Ôn tập luyện thi văn bản Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)

on-tap-luyen-thi-tu-a-den-z-van-ban-nhung-ngoi-sao-xa-xoi-cua-le-minh-khue

Những ngôi sao xa xôi
(Lê Minh Khuê)

I. Đọc hiểu chú thích.

1. Tác giả: Lê Minh Khuê.

Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên về truyện ngắn. Trong những năm chiến tranh, truyện của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn. Sau năm 1975, tác phẩm của nhà văn bám sát những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.

2. Tác phẩm: Những ngôi sao xa xôi.

– Xuất xứ: Truyện “Những ngôi sao xa xôi” là tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra các liệt.

– Nội dung: Cuộc sống và chiến đấu của ba nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường son khói lửa. Vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật Phương Định trong một lần pháp bom nổ chậm.

– Bố cục:

– Phần 1 (từ đầu… ngôi sao trên mũ) : Phương Định kể về cuộc sống bản thân và tổ trinh sát mặt đường của cô.

– Phần 2 (tiếp … chị Thao bảo) : Nho bị thương, hai chị em lo lắng chăm sóc.

– Phần 3 (còn lại) : Sự lạc quan, niềm vui trước cơn mưa đá đột ngột.

– Tóm tắt nội dung văn bản: Những ngôi sao xa xôi kể về cuộc sống và chiến đấu của ba nữ thanh niên xung phong thuộc tổ trinh sát mặt đường trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Họ bao gồm: Phương Định, Nho và chị Thao. Ba cô gái trẻ sống trong một cái hang, trên một cao điểm trong vùng trọng điểm. Công việc của họ là quan sát máy bay địch ném bom, đo khối lượng đất đá để san lấp hố bom do địch gây ra, đánh dấu những quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc nguy hiểm, luôn phải đối mặt với cái chết, nhưng cuộc sống của họ vẫn không mất đi niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thảnh thơi, thơ mộng. Họ rất gắn bó, yêu thương nhau dù mỗi người một cá tính. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, hai người đồng đội hết lòng lo lắng và chăm sóc cho Nho. Sự việc ấy thể hiện sâu sắc tình yêu thương bền chặt như gia đình của ba cô gái trẻ. Một cơn mưa đá vụt đến và vụt đi đã gợi trong lòng Phương Định bao hoài niệm, khát khao.

II. Tìm hiểu văn bản.

1. Hình ảnh ba nữ thanh niên xung phong.

a. Hoàn cảnh sống và chiến đấu.

– Nơi ở: Ba cô gái ở trong một cái hang đá dưới chân cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhiều nhất bom đạn, sự nguy hiểm và ác liệt, từng ngày từng giờ phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ. Ngay tại nơi ác liệt nhất, nguy hiểm nhất, họ ở đó, chờ đợi và hành động. Không có màu xanh của sự sống, chỉ thấy thần chết luôn rình rập. Đó là hiện thực của chiến tranh đầy khốc liệt.

– Công việc: Hàng ngày, họ phải chạy trên chiến trường giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để đo và ước tính khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Đó là một khối lượng công việc rất lớn so với sức của ba cô gái nhỏ. Việc lấp hố bom vất vả bao nhiêu thì việc phá bom nổ chậm lại càng nguy hiểm bấy nhiêu. Nhiệm vụ của họ thật quan trọng nhưng cũng đầy gian khổ, hi sinh, phải mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh hết sức.

– Tinh thần của ba cô gái trẻ trước hoàn cảnh: Hiện thực khốc liệt hơn cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng, nhưng ba cô gái lúc nào cũng tràn đầy lạc quan, tin tưởng. Họ làm việc vui vẻ, gắn kết, cùng vào sinh ra tử có nhau. Mỗi người một tính cách nhưng họ là một khối thống nhất, không gì có thể tách rời họ.

b. Vẻ đẹp phẩm chất và tâm hồn.

* Những nét chung:

– Trước hết, họ là những cô gái có tuổi đời mười tám đôi mươi, còn rất trẻ. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ rời xa gia đình, xa mái trường, tình nguyện vào cái nơi mà sự mất còn chỉ diễn ra trong gang tấc. Họ hi sinh tuổi thanh xuân và không tiếc máu xương, thực hiện lí tưởng cao đẹp: “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Qua thực tế chiến đấu, cả ba cô gái đều có tinh thần trách nhiệm cao với công việc,lòng dũng cảm, gan dạ không sợ gian khổ hi sinh. Mặc dù còn rất trẻ, luôn phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ, họ có thể hi sinh bất cứ lúc nào, nhưng để con đường được thông suốt nên các cô luôn sẵn sàng trong việc ra trận. Có lệnh là lên đường bất kể trong tình huống nào. Họ làm việc một cách tự nguyện, luôn nhận khó khăn, nguy hiểm về mình. Họ đã đặt công việc lên trên cả tính mạng của mình.

