Phân loại nhân vật văn học

phan-loai-nhan-vat-van-hoc

Phân loại nhân vật văn học.

Nhân vật văn học là một hiện tượng hết sức đa dạng. Những nhân vật được sử dụng thành công từ xưa đến nay bao giờ cũng là những sáng tạo độc đáo, không lặp lại. Tuy nhiên, xét về mặt nội dung tư tưởng, kết cấu, chất lượng miêu tả, có thể thấy những hiện tượng lặp đi lặp lại tạo thành các loại nhân vật khác nhau. Để nắm bắt được thế giới nhân vật đa dạng, phong phú, có thể tiến hành phân loại chúng ở nhiều góc độ khác nhau.

1. Xét từ góc độ hệ tư tưởng, quan hệ đối với lí tưởng.

Xét từ góc độ hệ tư tưởng, về quan hệ đối với lí tưởng, có thể chia nhân vật làm hai loại nhân vật chính diện và nhân vật phản diện.

Nhân vật chính diện: là nhân vật đại diện cho lực lượng chính nghĩa trong xã hội, cho cái thiện, cái tiến bộ. Khi nhân vật chính diện được xây dựng với những phẩm chất hoàn hảo, có tính chất tiêu biểu cho tinh hoa của một giai cấp, một dân tộc, một thời đại, mang những mầm mống lí tưởng trong cuộc sống…có thể được coi là nhân vật lí tưởng.

Nhân vật chính diện thường được tác giả đề cao và khẳng định, đó là nhân vật mang lí tưởng, quan điểm tư tưởng và đạo đức tốt đẹp của tác giả, của thời đại. Khi nhân vật này có ý nghĩa mẫu mực cao độ cho lối sống của một tầng lớp, một giai cấp, một dân tộc thì nó được gọi là nhân vật lí tưởng. Nhân vật chính diện là nhân vật đại diện cho lực lượng chính nghĩa trong xã hội, cho cái thiện, cái tiến bộ. Khi nhân vật chính diện được xây dựng với những phẩm chất hoàn hảo, có tính chất tiêu biểu cho tinh hoa của một giai cấp, một dân tộc, một thời đại, mang những mầm mống lí tưởng với nhân vật lí tưởng trong cuộc sống, … có thể được coi là nhân vật lí tưởng.

Nhân vật phản diện: là nhân vật đại diện cho lực lượng phi nghĩa, cho cái ác, cái lạc hậu, phản động, cần bị lên án. Nhân vật phản diện nằm trong sự phê phán, phủ định của tác giả, đó là những nhân vật mang phẩm chất xấu xa, trái với đạo lí và lí tưởng, đối lập về tính cách với nhân vật chính diện. Ví dụ, trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, đó là nhân vật cha con Võ Thể Loan, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, …

Việc phân loại nhân vật chính diện và nhân vật phản diện mang tính lịch sử. Văn học các thời đại khác nhau luôn có những nhân vật chính diện và nhân vật phản diện của mình. Trong văn học dân gian, việc phân chia này khá tách bạch, rõ ràng.

Ví dụ: Thánh Gióng, Thạch Sanh, An Tiêm, … là những nhân vật tích cực. Trong văn học cổ trung đại, nhiều khi dễ dàng tách bạch nhân vật chính điện và phản diện. Nhân vật chính diện trong văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945, thường là những người lao động nghèo khó bị xã hội chà đạp, áp bức nhưng vẫn mang những phẩm chất tốt đẹp, lương thiện, nhân ái như chị Dậu (Tắt đèn), lão Hạc (Lão Hạc), Thứ (Sống mòn), đối lập với những kẻ xấu xa, tàn bạo, nhẫn tâm, bị tha hóa, mất nhân tính như Nghị Quế (Tắt đèn), Nghị Hách (Giông tố).

Trong quá trình phát triển của văn học, trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, việc xây dựng các loại nhân vật trên cũng khác nhau. Nếu như trong thần thoại chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa nhân vật chính diện và nhân vật phản diện thì trong truyện cổ tích, các truyện cổ tích, các truyện thơ Nôm, các nhân vật thường được xây dựng thành 2 tuyến rõ rệt có tính chất đối kháng quyết liệt liệt.

