Hướng dẫn ôn tập luyện thi văn bản Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

doc-hieu-van-ban-chiec-thuyen-ngoai-xa-cua-nguyen-minh-chau
Phân tích chi tiết nghệ thuật của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Ôn tập luyện thi văn bản “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

I. Tìm hiểu tác giả, tác phẩm.

1. Tác giả: Nguyễn Minh Châu.

– Nguyễn Minh Châu(1930-1989) – Quê Nghệ An, là nhà văn quân đội, sáng tác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

–  Trong kháng chiến chống Mỹ ông tập trung viết và ngợi ca cuộc sống hào hùng của các thế hệ con người Việt Nam dũng cảm, chấp nhận mọi hi sinh vì sự nghiệp chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc. Từ những năm 80 của thế kỉ XX, sáng tác của Nguyễn Minh Châu khẳng định ông luôn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Ông là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kì đổi mới đã đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức, thế sự.

– Trong thời kì nào Nguyễn Minh Châu đều sáng tác theo phương châm “Đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn mỗi con người” và ông luôn có cái nhìn thấu hiểu, trĩu nặng tình thương và nỗi lo âu đối với con người. Nguyễn Minh Châu có lối văn giản dị mà sâu sắc, thấm thía, nhiều dư vị, nhiều trải nghiệm, chiêm nghiệm.

– Tác phẩm tiêu biểu: “Cửa sông” ( tiểu thuyết,1966), “Dấu chân người lính” (tiểu thuyết,1972), “Miền cháy” (tiểu thuyết,1977), “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” ( truyện ngắn, 1983), “Bến quê” ( truyện ngắn, 1985)…

* Nhận định:

· Nhà văn Nguyễn Khải: “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này”.

· Nhà phê bình Nikolai Nikulin: “Niềm tin vào tính bất khả chiến thắng của cái đẹp tinh thần, cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ, anh (Nguyễn Minh Châu) đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng”. 

2. Tác phẩm: Chiếc thuyền ngoài xa.

– Xuất xứ: “Chiếc thuyền ngoài xa” được viết năm 1983 – khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi qua được 6 năm, đất nước trở lại với cuộc sống đời thường. Nhiều vấn đề của đời sống văn hóa nhân sinh mà trước đây do hoàn cảnh chiến tranh chưa được chú ý, nay được đặt ra. Tác phẩm nằm trong xu hướng nghệ thuật chung của văn học thời kỳ đổi mới: hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người đời thường.

– Thể loại: Truyện ngắn.

– Nội dung: Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đòi đằng sau bức ảnh, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

* Tóm tắt:

Theo yêu cầu của trưởng phòng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đến một vùng ven biển miền Trung (cũng là nơi anh đã từng chiến đấu) để chụp một tấm ảnh cho cuốn lịch năm sau. Sau nhiều ngày “phục kích”, người nghệ sĩ đã phát hiện và chụp được “một cảnh đắt trời cho” – đó là cảnh một chiếc thuyền ngoài xa đang ẩn hiện trong biển sớm mờ sương. Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, anh đã kinh ngạc hết mức khi chứng kiến từ chính chiếc thuyền đó cảnh một gã chồng vũ phu đánh đập người vợ hết sức dã man, đứa con vì muốn bảo vệ mẹ đã đánh trả lại cha mình. Những ngày sau, cảnh tượng đó lại tiếp diễn và lần này người nghệ sĩ đã ra tay can thiệp… Theo lời mời của chánh án Đẩu (một người đồng đội cũ của Phùng), người đàn bà hàng chài đã đến toà án huyện. Tại đây, người phụ nữ ấy đã từ chối sự giúp đỡ của Đẩu và Phùng, nhất quyết không bỏ lão chồng vũ phu. Chị đã kể câu chuyện về cuộc đời mình và đó cũng là lí do giải thích cho sự từ chối trên. Rời vùng biển với khá nhiều ảnh, người nghệ sĩ đã có một tấm được chọn vào bộ lịch “tĩnh vật hoàn toàn” về “thuyền và biển” năm ấy. Tuy nhiên, mỗi lần đứng trước tấm ảnh, người nghệ sĩ đều thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy hình ảnh người đàn bà nghèo khổ, lam lũ ấy bước ra từ bức tranh.

* Ý nghĩa nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa”.

“Chiếc thuyền ngoài xa” trước hết là biểu tượng của nghệ thụât, đó là thứ nghệ thụât đạt tới sự toàn mĩ và thánh thiện đến mức mà chiêm ngưỡng nó, người nghệ sĩ thấy tâm hồn mình được thanh lọc.