– Họ bình tĩnh, can trường và có tinh thần dũng cảm. Những lúc căng thẳng nhất, chị Thao móc cái bánh bích quy trong túi ra nhai. Họ nói đến công việc phá bom với giọng điệu bình thản. Khi phá bom, bước tới những quả bom chưa nổ, họ không đi khom mà cứ đường hoàng, thẳng lưng bước tới. Đối mặt với cái chết, các cô không hề run sợ mà bình tĩnh moi đất, đặt dây,châm lửa, tính toán sao cho chính xác.

– Ở họ còn có tình đồng đội gắn bó, thân thiết. Họ hiểu được tính tình, sở thích của nhau, quan tâm chăm sóc nhau rất chu đáo. Phương Định bồn chồn, lo lắng khi chờ chị Thao và Nho đi trinh sát trên cao điểm. Khi Nho bị thương, Phương Định và chị Thao đã lo lắng, băng bó chăm sóc Nho cẩn thận với niềm xót xa như chị em ruột thịt và cảm thấy “đau hơn người bị thương”. Họ là một gia đình, là một khối thống nhất.

Cuộc sống chiến đấu ở chiến trường thật gian khổ, hiểm nguy nhưng họ luôn lạc quan, yêu đời. Họ có cuộc sống nội tâm phong phú, đáng yêu, dễ xúc cảm, nhiều mơ ước. Họ thích làm đẹp cho cuộc sống của mình ngay cả trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt.Nho thích thêu thùa, chị Thao chăm chép bài hát, Phương Định thích ngắm mình trong gương, ngồi bó gối mộng mơ và hát…

– Họ hồn nhiên như những đứa trẻ trước cơn mưa đá. Và trận mưa đã trở thành nỗi nhớ – sự nối dài quá khứ hôm qua và khát vọng mai sau. Kỉ niệm sống dậy như những khoảng sáng trong tâm hồn, những cảm xúc hồn nhiên như nguồn sống, điểm tựa, giúp họ thêm vững vàng, thêm sức mạnh vượt qua những khó khăn,nguy hiểm.

→ Quả thật, đó là những cô gái mang trong mình những tính cách tưởng như không thể cùng tồn tại,vô cùng gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu mà cũng hồn nhiên, vô tư trong cuộc sống sinh hoạt.

* Những nét riêng:

Nho là một cô gái trẻ, xinh xắn, “trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng”. Nho lại rất hồn nhiên – cái hồn nhiên rất trẻ thơ: “vừa tắm dưới suối lên, cứ quần áo ướt, Nho ngồi, đòi ăn kẹo”; khi bị thương nằm trong hang vẫn nhổm dậy, xòe tay xin mấy viên đá mưa. Nhưng trong chiến đấu thì rất dũng cảm, hành động thật nhanh gọn: “Nho cuộn tròn cái gối,cất nhanh vào túi”, “quay lưng lại chúng tôi, chụp cái mũ sắt lên đầu…” Và trong một lần phá bom, cô đã bị sập hầm, đất phủ kín lên người. Mặc dù bị thương rất đau nhưng cô không rên la, không muốn cho đồng đội phải lo lắng.

Chị Thao, tổ trưởng, lớn tuổi nhất, ít nhiều có từng trải hơn, nghiêm nghị, nhiều mơ ước và dự tính về tương lai có vẻ thiết thực hơn, nhưng cũng không thiếu nhưng khát khao và rung động của tuổi trẻ. Chị lại hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm. Nhưng trong công việc,ai cũng gờm chị về tính cương quyết, táo bạo. Có ai ngờ con người dày dạn trước sự sống và cái chết như thế lại sợ máu, sợ vắt: “thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét”. Và không ai có thể quên được chị hát : nhạc sai bét, giọng thì chua, chị chăm chép bài hát dù chẳng thuộc nhạc, giọng lại chua, chị không hát trôi chảy được bài nào nhưng chị lại có ba quyển sổ dày chép bài hát và rỗi là chị ngồi chép bài hát.

–  Phương Định cũng trẻ trung như Nho, là một cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và về thành phố của mình. Ở đoạn cuối truyện, sau khi trận mưa đá tạnh, là cả một dòng thác kỉ niệm về gia đình, về thành phố trào lên và xoáy mạnh như sóng trong tâm trí cô gái. Có thể nói đây là những nét riêng của các cô gái trẻ Hà Nội vào chiến trường tham gia đánh giặc, tuy gian khổ nhưng vẫn giữ được cái phong cách riêng của người Hà Nội,rất trữ tình và đáng yêu.

Mỗi người có một cá tính riêng nhưng ở họ đều ngời sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam. Viết về ba cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã không tô vẽ, không mĩ lệ mà miêu tả hết sức cụ thể, chân thực bằng cách cá thể hóa nhân vật với những hình ảnh rất đời thường. Họ đã từ cuộc đời bước vào trang sách, trở thành những anh hùng –những ngôi sao trên bầu trời Trường Sơn.

2. Hình ảnh nhân vật Phương Định.

– Phương Định là cô gái có tâm hồn trong sáng, nhạy cảm và đầy mơ mộng: Là cô gái trẻ người Hà Nội, Phương Định từng có một thời học sinh hồn nhiên vô tư. Cô hay nhớ về kỷ niệm của những tháng ngày xưa cũ. Đó cũng là một tình cảm dễ thấy của lứa tuổi còn nhiều khát khao, mong ước. Nó vừa là khao khát, vừa là liều thuốc tinh thần động viên cô nơi tuyến lửa.

