Đề cương ôn tập Tiếng Việt lớp 7 – Học kỳ 1 – SGK Ngữ văn 7

on-tap-tieng-viet-lop-7-hoc-ky-1

Ôn tập Tiếng Việt lớp 7 – Học kỳ 1

1. Từ ghép.

a. Các loại từ ghép:

  • Ghi nhớ:
    – Từ ghép có hai loại: từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập.
    – Từ ghép chính phụ có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính. Tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau.
    – Từ ghép đẳng lập có các tiếng bình đẳng về mặt ngữ pháp (không phân ra tiếng chính, tiếng phụ).

Ví dụ:

+ Từ ghép đẳng lập: Cha mẹ, ông bà, núi sông, cay đắng,….
+ Từ ghép chính phụ: Bút bi, trường học, công nhân, giáo viên

b. Nghĩa của từ ghép:

  • Ghi nhớ:
    – Từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa. Nghĩa của từ ghép chính phụ hẹp hơn nghĩa của tiếng chính.
    – Từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa. Nghĩa của từ ghép đẳng lập khái quát hơn nghĩa của các tiếng tạo nên nó.

Ví dụ:

+ Giáo viện: người dạy học.
+ Núi sông: đất nước, tổ quốc,..

2. Từ láy.

a. Các loại từ láy:

  • Ghi nhớ: Từ láy có hai loại: từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.
    – Ở từ láy toàn bộ: các tiếng lặp lại nhau hoàn toàn, nhưng cũng có một số trường hợp tiếng đứng trước biến đổi thanh điệu hoặc phụ âm cuối (để tạo ra một sự hài hoà về âm thanh).
    – Ở từ láy bộ phận, giữa các tiếng có sự giống nhau về phụ âm đầu hoặc phần vần.

Ví dụ:

+ Từ láy toàn bộ: xanh xanh, cao cao, thăm thẳm, nho nhỏ,….
+ Từ láy bộ phận: ríu rít, líu lo, xanh xao,…

b. Nghĩa của từ láy:

  • Ghi nhớ:
    – Nghĩa của từ láy được tạo thành nhờ đặc điểm âm thanh của tiếng và sự hoà phối âm thanh giữa các tiếng. — Trong trường hợp từ láy có tiếng có nghĩa làm gốc (tiếng gốc) thì nghĩa của từ láy có thể có những sắc thái riêng so với tiếng gốc như sắc thái biểu cảm, sắc thái giảm nhẹ hoặc nhấn mạnh,…

Ví dụ: Lí nhí, li ti, ti hí, nhấp nhô, phập phồng, bập bềnh, ha hả, oa oa, tích tắc, gâu gâu,…

3. Đại từ.

a. Thế nào là đại từ:

  • Ghi nhớ:
    – Đại từ dùng để trỏ người, sự vật, hoạt động, tính chất,… được nói đến trong một ngữ cảnh nhất định của lời nói hoặc dùng để hỏi.
    – Đại từ có thể đảm nhiệm các vai trò ngữ pháp như chủ ngữ, vị ngữ trong câu hay phụ ngữ của danh từ, của động từ, của tính từ,…

Ví dụ: nó, thế, ai, tôi, tao, tớ, chúng tôi, chúng tao, chúng tớ, mày, chúng mày, nó, hắn, chúng nó, họ,…. bấy, bấy nhiêu, vậy, thế ,…

b. Các loại đại từ:

  • Ghi nhớ:
    Đại từ để trỏ dùng để:
    – Trỏ người, sự vật (gọi là đại từ xưng hô): chúng mày, nó, hắn, chúng nó, họ,….
    – Trỏ số lượng: bấy, bấy nhiêu,…
    – Trỏ hoạt động, tính chất, sự việc: vậy, thế,…
    Đại từ để hỏi dùng để:
    – Hỏi về người, sự vật: ai, gì, ái gì,…
    – Hỏi về số lượng: bao nhiêu, mấy,…
    – Hỏi về hoạt động, tính chất, sự việc: sao, thế nào,…

4. Từ Hán Việt.

a. Cấu tạo từ Hán Việt.

  • Ghi nhớ:
    – Trong tiếng Việt có một khối lượng khá lớn từ Hán Việt. Tiếng để cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt.
    – Phần lớn các yếu tố Hán Việt không được dùng độc lập như từ mà chỉ dùng để tạo từ ghép. Một số yếu tố Hán Việt như hoa, quả, bút, bảng, học, tập,… có lúc dùng để tạo từ ghép, có lúc được dùng độc lập như một từ.
    – Có nhiều yếu tố Hán Việt đồng âm nhưng nghĩa khác xa nhau.

