Những gợi mở giúp nhân vật Vũ Nương tránh được cái chết oan uổng

nhung-goi-mo-giup-nhan-vat-vu-nuong-tranh-duoc-cai-chet-oan-uong-678

Những gợi mở giúp nhân vật Vũ Nương tránh được cái chết oan uổng.

  • Mở bài:

Chuyện người con gái Nam Xương là thiên truyện thứ 16 trong tập Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Có thể nói trong nền văn học Việt Nam không có tập truyện nào li kì và hấp dẫn đến vậy. Nếu Việt điện u linh chỉ kể về các vị thần được tôn thờ ở nước ta thì Truyền kì mạn lục lại đi sâu vào khai thác cuộc đời và số phận của những con người người dân lương thiện. Đặc biệt là phụ nữ phải chịu nhiều đau khổ. Nguyễn Dữ đã dành nhiều ưu ái cho những nhân vật này. Dưới ngòi bút của ông họ đều là những thiếu phụ xinh đẹp, chuyên nhất, tảo tần, giàu lòng vị tha. Họ là những con người tốt đẹp nhưng luôn luôn phải chịu số phận bi thảm.

  • Thân bài:

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời và số phận của người con gái ở Nam Xương tên là Vũ Thị Thiết. Nàng là người người con gái xinh đẹp, đức hạnh, thủy chung và hiếu nghĩa. Nhưng cuộc đời trớ trêu khiến nàng phải gánh lấy số phận đầy khổ đau, bất hạnh.

Cái chết của nàng trên bến Hoàng Giang không vượt khỏi kết cục trong nghệ thuật. Nhưng đó là một dụng công táo bạo của Nguyễn Dữ. Thành công trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện nhẹ nhàng mà gây cấn, đơn giản mà sắc xảo, Chuyện người con gái Nam xương đã để lại trong lòng người đọc nhiều trăn trở thật khó giải bày.

Nguyễn Dữ đã kín đáo giấu đi mấu chốt mối oan tình của Vũ Nương. Điều đó càng khiến cho người đọc thêm căm phẫn cái xã hội phong kiến tàn bạo, bất công. Xã hội nam quyền đã không cho người phụ nữ có cơ hội thấu hiểu và giải bày. Thế nhưng, truyện không phải không hé mở khả năng có thể tránh được thảm kịch cho Vũ Nương. Cái nguyên cớ vẫn ở trước mặt nàng đấy thôi. Nhưng trong lúc khổ đau, tinh thần bối rối, nàng đã không hề nhận ra. Tuy cảm thông cho Vũ Nương nhưng ta vẫn không thể không nhận ra những nghịch lí tàn nhẫn.

Thứ nhất, là do lời nói ngây thơ của bé Đản. Lúc Trương Sinh đi lính, buổi tối bé Đản hay quấy khóc, để dỗ con, Vũ Nương thường chỉ lên cái bóng của mình trên tường và nói đó là cha Đản. Bé Đản tưởng thật nên không khóc nữa. Con trẻ vốn ngây thơ. Lời con trẻ chứa đựng không ít lời vô lí không thể tin ngay được: “Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Khi đó, bé Đản chỉ mới được hơn hai tuổi. Cậu bé mới bập bẹ nói, chưa hề có nhận thức rõ ràng về sự việc hay ý nghĩa của sự việc. Bởi thế, lời nói kia chẳng khác gì là lời nói vu vơ, hồn nhiên vậy.

Câu nói của đứa trẻ như là một câu đố mơ hồ thách thức lòng tin của con người. Nhìn một cách khách quan, lời nói đó hoàn toàn không thể tin cậy được. Nếu Trương sinh là người bình tĩnh, biết suy nghĩ thì cái chết của Vũ Nương sẽ không xảy ra. Nhưng Trương Sinh lại là người tính cả ghen, ít học, lại là người cố chấp và đọc đoán. Tác giả đã khéo léo khai thác điều đó một cách triệt để. Trương Sinh đã bỏ qua tất cả khả năng có thể giải quyết tấm điều nghi kị. Từ đó mà dẫn tới cái chết oan uổng của người vợ thủy chung, hiền đức hiếm có.

Thứ hai, khi bị chồng sỉ mắng thậm tệ, đánh đạp tàn bạo, Vũ Nương đã cố gặng hỏi nguyên cớ sự tình nhưng Trương Sinh đã cố tránh né. Bi kịch bi thương có thể tránh được nếu Trương Sinh nói rõ nguyên do. Chỉ vì ích kỉ và tự phụ vào bản thân, Trương Sinh đã tàn nhẫn với vợ. Lại thêm, Trương Sinh muốn giữ kín câu chuyện nhằm lấy đó làm nguyên cớ để sỉ nhục nàng cho thỏa lòng ghen tức. Tất cả chỉ bởi chàng thiếu niềm tin tưởng sâu sắc vào vợ mình mà thôi.

Thứ ba, khi bị chồng ruồng bỏ, nàng đã thiếu tỉnh táo để suy đoán. Nàng vì quá nhục nhã và phẫn uất đã vội tìm đến cái chết để chứng minh tấm lòng trinh bạch, thủy chung của mình. Đó cũng là một việc làm theo đúng đạo nghĩa như người xưa đã từng làm. Thế nhưng, phải chăng nếu nàng tin tưởng vào chính mình, tin tưởng vào cuộc đời nàng sẽ không đau khổ đến vậy. Dù bị chồng con ruồng bỏ nàng nhưng mọi người xung quanh đều hết sức yêu thương và bảo vệ nàng. Phải chăng lúc ấy nàng tạm tìm một nơi yên tịnh để bình tâm suy ngẫm. Nàng dũng cảm đợi mọi chuyện rõ ràng hãy tính đến chuyện khác hẳn đã không phải nhận lấy cái chết oan uổng.

