Phân biệt truyền thuyết và lịch sử

phan-biet-truyen-thuyet-va-lich-su

Phân biệt truyền thuyết và lịch sử.

I. Truyền thuyết và lịch sử.

Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng từng khẳng định: “Truyền thuyết không phải là lịch sử”. Đặng Văn Lung cũng nhấn mạnh: “Nói chung, những người nghiên cứu đều biết rằng, truyền thuyết là truyền thuyết, lịch sử là lịch sử, không thể đồng nhất được”. Như vậy, vấn đề phân biệt truyền thuyết và lịch sử thiết tưởng đã rõ. Chúng được tiến hành bởi chính các nhà sử học lẫn phônclo học.

Tuy nhiên, đằng sau những nhận định (tưởng chừng đơn giản) này ẩn tàng cả một “nghi án”: phải chăng ai đó vẫn còn (hoặc đã từng) đồng nhất, nhầm lẫn truyền thuyết với lịch sử?

Thực tế quả cho thấy, việc đồng nhất và nhầm lẫn ấy đã xảy ra. Đơn cử, khi đọc loạt bài bàn về văn bản truyện Mị Châu – Trọng Thủy, Đặng Văn Lung cho rằng một số tác giả “…thường đồng nhất truyền thuyết với lịch sử, lấy truyền thuyết làm lịch sử, thậm chí có người đã đồ truyền thuyết lên lịch sử, sửa lịch sử lại cho đúng với truyền thuyết”. Hay khi lật lại các giáo trình Lịch sử, viết về “nạn cống vải” dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722, GS. Kiều Thu Hoạch phải cất lời “trung ngôn nghịch nhĩ ”: “Theo chúng tôi, trong các sách lịch sử, vẫn có thể nói đến chuyện “cống vải” như là một truyền thuyết dân gian địa phương, nhưng dứt khoát phải coi đó là truyền thuyết chứ không phải là lịch sử”.

Vậy là, cả lý thuyết lẫn thực tế đều cùng đặt ra yêu cầu bức thiết cho người nghiên cứu: phải tiếp tục phân biệt rõ ràng truyền thuyết và lịch sử.

– Truyền thuyết là gì?

Có nhiều cách phát biểu khác nhau, nhưng tựu trung, truyền thuyết là những tự sự dân gian có cái lõi lịch sử; màu sắc ít nhiều huyền ảo; nội dung kể về các nhân vật và sự kiện lịch sử theo quan điểm và tình cảm của nhân dân. Nói cách khác, truyền thuyết là những tự sự dân gian được kết tụ từ hai yếu tố: lịch sử và hư cấu. Truyền thuyết bao gồm nhiều nhóm: truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết phổ hệ, truyền thuyết thần tổ ngành nghề, truyền thuyết địa danh… Trong đó, mang đậm yếu tố lịch sử và tiêu biểu cho đặc điểm thể loại chính là nhóm truyền thuyết lịch sử.

– Lịch sử là gì?

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa Lịch sử là: “Khoa học nghiên cứu về quá trình phát triển của xã hội loài người nói chung, hay của một quốc gia, một dân tộc nói riêng”. Tạm thời, chúng tôi chưa sử dụng định nghĩa này. Vì một khi đã trở thành khoa học, lịch sử tự mất đi không gian gần gũi, giao thoa với truyền thuyết. Nó đã nằm ngoài phạm vi khảo sát của bài viết.

Chuyển sang những định nghĩa khác. N.A. Eârôphêep cho rằng: “Theo nghĩa rộng, lịch sử, nói chung, có nghĩa là bất cứ một sự mô tả nào (ví dụ: lịch sử động vật, lịch sử thực vật,…). Theo nghĩa hẹp, người ta quan niệm lịch sử “là câu chuyện kể về những gì xảy ra trong quá khứ”. Nhấn mạnh phương thức tồn tại, Trần Quốc Vượng cho lịch sử là câu chuyện “kể lại những bước đi của con người, sự việc thực được ghi lại bằng chữ viết”. Chú trọng mục đích, chức năng của sử, các nhà soạn sách giáo khoa giải thích: “Sử là tác phẩm viết về các sự kiện và nhân vật lịch sử. Mục đích của sử là ghi chép sự thật, không hư cấu như văn nghệ thuật, nhằm cung cấp những sự kiện lịch sử của dân tộc và bày tỏ thái độ khen chê của sử gia đối với các nhân vật lịch sử để đời sau lấy đấy làm gương”.