+ Phương Định hết sức nhạy cảm với những cảm xúc phức tạp của mình. Cô thường quan tâm đến hình thức, tự đánh giá mình là một cô gái khá; biết mình được nhiều người để ý, thấy tự hào nhưng không vồn vã mà tỏ ra kín đáo, tưởng như kiêu kì. Cô bắt đầu xác định vị trí của mình trong lòng mọi người, tự thức nhận giá trị bản thân để kiếm tìm những mục đích chân thực ở tương lai. Nếu không có chiến tranh, có lẽ Phương Định sẽ là một cô giáo, một bác sĩ, tận tâm đem sức mình cống hiến cho xã hội.

+ Chính những điều mơ mộng tuy có vẻ viễn vong nhưng lại là nguồn sức mạnh giúp cô tìm thấy sự thú vị trong cuộc sống, trong cả công việc đầy nguy hiểm “Việc nào cũng có cái thú vị của nó. Có ở đâu như thế này hay không…”. Nó như thách thức thần kinh con người để rồi lúc vượt qua nó, chiến thắng nó,cô cảm thấy thú vị.

– Ngay trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, sinh tử cận kề cô vẫn rất lạc quan, yêu đời. Cô thích hát và thuộc rất nhiều bài hát, thậm chí bịa ra lời mà hát. Tiếng hát giúp cô vơi đi những khổ nhọc, giúp tâm hồn sảng khoái, yêu hơn công việc đang làm và không ngừng khát vọng ở tương lai.  Dưới cơn mưa đá, cô “vui thích cuống cuồng”, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ.

– Phương Định là người có phẩm chất anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cô là người luôn có tinh thần trách nhiệm với công việc. Phương Định đặt công việc lên trên hết. Đội của cô làm việc mọi lúc, mọi nơi, bất kể ngày đêm. Hễ việc gì cần làm là họ làm ngay, không chần chừ, không chờ đợi hay lảng tránh. Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì con đường cho xe đi tới. Cô mang trong mình lòng dũng cảm, gan dạ của con người Việt Nam bao đời đối diện với kẻ thù xâm lược. ngay cả khi kẻ thù đang oanh tạc, cô dũng cảm chạy băng dưới mưa bom bão đạn. Dẫu có té ngã, lại đứng dậy chạy tiếp. Dẫu có bị thương, cũng cắn răng lao tới. Dường như, hiểm nguy đối với họ là chuyện nhỏ, không gì có thể ngăn họ lại, chỉ trừ cái chết. Lúc đối diện với quả bom, lòng gan dạ giúp cô trụ lại với nhiệm vụ chứ không bỏ chạy theo sự mách bảo của bản năng. Tiếng thôi thúc của bản năng khuấy động nỗi sợ hãi trong cô nhưng cô cố trấn tĩnh mình, tiếp tục làm cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Tinh thần dũng cảm, gan dạ của cô còn cứng hơn cả sắt đá, vượt qua nỗi sợ hãi và chiến thắng cái chết. Bởi cô biết rằng cái chết không đáng sợ, kẻ quay lưng, bỏ mặt đồng đội mới là cái đáng sợ hơn gáp nghìn lần.

– Cô là người rất tự tin và đầy tự trọng. Khi thực hiện nhiệm vụ phá bom, ban đầu cô cũng thấy căng thẳng, hồi hộp, nhưng cảm thấy có ánh mắt của các chiến sĩ đang dõi theo động viên, khích lệ, lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn. Cô không đi khom mà đàng hoàng bước tới; bình tĩnh, tự tin thực hiện từng thao tác phá bom, chạy đua với thời gian để vượt qua cái chết.

– Phương Định rất thương yêu những người đồng đội của mình, coi Thao và nho như gia đình của mình vậy.  Lúc Nho bị thương, cô chăm sóc Nho chu đáo. Trong lòng thấy xót xa khi nhìn Nho mặt trắng bệt, mắt nhắm cam chịu đau đớn. Cô cũng hiểu rõ tâm trạng lo lắng của Thao khi Nho bị thương, mặc dù Thao đã cố che dấu bằng việc bảo cô hát. Với đại đội trưởng, chỉ tiếp xúc qua điện thoại nhưng biết rõ từ cách ăn nói đến đặc điểm riêng. Cô biết quý trọng và cảm phục tất cả những chiến sĩ mà cô đã gặp trên tuyến đường Trường Sơn. Với cô, tất cả những ai đang cống hiến sức mình cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước đều rất đáng quý trọng, rất đáng tôn kính.

Qua dòng suy tư của Phương Định, người đọc không chỉ thấy sự toả sáng của phẩm chất anh hùng mà còn hình dung được thế giới nội tâm phong phú ở cô. Sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện tâm hồn vốn nhạy cảm yếu đuối thành bản lĩnh kiên cường của người anh hùng cách mạng. Nét điệu đà, hồn nhiên, duyên dáng của một cô gái càng tôn thêm vẻ đáng yêu của cô Thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm. Phương Định (cả Nho và Thao nữa) là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước.

