Ôn tập Học kỳ 2, Ngữ văn 7

on-tap-hoc-ky-2-ngu-van-7

ÔN TẬP HỌC KỲ II – NGỮ VĂN 7

A. TIẾNG VIỆT.

Bài 1: RÚT GỌN CÂU

I. THẾ NÀO LÀ RÚT GỌN CÂU?

– Khi nói hoặc viết, có thể lược bỏ một số thành phần của câu, tạo thành câu rút gọn.

– Việc lược bỏ một số thành phần câu thường nhằm những mục đích như sau:

+ Làm cho câu gọn hơn, vừa thông tin được nhanh, vừa tránh lặp những từ ngữ đã xuất hiện trong câu đứng trước;

+ Ngụ ý hành động, đặc điểm nói trong câu là của chung mọi người (lược bỏ chủ ngữ).

Ví Dụ:

Hai ba người đuổi theo nó. Rồi ba bốn người, sáu bảy người. (Nguyễn Công Hoan)

– Bao giờ cậu đi Hà Nội?
– Ngày mai.

II. CÁCH DÙNG CÂU RÚT GỌN.

– Khi rút gọn câu, cần chú ý:

 + Không làm cho người nghe, người đọc hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ nội dung câu nói;

+ Không biến câu nói thành một câu cộc lốc, khiếm nhã.

Bài 2: CÂU ĐẶC BIỆT

I. THẾ NÀO LÀ CÂU ĐẶC BIỆT?

– Câu đặc biệt thường được dùng để:

+ Xác định thời gian, nơi chốn diễn ra sự việc được nói đến trong đoạn;

+ Liệt kê, thông báo về sự tồn tại của sự vật, hiện tượng.

+ Bộc lộ cảm xúc;

+ Gọi đáp.

Ví dụ:

Một đêm mùa xuân. Trên dòng sông êm ả, cái đò cũ của bác tài phán từ từ trôi.

(Nguyên Hồng)

Đoàn người nhốn nháo lên. Tiếng reo, tiếng vỗ tay.

(Nam Cao)

“Trời ơi!”, cô giáo tái mặt và nước mắt giàn giụa. Lũ nhỏ cũng khóc mỗi lúc một to hơn.

(Khánh Hoài)

An gào lên: – Sơn! Em Sơn!, Sơn ơi!;

– Chị An ơi! (Nguyễn Đình Thi).

Bài 3: THÊM TRẠNG NGỮ CHO CÂU

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA TRẠNG NGỮ

– Về ý nghĩa, trạng ngữ được thêm vào câu để xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, cách thức diễn ra sự việc nêu trong câu.

– Về hình thức:

+ Trạng ngữ có thể đứng ở đầu câu, cuối câu hay giữa câu;

+ Giữa trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ thường có một quãng nghỉ khi nói hoặc một dấu phẩy khi viết.

Ví dụ:

Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp.[…]

Tre với người như thế đã mấy nghìn năm. Một thế kỉ “văn minh”, “khai hoá” của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt. Tre vẫn phải còn vất vả với người. Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.

II. CÔNG DỤNG CỦA TRẠNG NGỮ

– Trạng ngữ có những công dụng như sau:

+ Xác định hoàn cảnh, điều kiện diễn ra sự việc nêu trong câu, góp phần làm cho nội dung của câu được đầy đủ, chính xác.

+  Nối kết các câu, các đoạn với nhau, góp phần làm cho đoạn văn, bài văn được mạch lạc.

III. TÁCH TRẠNG NGỮ THÀNH CÂU RIÊNG

– Trong một số trường hợp, để nhấn mạnh, chuyển ý hoặc thể hiện những tình huống, cảm xúc nhất định, người ta có thể tách trạng ngữ, đặc biệt là trạng ngữ đứng cuối câu, thành những câu riêng.