Cũng cần nói thêm, hình thức đầu tiên của những câu chuyện lịch sử là biên niên sử. Theo N.A. Eârôphêep” “Biên niên sử hoàn toàn có mục đích thực tiễn: lưu lại trong ký ức của nhân dân tất cả những gì lúc đó được coi là cốt yếu và quan trọng”. Sau biên niên là kí sự. Sách Ngữ văn 10 giải thích rõ hơn: “Sử xưa có hai thể: biên niên và kí sự. Biên niên là lối viết sử theo trình tự thời gian” (Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư…). Kí sự là lối viết sử theo các sự kiện hoặc theo từng sự việc của nhân vật lịch sử. Thể kí sự có ba tiểu loại: Bản kí (ghi chép về các vua), Liệt truyện (ghi chép về các bề tôi), Chí (ghi chép cả về vua và bề tôi)…”

Như vậy, chỉ xét khái niệm, truyền thuyết lịch sử và chuyện kể lịch sử đã có chỗ trùng hợp nhau: cùng là chuyện kể (thể tự sự), cùng kể về các sự kiện và nhân vật lịch sử (nội dung tác phẩm).

Việc đồng nhất hay nhầm lẫn truyền thuyết và lịch sử thực ra không hoàn toàn do thiên kiến của người nghiên cứu. Nó chủ yếu xuất phát từ mối quan hệ nhập nhằng, phức tạp của chính hai địa hạt này.

Hầu như ai cũng biết rằng truyền thuyết xuất hiện sớm hơn lịch sử. Trần Quốc Vượng từng diễn giải: “Khi chưa có khoa học và chữ viết thì lịch sử của dân tộc nào cũng mở đầu bằng truyền thuyết. Một khi đã có chữ viết, đã có khoa học, người ta không phải viện đến trí tưởng tượng nữa, khi cần kể lại những bước đi của con người, sự việc thực được ghi lại bằng chữ viết. Lịch sử tiếp tục truyền thuyết, không phải bằng tưởng tượng, mà bằng khoa học”. Có điều, trước khi thực sự trở thành khoa học, do trùng hợp về chức năng nên lịch sử gần như hòa trộn vào truyền thuyết: “Chính mối liên hệ của truyền thuyết với lịch sử được biểu hiện rất rõ trên chức năng của nó. Các hình thái khác nhau thuộc các chức năng lịch sử, triết học và xã hội đã hợp nhất vào trong truyền thuyết, làm cho truyền thuyết vận động theo lịch sử, đẻ ra nhiều dị bản”. Đâu chỉ vận động theo lịch sử, không ít truyền thuyết còn được chuyển thành chính sử. Ví dụ lịch sử thời Hồng Bàng: “Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ đã từ truyền thuyết dân gian đi vào chính sử”. Mặt khác, truyền thuyết và lịch sử còn gắn chặt nhau lâu dài, nên sau khi được phân tách rồi, trong lòng thể loại này vẫn còn lưu giữ một vài đặc điểm, tố chất của thể loại kia.

II. Mối quan hệ gắn kết giữa truyền thuyết và lịch sư.

Truyền thuyết là thể loại văn học dân gian nhưng vẫn còn được gọi là sử dân gian, là dã sử. GS Ngô Đức Thịnh phát biểu: “Ở nước ta xưa kia vẫn tồn tại hai thứ lịch sử, một thứ lịch sử của người có học, tồn tại trên sách vở, văn tự ghi lại các triều đại, các chiến công, còn có một thứ lịch sử khác, của những người nông dân thất học, tồn tại qua các hồi ức lịch sử, được thể hiện trong truyền thuyết, cổ tích, qua đền miếu thờ cúng, qua lễ nghi, lễ hội…”. Trái lại, một số nhà sử học thời trung đại ở phương Tây lại xem “lịch sử là một loại hình nghệ thuật, như thơ ca, nhạc và nhảy múa”. Họ cho Cliô (con gái của nữ thần trí nhớ Mô-nê-mô-đi-na) là nữ thần của lịch sử. A-ri-xtôt cũng khẳng định rằng “nhà sử học và nhà thơ chỉ khác nhau ở chỗ: nhà sử học nói về những gì có thực đã xảy ra, còn nhà thơ thì nói về những gì có thể xảy ra. Vì vậy thơ ca có tính chất triết học và chân xác hơn lịch sử”.