Ví dụ: Quốc gia, đại sự, chính trị, sơn hà, thiên nhiên,…

b. Từ ghép Hán Việt.

  • Ghi nhớ:
    – Cũng như từ ghép thuần Việt, từ ghép Hán Việt có hai loại chính: từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.
    – Trật tự của các yếu tố trong từ ghép chính phụ Hán Việt:
    + Có trường hợp giống với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau.
    + Có trường hợp khác với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau.

Ví dụ: thạch mã, tái phạm, thiên thư, thương mại, hàm long, hữu ích, thi nhân, đại thắng, phát thanh, bảo mật, tân binh, hậu đãi, phòng hoả….

5. Quan hệ từ.

a. Thế nào là quan hệ từ:

  • Ghi nhớ:
    – Quan hệ từ dùng để biểu thị các ý nghĩa quan hệ như sở hữu, so sánh, nhân quả,… giữa các bộ phận của câu hay giữa câu với câu trong đoạn văn.

Ví dụ: cũng, bởi, với, mà, và, nhưng, bởi,…

b. Cách sử dụng quan hệ từ:

  • Ghi nhớ:
    – Khi nói hoặc viết có những trường hợp bắt buộc phải dùng quan hệ từ. Đó là những trường hợp nếu không có quan hệ từ thì câu văn sẽ đổi nghĩa hoặc không rõ nghĩa. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp không bắt buộc dùng quan hệ từ (dùng cũng được, không dùng cũng được).
    – Có một quan hệ từ được dùng thành cặp.

Ví dụ: Nếu…thì, tuy…nhưng, giá…thì, càng …. càng…,

6. Từ đồng nghĩa.

a. Thế nào là từ đồng nghĩa:

  • Ghi nhớ:
    – Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc vào nhiều nhóm từ đồng nghĩa khác nhau.

Ví dụ: nhìn – ngắm – trông; cầm – nắm – giữ; mẹ – má – u – bầm;…

b. Các loại từ đồng nghĩa:

  • Ghi nhớ:
    – Từ đồng nghĩa có hai loại: những từ đồng nghĩa hoàn toàn (không phân biệt nhau về sắc thái nghĩa) và những từ đồng nghĩa không hoàn toàn (có sắc thái nghĩa khác nhau).

c. Sử dụng từ đồng nghĩa:

  • Ghi nhớ:
    – Không phải bao giờ các từ đồng nghĩa cũng có thể thay thế cho nhau. Khi nói cũng như khi viết, cần cân nhắc để chọn trong số các từ đồng nghĩa những từ thể hiện đúng thực tế khách quan và sắc thái biểu cảm.

7. Từ trái nghĩa.

a. Thế nào là từ trái nghĩa:

  • Ghi nhớ:
    – Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau.
    – Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc vào nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau.

Ví dụ: giàu – nghèo, cao – thấp, to – nhỏ, lớn – bé, đen – trắng,…

b. Sử dụng từ trái nghĩa:

  • Ghi nhớ:
    – Từ trái nghĩa được sử dụng trong thể đối, tạo các hình tượng tương phản, gây ấn tượng mạnh, làm cho lời nói thêm sinh động.

8. Từ đồng âm.

a. Thế nào là từ đồng âm:

  • Ghi nhớ:
    – Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì với nhau.

Ví dụ: mai (hoa mau) – mai (ngày mai), cuốc (chim cuốc) – cuốc (cái cuốc), đá (hòn đá) – đá (đá bóng),….

b. Sử dụng từ đồng âm:

  • Ghi nhớ:
    Trong giao tiếp phải chú ý đầy đủ đến ngữ cảnh để tránh hiểu sai nghĩa của từ hoặc dùng từ với nghĩa nước đôi do hiện tượng đồng âm.

9. Thành ngữ.

a. Thế nào là thành ngữ.

