Đêm chuẩn bị lên đường là đêm vui của thanh niên cả xã, cũng là đêm vui náo nức, không ngủ được của cả hai chị em. Họ vui vì đã đến ngày lên đường trực tiếp cầm súng đánh giặc, bảo vệ gia đình, bảo vệ quê hương đất nước. Mang bàn thờ ba má đi gửi bên chú Năm, lời nói trong tâm tưởng của Chiến và Việt là “chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến trừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”. Ở khoảnh khắc ấy, mối thù thằng Mĩ đối với hai chị en có cảm giác như “rờ” thấy được vì nó đang chĩu nặng trên vai. Mối thù ấy trở thành nguồn sức mạnh, thành động lực lớn lao để khi vào trận, cả Chiến và Việt đều lập được chiến công rạng rỡ, làm vẻ vang cho truyền thống gia đình. Chẳng hạn như Việt, ngay từ khi lâm trận lần đầu, anh đã hạ được một xe bọc thép của địch. Mặc dù bị thương nặng, mắt không nhìn thấy gì, kiệt sức đến mức không còn bò đi được nữa nhưng anh vẫn đang trong tư thế chờ địch đến. Một ngón tay của Việt đang đặt nơi cò súng, đạn đã lên nòng, nếu đồng đội không lên tiếng ngay thì rất có thể sẽ phải ăn đạn của “cậu Tư”…

→ Có thể khẳng định, Chiến và Việt đã thực sự kế tục một cách xuất sắc truyền thống đấu tranh anh dũng, quả cảm, kiên cường từ lớp ông cha. Dòng sông gia đình đến Chiến và Việt không chỉ tiếp tục được thông dòng mà còn chảy xa hơn, xa hơn nữa và mở rộng hơn nữa với những chiến công rạng rỡ. Việt và Chiến cũng là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Miền Nam trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mĩ ác liệt.

3. Bên cạnh những phẩm chất chung, Việt và chị Chiến có những rét tính cách riêng, rất đáng yêu quý.

– Trong “Những đứa con trong gia đình”, dù thế hệ trước hay thế hệ sau, dù là chị hay em, là trai hay gái, giống như tất cả những nhân vật thời ấy trong văn học, đều được khắc họa bằng bút pháp sử thi. Họ đều “chung một gương mặt, chung một dáng hình”, đều được nhìn bằng con mắt Bạch Đằng Chi Lăng, Đống Đa. Thế nhưng đọc tác phẩm của Nguyễn Thi, chúng ta vẫn có những ấn tượng riêng, ký ức riêng của từng nhân vật. Chiến và Việt, họ vẫn là những “con người này” (Hê-ghen) trên mỗi trang văn qua từng cử chỉ hành động, qua cách nói năng, suy nghĩ, tình toán…

a. Vẻ riêng của chị Chiến.

– Mặc dù chỉ hơn Việt một tuổi nhưng Chiến tỏ ra là một người chị cả biết lo toan, thu xếp chu toàn cho gia đình. Chị biết tính toán, thu vén mọi việc, cả những việc “thỏn mỏn” nhỏ nhặt, cho đến những công việc lớn của gia đình: Từ việc sắp xếp cho thằng Út sang ở với chú Năm đến việc cho các anh ở xã mượn nhà mở trường học cho con nít; từ dự định gửi tất cả đồ đạc của gia đình sang bên chú để khi nào chị hai về giỗ má cần cái gì sẽ mang về dùng đến việc trao lại năm công ruộng ba má được cấp trước đây cho các cô bác khác làm lụng; từ chỗ tính toán hai công mía nhờ chú Năm đốn để rành làm đám giỗ cho ba má đến quyết định sẽ đem bàn thờ ba má sang gửi bên chú Năm để có người khói hương chăm sóc… tất cả đều được thu xếp ổn thỏa và gọn gẽ đến mức chú Năm khi nghe chị trình bày, đã cất lời khen: “việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non”.

→ Có thể thấy, hoàn cảnh gia đình đã khiến người chị cả ấy có cách tính toán, sắp xếp của một người phụ nữ đã trưởng thành, của một người mẹ.