Ở đây, hễ là nhân vật chính diện thường tập trung những đức tính tốt đẹp còn nhân vật phản diện thì hoàn toàn ngược lại. Còn trong văn học hiện đại, nhất là trong tiểu thuyết, theo ý kiến của Bakhtin, nhân vật tiểu thuyết: “Cần phải thống nhất trong bản thân mình vừa các đặc điểm chính diện lẫn đặc điểm phản diện, vừa cái tầm thường lẫn cái cao cả, vừa cái buồn cười lẫn cái nghiêm túc”. Không nên tuyệt đối hóa ý kiến đó thành một công thức cứng nhắc, giản đơn, nhưng quả là nhân vật chính diện trong văn học hiện đại không mang tính chất thuần túy. Khi liệt nhân vật vào một phạm trù nào, chủ yếu là xét cái khuynh hướng xã hội và phẩm chất cơ bản của nó.

2. Xét từ góc độ kết cấu.

Xem xét về tầm quan trọng, chức năng và vị trí của nhân vật trong tác phẩm, có thể chia nhân vật thành các loại như nhân vật chính, nhân vật trung tâm, nhân vật phụ.

Nhân vật chính: là các nhân vật giữ vai trò quan trọng của cốt truyện. Các nhân vật này được nhà văn miêu tả tỉ mỉ, có lai lịch, có nguồn gốc, có mối quan hệ với các sự kiện chính trong cốt truyện và các nhân vật khác. Nhân vật chính là nhân vật xuất hiện nhiều hơn cả trong tác phẩm, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tập trung đề tài, chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Số phận của nhân vật chính gắn liền với sự phát triển xung đột của truyện. Truyện Kiều có nhiều nhân vật chính, đó là Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến, … Nhân vật chính là nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức và triển khai tác phẩm. Ở đây, nhà văn thường tập trung miêu tả, khắc họa tỉ mỉ từ ngoại hình, nội tâm, quá trình phát triển tính cách của nhân vật. Qua nhân vật chính, nhà văn thường nêu lên những vấn đề và những mâu thuẫn cơ bản trong tác phẩm và từ đó giải quyết vấn đề, bộc lộ cảm hứng tư tưởng và tình điệu thẩm mĩ.

Nhân vật chính có thể có nhiều hoặc ít tùy theo dung lượng hiện thực và những vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Trong các tác phẩm tự sự cỡ lớn xuất hiện hàng loạt nhân vật chính được nhà văn mô tả có tính cách, có số phận, thường nổi lên những nhân vật gắn với cốt truyện từ đầu tới cuối và có liên quan với hầu hết các nhân vật chính, đó là nhân vật trung tâm. Ở nhân vật này hội tụ chủ đề và tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Trong không ít trường hợp, nhà văn dùng tên nhân vật trung tâm để đặt tên cho tác phẩm. Ví dụ, Đông Kisốt của Xecvantec, Anna Karênina của L. Tônxtôi, A.Q chính truyện của Lỗ Tấn, Truyện Kiều của Nguyễn Du, …

Nhân vật phụ: là nhân vật mang vai trò phụ trợ trong truyện, giữ vai trò kết nối, liên quan đến diễn biến của truyện. Ví dụ, nhân vật thằng bán tơ trong Truyện Kiều chỉ với một hành động vu oan mà đã đẩy gia đình Thúy Kiều đến tan nát và nàng chịu mười lăm năm lưu lạc. Nhân vật Từ và những đứa con trong Đời thừa của Nam Cao đã góp phần quan trọng vào việc bộc lộ tính cách và tâm trạng của Hộ và họ cũng là cái cớ trực tiếp đẩy Hộ vào những tấn bi kịch.

Nhân vật phụ phải góp phần hỗ trợ, bổ sung cho nhân vật chính nhưng không được làm mờ nhạt nhân vật chính. Có nhiều nhân vật phụ vẫn được các nhà văn miêu tả đậm nét, có cuộc đời và tính cách riêng, cùng với những nhân vật khác tạo nên một bức tranh đời sống sinh động và hoàn chỉnh. Tuy giữ tính chất không quan trọng nhưng không thể xem nhẹ nhân vật phụ. Nó là một bộ phận không thể thiếu trong toàn bộ tác phẩm.

3. Xét từ góc độ thể loại.

Xét từ góc độ thể loại, có thể chia nhân vật làm ba loại nhân vật trữ tình, nhân vật tự sự và nhân vật kịch (sẽ trình bày cụ thể trong phần các loại thể).