Thứ tư, Trương Sinh chỉ vì lòng ghen quá độ mà có hành động bất nhân, bất nghĩa. Chàng chỉ đuổi Vũ Nương đi vì cái sỉ diện của người đàn ông trong xã hội. Chàng hoàn toàn không có ý bức hại nàng phải dùng cái chết để chứng minh. Có thể sau cơn giận, chàng sẽ bình tĩnh suy nghĩ về hành động của mình mà hối hận.

Thế nhưng, dù thế nào đi nữa, nhân vật Vũ Nương cũng đã tận tuyệt trên bến Hoàng Giang. Mọi gợi mở chỉ là võ đoán của hậu thế mà thôi. Điều kì diệu đó đã không ra. Phép màu đó đã không xảy đến. Khi xây dựng thiên truyện này, chắc chắn, Nguyễn Dữ cũng đã suy nghĩ rất nhiều về điều đó. Không phải ông đã bỏ qua mà chính là cuộc đời vốn vậy. Trong tình thế gây cấn, con người ta thường thiếu bình tĩnh để suy nghĩ thấu đáo sự việc. Hành động bột phát, tiêu cực thật khó tránh khỏi đối với nhân vật Vũ Nương trong tình thế này.

Vả lại, nàng là người trọng danh dự. Một khi danh dự ấy bị xúc phạm, nàng sẽ tìm cách tốt nhất để bảo vệ lấy nó. Cái chết là giải pháp duy nhất, tốt nhất để minh chứng sự trong sạch của nàng. Hành động này được cả xã hội phong kiến ghi nhận và xem đó là hành động quả cảm, phi thường của con người. Sau cái chết họ luôn được trân trọng. Ở điểm này, Nguyễn Dữ đã không thể vượt lên tư tưởng và thi pháp văn học trung đại. Ông vẫn chịu sự ràng buộc rất lớn của hệ tư tưởng Nho giáo và lối ứng xử mang tính nguyên tắc này.

Những nghịch lí có thể khiến người đọc hối tiếc cho nhân vật. Xong, đó là cái kết cục tất yếu mà nhân vật phải nhận lấy. Cái chết của Vũ Nương ẩn chứ nhiều oan trái khó giải bày và kết cục bi thảm. Nhưng lại truyền được sức mạnh đối với mọi thế hệ người đọc bởi nó mang tính nhân văn sâu sắc.

Cái chết của Vũ Nương có sức mạnh tố cáo xã hội phong kiến với những luật lệ khắt khe đã ràng buộc cuộc đời người phụ nữ trong khổ đau. Chính những luật lệ khắt khe ấy đã chà đạp lên nhân cách nhân phẩm của người phụ nữ, đẩy họ vào bước đường cùng không lối thoát. Cái chết của Vũ Nương có ý nghĩa tố cáo xã hội nam quyền tàn bạo đã xem thường thân phận người phụ nữ, đày đọa họ trong khổ đau và tủi nhục.

Qua cuộc đời và số phận bi thương của nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ tỏ rõ  sự thông cảm, thấu hiểu cho số phận con người. Đặc biệt là đối với thân phận người phụ nữ. Ông đã phát hiện và ca ngợi tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp vốn có ở họ. Ông nâng niu từng vẻ đẹp của họ cả hình thức lẫn tâm hồn.

Thành công của Nguyễn Dữ không chỉ ở việc xây dựng nội dung. Nghệ thuật biểu hiện trong truyện cũng đạt đến đỉnh cao của thể tự sự. Truyền kì mạn lục không phải là một công trình sưu tập. Nó đích thực là một công trình sáng tác văn học đích thực. Nó đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của thể loại tự sự hình tượng trong văn học chữ Hán. Dựa trên chuyện cũ nhưng có ý nghĩa mới.

Vả lại, tác phẩm này cũng nhận được sự trọ giúp của nhiều người. Chính Hà Thiện Hán viết lời tựa. Nguyễn Bỉnh Khiêm là người phủ chính. Nguyễn Thế Nghi hoàn tất bản dịch chữ Nôm. Làm nên giá trị tác phẩm quả thực có sự đóng góp ý nghĩa của các học giả hàng đầu thời đại. Bởi thế, thật không có gì ngạc nhiên khi Truyền kì mạn lục được đánh giá là một “thiên cổ kì bút”, xưa nay hiếm có.

  • Kết bài:

Tên tuổi Nguyễn Dữ từ đó cũng được lưu thơm. Tuy ông ít khi xuất hiện nơi triều chính nhưng ai cũng biết tới. Đọc Truyền kì mạn lục ta không thể không nghĩ đến Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Chân thực mà ảo diệu. Chuyện ma quỷ cũng là chuyện con người. Bút pháp đã tài mà cái tình càng thêm tôn kính.

Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về cái chết đầy oan nghiệt của nhân vật Vũ Nương - Theki.vn
  2. Suy nghĩ về bi kịch gia đình của nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ - Theki.vn
  3. Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ - Theki.vn
  4. Từ cái chết của Vũ Nương trên sông Hoàng Giang đến lần tự vẫn của Thúy Kiều trên sông Tiền Đường, hãy trình bày suy nghĩ về cuộc đời và số phận bi thương người phụ nữ trong xã hội phong kiến

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.