Nội dung và nghệ thuật các văn bản văn học Học kỳ 2 Ngữ văn 8.

noi-dung-va-nghe-thuat-cac-van-ban-van-hoc-ngu-van-8

Nội dung và nghệ thuật các văn bản văn học Học kỳ 2 Ngữ văn 8.

1. Nhớ rừng (Thế Lữ).

– Nội dung: Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và khao khát tự do mãnh liệt của nhà thơ, khơi gợi lòng yêu nước thầm kín của người dân mất nước thuở ấy.

– Nghệ thuật: Bút pháp lãng mạn rất truyền cảm, sự đổi mới câu thơ, vần điệu, nhịp điệu, phép tương phản, đối lập. Nghệ thuật tạo hình đặc sắc.

2. Quê hương (Tế Hanh).

– Nội dung: Tình yêu quê hương trong sáng, thân thiết được thể hiện qua bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển, trong đó nổi bật lên hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt làng chài.

– Nghệ thuật: Lời thơ bình dị, hình ảnh thơ mộc mạc mà tinh tế lại giàu ý nghĩa biểu trưng(cánh buồm-hồn làng, thân hình nồng thở vị xa xăm, nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ,…)

3. Khi con tu hú (Tố Hữu).

– Nội dung: Tình yêu cuộc sống và khát vọng tự do của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi trong nhà tù.

– Nghệ thuật: Giọng thơ tha thiết, sôi nổi, tưởng tượng rất phong phú, dồi dào.

4. Tức cảnh Pác Bó (Hồ Chí Minh).

– Nội dung: Tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác Hồ trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ ở Pác Bó. Với Người, làm cách mạng và sống hòa hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn.

– Nghệ thuật: Giọng thơ hóm hỉnh, tươi vui, (vẫn sẵn sàng, thật là sang), từ láy miêu tả (chông chênh); vừa cổ điển vừa hiện đại.

5. Ngắm trăng (Vọng Nguyệt; trích Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh).

– Nội dung: Tình yêu thiên nhiên, yêu trăng đến say mê và phong thái ung dung của Bác Hồ ngay trong cảnh tù ngục cực khổ, tối tăm.

– Nghệ thuật: Nhân hóa, điệp từ, câu hỏi tu từ và đối lập.

6. Đi đường (Tẩu Lộ; trích Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh).

– Nội dung: Ý nghĩa tượng trưng và triết lí sâu sắc: Từ việc đi đường núi gợi ra chân lí đường đời; vượt qua gian lao chồng chất sẽ tới thắng lợi vẻ vang.

– Nghệ thuật: Điệp từ (tẩu lộ, trùng san), tính đa nghĩa của hình ảnh, câu thơ, bài thơ.

7. Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu – Lý Công Uẩn).

– Nội dung: Phản ánh khát vọng về một đất nước độc lập, thống nhất đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh.

– Nghệ thuật: Kết câu chặt chẽ, lập luận giàu sức thuyết phục, hài hòa tình – lí: trên vâng mệnh trời- dưới theo ý dân.

8. Hịch tướng sĩ (Dụ chư tì tướng hịch văn – Trần Quốc Tuấn).

– Nội dung: Tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên xâm lược (thế lỉ XIII), thể hiện qua lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến quyết thắng, trên cơ sở đó, tác giả phê phán khuyết điểm của các tì tướng, khuyên bảo họ phải ra sức học tập binh thư, rèn quân chuẩn bị sát thát. Bừng bừng hào khí Đông A.

– Nghệ thuật: Áng văn chính luận xuất sắc, lập luận chặt chẽ, lí lẽ hùng hồn, đanh thép, nhiệt huyết chứa chan, tình cảm thống thiết, rung động lòng người sâu xa; đánh vào lòng người, lời hịch trở thành mệnh lệnh của lương tâm, người nghe được sáng trí, sáng lòng.

9. Nước Đại Việt ta (trích Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi).

– Nội dung: Ý thức dân tộc và chủ quyền đã phát triển tới trình độ cao, ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập: nước ta là đất nước có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử. Kẻ xâm lược phản nhân nghĩa, nhất định thất bại.

– Nghệ thuật: Lập luận chặt chẽ, chứng cứ hùng hồn, xác thực, ý tứ rõ ràng, sáng sủa và hàm súc, kết tinh cao độ tinh thần và ý thức dân tộc trong thời kì lịch sử dân tộc thật sự lớn mạnh; đặt tiền đề, cơ sở lí luận cho toàn bài; xứng đáng là Thiên cổ hùng văn.

10. Bàn luận về phép học (Luận học pháp – La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp).

– Nội dung: Quan niệm tiến bộ của tác giả về mục đích và tác dụng của việc học tập: học là để làm người có đạo đức, có tri thức góp phần làm hưng thịnh đất nước. Muốn học tốt phải có phương pháp, phải theo điều học mà làm (hành)

– Nghệ thuật: Lập luận chặt chẽ, luận cứ rõ ràng; sau khi phê phán những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong việc học, khẳng định quan điểm và phương pháp học tập đúng đắn.

11. Thuế máu (trích chương I, Bản án chế độ thực dân pháp – Nguyễn Ái Quốc).

– Nội dung: Vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa, thủ đoạn tàn bạo của chính quyền thực dân Pháp trong việc sử dụng người dân thuộc địa nghèo khổ làm bia đỡ đạn trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa tàn khốc (1914-1918)

–  Nghệ thuật: Tư liệu phong phú, xác thực, tính chiến đấu rất cao, nghệ thuật trào phúng sắc sảo và hiện đại; mâu thuẫn trào phúng, ngôn ngữ, giọng điệu giễu nhại.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.