– Chiếc thuyền khi về gần đó lại là hiện thân của cuộc đời lam lũ, khó nhọc, thậm chí của những éo le, trái ngang và nghịch lí trong cuộc sống.

– Như vậy, chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa nhưng cuộc đời thì lại rất gần. Người nghệ sĩ cần có một khoảng cách nhất định để khám phá và thưởng thức vẻ đẹp đích thực của nghệ thụât nhưng lại cũng cần bám sát cuộc đời để phát hiện ra những sự thật của cuộc sống.

– Nhan đề là một ẩn dụ về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật !

* Tình huống truyện:

– Tình huống: một nghệ sĩ nhiếp ảnh đến một vùng ven biển miền Trung để chụp một tấm ảnh về cảnh biển buổi sớm có sương. Tại đây, anh đã phát hiện và chụp được một cảnh tượng “trời cho” – đó là cảnh một chiếc thuyền ngoài xa đang ẩn hiện trong biển sớm mờ sương. Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, người nghệ sĩ đã chứng kiến cảnh một gã chồng vũ phu đánh đập người vợ hết sức dã man. Ba hôm sau, cảnh tượng ấy lại diễn ra, người đàn bà được mời đến tòa án huyện, tại đây, người nghệ sĩ lắng nghe câu chuyện về cuộc đời của người đàn bà hàng chài kể lại và đó như một lời giải thích vì sao chị ta không bỏ chồng dù người chồng tàn bạo.

– Đây là một “tình huống nhận thức”, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về chân lí đời sống, chân lí nghệ thuật. Phùng đã phát hiện sau cảnh đẹp như mơ kia là những ngang trái, nghịch lí của đời thường.

– Tình huống truyện, thể hiện cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng đã hiểu ra nhiều điều về con người, cuộc sống khi chứng kiến câu chuyện và tiếp xúc với người đàn bà hàng chài.Từ tình huống truyện, tác giả đã đặt ra vấn đề “đôi mắt”, cách nhìn đời, nhìn người trong cuộc sống.

II. Phân tích văn bản:

1. Nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng.

* Phùng là một người nghệ sĩ đích thực, người đã phát hiện, cảm nhận được vẻ đẹp và giá trị của một “cảnh đắt trời cho”- một cảnh tượng tuyệt đẹp

Phát hiện thứ nhất: Đó một “bức họa” diệu kì mà thiên nhiên, cuộc sống đã ban tặng cho con người.

– Mặt khác, như chính cảm nhận của nghệ sĩ Phùng, trong sự cảm nhận ban đầu cái cảnh tượng ấy giống như “một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”. Toàn bộ khung cảnh “từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”.

– Đứng trước một sản phẩm nghệ thuật tuyệt tác của hoá công, người nghệ sĩ trở nên “bối rối” và “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Tức là bức ảnh đã khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ rung động thật sự và một cảm xúc thẩm mĩ đang dấy lên trong lòng anh.

– Chưa hết, trong giây lát, người nghệ sĩ còn “khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nói cách khác, trong một khoảnh khắc của cuộc sống, nghệ sĩ Phùng đã cảm nhận được cái Chân, cái Thiện của cuộc đời, anh cảm thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi

Phát hiện thứ hai: ngay khi tâm hồn đang bay bổng trong những xúc cảm thẩm mĩ, đang tận hưởng cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn thì người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã kinh ngạc phát hiện:

+ Bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi ; một gã đàn ông to lớn, dữ dằn ; một cảnh tượng tàn nhẫn : gã chồng đánh đập người vợ một cách thô bạo ;… Đứa con vì thương mẹ đã đánh lại cha để rồi nhận lấy hai cái bạt tai của bố ngã dúi xuống cát… Chứng kiến những cảnh tượng đó, nghệ sĩ Phùng kinh ngạc đến thẫn thờ: “Tất cả mọi việc xảy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn”. Người nghệ sĩ như “chết lặng”, không tin vào những gì đang diễn ra trước mắt.

+ Sở dĩ nghệ sĩ Phùng trở nên như vậy là vì anh không thể ngờ rằng đằng sau cái vẻ đẹp diệu kì của tạo hoá kia lại có cái ác, cái xấu đến không thể tin được. Vừa mới lúc trước, anh còn cảm thấy “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, thấy “chân lí của sự toàn thiện” thế mà chỉ ngay sau đó chẳng còn cái gì là “đạo đức”, là cái “toàn thiện” của cuộc đời. Phùng xót xa cay đắng nhận thấy cái xấu xa, ngang trái, bi kịch trong gia đình người dân chài đã làm cho tấm ảnh của anh chụp được kia như nhuốm màu đau thương ghê sợ. Chao ôi! Nghệ thuật không thể là màn sương mờ ảo màu sữa pha ánh hồng ban mai che lấp đi nỗi đau thương của kiếp người.