 Qua nhân vật Phương Định và các cô thanh niên xung phong trong truyện Những ngôi sao xa xôi, nhà văn Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh.Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.

III. Tổng kết.

1. Giá trị nội dung:

– Truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

2. Giá trị nghệ thuật:

– Lựa chọn ngôi kể phù hợp, cách kể chuyện tự nhiên.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật, nhất là miêu tả tâm lí.

– Ngôn ngữ giản dị, vừa mang tính khẩu ngữ vừa đậm chất trữ tình.

– Câu văn ngắn, nhịp điệu dồn dập, gợi không khí chiến trường.


Câu hỏi luyện tập

Câu 1: Giải thích ý nghĩa nhan đề “Những ngôi sao xa xôi”.

– Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên về chuyện ngắn. Những ngôi sao xa xôi là tác phẩm đầu ta, được sáng tác năm 1971 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Qua bức tranh về cuộc sống và chiến đấu của ba nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, truyện khẳng định, ca ngợi vẻ đẹp giản dị trong tinh thần chiến đấu anh hùng của thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhan đề của tác phẩm là một ẩn dụ nghệ thuật đặc sắc, mang nhiều ý nghĩa. “Những ngôi sao” gợi nghĩ đến những ngôi sao đang tỏa sáng trên bầu trời, hay những ngôi sao trong chuyện cổ tích. “Xa xôi” là không với tới, mà chỉ thể ngắm nhìn. Phải chăng đó là vẻ đẹp thơ mộng, đầy lãng mạn về một ước mơ, một khao khát trong tầm hồn của các chiến sĩ thanh niên xung phong nơi chiến trường khốc liệt xưa. Hơn thế nữa, nhan đề gợi lên những phẩm chất cao quý nhưng lại rất bình dị và gần gũi đang tỏa sáng lung linh của những thanh niên xung phong. Họ đẹp như “những ngôi sao xa xôi” ẩn hiện, vượt thoát lên những khói bom đạn lửa, cái chết để mãi lung linh tỏa sáng trên bầu trời họ chính là những vì sao sáng chói của đất nước.

Câu 2: Truyện được trần thuật từ nhân vật nào? Việc chọn vai kể như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung truyện?

– Truyện được trần thuật từ nhân vật phương Định, theo ngôi thứ nhất. Việc chọn vai kể như vậy có tác dụng tạo một điểm nhìn phù hợp dễ dàng tái hiện hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Nhân vật tôi tự kể về cuộc sống và chiến đấu của mình có tác dụng khắc họa đậm nét thế giới tâm hồn, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật một cách chân thực giàu sức thuyết phục, làm hiện lên vẻ đẹp của con người trong chiến tranh.

Câu 3: Trình bày những nét chung và những nét riêng của ba nữ thanh niên xung phong trong truyện.

* Nét chung:

– Họ là những cô gái còn rất trẻ, tuổi đời mười tám đôi mươi, giàu lòng yêu nước, một lòng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

– Có tinh thần trách nhiệm cao với công việc,lòng dũng cảm, gan dạ không sợ gian khổ hi sinh:

– Có tinh thần trách nhiệm cao, luôn sẵn sàng trong việc ra trận. Họ đã đặt công việc lên trên cả tính mạng của mình. Bình tĩnh, can trường và có tinh thần dũng cảm, không hề run sợ bom đạn của kẻ thù.

– Có tình đồng đội gắn bó, thân thiết: hiểu được tính tình, sở thích của nhau, quan tâm chăm sóc nhau rất chu đáo.

– Luôn lạc quan, yêu đời. Họ có cuộc sống nội tâm phong phú, đáng yêu, dễ xúc cảm, nhiều mơ ước.

Đó là những cô gái mang trong mình những tính cách tưởng như không thể cùng tồn tại,vô cùng gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu mà cũng hồn nhiên, vô tư trong cuộc sống sinh hoạt.

* Nét riêng:

– Nho là một cô gái trẻ, xinh xắn, rất hồn nhiên. Nhưng trong chiến đấu thì rất dũng cảm, hành động thật nhanh gọn.

– Chị Thao, tổ trưởng, ít nhiều có từng trải hơn, mơ ước và dự tính về tương lai có vẻ thiết thực hơn, nhưng cũng không thiếu nhưng khát khao và rung động của tuổi trẻ. Chị thích làm đẹp cho cuộc sống của mình ngay giữa chiến trường ác liệt. Trong công việc, ai cũng gờm chị về tính cương quyết, táo bạo và hết sức bình tĩnh. Thế nhưng, chị lại rất sợ máu, sợ vắt. Dù hát không hay nhưng chị rất hay hát. Chị Thao là điểm tựa tinh thần của cả đội.

– Phương Định xinh đẹp, trẻ trung, là một cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và về thành phố của mình.

Mỗi người có một cá tính riêng nhưng ở họ đều ngời sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam. Viết về ba cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã không tô vẽ, không mĩ lệ mà miêu tả hết sức cụ thể, chân thực bằng cách cá thể hóa nhân vật với những hình ảnh rất đời thường. Họ đã từ cuộc đời bước vào trang sách, trở thành những anh hùng – những ngôi sao trên bầu trời Trường Sơn.

