Những tấm gương về nghị lực sống phi thường có thể làm dẫn chứng trong bài văn nghị luận

nhung-tam-guong-ve-nghi-luc-song-phi-thuong-co-the-lam-dan-chung-trong-bai-van-nghi-luan

Những tấm gương về nghị lực sống phi thường có thể làm dẫn chứng trong bài văn nghị luận

Chiến thắng bản thân là chiến thắng vĩ dại và vinh quang nhất. Có những người sinh ra đã không được lành lặn. Tất nhiên, họ cũng sẽ không hạnh phúc với một cơ thể đầy khiếm khuyết ấy. Thế nhưng, thay vì than vãn và buông xuôi cho số phận, họ đã dũng cảm đứng dậy, thay đổi bản thân và làm nên những điều lớn lao khiến chúng ta, những người bình thường phải kinh ngạc, thán phục. Nghĩ về họ, càng khiến cho chúng ta biết quý trọng cuộc sống hiện tại, ngừng than vãn và bắt đầu thực hiện hành trình chinh phục thử thách một cách tự tin.

1. Nick Vujicic – từ cậu bé không tay không chân đến người truyền động lực, nhà diễn thuyết tài ba

Nick Vujicic, diễn giả nổi tiếng sinh ra thiếu hai tay, hai chân, nhưng anh đã vượt qua trở ngại bệnh tật, tốt nghiệp đại học tài chính năm 21 tuổi, trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếng và truyền cảm hứng tới 3 triệu người trên thế giới. Nick nổi tiếng với phương châm “Cuộc sống không giới hạn”. Ông từng khuyên các bạn trẻ: “Hãy sống là chính mình, bình thường nhưng không tầm thường” (Nick Vujicic)

2. Stephen William Hawking – nhà khoa học vĩ đại trên xe lăn.

Stephen William Hawking là nhà vật lý vĩ đại người Anh. Sinh ra vốn bình thường. Nhưng khi lớn lên, Hawking mắc bệnh thần kinh có tên Lou Gehrig, khiến ông gần như mất hết khả năng cử động. Sau đó, ông phẫu thuật cắt khí quản và không thể nói chuyện bình thường. Ông luôn gắn chặt với chiếc xe lăn, chỉ có thể nói được qua một thiết bị tổng hợp tiếng gắn với một máy tính mà ông gõ chữ vào đó.Hawking hiện là Giáo sư Lucasian, chức danh dành cho Giáo sư Toán học của Đại học Cambridge. Từng đảm nhiệm vị trí này là những nhà khoa học xuất chúng như Isaac Newton và Paul Dirac. Ông có những bài học sâu sắc cho giới trẻ: “Một là, hãy nhớ nhìn lên các vì sao và đừng nhìn xuống chân của mình”. Hai là, “không bao giờ từ bỏ làm việc”. Làm việc sẽ giúp con cảm thấy có ý nghĩa và mục đích. Cuộc sống sẽ trở nên trống rỗng nếu không có công việc. Ba là, nếu con đủ may mắn để tìm thấy tình yêu, hãy nhớ rằng mình có nó và đừng để nó vuột mất khỏi tầm tay”.

3. Helen Keller – người mẹ vĩ đại của những người mù.

Helen Keller là một nhà văn, nhà hoạt động xã hội mù, điếc người Mỹ. Bà là người mù điếc đầu tiên trên thế giới tốt nghiệp một trường cao đẳng.Tuy sống trong thế giới không ánh sáng, không âm thanh nhưng Keller vẫn là một phụ nữ tràn đầy tinh thần lạc quan, thiết tha yêu cuộc sống. Trong Thế chiến thứ I và thứ II, bà đến hơn 70 bệnh viện để an ủi bệnh nhân, động viên họ. Bà dành trọn cuộc đời cho Hội người mù Mỹ. Bài học mà Keller rút ra: Lạc quan là niềm tin dẫn tới thành tựu. Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi hy vọng và sự tự tin.

4. Kito Aya – Người chiến thắng bệnh tật trở thành người viết sách.

Kito Aya, cô nữ sinh Nhật Bản phải đối mặt với bệnh thoái dây sống tiểu não, đã dũng cảm và mạnh mẽ để sống những ngày trọn vẹn, yêu thương bên mọi người. Cô tâm sự: “Có những người mà sự tồn tại của họ giống như không khí, êm dịu, nhẹ nhàng, chỉ khi họ mất đi người ta mới nhận ra họ quan trọng nhường nào. Mình muốn trở thành một sự tồn tại như thế”. Cuốn nhật kí “Một lít nước mắt” của cô đầy nghị lực và cảm động, đã truyền thông điệp mạnh mẽ về giá trị của cuộc sống. Đến tận cuối đời, Aya vẫn giữ trọn niềm tin yêu của mình với cuộc đời, với mọi người. Cuốn nhật kí của cô kết thúc bằng dòng chữ: “Cảm ơn”.

5. Lê Thanh Thúy và “Ngày hội Hoa hướng dương”.

Lê Thanh Thúy, cô gái lạc quan, yêu đời với nụ cười hoa hướng dương, đối mặt với căn bệnh ung thư và cái chết, vẫn mạnh mẽ, sống có ích. Cô đã lập nên quỹ “Ước mơ của Thúy” để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư khác. Tuy Thúy đã mất đi nhưng ước nguyện cao đẹp của chị vẫn còn mãi với cuộc đời, hàng “Ngày hội Hoa hướng dương”, viết tiếp ước mơ của Thúy, vẫn được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

6. Nguyễn Công Hùng – Hiệp sĩ công nghệ thông tin

Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng: Với cơ thể chỉ khoảng 20 kg, nhưng có sự thông minh và nghị lực sống phi thường, năm 2003, Công Hùng đã đứng ra mở một trung tâm tin học dành cho người có hoàn cảnh như mình. Trung tâm của Công Hùng đã giúp nhiều người khuyết tật tại Nghệ An xóa bỏ mặc cảm, mở ra cơ hội việc làm và tương lai tươi sáng hơn cho họ. Năm 2006, anh được Trung ương Đoàn bầu chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc, được gọi “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.