Nhân vật trữ tình: là hình tượng người trực tiếp thổ lộ suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng trong tác phẩm. Nhân vật trữ tình không có diện mạo, hành động lời nói, quan hệ cụ thể như nhân vật tự sự và kịch, mà được thể hiện cụ thể trong giọng điệu, cảm xúc, trong cách cảm, cách nghĩ. Qua những trang thơ, ta như gặp tâm hồn người, lòng người, đó là nhân vật trữ tình.

Nhân vật tự sự: có thể được miêu tả cả bên trong lẫn bên ngoài, cả điều nói ra và điều không nói ra, cả ý nghĩ và cái nhìn, cả tình cảm, cảm xúc, ý thức và vô thức, cả quá khứ, hiện tại, tương lai. Ta bắt gặp các chi tiết về chân dung ngoại hình, về tâm lí, sinh lí, phong cảnh, phong tục, về đồ vật, về đời sống văn hóa, sản xuất,… bao gồm cả những chi tiết tưởng tượng, liên tưởng, hoang đường mà các nghệ thuật khác khó lòng tái hiện được (trừ điện ảnh).

Nhân vật kịch: không thể được khắc họa với nhiều khía cạnh tỉ mỉ. Hơn nữa những tính cách ưa phức tạp như trong tiểu thuyết không thể nào thích hợp với việc thưởng thức liền mạch của một tập thể khán giả trong cùng một thời gian ngắn ngủi. Nhân vật trong kịch cũng thường chứa đựng những cuộc đấu tranh nội tâm. Dĩ nhiên, nhân vật trong các thể loại văn học khác cũng vậy nhưng trong kịch phổ biến hơn.

4. Xét từ góc độ chất lượng miêu tả.

Xét từ góc độ chất lượng miêu tả, có thể chia ra làm ba loại nhân vật, tính cách, tính cách điển hình. Nhân vật là hình ảnh về con người, đối tượng được nói đến. Trong nghiên cứu văn học, theo nghĩa rộng nhất của nó, nhân vật là chỉ đối tượng được nói đến, còn tính cách và tính cách điển hình là đã bao hàm cả sự đánh giá về chất lượng tư tưởng, nghệ thuật của đối tượng đó. Phần này sẽ dừng lại ở việc khảo sát các tính cách, và được thể hiện khá rõ nét trong các tác phẩm văn học.

Tính cách có một vai trò hết sức quan trọng đối với cả nội dung và hình thức của tác phẩm văn học. Đối với nội dung, tính cách có nhiệm vụ cụ thể hóa sự thực hiện của đề tài, tư tưởng tác phẩm. Thông qua sự hoạt động và mối liên hệ giữa các tính cách, người đọc sẽ đi đến một sự khái quát hóa về mặt nhận thức tư tưởng. Tính cách cũng là nhân tố chủ yếu tạo nên diễn biến của các sự kiện trong quá trình phát triển của cốt truyện, ở những mức độ khác nhau về chất lượng tư tưởng – nghệ thuật của sự thể hiện con người trong tác phẩm văn học.

Ví dụ, trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, có rất nhiều nhân vật nhưng chỉ có một số nhân vật như Bá Kiến, Chí Phèo, Lí Cường, Thị Nở, Binh Chức, Năm Thọ, mới là nhân vật có tính cách. Trong các tính cách ấy chỉ có Bá Kiến và Chí Phèo mới là nhân vật điển hình.

Tính cách điển hình là tính cách đã đạt đến độ thực sự sâu sắc, là sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, cái khái quát và cái cá thể. Nói một cách nghiêm ngặt, thuật ngữ này chỉ được áp dụng từ chủ nghĩa hiện thực phê phán trở về sau. Tính chung của tính cách là sự tổng hợp và nâng cao những nét tiêu biểu có ở nhiều người cùng một nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác, giai cấp, dân tộc, thời đại. Còn tính riêng của tính cách là tập hợp của những nét bền vững và độc đáo, làm cho nó phân biệt rõ ràng với những tính cách khác về hình thể, tính tình, tâm lí, phương thức hành động. Trong đó, tính cách cá biệt của các trạng thái tâm lý là quan trọng nhất vì nó quyết định bản sắc cá nhân của tính cách.

Miêu tả nhân vật qua ngôn ngữ nhân vật.

