Những giọt nước mắt trong Số phận con người của Sô-lô-khốp

nuoc-mat-va-so-phan-so-lo-khop-bac-thay-vi-dai-cua-van-hoc-nga

Những giọt nước mắt trong “Số phận con người” của Sô-lô-khốp – bậc thầy vĩ đại của văn học Nga.

Đó là những giọt nước mắt trong “Số phận con người” của Sô-lô-khốp – bậc thầy vĩ đại của văn học Nga. Truyện kể về số phận của một người công dân Nga bình thường trong bão táp của lịch sử, nhưng đã đặt ra những vấn đề lớn lao, vượt ra ngoài tầm vóc của một truyện ngắn.

Nhân vật chính là Xô-cô-lốp, cuộc đời của anh gắn liền với hai cuộc chiến tranh: nội chiến (1918-1921) và chiến tranh chống phát xít (1939-1945). Trong chiến tranh, anh là một người lính, và người lính này đã đối mặt với những thử thách chiến tranh dữ dội  nhất: hai lần bị thương, bị bắt làm tù binh và bị đọa đày trong trại tập trung của phát xít Đức. Nghị lực Nga đã giúp anh kiêu hãnh vượt lên tất cả để có mặt trong đoàn quân chiến thắng ngày 9-5-1945.

Nhưng đằng sau ánh hào quang của vinh quang và chiến thắng ấy, Sô-lô-khốp nhìn thấy những khía cạnh khác nữa của số phận con người, chân thực hơn, ám ảnh hơn, và cũng không kém phần hào hùng bi tráng. Đó là một Xô-cô-lốp bước ra từ chiến tranh, đối mặt với không chỉ là thảm đỏ của vinh quang, mà còn là mất mát hoang tàn của phận người: cha mẹ anh em mất trong nội chiến, vợ và hai con gái mất trong trận bom tàn sát của phát xít Đức, con trai duy nhất hy sinh đúng vào ngày chiến thắng. Cái ngày đoàn tụ hạnh phúc trong ao ước khát khao của bất cứ người lính nào đối với Xô- cô-lốp đã trở thành ngày tuyệt vọng nhất của sự chia lìa, khi anh không còn một nơi chốn để trở về. “Biết về đâu bây giờ” là câu hỏi khắc khoải đớn đau, diễn tả nỗi bơ vơ trống rỗng tột cùng.

Nương thân ở đất khách quê người, Xô-cô-lôp trở lại cuộc đời của một người lao động bình thường. Một trái tim suy kiệt và một nỗi bế tắc tột cùng dường như có cơ khiến cuộc đời anh chìm nghỉm. Người lính ấy đã  từng kiên cường đứng thẳng trong bão táp chiến tranh, liệu có thể đứng thẳng trong khổ đau của thời hậu chiến hay không? Nhà văn đã trả lời chúng ta bằng hình ảnh của những giọt nước mắt.

Lần thứ nhất, hình ảnh giọt nước mắt xuất hiện khi Xô-cô-lốp gặp bé Va-ni-a. Một đứa trẻ non nớt như một mầm cây mới nhú lên khỏi mặt đất đã chịu đựng ngay giông tố của chiến tranh: ba mất ngoài mặt trận, mẹ chết khi đoàn tàu bị trúng bom. Bơ vơ không họ hàng và quê hương, bão táp cuộc đời đã xô đẩy em phiêu bạt đến một vùng đất xa lạ để rồi một ngày gặp Xô-cô-lốp trong một quán nhỏ. Đứa bé lăn lóc vất vưởng bên lề cuộc sống ấy, không ngờ đã khơi lên trong lòng Xô-cô-lốp những xúc cảm diệu kỳ mà tưởng như trái tim đau khổ của anh đã chai sạn đi. Anh thích nó, rồi thấy nhớ. Và khi nghe những câu nói ngây thơ của đứa trẻ về những mất mát bởi chiến tranh, thì “những giọt nước mắt nóng hổi sôi lên ở mặt tôi”.

Xô-cô- lốp đã không hề khóc trước những đớn đau khốc liệt nhất của cuộc đời mình, dầu rằng những nỗi đau đó có khi khiến cho trái tim anh tưởng như vỡ tung ra. Nhưng trước nỗi đau non dại đến nhường kia, anh đã không thể kìm những giọt nước mắt. Phải chăng vắt kiệt trái tim mình để gánh chịu nỗi đau, anh đã dành những giọt nước mắt để khóc cho người? Hay những giọt nước mắt kia là sự cộng hưởng của hai nỗi đau, của hai thân phận, cộng hưởng cho nên nó đã chất chứa để không thể kìm nén được nữa, phải sôi trào lên? Đó là giọt nước mắt xót xa của phận người sau chiến tranh, nhưng cũng là giọt nước mắt nhân ái từ trái tim giàu yêu thương của người lính Nga ấy. Nó không chỉ hé mở thân phận, nó còn hé mở với chúng ta câu trả lời, rằng anh có thể vượt lên nỗi đau để tiếp tục sống.