BÀI 4: CHUYỂN ĐỔI CÂU CHỦ ĐỘNG THÀNH CÂU BỊ ĐỘNG

I. CÂU CHỦ ĐỘNG VÀ CÂU BỊ ĐỘNG

– Câu chủ động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật thực hiện một hoạt động hướng vào người, vật khác (chỉ chủ thể của hoạt động).

VD: Nam ném quả bóng lên trời.

– Câu bị động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật được hoạt động của người, vật khác hướng vào (chỉ đối tượng của hoạt động).

VD:

+ Quả bóng bị Nam ném lên trời.

+ Quả bóng bị ném lên trời bởi Nam.

II. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC CHUYỂN ĐỔI CÂU CHỦ ĐỘNG THÀNH CÂU BỊ ĐỘNG

– Việc chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động (và ngược lại, chuyển đổi câu bị động thành câu chủ động) ở mỗi đoạn văn đều nhằm liên kết các câu trong đoạn thành một mạch văn thống nhất.

III. CÁCH CHUYỂN ĐỔI CÂU CHỦ ĐỘNG THÀNH CÂU BỊ ĐỘNG

– Có hai cách chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động:

+ Chuyển từ (hoặc cụm từ) chỉ đối tượng của hoạt động lên đầu câu và thêm các từ bị hay được vào sau từ (cụm từ) ấy.

+ Chuyển từ (cụm từ) chỉ đối tượng của hoạt động lên đầu câu, đồng thời lược bỏ hoặc biến từ (cụm từ) chỉ chủ thể của hoạt động thành một bộ phận không bắt buộc trong câu.

– Không phải câu nào có các từ bị, được cũng là câu bị động.

BÀI 5: DÙNG CỤM CHỦ – VỊ ĐỂ MỞ RỘNG CÂU.

I. THẾ NÀO LÀ DÙNG CỤM CHỦ – VỊ ĐỂ MỞ RỘNG CÂU?

– Khi nói hoặc viết, có thể dùng những cụm từ có hình thức giống câu đơn bình thường, gọi là cụm chủ – vị (cụm C – V), làm thành phần của câu hoặc của cụm từ để mở rộng câu.

VD:

+ Em vô tình làm vở của Nam bị rách.

+ Chị Ba đến khiến tôi rất vui và vững tâm.

II. CÁC TRƯỜNG HỢP DÙNG CỤM CHỦ – VỊ ĐỂ MỞ RỘNG CÂU.

– Các thành phần câu như chủ ngữ, vị ngữ và các phụ ngữ trong cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ đều có thể được cấu tạo bằng cụm C – V.

BÀI 6: LIỆT KÊ.

I. THẾ NÀO LÀ PHÉP LIỆT KÊ?

Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay của tư tưởng, tình cảm.

VD:

+ Hồng, Hoa, Nam sẽ phụ trách quét lớp còn Yến, Hùng, Kiệt sẽ phụ trách lau bảng.

+ Mẹ mua cho con hai cây bút chì, 2 cây bút bi và hộp đựng bút nữa mẹ nhé.

II. CÁC KIỂU LIỆT KÊ

– Xét theo cấu tạo, có thể phân biệt kiểu liệt kê từng cặp với kiểu liệt kê không theo từng cặp.

– Xét theo ý nghĩa, có thể phân biệt kiểu liệt kê tăng tiến với liệt kê không tăng tiến.

VD:

  • Kiểu liệt kê từng cặp:

+ Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

  • Kiểu liệt kê không theo từng cặp:

+ Chim chào mào đỏng đảnh trên cây, chim sáo đuổi nhau trên đồng còn mấy anh chèo bẻo bay vút trên trời cao.

  • Kiểu liệt kê tăng tiến:

+ Tiếng Việt của chúng ta phản ánh sự hình thành và trưởng thành của xã hội Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, của tập thể nhỏ là gia đình, họ hàng, làng xóm và của tập thể lớn là dân tộc, quốc gia.

  • Kiểu liệt kê không tăng tiến:

+ Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng.