– Qua hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn người đọc nhận thức về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật không thể chỉ dừng lại ở vẻ đẹp bề ngoài nhất là cái vẻ đẹp tuyệt vời thơ mộng, mà còn phải thấu nhị tới bề sâu, bề sâu của cuộc đời không hề đơn giản, mà tâm điểm chính là con người với số phận đa đoan, với mọi nhọc nhằn và cả khổ đau, không hiếm những ngang trái bi kịch. Cuộc đời đâu phải chỉ toàn màu hồng, cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch lí. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập, những mâu thuẫn : đẹp – xấu, thiện – ác,… Vì thế mà nhà văn đã có dụng ý khi để cảnh tượng “trời cho” hiện ra trước như là vỏ bọc bên ngoài hòng che giấu cái bản chất thực của đời sống ở bên trong. Nhà văn khẳng định : Đừng nhầm lẫn hiện tượng với bản chất, giữa hình thức bên ngoài với nội dung bên trong không phải bao giờ cũng thống nhất ; đừng vội đánh giá con người, sự vật ở dáng vẻ bên ngoài, phải phát hiện ra bản chất thực sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng.

* Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng, một con người có lòng tốt, không chấp nhận bất công nhưng lại đơn giản khi nhìn nhận cuộc sống.

– Chứng kiến cảnh tượng người đàn bà bị đánh đập một cách đầy vô lí như thế, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đã đánh nhau với lão chồng để bảo vệ chị ta, để rồi bị thương, với những vết thương trên mặt đã lên da non nhưng vẫn còn lại dấu tích. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng cũng cảm thấy hết sức bức bối khi nghe người phụ nữ van xin vị chánh án đừng bắt chị phải li hôn với người chồng vũ phu. Cảm giác căn phòng ngủ lồng lộng gió của chánh án Đẩu (bạn anh) tự nhiên bị hút hết không khí và trở nên ngột ngạt quá!

– Những lời nói chẳng dễ nghe chút nào của người đàn bà hàng chài khiến cho Phùng phải suy nghĩ: “Chị cám ơn các chú, lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc”. Những câu hỏi lạc đề “Lão ta trước hồi 75 có đi lính ngụy không?” cho thấy Phùng cũng lại bị định kiến chi phối. Rồi Phùng thốt lên “không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được”, đúng, Phùng không thể hiểu cái lí của sự cam chịu ở những con người phải sống trong vòng vây của cái đói nghèo, lạc hậu, của cuộc sống nhọc nhằn, không thể hiểu “suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái ăn toàn cây xương rồng luộc chấm muối”, cũng không thể hiểu sự đan cài giữa tình thương và hành động tàn nhẫn, giữa niềm vui và nỗi buồn trong một gia đình… và “bởi vì, các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của một người đàn bà trên chiếc thuyền không có đàn ông… dù hắn man rợ và tàn bạo”.

– Câu chuyện mà người đàn bà hàng chài kể ở toà án đã giúp Phùng hiểu ra: Người đàn bà không hề cam chịu một cách vô lí, không hề nông nổi một cách ngờ nghệch mà thực ra chị ta là người rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Người phụ nữ này có một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ nhưng biết chắt chiu những hạnh phúc đời thường. Sống cam chịu và kín đáo, hiểu sâu sắc lẽ đời nhưng chị không để lộ điều đó ra bên ngoài. Đây là người phụ nữ có ngoại hình xấu xí, thô kệch nhưng tâm hồn đẹp đẽ, thấp thoáng bóng dáng của những người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu đức hi sinh và lòng vị tha.

– Qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài Phùng cũng nhận ra người đồng đội cũ – chánh án Đẩu cũng có lòng tốt giống anh, sẵn sàng bảo vệ công lí nhưng chánh án Đẩu chưa thực sự đi sâu vào đời sống nhân dân. Lòng tốt là đáng quý nhưng chưa đủ. Luật pháp là cần thiết nhưng cần phải đi vào đời sống. Cả lòng tốt và luật pháp đều phải được đặt vào những hoàn cảnh cụ thể, không thể áp dụng với mọi đối tượng và có những vấn đề không thể giải quyết bằng luật pháp. Và cũng qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài nghệ sĩ Phùng cũng nhận ra: Mình đã đơn giản khi nhìn nhận cuộc đời và con người.