Truyền thuyết là thể loại được quyền hư cấu nhưng bản thân câu chuyện luôn tạo được niềm tin, luôn gắn với niềm tin: “Cốt lõi của truyền thuyết thực sự là một đức tin”. Trong khi đó, lịch sử có chức năng ghi chép sự thật, phải tôn trọng sự thật, nhưng khởi thủy, lại dung nạp cả những điều bịa đặt. Nhà sử học thế kỷ XVI, Vi-pê-ra-nô, trong quyển “Sách dạy cách viết sử”, từng coi lịch sử như một “câu chuyện có lí và được tô vẽ thêm”. Do chuyện kể lịch sử thời ấy “đầy rẫy những điều bịa đặt” nên nhiều nhà sử học đã phải “kêu gọi đồng nghiệp của mình chỉ nói sự thật”. Giô-han Xôn-xbơ-ri cảnh báo: “Nhà sử học dối trá sẽ chôn vùi cả danh tiếng lẫn tâm hồn bất tử của mình”. Ngay trong sử thời Hồng Bàng của ta dường như cũng có hiện tượng này. Đặng Văn Lung từng viết: “Theo chủ quan tôi suy luận ra, thì truyền thuyết cái bọc trăm trứng là của dân tộc, nhưng đoạn đầu nói Lạc Long Quân là con Lộc Tục, và Lộc Tục là con vua thần nông, một vị vua mở đầu lịch sử Trung Quốc, theo sử cũ, thì đó là do các sử gia phong kiến thêm thắt vào (…) Lại lối đặt tên như những tên: Hồng Bàng, Hùng Vương, Lộc Tục, Kinh Dương Vương, Thần Long, Lạc Long Quân, Âu Cơ v.v… cũng là do các sử gia ấy bịa ra, đến cả những tên An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy cũng vậy”.

Nếu như truyền thuyết lịch sử bắt buộc có sự hiện diện của yếu tố lịch sử thì ngược lại, trong một số chuyện kể lịch sử vẫn còn xuất hiện chi tiết hư cấu – yếu tố đặc trưng của truyền thuyết. Ví dụ, trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên đã không bỏ qua những chi tiết kỳ diệu, hoang đường. Đây là đoạn ông kể thêm về Hưng Đạo Đại vương: “Sau khi ông mất rồi, các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn, dịch bệnh, nhiều người cầu đảo ông. Đến nay, mỗi khi đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn”.

Hình thức tồn tại bắt buộc của lịch sử là trên sách vở, thông qua việc ghi lại bằng chữ viết (nên mới có khái niệm sử quan, chép sử, sử sách, sử xanh…). Tất nhiên, lịch sử được ghi chép không có nghĩa nó buộc phải đoạn tuyệt con đường truyền miệng. Trong những dịp cúng tế, lễ hội, người ta vẫn có quyền trích đọc sách sử về công đức các anh hùng. Và mọi người, bằng tấm lòng thành kính, có thể tiếp tục truyền tụng cho nhau câu chuyện về nhân vật lịch sử ấy. Ngược lại, truyền thuyết là văn học truyền miệng nhưng hầu hết cũng được ghi chép vào sách vở.

Trong quyển Folklore – một số thuật ngữ đương đại, có đoạn ghi: “Trải suốt lịch sử của nền văn minh phương Tây, truyền thuyết có rất nhiều trong các nguồn tài liệu chữ viết”. Còn Nguyễn Vũ Tuấn Anh, khi tóm lược quyển Thời hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại (Hà Nội: Văn hóa thông tin), đã nhận xét: “Nhu cầu nhận thức về nguồn gốc và ý thức tự tôn dân tộc đã thôi thúc các nhà sử học yêu nước tìm hiểu về lịch sử thời Hùng Vương. Đến thời Trần – Lê, những truyền thuyết và huyền thoại bấy lâu chỉ lưu truyền trong dân gian lần đầu tiên được sưu tầm, biên khảo và ghi chép lại trong các tài liệu thành văn”. Đặng Văn Lung cũng chú ý điều này: “Mị Châu – Trọng Thủy là truyền thuyết được ghi chép rất sớm và được ghi nhiều lần, ở nhiều thời điểm lịch sử khác nhau”. Vì vậy, ai đó lấy tiêu chí truyền miệng hay thành văn để phân biệt truyền thuyết và lịch sử sẽ là điều nan giải.

III. Một số tiêu chí phân biệt truyền thuyết và lịch sử.

Phần này, thông qua một số tiêu chí cụ thể do người viết dựng nên, nhằm đối sánh hai loại văn bản, từ dạng thức, đặc điểm sinh tồn cho đến những nét riêng về nội dung và nghệ thuật.

