Niềm hứng thú đối với truyện cổ tích Việt Nam

kiẻu-cau-truc-tuyen-tinh-trong-tho-moi-va-tho-ca-cach-mang-viet-nam

Niềm hứng thú đối với truyện cổ tích Việt Nam.

  • Mở bài:

Macxim  Gorki đã từng nói: “Hãy đi sâu vào sáng tác của nhân dân, nó trong lành như nước nguồn ngọt ngào, tươi mát, róc rách từ khe núi chảy ra”. Tôi nghĩ ông đang nói với chúng ta về giá trị của truyện cổ tích đối với mỗi con người.

  • Thân bài:

Kho tàng truyện cổ tích của dân tộc ta tuy không đồ sộ và được sưu tầm nhiều như các nước khác, nhưng với chừng ấy thôi cũng đã đủ để chúng ta hiểu và trân về đời sống và khát vọng của dân tộc ta từ muôn đời trước.

Bằng trí tưởng tượng phong phú, cách kể chuyện bình dị, nhưng sinh động, cha ông ta đã gửi gắm qua nhân vật khát vọng về một cuộc sống công bằng, tốt đẹp; kẻ ác, cái ác nhất định bị trừng trị, người tốt, cái tốt nhất định được báo đáp, bảo vệ. Mỗi câu chuyện cổ tích là một bông hoa tươi sắc giữa khu vườn và làm bừng nở trong tâm hồn ta một bông hao thánh thiện, gây cho ta biết bao niềm thích thú.

Từ lúc còn bé thơ, bà tôi thường kể cho tôi nghe những câu chuyện có các bà tiên với phép màu biến hóa, có ông bụt hiền lành và những con người nhỏ bé được ông bụt, bà tiên ấy bảo vệ, giúp đỡ. Lúc đó, tôi chỉ biết đó là câu chuyện hay thôi, chứ không biết đó là cổ tích. Tôi thường thích thú reo lên mỗi khi kẻ ác bị trừng trị đích đáng.

Tôi nhớ mãi hình ảnh ông tiên hiền hậu hiện lên giúp đỡ khi chàng trai ngồi khóc trong rừng vì không thể tìm ra cây tre nào có trăm đốt tre. Thật kì diệu, chỉ bằng một cái phất tay, ông bụt đã khiến cho các đốt tre rời rạc kết thành cây tre trăm đốt. Và tôi đã thét lên, đứng dậy vỗ tay khi tên địa chủ bị chàng trai niệm câu thần chú cho dính chặt vào cây tre.

Đến khi được đi học, tôi được nghe cô giáo giảng về ý nghĩa của các câu chuyện tôi mới biết được rằng chuyện cổ tích chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nó không hề có thật nhưng gây được cho ta những tình cảm chân thật, giúp ta nhận diện cái tốt cái xấu trong cuộc sống và thôi thúc ta hành động. Truyện cổ tích là nhằm ca ngợi lẽ phải, sự công bình, ca ngợi người tốt, phê phán, đả kích cái ác, cái xấu hướng ta đến chân, thiện mỹ.

Tôi bỗng giật mình nhận ra phép màu là không có thật và những bà tiên, ông bụt chưa bao giờ xuất hiện trên cõi đời này. Thế nhưng, tôi vẫn say mê đọc. Tôi đọc hết truyện cổ tích này đến truyện cổ tích khác và ở đâu tôi cũng thấy thú vị vô cùng.

Càng đọc càng thấy hứng thú. Tôi yêu nàng Tấm vì cái nết hiền hậu, tôi yêu chàng Sọ Dừa bởi chàng tuy bất hạnh mà có tấm lòng thật thà đáng quý biết bao, tôi cũng mến Cậu bé thông minh thật nhiều vì tuy nhỏ tuổi mà rất thông minh lại vô cùng dũng cảm, vì sự bình an của người dân mà quyết chí vào triều giải nguy cho dân làng, lập được công lớn cho đất nước.

Dù phép màu không có thật, nhưng nó chính là sự gắn kết giữa hiện thực và lí tưởng, là sức mạnh xoa dịu nỗi đau thương, trợ sức cho ta vượt qua và chiến thắng nghịch cảnh. Tôi vẫn cứ đọc truyện cổ tích Việt Nam và sẽ còn đọc mãi bởi không thể nào ta có thể hiểu hết được ý nghĩa thẳm sâu của nó. Mỗi lần đọc một câu chuyện cũ, tôi lại nhận được một bài học mới. Càng đọc càng thấy mình chân thiện.

  • Kết bài:

Truyện cổ tích là thế đây. Nó không ru ngủ chúng ta trong phép màu hay lừa dối ta về sự tất thắng của lẽ phải. Không phải lúc nào cái thiện cũng chiến thắng và hành động tốt chưa chắc đã được đáp đền nhưng tôi tin chắc rằng mỗi khi ta đọc truyện cổ tích nào đó bạn sẽ thấy tin tưởng vào bản thân, tin tưởng vào sức mạnh chiến thắng của lẽ phải và yêu mến cuộc đời này hơn.

Truyện cổ tích là gì?

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.