BÀI 7: DẤU CHẤM LỬNG VÀ DẤU CHẤM PHẨY

I. DẤU CHẤM LỬNG.

Dấu chấm lửng được dùng để:

– Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết;

– Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng;

– Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm.

VD:

+ – Bẩm… quan lớn… đê vỡ mất rồi!

+ Cuốn tiểu thuyết được viết trên… bưu thiếp.

+ Ô hay, có điều gì bố con trong nhà bảo nhau chứ sao lại…

II. DẤU CHẤM PHẨY.

Dấu chấm phẩy được dùng để:

– Đánh dấu ranh giới giữa các vế của một câu ghép có cấu tạo phức tạp;

– Đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong một phép liệt kê phức tạp.

VD:

+ Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ.

+ Dưới ánh trăng này, dòng thác nước sẽ đổ xuống làm chạy máy phát điện; ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn.

BÀI 8: DẤU GẠCH NGANG.

I. CÔNG DỤNG CỦA DẤU GẠCH NGANG.

Dấu gạch ngang có những công dụng sau:

– Đặt ở giữa câu để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu;

– Đặt ở đầu dòng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật hoặc để liệt kê;

– Nối các từ nằm trong một liên danh.

VD:

+ Có người khẽ nói:

– Bẩm, dễ có khi đê vỡ!

+ Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu.

+ Tàu Hà Nội – Vinh khởi hành lúc 21 giờ.

II. PHÂN BIỆT DẤU GẠCH NGANG VỚI DẤU GẠCH NỐI.

Cần phân biệt dấu gạch ngang với dấu gạch nối:

– Dấu gạch nối không phải là một dấu câu. Nó chỉ dùng để nối các tiếng trong những từ mượn gồm nhiều tiếng.

– Dấu gạch nối ngắn hơn dấu gạch ngang.

VD:

Dấu gạch ngang:

+ Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như mộng…

Dấu gạch nối:

+ Lệnh từ Béc-lin là từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng An-dát và Lo-ren…

B. VĂN BẢN:

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh).

  1. Bố cục (3 phần):

– Phần 1 (từ đầu đến “lũ bán nước và cướp nước”): Nêu vấn đề nghị luận – Nhận định chung về lòng yêu nước.

– Phần 2 (tiếp đó đến “lòng nồng nàn yêu nước”): Chứng minh lòng yêu nước của nhân dân ta.

– Phần 3 (còn lại): Nhiệm vụ của mọi người.

  1. Nội dung:

Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài văn đã làm sáng tỏ một chân lí: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”

  1. Nghệ thuật:

– Bố cục chặt chẽ, luận điểm ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc.

– Dẫn chứng được chọn lọc, trình bày hợp lí, giàu sức thuyết phục.

– Cách diễn đạt trong sáng, nhiều hình ảnh so sánh độc đáo.

Sự giàu đẹp của tiếng Việt (Đặng Thai Mai)

  1. Bố cục (2 phần):

– Phần 1 (từ đầu đến “qua các thời kì lịch sử”): Nhận định chung về sự giàu đẹp của tiếng Việt.

– Phần 2 (còn lại): Chứng minh sự giàu đẹp của tiếng Việt.

  1. Nội dung:

Bài văn đã chứng minh sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt trên nhiều phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tiếng Việt, với những phẩm chất bền vững và giàu khả năng sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của nó, là một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc.

  1. Nghệ thuật:

– Kết hợp khéo léo giữa lập luận giải thích và lập luận chứng minh, bình luận.

– Lập luận chặt chẽ.

– Dẫn chứng phong phú, bao quát toàn diện.

– Câu văn mạch lạc, trong sáng, sử dụng nhiều biện pháp mở rộng câu.

Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng)

  1. Bố cục gồm 2 phần:

– Phần 1 (Từ đầu … đến “trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp”): Sự nhất quán giữa cuộc đời cách mạng và cuộc sống thanh bạch, giản dị của Bác.

– Phần 2 (Còn lại): Tác giả chứng minh sự giản dị của Bác trong sinh hoạt, lối sống, việc làm.