  • Ghi nhớ:
    – Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.
    – Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn từ trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó nhưng thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh…

Ví dụ:

– Lên thác xuống ghềnh.
– Ăm đơ, nói đặt.
– Sớm nắng chiều mưa.
– Trèo đèo lội suối.
– Mười mấy năm trời,
– Da mồi tóc sương.
– Lời ăn tiếng nói
– Một nắng hai sương
– Ngày lành tháng tốt
– No cơm ấm áo
– Bách chiến bách thắng.
– Sinh cơ lập nghiệp

b. Sử dụng thành ngữ:

  • Ghi nhớ:
    – Thành ngữ có thể làm chủ ngữ, vị ngữ trong câu hay làm phụ ngữ trong cụm danh từ, cụm động từ,…
    – Thành ngữ ngắn gọn, hàm súc, có tính hình tượng, tính biểu cảm cao.

10. Điệp ngữ.

a. Điệp ngữ và tác dụng của điệp ngữ:

  • Ghi nhớ:
    Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp lại như vậy gọi là phép điệp ngữ; từ ngữ được lặp lại gọi là điệp ngữ.

b. Các dạng điệp ngữ:

  • Ghi nhớ:
    – Điệp ngữ có nhiều dạng: điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng).

Ví dụ:

* Điệp cách quãng:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng canh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

* Điệp tiếp nối:

Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều.

Điệp chuyển tiếp:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngát một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

11. Chơi chữ.

a. Thế nào là chơi chữ?

  • Ghi nhớ:
    – Chơi chữ là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước… làm câu văn hấp dẫn và thú vị.

Ví dụ:

Bà già đi chợ Cầu Đông,
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói xem quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn. 

b. Các lối chơi chữ:

  • Ghi nhớ:
    – Các lối chơi chữ thường gặp là
    + Dùng từ ngữ đồng âm;
    + Dùng lối nói trại âm (gần âm);
    + Dùng cách điệp âm;
    + Dùng lối nói lái;
    + Dùng từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa.
    – Chơi chữ được sử dụng trong cuộc sống thường ngày, trong văn thơ, đặc biệt là trong thơ văn trào phúng, trong câu đối, câu đố,…

Ví dụ:

– Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem chả muốn ăn.


Hướng dẫn luyện tập

QUAN HỆ TỪ

Bài 1. Chọn các quan hệ từ thích hợp trong ngoặc để điền vào chỗ trống:

(Tuy…nhưng; của; nhưng; vì… nên; bằng; để)

– Những cái bút ……………….tôi không còn mới ……………….vẫn tốt.

– Tôi vào thành phố Hồ Chí Minh……………….máy bay……………….kịp cuộc họp ngày mai.

– ……………….trời mưa to……………….nước sông dâng cao.

– ……………….cái áo ấy không đẹp……………….nó là kỉ niệm của những ngày chiến đấu anh dũng.

Bài 2. Tìm và gạch dưới quan hệ từ rồi cho biết chúng biểu thị quan hệ gì?

– Bạn Hà chẳng những học giỏi mà bạn ấy còn ngoan ngoãn.

Biểu thị quan hệ: …………………………………………………………. (bổ sung )

– Sở dĩ cuối năm Châu phải thi lại vì bạn không chịu khó học tập.

Biểu thị quan hệ: ……………………………( Nguyễn nhân – kết quả)

– Tuy chúng ta đã tận tình giúp đỡ Khôi nhưng bạn ấy vẫn chưa tiến bộ.

Biểu thị quan hệ: …………………………………………. ( tương phản )

– Nếu trời mưa thì ngày mai chúng ta không đi Bắc Ninh.

Biểu thị quan hệ: ………………………………………………..( giả thiết – kết quả )

Bài 3. Sửa lại quan hệ từ trong các câu sau cho đúng.

a) Dưới ngòi bút của mình, Nguyễn Trãi đã dựng lên cảnh Côn Sơn thật là nên thơ.

(Gợi ý: thay từ dưới bằng từ bằng )

b) Anh trai tôi xúc đất với cái xẻng nho nhỏ.

(Gợi ý: thay từ Với  bằng từ bằng )

c) Buổi sáng mẹ tôi dậy thổi cơm mà cha tôi và tôi đi đánh răng rửa mặt.

(Gợi ý: thay từ mà  bằng từ còn )

d) Con chó của tôi tuy xấu mã, lông xù, người to bè mặc dù nó trung thành với chủ.

(Gợi ý: thay từ mặc dù  bằng từ nhưng )

Bài 4 (nâng cao ): Em hãy chỉ ra quan hệ ngữ pháp và quan hệ ngữ nghĩa giữa các cụm chủ vị trong các câu sau:

– Bạn tôi không lên thành phố mà trở về nông thôn.