Câu 4: Trình bày vẻ đẹp tâm hồn và tính cách (vẻ đẹp phẩm chất) của nhân vật Phương Định.

– Là cô gái trẻ người Hà Nội, từng có một thời học sinh hồn nhiên, vô tư, có tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, mơ mộng.

– Hay nhớ về kỷ niệm, thường quan tâm đến hình thức, biết mình được nhiều người để ý, thấy tự hào nhưng không vồn vã mà tỏ ra kín đáo, tưởng như kiêu kì.

– Hay mơ mộng, tìm thấy sự thú vị trong cuộc sống, trong cả công việc đầy nguy hiểm. Nó như thách thức thần kinh con người để rồi lúc vượt qua nó, chiến thắng nó,cô cảm thấy thú vị. Nó cũng vừa là khao khát, vừa là liều thuốc tinh thần động viên cô nơi tuyến lửa.

– Luôn lạc quan, yêu đời. Cô thích hát, thuộc rất nhiều bài hát, thậm chí bịa ra lời mà hát. Dưới cơn mưa đá, cô “vui thích cuống cuồng”, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ.

– Là người có phẩm chất anh hùng. Trong công việc và trong đối xử với mọi người, phương Định là người có tinh thần trách nhiệm.

– Dũng cảm, gan dạ, bình tĩnh, tự tin (thể hiện rõ ràng nhất trong lần phá bom nổ chậm)

– Giàu lòng tự trọng.

– Thương yêu những người đồng đội của mình (với nho, chị Thao, anh đại đội trưởng và các chiến sĩ khác)


Hệ thống câu hỏi ôn tập luyện thi.

Câu 1: Người kể chuyện trong tác phẩm là ai? Việc lựa chọn nhân vật kể chuyện như vậy có tác động như thế nào trong việc thể hiện nội dung của tác phẩm?

– Truyện kể về ngôi thứ nhất, người kể là Phương Định, nhân vật chính trong tác phẩm.

– Tác dụng:

+ Người kể chuyện đồng thời cũng là một cô gái Thanh niên xung phong, là người trong cuộc nên sẽ tạo ra điểm nhìn phù hợp để tái hiện hiện thực tàn khốc của chiến tranh ở một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn.

+ Thuận lợi cho việc miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc, suy nghĩ được hiện lên một cách trực tiếp mang lại sự sinh động, tự nhiên cho câu chuyện.

+ Người kể chuyện là một cô gái Hà Nội mơ mộng, giàu cảm xúc → làm cho câu chuyện có giọng điệu trẻ trung, thể hiện sinh động những cảm xúc hồn nhiên, trong sáng, lãng mạn của các nhân vật.

Câu 2: Đọc kĩ đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi:

“… Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom.”

a) Nhân vật “tôi” trong đoạn trích trên là ai? Tác giả miêu tả nhân vật đó trong hoàn cảnh nào?
b) Nhân vật “tôi” cũng là người kể chuyện trong tác phẩm chứa đoạn văn trên. Theo em, việc lựa chọn ngôi kể như vậy có tác dụng gì?
c) Liệt kê những câu trần thuật ngắn trong đoạn trích và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng.

* Gợi ý trả lời:

a/ Nhân vật “tôi” trong đoạn trích trên là Phương Định. Tác giả miêu tả nhân vật đó trong hoàn cảnh căng thẳng trong một lần phá bom

b/ Tác dụng của ngôi kể: Mọi hoàn cảnh, sự việc, nhân vật đều được tái hiện từ cái nhìn của người trong cuộc. Do vậy hiện thực sẽ được tái hiện một cách chân thực và sinh động nhất. Đồng thời thế giới nội tâm, diễn biến tâm lí của nhân vật cũng được khắc họa chân thực, tỉ mỉ.

c/ Liệt kê từ 3 câu trở lên:

+ Đất rắn.

+ Vỏ quả bom nóng.

+ Một dấu hiệu chẳng lành.

+ Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom.

+ Hoặc là nóng từ bên trong quả bom.

– Hiệu quả nghệ thuật của các câu trần thuật ngắn: Khiến nhịp văn trở nên nhanh, diễn tả không khí ngột ngạt, căng thẳng và cảm giác hồi hộp của Phương Định khi chuẩn bị phá bom.

Câu 3: Cho đoạn trích:

(…) “Tôi nép người vào bức tường đất, nhìn đồng hồ. Không có gió. Tim tôi đập cũng không rõ. Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh phớt lờ mọi biến động chung quanh là chiếc kim đồng hồ. Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng đè lên những con số vĩnh cửu.”

(Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê).

a. Nhân vật “tôi” được nhắc đến trong đoạn trích là ai, được miêu tả trong hoàn cảnh nào?
b. Vì sao nhân vật “tôi” lại tập trung miêu tả chuyển động của chiếc kim đồng hồ? Từ đó em có nhận xét gì về công việc mà nhân vật “tôi” trong đoạn trích phải thực hiện?