1. Dạng thức tác phẩm:

Tuy cùng là thể tự sự nhưng truyền thuyết thuộc về văn học dân gian, còn chuyện kể lịch sử lại thuộc về văn học viết (văn học bác học). Là văn học dân gian, truyền thuyết bắt buộc phải có “chất dân gian”. Một trong những biểu hiện của nó là “tính tập thể”. Khởi đầu, có thể tác phẩm được sáng tác bởi một cá nhân nào đó. Nhưng sau quá trình lưu truyền, sản sinh, nó phải trở thành sở hữu tập thể. Tác phẩm khi ấy không còn được lưu dấu cá tính, tình cảm riêng của một cá nhân nào. Ngược lại, chuyện kể lịch sử thuộc về văn học viết nên bắt buộc phải in đậm phong cách, cá tính tác giả. Các sử gia, khi biên soạn lịch sử, luôn phấn đấu thể hiện hết tài năng, dũng khí, phong cách diễn đạt của mình vào trang viết.

2. Đặc điểm sinh tồn:

Truyền thuyết là thể loại rất phong phú về số lượng và được sáng tác một cách có hệ thống. Bùi Quang Thanh gọi đó là tính phong phúvà tính hệ thống và cũng là đặc tính riêng biệt của thể loại[24]. Do đặc tính đó, tác phẩm truyền thuyết không bao giờ tồn tại riêng lẻ. Nó luôn hiện hữu trong hệ thống những tác phẩm cùng khai thác một biến cố, sự kiện, một nhân vật lịch sử (ví dụ hệ thống truyền thuyết về Lê Lợi, về cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương…).

Truyền thuyết luôn trôi nổi theo dòng lịch sử, luôn sống trên cửa miệng, trong tâm trí người dân. Đặc biệt, không khí diễn xướng chính là môi trường sống và sản sinh nhiều dị bản. Khác văn bản viết, mỗi dị bản truyền thuyết dân gian ấy “đều có giá trị ngang nhau trong tư cách là một chứng cớ lịch sử, một mốc phát triển lịch sử của truyền thuyết”. Ngược lại, chuyện kể lịch sử luôn “an vị” trong một phần mục nào đó của bộ chính sử (bản kỉ, liệt truyện, chí). Nó luôn là câu chuyện duy nhất về nhân vật lịch sử trong bộ sử. Cho dù cuộc đời thay đổi, thế sự có thăng trầm nhưng không ai được quyền chỉnh sửa câu chuyện lịch sử (đã hoàn chỉnh) ấy, kể cả chính sử gia. Nó không thể thay đổi và cũng không chấp nhận dị bản.

3. Quan điểm chi phối:

Truyền thuyết là văn học dân gian nên tác giả cũng thuộc về dân gian. Đó là tập thể quần chúng và cả những trí thức gần dân. Rất nhiều khả năng người kể truyền thuyết đầu tiên là những trí thức phong kiến. Họ là nho sĩ nhưng không chịu đánh giá lịch sử theo tư tưởng chính thống. Đinh Gia Khánh nhận xét, tác phẩm của họ “theo phong cách dân gian và sau khi được dân chúng truyền khẩu thì ngày càng được dân gian hóa”. Trong khi đó, chuyện kể lịch sử được biên soạn bởi cá nhân các sử quan, sử gia. Họ là người làm quan nên phải theo tư tưởng chính thống mà luận bàn công – tội các nhân vật lịch sử. Vua sai họ coi việc chép sử nên họ thường có ý thiên vị nhà vua, chỉ chép lại những gì quan hệ đến nhà vua. Từ đó, tác phẩm của họ vắng bóng nhân dân và bị cách ly với không khí dân dã đời thường.

Đặc điểm này dẫn đến hệ quả là, trong truyền thuyết lịch sử, người kể chuyện phải đặt mình vào nhân dân, cất lên tiếng nói biết ơn, ngưỡng mộ, tôn thờ người anh hùng dân tộc. Còn trong chuyện kể lịch sử, người kể chuyện thường lấy địa vị của cá nhân mình (là trí thức nhà quan, lại thường là quan chép sử) mà đánh giá, khen chê nhân vật. Có một thời gian dài, một số sử quan gần dân đã quá đề cao ý kiến nhân dân, theo quan điểm nhân dân nên biến truyền thuyết thành chính sử.

4. Đặc điểm và cách xử lý các sự kiện lịch sử trong tác phẩm.

