Phân loại kịch đặc điểm và nội dung của xung đột kịch

phan-loai-kich

Phân loại kịch

Có nhiều cách phân loại kịch khác nhau, dựa trên phương thức biểu diễn, có thể phân ra các loại: ca kịch, vũ kịch, kịch nói, kịch câm, … dựa trên dung lượng ta có kịch ngắn, kịch dài, … Cách phân loại phổ biến nhất là dựa trên đặc điểm và nội dung của xung đột kịch. Theo cách phân loại này, ta có bi kịch, hài kịch và chính kịch (kịch drame).

1. Bi kịch:

Bi kịch thường được xem là đối thoại với hài kịch, nó phản ánh không phải bằng tự sự mà bằng hành động của nhân vật chính, mối xung đột không thể điều hòa được giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn, … diễn ra trong một tình huống cực kỳ căng thẳng mà nhân vật thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chất bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mãnh liệt đối với công chúng. Kết thúc bi thảm của số phận nhân vật bi kịch thường có ý nghĩa thức tỉnh, dự báo về một cái gì tốt đẹp hơn sẽ nảy sinh trong cuộc sống và trong mỗi con người. Theo Lê Bá Hán, “trong bi kịch, qua cái chất của nhân vật chính, người ta tìm thấy cái thiêng liêng vô giá của sự sống chân chính và sự bất tử của cộng đồng. Vì thế, nhân vật chính của bi kịch thường là những nhân vật anh hùng với ý nghĩa tích cực cao cả”1. Bi kịch đưa lên sân khấu những con người lương thiện, dũng cảm, có những ham muốn mãnh liệt với những cuộc đấu tranh căng thẳng, khốc liệt với cái ác, cái xấu nhưng do điều kiện lịch sử họ phải chịu thất bại.

2. Hài kịch:

Hài kịch là thể loại kịch, trong đó tính cách, tình huống và hành động được thể hiện dưới dạng được thể hiện dưới dạng buồn cười hoặc ẩn chứa cái hài nhằm giễu cợt, phê phán cái xấu, cái lố bịch, cái lỗi thời để tống tiễn nó một cách vui vẻ ra khỏi đời sống xã hội. Hài kịch là thể loại kịch nói chung được xây dựng trên những xung đột giữa các thế lực xấu xa tìm cách che đậy mình bằng những lớp sơn hào nhoáng, giả tạo bên ngoài. Tính hài kịch được tạo ra từ sự mất cân xứng, hài hòa của nhân vật. Trong một số hài kịch, có những nhân vật tích cực thể hiện lý tưởng tiến bộ, nhưng nhìn chung những nhân vật hài kịch là những nhân vật tiêu cực có thói hư tật xấu.

Tiếng cười trong hài kịch có tác dụng giải thoát cho con người khỏi những thói xấu, có tác dụng trau dồi phong hóa, giáo dục đạo đức và thẩm mĩ.

3. Chính kịch:

Chính kịch hay kịch dram, nay thường gọi là kịch. Sự phân chia rạch ròi giữa bi kịch và hài kịch như trên đã có từ thời cổ Hi Lạp. Dần dần người ta cũng phát hiện trong thực tế có những xung đột không mang cả tính bi và tính hài. Chính kịch mô tả những nhân vật vươn lên làm chủ số phận của mình. Với sự ra đời của chủ nghĩa lãng mạn thế kỉ XIX, mọi khuôn khổ của chủ nghĩa cổ điển, của chủ nghĩa quy phạm điều bị phá vỡ.

Sự phân chia một cách rạch ròi bi kịch và hài kịch cũng bị phủ nhận. Người ta sáng tác theo thể kịch hỗn hợp, đó là sự ra đời của kịch dram. Trong các tác phẩm kịch dram, nhân vật thường là những con người bình thường trong cuộc sống. Với những thay đổi như vậy, kịch dram đã mang được nhiều hơi thở của cuộc sống hiện thực, làm cho kịch càng ngày càng có tính đại chúng hơn: “Hầu hết những vở kịch được ra hiện nay đều là kịch dram. Và dù cho có khi tác giả của nó gọi vở kịch là bi kịch, hay hài kịch thì vở kịch đó cũng chỉ là kịch dram. Khác nhau chăng là ở chỗ yếu tố bi thảm ở vở kịch này nhiều, còn vở kịch kia thì yếu tố hài hước lại chiếm tỉ lệ cao hơn”2.

Chính kịch còn gọi là kịch drame, đề cập đến mọi mặt của đời sống con người. Nhân vật trong kịch là con người toàn vẹn, không bị cắt xén hoặc chỉ tô đậm ở nét bi hoặc hài. Shakespeare là người đầu tiên đã thể hiện thành công cho loại kịch có sự pha trộn giữa bi và hài này. Dần dần, chính kịch phát triển mạnh vì thích hợp hơn với cuộc sống và con người hiện đại.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.