(Gợi ý: quan hệ ngữ pháp giữa 2 vế câu là quan hệ đẳng lập Quan hệ ý nghĩa là quan hệ trái ngược)

– Người mà anh tiếp xúc hôm qua rất giỏi toán.

(Gợi ý: quan hệ ngữ pháp là quan hệ chính phụ. Quan hệ ý nghĩa là quan hệ bổ sung)

Bài 5 (nâng cao ): tìm các cặp quan hệ từ trong các câu thơ sau và chỉ ra ý nghĩa của cặp quan hệ từ đó.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son

( Gợi ý: quan hệ từ: mặc dù – mà).

Ý nghĩa: chỉ sự đối lập giữa bề ngoài của chiếc bánh trôi nước với cái nhân của nó, chiếc bánh trôi có thể rắn hay nát, khô hay nhão là do tay người nặn nhưng dù rắn hay nát, khô hay nhão thì bên trong cũng có nhân màu hồng son, ngọt lịm cũng giống như số phận của người phụ nữ dù có gặp nhiều trắc trở lênh đênh, lận đận, dù cuộc sống có nhiều khăn, vất vả nhưng vẫn giữ được tấm lòng thủy chung son sắt của mình.

II.TỪ ĐỒNG NGHĨA

Bài 1:

Trong mỗi nhóm từ dưới đây, từ nào không cùng nhóm với các từ còn lại:

a) Tổ tiên, tổ quốc, đất nước, giang sơn, sông núi, nước nhà, non sông, nước non, non nước.

b) Quê hương, quê quán, quê cha đất tổ, quê hương bản quán, quê mùa, quê hương xứ sở, nơi chôn rau cắt rốn.

(Gợi ý: a: tổ tiên, b: quê mùa.)

Bài 2:

Chọn từ ngữ thích hợp nhất trong các từ sau để điền vào chỗ trống: im lìm, vắng lặng, yên tĩnh.

– Cảnh vật trưa hè ở đây …, cây cối đứng…, không gian…, không một tiếng động nhỏ.

(Gợi ý: vắng lặng, im lìm, yên tĩnh)

Bài 3: Tìm từ đồng nghĩa với các từ sau: rộng, chạy, cần cù, lười, chết, thưa, đen, nghèo.

( Gợi ý: rộng rãi, bao la, mênh mông; phi, vọt; chăm chỉ; nhác; từ trần; thưa thớt; huyền; bần, nghèo nàn.)

Bài 4 ( nâng cao ): Trong bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung có đoạn:

Người ta bảo không trông
Ai cũng nhủ đừng mong
Riêng em thì em nhớ

a. Tìm các từ đồng nghĩa trong đoạn trích trên.

b. Chỉ ra các nét nghĩa của mỗi từ trong các từ đồng nghĩa mà em tìm được.

(Gợi ý: a Từ đồng nghĩa trong đoạn trích là bảo, nhủ; trông, mong, nhớ) b. bảo: nói cho biết để theo đó mà làm; nhủ: khuyên bảo người khác một điều gì đó.

Trông: trông ngóng, đợi chờ điều gì, việc gì đó xảy ra; mong: tương tự như trông; nhớ: nghĩ đến với tình cảm tha thiết, muốn được gặp, được thấy)

III. TỪ TRÁI NGHĨA

Bài 1: Tìm từ trái nghĩa trong các ví dụ sau:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Phượng những tiếc cao diều hãy liệng
Hoa thường hay héo cỏ thường tươi

Dòng sông bên lở bên bồi
Bên lở thì đục bên bồi thì trong

(Gợi ý: a: buồn/vui; b: héo/tươi; c: lở/ bồi, đục/trong)

Bài 2: Với mỗi từ gạch chân dưới đây, hãy tìm một từ trái nghĩa:

a) Già:

– Quả già

– Người già

– Cân già

b) Chạy:

– Người chạy

– Ô tô chạy

– Đồng hồ chạy

c) Chín:

– Lúa chín

– Thịt luộc chín

– Suy nghĩ chín chắn

Bài 3: Tìm 3 cặp từ trái nghĩa nói về việc học hành. Hãy đặt một câu với một trong 3 cặp từ trái nghĩa đó.