  1. Nội dung:

Tác phẩm đã nêu lên một trong những đức tính cao đẹp của Bác Hồ: sự giản dị. Đức tính giản dị là một phẩm chất cao quý của Bác. Bác giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong lời nói và bài viết. Ở Bác, sự giản dị hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp.

  1. Nghệ thuật:

– Luận điểm ngắn gọn, rõ ràng.

– Hệ thống luận cứ đầy đủ, xác đáng, chặt chẽ.

– Dẫn chứng cụ thể, phong phú, chính xác, giàu sức thuyết phục.

– Bình luận sâu sắc, chưa đựng tình cảm của người viết.

Ý nghĩa văn chương (Hoài Thanh).

  1. Bố cục gồm 3 phần:

– Phần 1 (từ đầu đến “muôn vật, muôn loài”): Nguồn gốc của văn chương.

– Phần 2 (tiếp đó đến “gợi lòng vị tha”): Nhiệm vụ của văn chương.

– Phần 3 (còn lại): Công dụng của văn chương.

  1. Nội dung:

Với một lối văn vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc và hình ảnh, Hoài Thanh khẳng định: nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm và lòng vị tha. Văn chương là hình ảnh của sự sống muôn hình vạn trạng và sáng tạo ra sự sống, gây những tình cảm không có, luyện những tình cảm sẵn có. Đời sống tinh thần của nhân loại nếu thiếu văn chương thì sẽ rất nghèo nàn.

  1. Nghệ thuật:

– Lối văn nghị luận vừa có lí lẽ vừa có cảm xúc.

– Luận điểm rõ ràng,luận chứng minh bạch, đầy sức thuyết phục

– Diễn đạt bằng lời văn giản dị, giàu hình ảnh, cảm xúc.

Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn).

  1. Bố cục (3 phần)

– Phần 1 (từ đầu đến “khúc đê này vỡ mất”): Tình hình vỡ đê vá sức chống đỡ

– Phần 2 (tiếp đó đến “Điếu, mày!”): Cảnh quan phụ mẫu đánh tổ tôm khi “đi hộ đê”

– Phần 3 (Phần còn lại): Cảnh đê vỡ nhân dân lâm vào tình trạng thảm sầu.

  1. Tóm tắt

Sống chết mặc bay là câu chuyện về sự tắc trách của quan phụ mẫu làng X, thuộc phủ X dẫn đến cái chết của hàng bao nhiêu con người, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết, kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn. Bởi trong khi dân chúng khổ cực, vất vả giữ đê ngăn nước lũ từ sông Nhị Hà thì quan phụ mẫu vẫn say sưa với ván bài tổ tôm trong cái đình cao và vững chãi, mặc kệ dân chúng ngoài kia.

  1. Nội dung:

Sống chết mặc bay cho thấy sự đối lập hoàn toàn giữa cuộc sống cơ cực của người dân và cuộc sống sa hoa, sung sướng của bọn cầm quyền mà đứng đầu là tên quan phụ mẫu lòng lang dạ thú. Thể hiện niềm thương cảm của tác giả trước cuộc sống cơ cực của người dân do thiên tai và sự thờ ơ, vô trách nhiệm của bọn cầm quyền đưa đến mà đứng đầu là tên quan phủ độc ác.

  1. Nghệ thuật:

– Kết hợp nghệ thuật tương phản và tăng cấp khéo léo.

– Lời văn cụ thể, sinh động, giàu cảm xúc.

– Miêu tả nhân vật sắc nét.

– Lựa chọn ngôi kể khách quan.

– Ngôn ngữ kể, tả ngắn gọn khắc họa chân dung nhân vật sinh động.

Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (Nguyễn Ái Quốc).

  1. Bố cục: 3 đoạn

– Đoạn 1 (Từ đầu … đến “Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù”): Lời hứa của Va-ren với Phan Bội Châu.

