Những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn Thạch Lam

nhũng-dạc-trung-co-bản-cua-truyẹn-ngan-thach-lam

Những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn Thạch Lam

1. Đặc trưng về đối tượng phản ánh:

Phong trào dân tộc dân chủ 1936 -1939 đã có tác động mạnh mẽ đến văn học thời kì này. Người nông dân, người lao động nghèo thành thị bắt đầu trở thành đối tượng thu hút sự quan tâm nhiều của đội ngũ sáng tác.

Viết về đời sống của những người nghèo khổ này trở thành một đề tài phổ biến, thành công nhất phải kể đến tên tuổi những nhà văn thuộc khuynh hướng văn học hiện thực phê phán. Riêng đối với nhà văn Thạch lam, nội dụng này chiếm vị vị trí khá lớn trong sự nghiệp cầm bút của ông. Trong khoảng 23 truyện ngắn tiêu biểu của ông thì có đến một nửa lượng tác phẩm viết về người nông dân và người lao động, trẻ em con nhà nghèo, số còn lại viết về đời sống của lớp thanh niên tiểu tư sản và thị dân. Khi đề cập đến đời sống của người dân ở nông thôn, tác giả Thạch Lam không đặt họ trong mâu thuẫn gay gắt theo quan hệ địa chủ – nông dân.

2. Đặc trưng về cốt truyện:

Trong truyện ngắn của mình, ông chỉ nghiêng về hẳn về một phía đó là lực lượng bị áp bức, còn kẻ bóc lột thì hầu như không trực tiếp xuất hiện. Ông viết về người nghèo khổ là muốn đi sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật và bày tỏ cảm xúc, cảm thông và tình yêu thương chân thành của mình. Ông đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và trẻ em với sự trân trọng và diễn tả thế giới nội tâm phong phú ở họ. Những nhân vật phụ nữ và trẻ em hiện lên qua từng trang văn Thạch Lam đều mang vẻ đẹp thanh cao và giàu lòng thương cảm, thấm đẫm những yêu thương đồng loại.

Một trong những đặc trưng của truyện ngắn Thạch lam đó là những truyện không có cốt truyện đặc biệt. Thế giới nhân vật trong sáng tác của ông nhìn chung không nhiều, và trong truyện, tác giả cũng không để người đọc theo đuổi nhân vật từ đầu đến cuối, từ quê quán, họ hàng đến những sự kiện, biến cố trong cuộc đời. Trong truyện, nhân vật cũng không có nhiều hành động, lời nói, mạch truyện cũng không cần có những điểm nút cao trào, mà ông thường dừng lại, tập trung xoay quanh một tình huống nào đó, tưởng chừng như rất bình thường nhưng lại toát lên tâm trạng của nhân vật. Đây là cách xây dựng truyện thường thấy và làm nên phong cách truyện ngắn của Thạch Lam.

Dụng ý nghệ thuật của tác giả khi xây dựng cốt truyện như vậy có lẽ là để thu hẹp khoảng không gian, rút ngắn thời gian, từ đó, tâm trạng của nhân vật trở thành một tâm điểm để ngừi đọc có thể quan sát, theo dõi những diễn biến một cách tinh vi của nó.

3. Không gian và thời gian:

Không gian và thời gian trong truyện ngắn Thạch Lam là không gian và thời thời gian thực, nó gắn liền với sinh hoạt thường nhật của con người. Tuy nhiên người đọc có thể chia sẻ cảm giác ngột ngạt với nhân vật khi mà cái không gian ấy dường như trở nên quá chật chội. Tồn tại trong khoảng không gian ấy, con người dường như thu nhỏ, bó hẹp cuộc đời của mình, tách rời với thế giới xung quanh, chỉ còn một mình đối diện với chính mình, để có thể bộc lộ những niềm trăn trở, âu lo, xót thương mình và thương người. Chính từ đây, ta thấy lướt qua không gian thực tại, truyện lại mở ra những không gian khác, đó là không gian của tâm trạng.

Truyện ngắn của Thạch Lam, rất hay có sự đan xen giữa thời gian quá khứ với thời gian của hiện tại. Từ cuộc sống của thời gian hiện tại, nhân vật mơ tưởng về quá khứ xa xăm, dĩ nhiên so với hiện tại của họ thì quá khứ là những chuỗi ngày êm đềm, một khoảng thời gian đẹp mà nay không còn nữa…Quá khứ ngày nào chợt quay về với nhân vật như một sự minh chứng cho cái buồn thương, bế tắc của hiện tại và nó cũng dự cảm một sự mờ mịt ở phía tương lai.

Trong truyện ngắn của Thạch Lam có một chi tiết nghệ thuật mà người ta không thể không nhắc đến mỗi khi phân tích tác phẩm, đó là hình ảnh của bóng đêm. Có thể nói, bóng tối có mặt khắp nơi và nó cứ trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm khác nhau làm cho người đọc phải suy nghĩ về số phận của các nhân vật đang bị trùm phủ, bao bọc giữa bóng đêm ấy. Đôi lúc nhà văn đã cho thắp lên vài ngọn đèn nhưng dường như chút ánh sang ấy không đủ phá tan màn đêm mà ngược lại còn tô đậm thêm cái tĩnh mịch của không gian tối tăm ấy.

Với nhân vật trong tác phẩm của Thạch Lam, bóng đêm như một sự ám ảnh đang sắp đổ ập lên cuộc đời họ. Con người sống lặng lẽ, sinh hoạt lầm lũi trong sự tối tăm, bóng tối làm cuộc sống đã tẻ nhạt, đơn điệu giờ đây thêm phần ngột ngạt, bế tắc, chúng ta đọc mà cứ như đang chứng kiến một sự tàn lụi dần mòn.

4. Đặc trưng về ngôn ngữ:

Truyện của Thạch Lam không có cốt truyện, đặc biệt giọng điệu và ngôn ngữ giàu chất trữ tình. Mỗi truyện ngắn của Thạch Lam có cấu tứ và giọng điệu như một bài thơ trữ tình, gợi sự thương xót trước số phận của những con người nhỏ bé bất hạnh, một giọng văn bình dị mà tinh tế, trữ tình. Đó chính là chất thơ trong truyện ngắn Thạch Lam “có cái dịu ngọt giăng tơ ở đâu đây khiến người ta vương phải”. Giọng thủ thỉ tâm tình khiêm nhường mà đằm thắm, kín đáo và giản dị Những nét đặc sắc trong truyện ngắn Hai đứa trẻ cũng là nét đặc sắc của phong cách Thạch Lam.

Bằng tài năng sử dụng ngôn từ, nhà văn đưa người đọc đến với một phố huyện nghèo đang mỗi lúc chìm dần vào đêm tối. Người đọc dường như đang ở bên những đứa trẻ nghèo mà lắng nghe những thanh âm buồn bã, mà chứng kiến bao kiếp người lam lũ đang khát khao một cuộc sống tươi sáng hơn. Văn Thạch Lam thuần phác, giản dị, tinh tế, nhẹ nhàng uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, nhạc điệu. Nhạc điệu trầm lắng mà vang ngân, từng hành vi cử chỉ của nhân vật dù nhỏ vẫn chuẩn xác gợi tả. Có thể nói Hai đứa trẻ là một bài thơ trữ tình trọn vẹn của Thạch Lam.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.