(chăm chỉ – lười nhác, Cẩn thận-Cẩu thả, hăng hái – rụt rè )

Bài 4: Tìm từ trái nghĩa trong ví dụ sau và giải thích nghĩa của cặp từ trái nghĩa đó:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bẩy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son

( Gợi ý: Nổi/ chìm, rắn/nát; nghĩa của từ rắn cứng, nát nhão, nổi  là nhô lên, bồng bềnh, chìm  là ở sâu dưới mặt nước không nhô lên )

TỪ ĐỒNG ÂM

Bài 1:  Tìm các từ đồng âm với các từ sau đây và đặt câu với mỗi từ: bạc, canh, đáp.

Gợi ý:

+ bạc: bạc đầu.  Ông em tóc đã bạc trắng.

+ bạc: kim loại  Cái lắc tay bằng bạc thật đẹp.

+ canh: Thời gian.  Bác đã trằn trọc suốt năm canh

+ canh: món ăn:  Mẹ em nấu món canh cá thật ngon

+ đáp: đáp án:   Đáp án của bài kiểm tra toán thật khó

+ đáp: đáp ứng  Mẹ luôn là người đáp ứng mọi yêu cầu của em.)

Bài 2: Tìm các từ đồng âm trong bài thơ sau?

Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi

Gợi ý:

+ Chàng: cách gọi người con trai trẻ

+ Chàng: Con chẫu chàng

+ Bén: bén duyên

+ Bén: Con nhái bén

+ Chuộc: Con chão chuộc

+ Chuộc: Lấy lại cái đã mất)

V.THÀNH NGỮ

Bài 1: Em hãy điền thêm các yếu tố để  thành ngữ sau được hoàn chỉnh:

Đem con…….., nồi da ………, rán sành ……, hồn siêu ……., một mất ……., chó cắn ……, thắt lưng ………

Bài 2: Giải thích nghĩa của các thành ngữ sau:

Đầu bò đầu biếu , ném đá dấu tay, mẹ tròn con vuông,  giận cá chém thớt, chuột sa chĩnh gạo.

( Gợi ý: Bướng bỉnh ương ngạnh không nghe ai; hành động ám muội, lén lút không lộ mặt; chỉ sự bình an khi sinh nở; bực tức không phải lối; chỉ sự may mắn, bất ngờ )

Bài 3: Tìm thành ngữ trong đoạn thơ sau và giải nghĩa của thành ngữ đó:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.

(Thương vợ – Trần Tế Xương)

Gợi ý:

+ một duyên hai nợ: duyên ít nợ nhiều, may mắn thì ít mà cay đắng thì nhiều.

+ năm nắng mười mưa: vất vả, cực nhọc dãi dầu mưa nắng.)

VI: BÀI TẬP VỀ CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ

Bài 1: Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật có trong bài thơ sau:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

(Cảnh khuya – Hồ Chí Minh)

Gợi ý: Biện pháp tu từ: So sánh, điệp ngữ(Chỉ rõ dạng điệp ngữ được sử dụng: Điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ chuyển tiếp)

Bài 2: Nêu tác dụng của các từ ngữ được lặp lại trong đoạn trích dưới đây:

“Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời. Dưới bóng tre xanh đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang”.

Gợi ý: Điệp ngữ “dưới bóng tre xanh” có tác dụng: Liên kết chặt chẽ giữa các câu văn, nhấn mạnh vai trò ý nghĩa của tre trong đời sống của con người Việt Nam, làm cho đoạn văn nhịp nhàng uyển chuyển.

Bài 3 ( nâng cao ): Bài tập về các biện pháp nghệ thuật điệp ngữ, chơi chữ:

a) Xác định phép điệp ngữ có trong đoạn thơ sau, cho biết chúng thuộc loại điệp ngữ nào và phân tích tác dụng:

“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ”.

(SGK Ngữ Văn 7, tập 1, trang 150)

b) Viết một đoạn văn ngắn có sử dụng điệp ngữ với chủ đề sau: “Mẹ – ngọn lửa hồng soi sáng cuộc đời con”.

Gợi ý:

Trong cuộc sống có biết bao nhiêu người để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm nhưng hình ảnh của mẹ vẫn là thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn con cho đến tận bây giờ và sẽ không bao giờ phai. Mẹ là ngọn lửa đỏ thắm luôn luôn bên cạnh con dù bất cứ nơi đâu. Mẹ đã hi sinh cho tất cả những gì con đang có của hôm nay và nó sẽ đi hết suốt hành trình của con trong tương lai. Mẹ che chở cho con giống như bầu trời che chở cho vạn vật. Mẹ chính là tất cả, tất cả những điều mà con đã học được và con đang có.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.