Gợi ý trả lời:

a/ – Nhân vật “tôi”: Phương Định

– Hoàn cảnh: trong một lần phá bom (khi chờ bom nổ).

b/- Tập trung miêu tả chuyển động của chiếc kim đồng hồ vì không khí lúc Phương Định chờ bom nổ rất căng thẳng.

– Công việc mà nhân vật phải đảm nhiệm là công việc vô cùng nguy hiểm, phải đối mặt với cái chết.

Câu 4: Trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”, nhà văn Lê Minh Khuê đã để cho nhân vật Phương Định kể về cuộc sống của cô và đồng đội:

“Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? Tôi nghĩ thế, nghĩ thêm: đứng cẩn thận, mảnh bon ghim vào cánh tay thì khá phiền. Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng”.

(Trích Ngữ văn 9, tập hai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2015, trang 118)

a/ Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn “Ngày nào ít: ba lần.” thuộc kiểu câu gì? Nhận xét cách đặt câu trong đoạn văn trên và cho biết tác dụng của cách viết ấy trong việc thể hiện ngôn ngữ, giọng điệu đoạn văn.
b/ Đoạn văn trên sử dụng hình thức ngôn ngữ nào? Qua hình thức ngôn ngữ đó, ta hiểu được vẻ đẹp nào ở nhân vật Phương Định?

Gợi ý trả lời:

a/ Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn đã cho thuộc kiểu câu rút gọn.

– Nhận xét: câu văn ngắn, gần với khẩu ngữ, nhịp nhanh.

– Tác dụng : tạo được không khí khẩn trương trong hoàn cảnh chiến trường.

b/ Hình thức ngôn ngữ: Độc thoại nội tâm.

– Vẻ đẹp nhân vât: gan dạ, dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm cao.

Câu 5: Dưới đây là một đoạn trích trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”(Lê Minh Khuê):

“Cao điểm bây giờ thật vắng. Chỉ có Nho và chị Thao. Và bom. Và tôi ngồi đây. Và cao xạ đặt bên kia quả đồi. Cao xạ đang bắn. Tiếng súng ở dưới đất lên quả là có hiệu lực. Không gì cô đơn và khiếp sợ hơn khi bom gào thét chung quanh mà không nghe một tiếng trả lời nào dưới đất.”

(Trích “Những ngôi sao xa xôi” – Lê Minh Khuê, NXB Giáo dục, 2014)

a/ Nhân vật “tôi” trong đoạn trích trên là ai? Việc lựa chọn nhân vật này làm người kể chuyện trong truyện ngắn trên có tác dụng gì?

b/ Đoạn trích cho em cảm nhận như thế nào về công việc và cuộc sống của các nhân vật?

Gợi ý trả lời:

a/ Nhân vật “tôi” trong đoạn trích trên là Phương Định.

– Việc lựa chọn nhân vật này làm người kể chuyện trong truyện ngắn trên có tác dụng:

+ Tạo thuận lợi để tác giả đi sâu miêu tả thế giới nội tâm nhân vật.

+ Tạo điểm nhìn phù hợp để miêu tả hiện thực cuộc chiến đấu ở một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn.

+ Làm cho câu chuyện mang màu sắc chủ quan, trở nên gần gũi, đáng tin cậy,…

Câu 6: Cho đoạn văn sau:

“ …Công việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Người ta gọi chúng tôi là tổ trinh sát mặt đường. Cái tên gợi sự khao khát làm nên những sự tích anh hùng. Do đó, công việc cũng chẳng đơn giản. Chúng tôi bị bom vùi luôn. Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng lóa lên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là những con quỷ mắt đen.”

(Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê )

a/ Đoạn văn trên là lời kể của ai? Kể về điều gì?

b/ Câu : Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là “những con quỷ mắt đen” dùng biện pháp tu từ gì? Biện pháp tu từ ấy giúp chúng ta hiểu gì về các nhân vật?

c/ Câu văn trên gợi liên tưởng đến những câu thơ nào trong “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật? Vì sao?

Gợi ý trả lời:

a/ – Lời của Phương Định.

– Kể về công việc của 3 cô gái (Nho, Thao, Phương Định) trong tổ trinh sát mặt đường.

b/ – Câu văn sử dụng nghệ thuật: ẩn dụ.

Tác dụng:

– Cho thấy tinh thần lạc quan.

– Có trách nhiệm cao với công việc của ba cô gái.

c/

– Đều thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời.

– Có trách nhiệm cao trong công việc của những người lính Trường Sơn.

Câu 7: Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Tôi nép người vào bức tường đất, nhìn đồng hồ. Không có gió. Tim tôi cũng đập không rõ. Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ. Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng, đè lên những con số vĩnh cửu”.

(Trích Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục 2014)

– Vì sao nhân vật lại tập trung quan sát chuyển động của chiếc kim đồng hồ ? Từ đó, em nhận xét gì về công việc mà nhân vật tôi trong đoạn trích đang thực hiện ?

Gợi ý trả lời:

Vì nhân vật đang trong những giây phút căng thẳng chờ mìn nổ, bom nổ, đang phải đối mặt với nguy hiểm, cái chết có thể tới bất cứ lúc nào, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ được tính bằng giây.

– Công việc: hiểm nguy, căng thẳng, cái chết luôn cận kề.