– Những thông điệp nghệ thuật về cách nhìn nhận con người và cuộc đời: Đừng bao giờ nhìn nhận cuộc đời và con người một cách dễ dãi, xuôi chiều. Cần phải nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng trong hoàn cảnh cụ thể của nó và trong quan hệ với nhiều yếu tố khác nữa.

* Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng chính là “điểm nhìn nghệ thuật” của nhà văn, là hình tượng nhân vật kể chuyện vừa đem lại tính chân thực và hấp dẫn cho câu chuyện kể vừa tạo ra một khoảng cách, một “cự ly”, một độ lùi nhất định để suy ngẫm.

– Hình ảnh người nghệ sĩ “khoác máy ảnh đi lang thang cho đến tận khuya” đã gián tiếp nói rằng: nhận thức của Phùng thực sự đã đổi khác, anh đã để ngỏ tâm hồn mình cho bao cảnh sắc của một hiện thực ít thi vị ùa tới “trời trở gió đột ngột, từng mảng mây đen xếp ngổn ngang trên mặt biển đen ngòm, và biển bắt đầu gào thét, sóng bạc đầu và “… chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá”. Chiếc thuyền được đặt trong khung cảnh dữ dội của một cơn biển động, cuộc vật lộn mưu sinh nhọc nhằn vẫn còn đó. Nó cho thấy rằng, chiếc thuyền ngoài xa đâu chỉ là vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Sức ám ảnh người đọc ở tác phẩm này còn là mối quan hoài đến xót xa, day dứt của nhà văn về những nỗi nhọc nhằn đau khổ của con người, giống như những người đi biển họ vẫn luôn phải chống chọi với phong ba và bão táp và cuộc sống vốn chẳng bao giờ bình yên.

– Truyện ngắn kết thúc bằng những suy nghĩ cảm nhận của người nghệ sĩ mỗi lẫn ngắm bức ảnh được chụp tại vùng biển nọ: nhìn kĩ vào bức ảnh đen trắng, người nghệ sĩ đều thấy “hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai”. Và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh…”. “Cái màu hồng hồng của ánh sương mai” là chất thơ của cuộc sống, là vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời, là biểu tượng của nghệ thuật. Còn hình ảnh “người đàn bà ấy bước ra khỏi bức tranh” là hiện thân của những lam lũ, khốn khó của đời thường. Nó là sự thật cuộc đời đằng sau bức tranh.

2. Nhân vật người đàn bà hàng chài.

* Ngoại hình:

– Có vẻ ngoài xâu xí, thô kệch “vốn là đứa con gái xấu lại rỗ mặt sau một bận lên đậu mùa”. Người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn này đâu có được cái nhan sắc “trời phú”, chị ta xấu xí, khuôn mặt rỗ càng khó nhìn hơn khi chị ta bước sang cái tuổi trạc ngoài 40.

* Số phận, cuộc đời :

+ Số phận kém may mắn: Trong câu chuyện về cuộc đời mình, chị đã nhận thức được rất rõ sự kém may mắn của mình: “cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai của một hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới”.

+ Cuộc đời lam lũ, vất vả.

* Tính cách :

– Một người đàn bà cam chịu, nhẫn nhục:

+ Hành động và lời nói của người chồng :“trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ, đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”.
+ Trước hành động rất tàn bạo của người chồng, người đàn bà hàng chài đã không hề kêu một tiếng, không chống trả cũng không tìm cách chạy trốn.

– Một người đàn bà rất giàu lòng tự trọng.

+ Chồng đánh như vậy, chị ta đâu có khóc, cắn răng chịu đựng từng trận đòn của gã chồng vũ phu, tàn bạo.

+ Nhưng chỉ sau khi biết được hành động vũ phu của chồng đã bị thằng Phác và người khách lạ (nghệ sĩ Phùng) phát hiện chị lại cảm thấy đau đớn, vừa đau đớn, vừa vô cùng xấu hổ và nhục nhã. Nhiều khi, sự đau đớn do đòn roi không thể làm con người ta bật khóc, điều này đúng trong trường hợp của người đàn bà hàng chài. Những giọt nước mắt đau đớn chứa đựng biết bao sự nhọc nhằn chỉ thực sự rơi khi thấy đứa con yêu của mình chứng kiến cảnh tượng mình bị chồng đánh, chỉ thực sự rơi khi có người khách lạ chứng kiến

– Một người đàn bà sống rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, hiểu chồng, thương con vô bờ bến, một người phụ nữ vị tha giàu đức hy sinh.