– Đoạn 2 (Tiếp theo … đến “không hiểu Phan Bội Châu”): Những trò lố của Va-ren với cụ Phan Bội Châu.

– Đoạn 3 (Còn lại): Thái độ của Phan Bội Châu.

  1. Nội dung:

Tác phẩm khắc họa một cách rất sắc nét hai nhân vật với hai tính cách, đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau trên đất nước ta thời pháp thuộc: Va-ren là kẻ gian trá, lố bịch, đại diện cho thực dân Pháp phản động ở Đông Dương. Phan Bội Châu kiên cường, bất khuất, xứng đáng là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đáng xả thân vì độc lập, tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam.

  1. Nghệ thuật:

-Sử dụng biện pháp tương phản nhằm khắc họa hai hình tượng nhân vật đối lập: người anh hùng Phan Bội Châu và kẻ phản bội hèn hạ Va-ren.

– Sáng tạo nên hình thức ngôn ngữ đối thoại đơn phương của Va-ren

– Có giọng điệu mỉa mai, châm biếm sâu cay. Giọng văn sắc sảo, hóm hỉnh

– Lựa chọn các chi tiết miêu tả độc đáo, giàu ý nghĩa tượng trưng.

– Giàu khả năng liên tưởng, hư cấu.

Ca Huế trên Sông Hương (Hà Ánh Minh)

  1. Bố cục: 2 đoạn

– Đoạn 1 (Từ đầu … đến “lí hoài nam”): Giới thiệu sơ lược một số làn điệu dân ca Huế.

– Đoạn 2 (Còn lại): Đêm nghe ca Huế trên sông Hương.

  1. Nội dung:

Qua buổi ca Huế trên sông Hương, tác giả thể hiện lòng yêu mến, niềm tự hào đối với di sản văn hóa độc đáo của Huế, cũng là một di sản văn hóa dân tộc cần được trân trọng, bảo tồn và phát triển.

  1. Nghệ thuật:

– Viết theo thể bút kí.

– Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu biểu cảm, thấm đẫm chất thơ.

– Miêu tả âm thanh, cảnh vật, con người sinh động.

– Thủ pháp liệt kê kết hợp với giải thích, bình luận.

– Miêu tả đặc sắc, gợi hình, gợi cảm, chân thực.

C. TẬP LÀM VĂN.

Kiểu bài: giải thích và chứng minh một câu tục ngữ, ca dao, nhận định.

* Dàn bài:

  • Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề (câu tục ngữ, ca dao, nhận định) cần giải thích và chứng minh.

  • Thân bài:
  1. Giải thích:
  2. Chứng minh:
  3. Bàn luận mở rộng:
  4. Rút ra bài học nhận thức và hành động.
  • Kết bài:

Khẳng định ý nghĩa vấn đề.

D. LUYỆN TẬP.

Đề bài 1: Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/Ngày tháng mười chưa cười đã tối”.

Đề bài 2: Giải thích và chứng minh ý nghĩa câu tục ngữ: “Tấc đất tấc vàng”.

Đề bài 3: Giải thích và chứng minh câu tục ngữ: “Một mặt người bằng mười mặt của.

Đề bài 4: Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Đề bài 5: Tục ngữ có câu: “Không thầy đố mày làm nên. Những cũng có câu khác: “Học thầy không tày học bạn”. Suy nghĩ về ý nghĩa 2 câu tục trên.

Đề bài 6: Suy nghĩ về tình yêu thương con người qua ý nghĩa câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”.

Đề bài 7: Suy nghĩ về lòng biết ơn qua  ý nghĩa câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Đề bài 8: Suy nghĩ về sức mạnh của tinh thần đoàn kết qua ý nghĩa câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Đề bài 9: Chứng mình rằng: “Thất bại là mẹ của thành công”.

Đề bài 10:Chứng minh rằng: “Có chí thì nên”.

Đề bài 11:Giải thích và chứng minh ý nghĩa câu tục ngữ: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

Đề bài 12: Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.