Từ những sự kiện lịch sử ngoài đời thực, truyền thuyết và lịch sử đưa nó vào tác phẩm. Tuy nhiên, truyền thuyết không xem sự kiện lịch sử là mục tiêu phản ánh. Sự kiện, với nó, chỉ là điều kiện cần để tác giả dân gian kể lại trọn vẹn một biến cố lịch sử, từ đó nêu lên một vấn đề thuộc đời sống văn hóa tinh thần. Còn ở chuyện kể lịch sử, sự kiện là một khâu quan trọng, thiết yếu để sử gia khắc họa sống động nhân cách, tài năng của nhân vật.

Về cách xử lý, thông qua các sự kiện lịch sử, truyền thuyết gạt bỏ những gì là ngẫu nhiên, thứ yếu, đồng thời tìm cách phát hiện ra bản chất của biến cố lịch sử, phát hiện ra “tính cách dân tộc”và “cá tính lịch sử”. Truyền thuyết cũng sẵn sàng tô vẽ, sửa đổi sử theo quan điểm nhân dân. Còn trong chuyện kể lịch sử, sử gia sẽ chọn lấy các sự kiện giúp nhân vật lịch sử thể hiện rõ nhất tài năng và nhân cách của mình. Tuy nhiên, khi xử lý sự kiện lịch sử, về nguyên tắc, sử gia cần tôn trọng sự thật, khách quan, không được làm sai lạc lịch sử, không được gạt bỏ hoặc thêm thắt chi tiết theo chủ quan người viết.

5. Thành phần nhân vật:

Truyền thuyết nhằm ngợi ca, tôn vinh tất cả những người có công với đất nước, theo quan điểm của nhân dân, nên nhân vật trong tác phẩm rất đa dạng. Có những tên tuổi nổi tiếng (Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung, Trương Định, …). Có cả những anh hùng vô danh, bình dị (nghĩa binh phò Trương Định, bộ tướng của Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân,…). Trong khi đó, chuyện kể lịch sử do theo quan điểm chính thống nên chỉ tập trung vào hai đối tượng nhân vật: vua và bề tôi. Trong số bề tôi của vua, chính sử chỉ ghi nhận các trung thần. Không ít nhân vật tên tuổi được truyền thuyết xem là anh hùng, đáng tôn thờ thì chính sử lại xem là giặc và không hề nhắc nhở. Có một điều lý thú là không ít vị vua đời trước đã được cả truyền thuyết lẫn lịch sử xây dựng thành nhân vật chính. Có thể kể, trường hợp của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi…

Các nhà nghiên cứu văn học dân gian đã ghi nhận điều này: “Hiện nay nhân dân (chủ yếu là vùng Vĩnh Phú cũ) còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về Hai Bà Trưng và các vị tướng của hai bà (đặc biệt là các nữ tướng). Điều đáng chú ý là những truyền thuyết này không hoàn toàn giống các bộ chính sử thời phong kiến”, “Cuộc khởi nghĩa bà Triệu xảy ra năm 248 và cũng đã được ghi vào chính sử. Nhưng nhân dân tỉnh Thanh cũng có một pho sử riêng dành cho bà”, “Sự tích Lê Lợi trong Lam Sơn thực lục (Nguyễn Trãi) là một vị anh hùng xuất chúng, công đức bao trùm thiên hạ. Nhưng truyền thuyết dân gian lại kéo ông về gần gũi với quần chúng lao động”[28].

6. Dấu hiệu hình thức:

Như nhiều thể loại văn học dân gian, truyền thuyết cũng mang tính truyền thống. Tác phẩm có một kết cấu tương đối ổn định với nhiều yếu tố nghệ thuật lặp đi lặp lại. Câu chuyện thường bắt đầu bằng việc giới thiệu lai lịch, xuất thân khác thường của nhân vật lịch sử. Kế đến là một chuỗi sự kiện, tình tiết tô đậm công trạng của ngưòi anh hùng. Kết thúc là những lời tôn vinh, tưởng nhớ, đôi khi kể thêm những chứng tích văn hóa liên quan đến nhân vật chính.

Khác truyền thuyết, chuyện kể lịch sử tuân thủ theo lối viết sử: chính xác, cụ thể, theo trình tự thời gian. Câu chuyện luôn mở đầu bằng việc giới thiệu mốc thời gian ghi chép. Ví dụ: “Giáp Tí, năm thứ 7, mùa xuân, tháng giêng”, “Tháng 6, ngày 24, sao sa”,… Tiếp theo, tình tiết, sự kiện được kể lần lượt theo trình tự thời gian. Câu chuyện chủ yếu được xây dựng trên nền ngôn ngữ đối thoại và hành động của các nhân vật.