Câu 8: Cho đoạn văn sau:

“Tôi không cãi chị. Quyền hạn phân công là ở chị. Thời gian bắt đầu căng lên. Trí não tôi cũng không thua. Những gì đã qua, những gì sắp tới….không đáng kể nữa”.

(Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê)

a. Nhân vật chị trong đoạn trích trên là ai? Vì sao chị lại có quyền hạn phân công?
b. Nhân vật tôi trong đoạn trích được phân công nhiệm vụ gì? Tại sao nhân vật lại có cảm giác căng thẳng và suy nghĩ: “Những gì đã qua, những gì sắp tới….không đáng kể nữa”? Từ đó em hiểu gì về phẩm chất của nhân vật này?

Gợi ý trả lời:

a. Nhân vật chị trong đoạn trích là chị Thao, chị là tổ trưởng tổ trinh sát mặt đường nên có quyền hạn phân công cho đồng đội.

b. Nhân vật tôi trong đoạn trích được phân công nhiệm vụ: Ở lại trong hang trực điện thoại.

– Nhân vật lại có cảm giác căng thẳng và suy nghĩ vì: Nhân vật tôi phải “ở nhà” trực, còn chị Thao và Nho lại đi phá bom. Điều này khiến cho Phương Định lo lắng vì những nguy hiểm mà chị Thao và Nho đang phải đối mặt.

– Phẩm chất: Có tình đồng đội gắn bó keo sơn, luôn quan tâm, lo lắng cho đồng đội. Yêu thương đồng đội như chị em ruột trong gia đình

Câu 9: Cho đoạn văn bản sau:

“- Sắp đấy! – Nho quay lưng lại chúng tôi, chụp cái mũ sắt lên đầu. Chị Thao móc bánh bích quy trong túi, thong thả nhai. Những khi biết rằng cái sắp tới sẽ không yên ả thì chị tỏ ra bình tĩnh đến phát bực” (Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê)

a/ Tại sao chị Thao lại tỏ ra bình tĩnh đến phát bực khi biết rằng cái sắp tới sẽ không yên ả?

b/ Tại sao khi trong hoàn cảnh khốc liệt nhất của cuộc chiến chị Thao vẫn đề nghi Phương Định hát? Điều đó góp phần làm nổi bật tâm hồn nhân vật như thế nào?

Gợi ý trả lời:

b. Tiếng hát khiến nhân vật tạm quên đi những khó khăn trước mắt, át đi những lo âu, mềm yếu trong tâm hồn bởi bản thân họ là những cô gái. Đồng thời tiếng hát cũng thể hiện tâm hồn lạc quan, bản lĩnh kiên cường.

Câu 10: Cho đoạn văn bản

“Uống sữa xong, Nho ngủ. Máy bay trinh sát vẫn nạo vét sự yên lặng của núi rừng. Chị thao dựa vào tường, hai tay quàng sau gáy, không nhìn tôi.

– Hát đi, Phương Định, mày thích bài gì nhất, hát đi!

Tôi thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng. Thích “ca chiu sa” của Hồng Quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh…”. Đó là dân ca ý trữ tình, giàu có, phải lấy giọng thật trầm. Thích nhiều. Nhưng tôi không muốn hát lúc này. Tôi đâm cáu với chị Thao, mặc dù, tôi hiểu, những tình cảm gì đang quay cuồng trong chị. Chị cứ đưa mắt nhìn Nho, lấy tay sửa cái cổ áo, cái ve áo và tóc nó. Chị không khóc đó thôi, chị không ưa cả nước mắt. Nói chung, trên cao điểm này, chúng tôi không ưa nước mắt. Nước mắt đứa nào chảy trong khi cần phải cứng cỏi của nhau này là bị xem như bằng chứng của một sự tự nhục mạ.

Không ai nói với ai, nhưng nhìn nhau, chúng tôi đọc thấy trong mắt nhau điều đó.”

(Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê)

a/ Theo em những tình cảm nào đang quay cuồng trong tâm hồn chị Thao?
b/ Lí do nào khiến nhân vật “tôi” có thể thấu hiểu những tình cảm ấy?
c/ Tại sao nhân vật “tôi” lại đâm cáu với chị Thao?
d/ Vì sao “Không ai nói với ai, nhưng nhìn nhau, chúng tôi nhìn thấy trong mắt nhau điều đó”
e/ Qua sở thích của nhân vật “tôi” trong đoạn văn em thấy nhân vật là người như thế nào?

Gợi ý trả lời:

a/ – Lo lắng cho sức khỏe của Nho:

– Lo lắng về tình hình chiến sự đang căng thẳng “Máy bay trinh sát vẫn nạo vét sự yên lặng của núi rừng”

– Chị Thao muốn dấu đi sự mềm yếu trong tâm hồn mình

b/ Nhân vật “tôi” có thể thấu hiểu những tình cảm của chị Thao bởi họ luôn gắn bó với nhau trong công việc, trong hoàn cảnh sống khó khăn nơi chiến trường. Họ vừa là đồng chí đồng đội, vừa như chị em ruột thịt, cùng chia ngọt sẻ bùi nên thấu hiểu và đồng cảm.

c/ – Vì Phương Định cũng đang lo lắng cho sức khỏe của Nho:

d/ Nhân vật “tôi” có thể thấu hiểu những tình cảm của chị Thao bởi họ luôn gắn bó với nhau trong công việc, trong hoàn cảnh sống khó khăn nơi chiến trường. Họ vừa là đồng chí đồng đội, vừa như chị em ruột thịt, cùng chia ngọt sẻ bùi nên thấu hiểu và đồng cảm.

e/ – Người có tâm hồn trong sáng, mơ mộng, lãng mạn, nữ tính.