+ Được mời đến tòa án huyện để giải quyết việc gia đình, lúc đầy chị ta rụt rè, tìm một góc tường ở chốn công đường kia để ngồi. Nhà văn có miêu tả, đây không phải là lần đầu người đàn bà đến chốn công đường nhưng người đàn bà ấy vẫn có cái vẻ sợ sệt, lúng túng- cái sợ sệt lúng túng ấy ngay lúc chị ta đứng ở bãi xe tăng cũng không hề thấy có. Chị thấy sợ hãi khi đến một không gian lạ. Chị ta thật tội nghiệp, cái thế ngồi bị động, ngồi vào mép ghế và cố thi người lại, ngồi như thể để tự vệ cho dù đã được Đẩu nói bằng những lời rất thân mật, chia sẻ, cảm thông.

+ Nguyễn Minh Châu đã dụng công nhấn vào sự thay đổi ngôn ngữ và tâm thế của người đàn bà hàng chài. Ban đầu, khi gặp chánh án Đẩu, chị còn xưng “con” và có lúc đã van xin, “con lạy quý tòa”… “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Nhưng khi thấy Phùng xuất hiện, đang cúi gục lập tức người đàn bà hàng chài ngẩng lên, nhìn thẳng, “ chị cám ơn các chú…. Lòng cách chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc”. Vẻ bề ngoài khúm núm, sợ sệt, điệu bộ khác, ngôn ngữ khác đã làm cho cả Đẩu và Phùng hết sức ngạc nhiên.

+ Người đàn bà hàng chài kia không hề giản đơn như Đẩu và Phùng nghĩ. Thì ra, cái nghề chài lưới trên một chiếc thuyền vó bè lênh đênh không thể thiếu bàn tay và sức lực của người đàn ông. Để duy trì sự tồn tại cho cả gia đình thì họ phải hợp sức lại mà làm quần quật để nuôi một đàn con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Tình cảnh của người đàn bà hàng chài kia cũng như của bao gia đình hàng chài khác, trừ phi chị nói “giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rông hơn”

+ Trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, người đàn bà hàng chài kia đã chấp nhận đau khổ, coi nỗi khổ vận vào đời mình như một lẽ đương nhiên. Chị sống cho con chứ không phải là sống cho mình. Nếu những phụ nữ trên các thuyền khác chấp nhận người đàn ông uống rượu thì chị cũng chấp nhận để chồng đánh chỉ xin chồng là đánh ở trên bờ, đừng để các con nhìn thấy. Đó là một cách ứng xử rất nhân bản.

+ Ở đây, lẽ đời đã chiến thắng. Người lao động lam lũ, nghèo khổ không có uy quyền nhưng có cái tâm của một người thương con, thấu hiểu lẽ đời cũng là một thứ quyền uy có sức công phá lớn. Nó đã làm chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng thức nhận được nhiều điều. Thức nhận được, nỗi nhọc nhằn vất vả trong công việc làm ăn của cư dân vùng biển. Thức nhận được cuộc sống bấp bênh khiến họ phải chấp nhận không ít những nghịch cảnh, những ngang trái. Thức nhận được người đàn bà kia không hề chịu đòn roi một cách vô lí, cả Đầu và Phùng chua chát nhận ra rằng : trên thuyền cần có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo, cần có một người đàn ông để chèo chống khi biển phong ba bão táp.

+ Thức nhận được ở người phụ nữ ấy chứa đựng mẫu tính sâu xa như một bản năng: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”, những lời lẽ ấy của người đàn bà hàng chài được thốt lên từ một niềm tin đơn giản mà vững chắc vào cái thiên chức mà trời đã giao phó cho người đàn bà. Thức nhận được rằng, người đàn bà hàng chài kia rất biết tìm cho mình những niềm vui, hạnh phúc dẫu rất nhỏ nhoi trong cuộc sống đầy khó khăn. Ở chị vững bền một niềm tin, một tình yêu và sự lạc quan vào cuộc sống. Hãy biết sống ngay khi cả cuộc đời không thể chịu được nữa, nụ cười chợt ửng sáng lên trên khuôn mặt rỗ chằng chịt chị nghĩ đến “trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận vui vẻ” và niềm vui “nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Hạnh phúc với người đàn bà hàng chài kia thật giản dị mà không kém phần sâu sắc. Thức nhận được nỗi đau, cũng như sự thâm trầm trong việc thấu hiểu các lẽ đời người đàn bà kia không bao giờ để lộ ra bên ngoài cả

– Kết thúc truyện ngắn, người đọc vẫn không biết người đàn bà hàng chài kia tên gì, phải chăng là nhà văn đã sơ xuất? Không phải, đó chính là dụng ý nghệ thuật của nhà văn, người nghệ sĩ nhiếp ảnh kể rằng mỗi khi nắm thật kĩ bức ảnh mà mình chụp anh lại thấy người đàn bà hàng chài ấy bước ra từ bức ảnh “mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân rậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông….” nghĩa là người đàn bà ấy chỉ là một người trong đám đông của những con người lam lũ, nhọc nhằn, những con người lao khổ, đông đúc và vô danh.

+ Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu cũng khẳng định: sự lam lũ, vất vả, nhọc nhằn không làm mất đi ở người phụ nữ vùng biển nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung tấm lòng yêu thương, nhân hậu bao dung, vị tha. Và với người phụ nữ, gia đình hạnh phúc là gia đình trọn vẹn các thành viên cho dù đây đó vẫn có những tính cách chưa hoàn thiện.

+ Nhà văn có cái nhìn thấu hiểu và tấm lòng trĩu nặng tình thương, nỗi lo âu cho con người; có cái nhìn đa diện nhiều chiều về cuộc sống và con người. Tác phẩm thể hiện phương châm sáng tác của tác giả” Đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn mỗi con người”.

3. Một số nhân vật khác.

a. Nhân vật chánh án Đẩu :

+ Là người đại diện cho công lý, luật pháp; có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lý.

+ Nhưng Đẩu mới nhìn cuộc đời của người đàn bà vùng biển ở một phía, anh chưa thực sự đi sâu vào đời sống nhân dân.

b. Nhân vật người chồng của người đàn bà hàng chài:

+ Vốn là một “anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm”

+ Một gã đàn ông vũ phu, tàn nhẫn, ích kỉ.

+ Một nạn nhân của hoàn cảnh sống khắc nghiệt.

c.  Nhân vật thằng bé Phác:

+ Một cậu bé giàu tình cảm yêu thương đối với mẹ.

+ Nhưng cũng giống như Đẩu, Phùng, nó mới chỉ nhìn thấy ở cha nó ở khía cạnh độc ác, tàn nhẫn mà chưa hiểu được “lẽ đời” bên trong.

+ Hình ảnh tiêu biểu của những đứa trẻ trong những gia đình có nạn bạo hành.

III. Tổng kết:

1. Nội dung:

Qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với những cảnh đời, những thân phận trớ trêu, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống đồng thời gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc của mình về nghệ thuật : nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn bó với cuộc đời và vì cuộc đời; người nghệ sĩ không thể nhìn đời một cách giản đơn, cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều

2. Nghệ thuật

– Tình huống truyện nghịch lí độc đáo, là nổi bậc “tình huống nhận thức”, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về chân lí đời sống, chân lí nghệ thuật.

– Ngôi kể, điểm nhìn nghệ thuật sắc sảo, đa diện.

– Lời văn đằm thắm, giản dị mà sâu sắc.

– Giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư ,phù hợp với nhận thúc

3. Giá trị nhân đạo:

– Tư tường nhân đạo của truyện ngắn thể hiện ở thái độ quan tâm đến con người đến con người bất hạnh của nhà văn. Phê phán hành động vũ phu của người chồng, đồng thời Nguyễn Minh Châu muốn cho người đọc thấy rõ tình trạng bạo lực trong gia đình, một mảng tối của xã hội đương đại. Nhà văn còn mạnh dạn nêu lên phản ứng dữ dội của đứa con để nhấn mạnh hậu quả trầm trọng của tệ nạn này. Chính người vợ đã gửi đứa con lên ở với ông ngoại để khỏi chứng kiến cái ác hoành hành ngay trong gia đình. Người vợ hy sinh cũng để bảo vệ cho hạnh phúc gia đình. Dẫu viết về bạo lực gia đình, nhưng Nguyễn Minh Châu đã báo động những vấn đề xã hội nhức nhối. Gióng lên một tiếng chuông báo hiệu điều ác, Nguyễn Minh Châu đã đấu tranh cho cái thiện. Tư tưởng nhân đạo của truyện chính là ở điểm ấy.

– Hình ảnh người đàn bà vùng biển xấu xí, nhẫn nhục vẫn toát lên vẻ đẹp của tình mẫu tử, một vẻ đẹp đầy nữ tính, vị tha của người phụ nữ ở một miền biển còn nghèo đói, lạc hậu. Như vậy ngòi bút nhân đạo của Nguyễn Minh Châu đã thể hiện nhưng khát khao hạnh phúc bình dị của người lao động. Dẫu nghiệt ngã những phận đời, dẫu còn nhiều nghịch lý, nhưng ẩn chìm trong những trang văn của Nguyễn Minh Châu vẫn là chất nhân văn lấp lánh.

Phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu


Câu hỏi ôn tập:

Câu 1: Trong Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống. Anh (chị) hãy làm rõ điều đó.

Hướng dẫn làm bài:

– Tình huống thứ nhất: Nghệ sĩ Phùng đến ven biển miền Trung chụp tấm ảnh cho cuốn lịch năm sau, anh thấy cảnh đẹp như mơ. Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, anh lại chứng kiến cảnh người chồng đánh đập vợ, những ngày tiếp theo cảnh ấy vẫn tiếp diễn. Anh nhận ra đó là nghịch lí giữa nghệ thuật với cuộc đời.

– Tình huống thứ hai: Câu chuyện tại tòa án. Qua câu chuyện về cuộc đời người đàn ba hàng chài, tác giả muốn gửi tới thông điệp: Pháp luật phải gắn với đời sống. Phải có cái nhìn đa chiều đa diện khi đánh giá một sự việc hay con người.

– Tình huống thứ hai: bức ảnh được lựa chọn trong năm: Thể hiện mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

– Tình huống truyện trong tác phẩm thể hiện rõ đặc điểm sáng tác của Nguyễn Minh Châu từ sau 1980, đậm chất thế sự, triết lí, quan tâm tới các vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.

Câu 2: Cho biết ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.

Hướng dẫn làm bài:

– Nhan đề: “Chiếc thuyền ngoài xa”

+ Ẩn dụ về mối quan giữa cuộc đời và nghệ thuật. Đó là chiếc thuyền có thật trong cuộc đời, là không gian sinh hoạt của gia đình người đàn bà hàng chài. Ở đó, ngoài vợ chồng họ còn có cả một đàn con. Cuộc sống khó khăn đói kém, nơi ở chật chội,.. làm con người thay đổi tâm tính. Trước đây, anh là một người hiền lành, lấy chị – một người đàn bà xấu xí nhưng hết sức chăm lo cho cuộc sống gia đình; đông con, khó kiếm ăn, cuộc sống túng quẫn là nguyên nhân làm cho người chồng trở nên cục cằn, thô lỗ và biến vợ thành đối tượng của những trận đòn. Những cảnh tượng đó, những thân phận đó nếu nhìn từ xa, ở ngoài xa thì sẽ không thấy được.

– Ẩn dụ cho sự đơn độc của con thuyền nghệ thuật trên đại dương cuộc sống, đơn độc của con người trong cuộc đời. Chính sự thiếu gần gũi, chia sẻ ấy là nguyên nhân cuả bế tắc và lầm lạc. Phùng đã chụp được cảnh chiếc thuyền ngoài xa trong sương sớm- một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích, một chân lí của sự toàn thiện..

– Chiếc thuyền là biểu tượng cho sự toàn mĩ mà chiêm ngưỡng nó, anh thấy tâm hồn mình trong ngần. Nhưng khi chiếc thuyền đâm thẳng vào bờ, chứng kiến cảnh đánh vợ của người đàn ông kia, anh đã kinh ngạc…và vứt chiếc máy ảnh xuống đất. Anh nhận ra rằng, cái đẹp ngoài xa kia cũng ẩn chứa nhiều oái oăm, ngang trái và nghịch lý. Nếu không đến gần thì chẳng bao giờ anh phát hiện ra. Xa và gần, bên ngoài và thẳm sâu…đó cũng chính là cách nhìn, cách tiếp cận của nghệ thuật chân chính.

Câu 3: Phân tích sự thay đổi trong nhận thức của nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu trong tác phẩm.

Hướng dẫn làm bài:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, yêu cầu đề.

2. Giới thiệu khái quát hai nhân vật: Nghệ sĩ Phùng, chánh án Đẩu

3. Phân tích sự thay đổi trong nhận thức:

– Tuy là hai người khác nhau, nhưng hành trình thay đổi nhận thức lại giống nhau: Đều xuất phát từ mục đích tốt đẹp, thiện ý song cả hai đều ngạc nhiên đến ngỡ ngàng.

+ Nghệ sĩ Phùng:

Chứng kiến tận mắt cảnh người đàn bà bị đánh đạp Phùng vô cùng ngạc nhiên, phẫn nộ.Anh đến vùng biển miền Trung và phát hiện một cảnh đắt trời cho…và ngay sau đó là một cảnh phi nhân tính (gã đàn ông đánh vợ thô bạo).

Sau đó, tại tòa án huyện, được nghe câu chuyện về cuộc đời của người đàn bà hàng chài nghệ sĩ Phùng đi từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng… rồi vỡ ra nhiều điều:

Cuộc đời này còn nhiều góc khuất mà nghệ thuật cần vươn tới, còn nhiều ngang trái mà lí thuyết chưa soi tỏ.