Vì thế cho nên, sau những giọt nước mắt ấy, là quyết định ngay lập tức: “Không thể để cho mình với nó chìm nghỉm riêng rẽ được ! Mình sẽ nhận nó làm con”. Đó là quyết định của trái tim: phải chở che cho đứa trẻ non nớt ấy, đó cũng là quyết định của lý trí: phải cứu lấy hai cuộc đời, phải không thể chấp nhận sự chìm nghỉm của số phận. Anh đã nhận làm cha của bé Va-ni-a, không phải chỉ là để đem đến cho bé một chỗ dựa trong cuộc đời, mà cao hơn, là hàn gắn lại cho bé (và cả cho mình) những mất mát bởi chiến tranh.

Lần thứ hai, giọt nước mắt xuất hiện trong những giấc ngủ của Xô-cô- lốp. Nỗi đau không ngủ yên, nó cồn cào trong mỗi giấc mơ của anh, khi ở đó, anh gặp lại hình ảnh của vợ con thân yêu. Họ nhìn anh, họ nói chuyện với anh, nhưng giữa anh và vợ con là hàng rào dây thép gai nghiệt ngã. Chiến tranh qua đi, mà cái khốc liệt của nó vẫn đeo đẳng trong ký ức người lính, giày vò những giấc mơ. Và nước mắt anh đẫm gối.

Thì ra, những giọt nước mắt khóc cho mình ấy, tưởng anh đã kìm nén để tan đi, nhưng nó vẫn chất chứa trong sâu thẳm trái tim anh, và khi chỉ còn riêng mình trong bóng tối lặng câm, thì nó tuôn trào không giấu được. Ta nhớ đến những giọt nước mắt của Cao Bá Quát khóc cho con gái đã mất trong những giấc mơ thấy con trở về (Mộng vong nữ). Ta nhớ đến tiếng khóc trẻ thơ trong giấc mơ thời chiến tranh của Hoàng Cầm (Bên kia sông Đuống). Giọt nước mắt trong mơ bao giờ cũng ám ảnh, cũng khiến ta đau đáu xót xa. Vì như thế, nỗi đau đã lặn vào trong, kết tụ lại, không thể tan đi. Nhưng giọt nước mắt ấy còn khiến ta khâm phục. Chỉ có bản lĩnh như thế nào, người lính ấy mới có thể kìm nén nỗi đau đến như thế. Và, anh kìm nén để làm gì? Phải chăng là để cứng cỏi hơn khi đối mặt với những thử thách mới của thời bình? Hay, không chỉ thế, còn để giữ gìn sự bình yên cho đứa trẻ bên cạnh mình – Va-ni-a?

Chiến tranh qua đi, nhưng nước mắt của nhân dân vẫn chảy. Nhưng xin hãy đừng nhìn những giọt nước mắt ấy như một sự yếu đuối. Nếu trái tim Xô-cô-lốp không còn có thể khóc, cho người và cho mình, thì anh còn lại gì cho sự tồn tại của mình? Những giọt nước mắt ấy, để thấy trái tim anh còn ấm áp biết bao, để thấy rằng, anh sẽ đi qua những thử thách mới, dẫu nó nghiệt ngã và đắng cay. Thế cho nên, kết thúc tác phẩm, không phải Xô-cô- lốp khóc, mà chính người kể chuyện đã khóc. Giọt nước mắt này là  khóc cho số phận con người trong và sau chiến tranh, cũng là khóc vì cảm phục biết bao những con người kiên cường và nhân ái mà chính họ đã làm nên sức mạnh của cả một thời đại.

Có long lanh giọt nước mắt/ Cho đời ta làm gương soi” – Thiết nghĩ rằng ở Số phận con người, đó chính là những giọt nước mắt như thế. Soi vào, để thấy cuộc đời. Soi vào, để thấy sáng ngời lên tính cách Nga, bản lĩnh Nga, tâm hồn Nga. Và, một thời đại bi hùng của dân tộc Nga, một bài học lớn lao cho lẽ sống và cách sống, đã  được thể hiện một cách dung dị như thế.

Phân tích truyện ngắn Số phận con người của Sô-lô-khốp

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.