7. Ngôn ngữ kể:

Ngôn ngữ trong truyền thuyết chú trọng tính biểu cảm nên mẫu câu rất đa dạng. Tác phẩm dùng nhiều từ ngữ biểu cảm và khai thác tối đa ngôn ngữ toàn dân. Đây cũng là phương cách đưa tác phẩm hòa nhập sâu rộng vào đời sống dân gian. Trái lại, ngôn ngữ trong chuyện kể lịch sử chú trọng tính thông tin, tái hiện không khí thời đại xưa. Bởi vậy, chuyện kể lịch sử có xu hướng dùng câu ngắn gọn, từ ngữ hàm súc, sử dụng nhiều biệt ngữ, từ Hán Việt.

8. Giọng kể:

Cách đánh giá nhân vật trong truyền thuyết và lịch sử giống nhau ở chỗ, đều theo tinh thần “cái quan định luận”. Tuy nhiên, nếu truyền thuyết chủ yếu mang âm điệu ngợi ca, tôn vinh thì lịch sử lại có khen có chê, đôi khi mỉa mai kín đáo. Điều này xuất phát từ chức năng thể loại: truyền thuyết nhằm tôn vinh người có công với dân tộc còn lịch sử nhằm rút ra bài học ứng xử cho hậu thế.

9. Cách xây dựng hình tượng:

Hình tượng nhân vật trong truyền thuyết luôn vượt lên ngưỡng đời thường. Họ được nâng lên ngưỡng thiêng liêng, bất tử. Do đó, người kể truyền thuyết thường chú ý phần lai lịch bí ẩn, tô đậm những nét ngoại hình khác lạ, nhấn mạnh những câu nói hay, miêu tả cặn kẽ từng hành động phi thường của nhân vật. Nhân vật truyền thuyết đôi khi cũng được miêu tả tâm lý một cách giản đơn. Người kể được quyền hư cấu, phóng đại, miễn sao câu chuyện củng cố được niềm tin cho người nghe, người đọc.

Riêng hình tượng nhân vật trong chuyện kể lịch sử phải được khắc họa đúng như con người ngoài đời: lộ rõ nhân cách, tài năng. Cuộc đời đầy phong phú, phức tạp của nhân vật rốt cuộc chỉ được dồn nén trong một câu chuyện thật hàm súc. Do đó, sử gia phải chọn lọc cao độ ngôn ngữ, hành động để khắc họa chân thực, sáng tỏ nhân cách, tài năng của nhân vật. Để đạt được sự trung thực trong phản ánh, sử gia không được quyền hư cấu, thêm thắt bất cứ tình tiết nào.

10. Chức năng tác phẩm:

Nếu truyền thuyết có chức năng đánh giá sự kiện và con người lịch sử theo cách nhìn của nhân dân thì chuyện kể lịch sử lại đánh giá theo cách nhìn của tầng lớp thống trị đương thời (còn gọi là tư tưởng chính thống, quan điểm chính thống). Nếu truyền thuyết nhằm thể hiện lòng biết ơn, ngưỡng mộ, tôn thờ người có công đức đối với nhân dân và dân tộc thì tác phẩm lịch sử lại nhằm đưa ra những tấm gương làm bài học đối nhân xử thế, bài học cảnh tỉnh, răn đe đời sau.

11. Thái độ người tiếp nhận:

Khi tiếp nhận truyền thuyết, mọi người luôn đặt niềm tin vào sự hiện diện của cái kỳ ảo trong đời sống, tin vào tài năng, phẩm chất những anh hùng. Nghe kể truyền thuyết, mọi người tăng thêm lòng ngưỡng mộ, biết ơn nhân vật lịch sử. Khi đó, người tiếp nhận truyền thuyết có nhu cầu gắn tác phẩm với những chứng tích văn hóa (lăng mộ, đền miếu, lễ hội,…). Còn khi tiếp nhận lịch sử, mọi ngưòi không cần quan tâm vấn đề niềm tin. Điều chính yếu là phải chọn được thái độ đánh giá, ứng xử đúng đắn với người, với đời, với từng triều đại, những vị vua. Mọi người không có nhu cầu gắn tác phẩm với chứng tích văn hóa cụ thề nào.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.