Những tiền đề lý luận của chủ nghĩa hiện sinh.

nhung-tien-de-ly-luan-cua-chu-nghia-hien-sinh

Những tiền đề lý luận của chủ nghĩa hiện sinh.

Chủ nghĩa hiện sinh không phải là sản phẩm nhất thời của thời hiện đại mà có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử. Quan niệm về đời người và thân phận con người đã manh nha trong triết lý Phật giáo khi Đức Phật Thích Ca đắc đạo, đứng giữa trời đất, chỉ tay nói: “Thiên thượng, Địa hạ, duy Ngã độc tôn”. “Tứ diệu đế”, tức bốn chân lý tối cao mà Đức Phật “ngộ” ra trong những năm tháng tu hành khổ luyện đã phản ánh chân thành cụ thể đời sống con người và nỗi khổ của nó – đó là một cuộc hành trình tuân theo luật nhân quả “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” “Luân hồi, Nghiệp báo”. Triết lý nhân sinh Phật giáo đã đặt ra tình huống có vấn đề về con người, mà cốt lõi là làm gì và làm như thế nào để giải thoát con người khỏi “tam độc” (Tham, Sân, Si) đưa con người đến tự do, sống ung dung tự tại trong thế giới đầy vật dục và biến động.

Ở phương Tây cổ đại, triết gia Socrate với luận điểm “con người hãy tự nhận thức chính mình” đã mở đầu giai đoạn nhận thức con người. Theo ông, mọi tư tưởng và hoạt động phải làm gia tăng ý nghĩa của tồn tại con người, bởi vì, đối với con người vấn đề không phải là sống mà là sống tốt, sống có ích cho xã hội. Cái chết của ông là một đề tài và nguồn cảm hứng bất tận của triết học và văn học nghệ thuật chứng minh cho sự bi đát của một kiếp người khao khát làm điều thiện, nhưng bị tha nhân lên án, kết tội và bức tử.

Xét về phương diện văn học,Kinh thánh (The Bible) của Đạo Ky tô là một tiểu thuyết miêu tả đời sống nhân quần buổi khai thiên lập địa. Hình tượng Adam và Eva đại diện cho hai giới sống mù lòa, cô đơn buồn tủi đành phải ăn trái cấm để được sáng mắt, sáng lòng trên vườn địa đàng báo hiệu một lịch sử đau buồn và phạm tội của nhân loại. Abraham được miêu tả như một vị anh hùng sẵn sàng hiến tế đứa con trai yêu dấu cho Thiên chúa, hành vi “bất đắc dĩ” này phản ánh mâu thuẫn giằng xé nội tâm trong sự lựa chọn của con người giữa một bên là tình cảm, bên kia là lý tưởng cao thượng.

Đầu thời trung đại, Thánh Augustin đã tuyên bố: ”Hãy đi sâu vào bản thân, chân lý nằm trong nội tâm con người”. Bằng luận điểm đó, ông đã đi sâu phân tích thế giới nội tâm để qua đó khám phá nguồn gốc bất an và lo âu của con người. Tác phẩm “Xưng tội” (Confession) của ông đã lý giải về nguồn gốc thần thánh của con người, về đời sống tâm linh phức tạp của nó, về mối quan hệ giữa người và thần, theo đó Chúa đã sáng tạo và chi phối đời sống con người, do vậy để đền đáp công ơn này, mỗi người cần phải dấn thân vào đời sống, phải yêu thương nhau, vì cái ác, sự đau khổ chỉ xuất hiện khi thiếu vắng tình yêu thương, khi con người hành động theo ý chí tự do nên bị sa ngã.

Đến thời khai sáng, triết gia người Pháp – Pascal trong tác phẩm “Các suy tư” (Pensses) đã phát biểu rằng, “con người chỉ là một cây sậy yếu ớt trong mọi tạo vật, nhưng là một cây sậy biết tư duy”. Qua việc đề cập đến tư tưởng tôn giáo và triết học, Pascal đã miêu tả sinh động việc nhân loại ngập chìm trong cảnh bao la vô tận của vũ trụ. Theo ông, “tất cả phẩm giá con người là ở tư tưởng”, nhưng còn một cái quan trọng hơn, cao hơn cả tư tưởng là con tim., bởi vì “con tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không biết được”. Có thể nói, quan niệm của Pascal mở đầu cho một khuynh hướng mới về nghiên cứu thân phận con người – phát hiện tính mâu thuẫn trong giá trị người – một giá trị vừa cao thượng vừa thấp hèn, nhỏ mọn. “Con người – Pascal viết – một vật mới lạ! Một quái vật, một sự hỗn mang, một sự mâu thuẫn, một điều kỳ diệu! Là quan tòa xét xử muôn loài và đồng thời là một con giun đất đần độn; là kho chân lý, và là bể chứa sự hoang mang và sai lầm; là niềm kiêu hãnh và là căn bã của vũ trụ”.

Bước sang thời cận đại, văn hào Nga Dostoievsky – trong các tác phẩm văn học của mình, đặc biệt là trong tiểu thuyết Tội ác và sự trừng phạt đã miêu tả trạng thái tâm lý của các nhân vật dựa trên luận đề xuất phát: “Nếu không có thượng Đế, thì mọi điều đều có thể làm”. Luận đề này tuy đặt ra một tình huống giả định, nhưng thực tế đã khẳng định vai trò của thần học và tôn giáo trong việc củng cố đạo đức con người, phản ánh tính mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành động của con người, đặt nền móng cho việc nghiên cứu đời sống tâm lý. Khi trích dẫn luận đề này, triết gia hiện sinh người Pháp Paul Sactre cho rằng, “đây chính là điểm xuất phát của chủ nghĩa hiện sinh”.

Chủ nghĩa hiện sinh hiện đại trực tiếp dựa trên quan niệm về con người của triết gia Đan Mạch – Kierkegaard (1813-1855), ông đã sớm nhìn thấy tính chất tư biện của Hegel khi triết gia này tìm cách thâu tóm mọi thực tại vào trong hệ thống triết học của mình và trong quá trình luận giải thế giới ông đã đánh mất yếu tố quan trọng là tồn tại người. Trong khi đó đây lại là điều cốt yếu của triết học, vì tồn tại trước hết phải là tồn tại của một cá thể người, sống, khát vọng, lựa chọn và dấn thân. Thuyết hiện sinh của Kierkegaard có thể tóm lược trong quan niệm cho rằng, “mọi con người phải được hiểu như là sở hữu bản chất cốt yếu là người”.

Nhìn chung, sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh như một liệu pháp tâm lý giải tỏa những ức chế của đời sống xã hội đã bị giam hãm một thời gian dài, bị cầm tù bởi những cấm kỵ của chế độ phong kiến, lên án thói đạo đức giả và sự tha hóa con người trong xã hội biến động về khoa học công nghệ, mong ước cứu vớt con người trước thảm họa chiến tranh, đưa con người trở về ngôi vị làm người chân chính.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.