Câu 11: Chi tiết về trận mưa đá và niềm vui của các cô gái ở cuối truyện gợi cho em cảm nhận điều gì về những con người ấy và cuộc sống của họ ở nơi chiến trường ác liệt?

Gợi ý trả lời:

– Làm dịu lại sự căng thẳng, ác liệt ở đoạn trước đó (cảnh phá bom đầy nguy hiểm, Nho bị thương và sự chăm sóc, lo lắng của hai người đồng đội).

– Trận mưa đá là cơ hội để bộc lộ nét hồn nhiên, trong sáng ở các nhân vật: họ hào hứng, vui thích, phấn chấn như con trẻ, họ được sống những phút rất vô tư, dường như mọi điều ác liệt ở chiến trường phút chốc đã lùi xa.

– Với nhân vật Phương Định, trận mưa đá còn gợi về cô bao nhiêu hình ảnh, kỉ niệm êm đềm về thành phố và tuổi thiếu nữ của cô. Chi tiết ấy cho thấy cuộc sống ngoài chiến trường bên cạnh sự khốc liệt, dữ dội cũng còn có những phút thanh thản cho tâm hồn người được lắng dịu. Có như thế họ mới có thể sống và chiến đấu lâu dài được.

Câu 12: Nếu viết “Tôi phá một quả bom trên đồi. Nho phá hai quả dưới lòng đường. Chị Thao phá một quả dưới chân cái hầm ba-ri-e cũ.” Thì cấu trúc ngữ pháp của câu thay đổi như thế nào? Cách đặt câu trong tác phẩm có tác dụng gì đối với việc diễn tả ý và gợi cảm xúc như thế nào?

Gợi ý trả lời:

– Hai cách đặt câu đó khác nhau về cấu trúc ngữ pháp là:

– Các câu được viết phải có đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ.

– Đặt câu theo nguyên bản thì những câu văn đó đặc biệt ở chỗ thiếu vị ngữ.

– Cách đặt câu như vậy sẽ có giá trị biểu cảm cao hơn: thể hiện được tốc độ khẩn trương của công việc cũng như sự chủ động của họ trước thử thách. Đồng thời sự hiểm nguy đối với họ cũng rõ ràng hơn: giữa mỗi cô gái và những quả bom họ phá khoảng cách thật mong manh (Giữa họ và tử thần, chỉ cách nhau 1 dấu phẩy (trên văn bản), 1 tích tắc (trong thực tế)); do đó, sự can đảm của họ cũng hiện lên thật lớn lao.

Câu 13: Trong đoạn trích: “Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa.” Điều gì khiến nhân vật “tôi” đến gần quả bom lại “không sợ nữa”?

Gợi ý trả lời:

– Điều khiến nhân “tôi” đến gần quả bom lại thấy không sợ nữa chính là nhân vật “tôi” cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ đang dõi theo mình.

– Đây chính là tâm trạng của nhân vật Phương Định – nữ trinh sát mặt đường, trong một lần phá bom. Chi tiết trên đã cho người đọc thấy lòng quả cảm, sự tự trọng của người nữ chiến sĩ anh hùng. Chính điều này giúp cô vượt qua nỗi sợ hãi, dũng cảm chiến đấu.

Câu 14: Vì sao tác giả Lê Minh Khuê khi viết về 3 nữ thanh niên xung phong – những anh hùng nhưng vẫn cho họ có những điểm yếu như: sợ máu, sợ vắt, quá mềm mại nữ tính?

Gợi ý trả lời:

– Lê Minh Khuê không anh hùng hóa, cao cả hóa một cách tuyệt đối các nhân vật mà làm cho họ trở nên gần gũi hơn, đời thường hơn.

– Điều đó càng làm phong phú, kì diệu vẻ đẹp của người con gái Việt Nam: vừa anh hùng rắn rỏi song cũng rất mềm mại nữ tính…

– Đó là phương pháp đòn bẩy, lấy những chi tiết nhỏ bé, chân thực, đời thường và rất con gái để tạo bất ngờ cho người đọc về sự cao cả, anh hùng ở các nữ thanh niên xung phong.

Câu 15.  Trong đoạn trích sau: “Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ. (…) Các anh cao xạ, thông tin và công binh đều rất mến chúng tôi. Chỉ cần chúng tôi bắn một phát súng báo hiệu yêu cầu giúp đỡ là họ sẽ chạy đến ngay.”

Vì sao trong suy nghĩ, nhân vật “tôi” lại luôn cảm phục những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ?

Xem thêm:

Cảm nhận phẩm chất anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua Những ngôi sao xa xôi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.