– Không chỉ là một người chị biết lo toan, Chiến còn hiện lên trong cảm nhận của Việt với những nét quen thuộc và rất đỗi gần gũi về má, từ ngoại hình, tính các đến sự tính toán, thu xếp việc nhà, kể cả cách nói năng điệu bộ, cử chỉ. Đọc truyện ai cũng thấy người con gái trẻ ấy mang trong mình cái vóc dáng của mẹ: “Hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng”, “thân người to và chắc nịch” – vóc dáng của người phụ nữ dường như sinh ra để gánh vác, để chống chọi, để chịu đựng và để chiến thắng. Cái vóc dáng ấy gợi nhớ bức chân dung người mẹ: “Má bơi xuồng thất khỏe, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách mướt để lộ cái gáy đo đỏ và đôi vai lực lưỡng”. Nhìn hình ảnh Chiến mạnh mẽ “giang cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên” mà ta không khỏi không liên tưởng đến hình ảnh người mẹ “rinh thúng lúa lên một mình và đặt ngay trên giường ngủ”. Chưa hết, cái tính cách mạnh mẽ, can trường của Chiến cũng được di truyền từ mẹ để rồi phát huy tiếp lên trong thời đại mới. Đọc truyện, chúng ta cũng không thể quên được cảnh tượng đau thương, dữ dội mà người mẹ ấy đã phải chịu đựng: “ba mày bị Tây nó chặt đầu, tao cứ đi theo cái thằng xách đầu mà đòi. Đi từ ấp trong tới ấp ngoài, nó qua sông tao cũng qua, nó về quận tao cũng tới. Một tay tao bồng em mày, một tay tao cắp rổ”. Chồng bị giặc chặt đầu, nỗi đau ấy khác gì dao cứa vào tim, nhưng mà không để rơi nước mắt: “chiều hôm đó về tới nhà má mới khóc… bao nhiêu năm sau đó cũng vậy lức nào nói đến chuyên trên má cũng không khóc”và nếu lệ cứ ứa ra “má chỉ nằm khóc chứ không kể gì hết”. Đau thương ấy người mẹ một mình nuốt sâu vào đáy lòng, để lặng lẽ một mình chịu đựng sức thiêu đốt của một nội đau âm ỉ cháy. Và bây giờ đến Chiến, sự kiên cường ấy đã được chuyển hóa thành cái ý chí lên đường ra chiến trận để trả thù nhà nợ nước với quyết tâm sắt đá: “Đã làm thân con gái ra đi tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à”.

– Nhưng nói đến giống mẹ thì có lẽ chưa giờ Chiến giống mẹ hơn cái đêm sắp xa nhà đi Bộ đội Chiến thu xếp mọi việc trong nhà và nói năng rành giọt “In như má vầy”. Chiến đảm đang, tháo vát, biết lo toan việc nhà hệt như má ngày xưa: Sáng sáng lời dặn dò vừa tới tai con thì má và xuống đã ở tít giữa sông. Thậm chí Chiến giống má từ cái lối nằm với thằng út trong buồng mà nói với ra, đến lối hứ một cái “cóc” rồi trở mình. Đến nỗi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đêm, Việt đã không dưới ba lần thấy chị giống y người mẹ, có sai khác cũng chỉ là ở chỗ chị “Không bẻ tay rồi đập vào bắp vế than mỏi” mà thôi. Chính bản thân Chiến cũng thấy mình trong đêm ấy đang hòa vào trong mẹ: “ tao cũng lựa ý nếu má còn sống chắc má tình vầy, nê tao cũng tình vậy”. Chẳng thế mà trong thời điểm thiêng liêng ấy, “cả hai chị em cùng nhớ đến má. Hình như má cũng về đâu đây”.

→ Miêu tả Chiến với những đặc điểm ngoại hình, tính cách của mẹ, Nguyễn Thi không chỉ tạo ra cho nhân vật này những nét riêng có so với cậu em của mình mà dường như nhà văn còn muốn tô đậm thâm cho cái chủ đề tư tưởng mà mình đang cố gắng làm nổi bật: Sự nối tiếp của các thế hệ trong dòng sông truyền thống của gia đình và ta sẽ chẳng thể nào hiểu nổi những “ khúc sông dưới hạ lưu” nếu như không biết những “khúc thượng nguồn” của chúng.

b. Vẻ riêng của nhân vật Việt.