+ Chánh án Đẩu:

Anh muốn giả thoát người dàn bà khỏi những bất công bằng một “phán quyết” li hôn.

Anh hào hứng và tin tưởng vào giải pháp của mình, nhưng anh đã làm. Lòng tốt đã trở thành phi thực tế, kiến thức sách vở trở nen vô nghĩa trước những lí lẽ sâu sắc, đầy trải nghiệm của người đàn bà quê mùa, thất học. “Một cái gì đó vừa mới vỡ ra trong đầu của vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển”.

Đẩu ngộ ra những nghịch lí của đời sống và hiểu được rằng chỉ có thiện chí và những kiến thức sách vở sẽ không giả thoát được những cảnh đời tăm tối, đau khổ.

* Nghệ thuật:

– Tình huống truyện độc đáo có ý nghĩa “tình huống nhận thức”, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về chân lí đời sống

– Điểm nhìn trần thuật độc đáo (lời kể của nghệ sĩ Phùng, người trong cuộc) -> Câu chuyện trở nên gần gũi, khách quan, chân thực

– Qua sự thay đổi trong nhận thức của hai nhân vật, tác giả muốn bày tỏ quan niệm về cách nhìn nhận cuộc sống: đa chiều đa diện.

Câu 4: Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài.

Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, yêu cầu đề.

  • Thân bài:

– Giới thiệu khái quát nhân vật.

+ Xuất thân (….). Không có tên riêng được tác giả gọi một cách phiếm định là “người đàn bà”.

+ Tuổi ngoài 40, dáng người thô kệch, mặt rỗ.

+ “khuôn mặt mệt mỏi”.

→ Người đàn bà đại diện cho người phụ nữ lao động vùng biển lam lũ, cơ cực.

– Sức chịu đựng và hi sinh thầm lặng.

+ Bị chồng đánh tới tấp, chị cam chịu, nhẫn nhịn, không kêu rên, không chống trả, không chạy trốn. Chấp nhận đòn roi như một phần cuộc đời mình, như cuộc sống của người đi biển phải đương đầu với sóng to gió lớn.

– Giàu lòng tự trọng.

+ Khi biết hành động vũ phu của chồng đã bị thằng Phác và người khách lạ (nghệ sĩ Phùng) chứng kiến, chị mới thấy đau đớn, xấu hổ, nhục nhã. Những giọt nước mắt đau khổ trào ra.

– Là người từng trải và am hiểu lẽ đời (người đàn bà tại tòa án huyện):

+ Ngôn ngữ và tâm thế lúc mới đến tòa (dẫn chứng, phân tích)

+ Tình yêu thương con trở thành sức mạnh phi thường khiến chị chịu đựng và đi qua mọi đòn roi của người chồng tàn bạo.

+ Ngôn ngữ và tâm thế lúc sau đó (dẫn chứng, phân tích)

+ Thấm thía, thấu hiểu nguyên căn những trận đòn vũ phu của người chồng: “giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn…” , “… cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”

Người đàn bà thô kệch, xấu xí và khốn khổ ấy luôn tìm cách lí giải hành vi của chồng mình để giữ gìn gia đình mình. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng bao người phụ nữ Việt Nam: nhân hậu, bao dung, cao thượng, giàu lòng vị tha.

– Khái quát về nghệ thuật:

+ Tình huống truyện độc đáo có ý nghĩa khám phá phát hiện về đời sống.

+ Cách triển khai cốt truyện sáng tạo, khắc họa nhân vật sắc sảo.

+ Giọng kể thủ thỉ, trầm tĩnh. Lời văn giản dị, sâu sắc.

Người đàn bà hàng chài: Lam lũ, nghèo khổ không có uy quyền, nhưng có cái tâm của người thương con. Nó làm ta tỉnh ngộ nhiều điều.

  • Kết bài:

 Đánh giá khái quát:

– Người đàn bà hàng chài là biểu tượng của tình mẫu tử, tấm lòng hi sinh vị tha. Là đức hi sinh của người lao động trong những mảnh đời cơ cực, tăm tối quanh ta.

– Là hạt ngọc ẩn dấu trong cuộc đời mà Nguyến Minh Châu dày công tìm kiếm.

– Khẳng định vẻ đẹp văn xuôi của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau năm 1980. Tình yêu tha thiết với con người, cuộc đời, khát vọng tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh cái đẹp trong cuộc đời còn tiềm ẩn nhiều cái ác, cái xấu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.