– Khác với chị Chiến, Việt có cái nét riêng dễ mến của một cậu con trai mới lớn, lộc ngộc, vô tư, tình tình trẻ con, hồn nhiên và hiếu động. Là em nên cái gì Việt cũng tranh giành với chị, kể cả một việc lớn là ghi tên tòng quân. Việt dễ dàng giận rỗi với chị chỉ vì mình đã mười tám tuổi, vậy mà chị lại nói với anh cán bộ ghi danh là chưa đủ tuổi tuyển quân. Là em nên Việt không phải lo toan, sắp xếp bất cứ công việc gì. Má mất thì đã có chị Chiến thay má lo liệu việc gia đình. Vì vậy mà mọi công việc trong nhà, Việt đều phó thác cho chị: “ Tôi nói chị tính sao cứ tình mà…”. Trong lúc chị Chiến bàn bạc mọi chuyện rất trang nghiêm: “chú Năm nói mầy với tao đi kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu” thì Việt vô tư “lăn kềnh ra ván cười khì khì”. Trong khi, chị Chiến phải “ nghĩ ngợi lung lắm”, lựa ý má lúc còn sống để lo toan, thu xếp mọi việc thì Việt vừa nghe vừa đùa nghịch “chú đom đóm úp trong lòng tay”. Ngay cả một việc hệ trọng là gửi bàn thờ má, Việt cũng suy nghĩ một cách hồn nhiên, vô tư : “mình đi đâu thì má đi theo đó chớ lo gì mà lo”. Đúng là một anh chàng trẻ con, vô lo, vô nghĩa. Và cũng chính vì vô lo, vô nghĩ, phó thác mọi việc cho chị nên việc Việt nghe “rồi ngủ quên lúc nào không biết” cũng chẳng có gì lạ.

– Chỉ có một khoảnh khắc hiếm hoi Việt tỏ ra nghiêm túc và có cái cảm xúc của người lớn, ấy là khi cùng chị khiêng bàn thờ ba má sang nhà chú Năm. Nghe tiếng chân chị bịch bịch phía sau, Việt mới thấy rõ lòng mình thương chị lạ và cảm nhận rõ rệt hơn lúc nào hết “mối thù thằng Mĩ… đang đè năng trên vai”. Nhưng chính sự việc này lại thêm một lần nữa là giải thích cho ta rõ hành động tranh giành đi chiến đấu với chị Chiến trước đó của Việt chỉ là hành động tự phát, hồn nhiên của một chàng trai trẻ vốn đang mang sẵn trong mình bầu nhiệt huyết yêu nước thương nhà của truyền thống gia đình.

– Tính cách trẻ con hồn nhiên của Việt còn theo Việt ra chiến trường. Không kể cái ná thun (súng cao su) Việt luôn mang theo trong ba lô thì ngay cả khi đã trở thành anh giải phóng quân chiến đấu kiên cường, dũng cảm, cái mà Việt sợ nhất không phải là kẻ thù mà là “cảm giác một mình” lúc bị lạc đồng đội giữa chiến trường bởi đó là lúc hình ảnh “con ma cụt đầu ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông” hiện về. Chi tiết nghệ thuật này, thêm một lần nữa đã góp phần tạo nên một anh cháng Việt rất riêng, rất cá tính, khác với chị Chiến “ người lớn”, sớm tỏ ra già dặn, biết lo toan, thu vén các việc trong gia đình.

  • Kết bài:

– Tạo cho mỗi nhân vật những nét cá tính riêng, Nguyễn Thi chẳng những khiến cho câu truyện trở nên sinh động mà còn đạt được ý đồ nghệ thuật của mình khi khắc họa những “khúc sông” mà thế hệ trẻ đang viết lên bằng chính những chiến tích riêng của bản thân. Dòng sông truyền thống của gia đình, vì thế sẽ trở nên phong phú hơn, nhiều luồng lạch và phù xa hơn. Dòng sông  ấy chắc còn đi xa, đi xa được hơn nữa để hòa vào biển cả.

Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là một bức tranh sử thi đồ sộ, hoành tráng về con người Nam Bộ trong chiến đấu nói riêng và cả cộng đồng dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ nói chung.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.