Khái niệm ngôn ngữ nhân vật nhằm chỉ những lời nói của nhân vật trong tác phẩm. Lời nói đó phản ánh kinh nghiệm sống cá nhân, trình độ văn hóa, tư tưởng, tâm lí, thị hiếu… Ðằng sau mỗi câu câu nói của mỗi con người đều có lịch sử riêng của nó. Sêđrin cho rằng: “Từ cửa miệng một người nói ra không hề có lấy một câu nào mà lại không thể truy nguyên đến cái hoàn cảnh đã khiến cho nó xuất hiện…Trong cuộc sống, không thể có những hành động, những câu nói mà đàng sau lại không có một lịch sử riêng”. Quả là trong cuộc sống không thể có những người nói hoàn toàn giống nhau, vì vậy nhà văn cần phát hiện những nét riêng của ngôn ngữ nhân vật để thể hiện trong tác phẩm.

Trong các tác phẩm tự sự nói chung, lời nói của nhân vật thường chiếm tỉ lệ ít hơn so với ngôn ngữ người kể chuyện nhưng lại có khả năng thể hiện sinh động và khêu gợi cho người đọc hình dung về bản chất, tính cách của nhân vật. Trong đoạn báo ân, báo oán của Truyện Kiều, mặc dù đang hồn lạc phách xiêu, Hoạn Thư vẫn biết lựa điều kêu ca:

Rằng: Tôi chút dạ đàn bà
Ghen tương thì cũng người ta thường tình
Nghĩ cho khi các viết kinh

Ðến khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo
Lòng riêng, riêng những kính yêu
Chồng chung, ai dê,ù ai chiều cho ai
Trót đà gây việc chông gai

Cũng nhờ lượng bể tha bài nào chăng?

Những lời nói trên hoàn toàn phù hợp với con người khôn ngoan, thông minh, lanh lợi, của Hoạn Thư.

Trong các trào lưu văn học hiện thực, việc cá thể hóa nhân vật qua ngôn ngữ nhân vật được nhà văn đặc biệt quan tâm và được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, nhà văn có thể để cho nhân vật lặp đi lặp lại nhiều lần một số từ hoặc một số câu mà nhân vật thích (Biết rồi, khổ lắm, nói mãi của cụ cố Hồng trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng), có thể để nhân vật sử dụng một số từ địa phương, từ nước ngoài, cách phát âm sai…nhưng dù sử dụng cách nào, ngôn ngữ của nhân vật cũng phải có sự chọn lọc nhằm đạt đến sự thống nhất giữa cá thể hóa và khái quát hóa, đồng thời cũng phải phù hợp với hoàn cảnh và tính cách của nhân vật.

Miêu tả nhân vật qua hành động.

Hành động nhân vật là khái niệm nhằm chỉ các việc làm của nhân vật. Ðây là phương diện đặc biệt quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật vì việc làm của mỗi người là căn cứ quan trọng có ý nghĩa quyết định  nói lên tư cách, lí tưởng, phẩm chất cũng như những đặc điểm thuộc về thế giới tinh thần của người đó. Hơn nữa, trong các tác phẩm tự sự, tính cách nhân vật không phải ngay từ đầu đã được hình thành trọn vẹn. Chính hành động có tác dụng bộc lộ quá trình phát triển của tính cách và thúc đẩy sự diễn biến của hệ thống cốt truyện…Thông qua các mối quan hệ, sự đối xử giữa các nhân vật trong những tình huống khác nhau, người đọc có thể xác định được những đặc điểm, bản chất của nhân vật.

Thông thường, khi miêu tả hành động nhân vật, nhà văn thường kết hợp với những biểu hiện nội tâm tương ứng vì đằng sau mỗi hành động, bao giờ cũng có một tâm trạng hoặc một động cơ nào đó. Dùng nội tâm để lí giải hành động, sử dụng hành động để làm sáng tỏ nội tâm là một hiện tượng phổ biến trong việc miêu tả nhân vật.

Trên đây là những biện pháp chung nhất trong việc xây dựng nhân vật. Ngoài những biện pháp trên, nhà văn còn có thể khắc họa nhân vật thông qua việc đánh giá của các nhân vật khác trong tác phẩm, thông qua việc mô tả đồ dùng, nhà cửa, môi trường xã hội, thiên nhiên…mà nhân vật sinh sống. Ở những tác phẩm tự sự, ngôn ngữ người kể chuyện là một yếu tố rất quan trọng trong việc bộc lộ, miêu tả và đánh giá nhân vật.

Việc phân biệt các biện pháp xây dựng nhân vật như trên chỉ có tính chất tương đối. Trong thực tế, các biện pháp này nhiều khi không tách rời mà gắn bó chặt chẽ với nhau. Vì vậy, nhiều khi rất khó chỉ ra các biện pháp xây dựng nhân vật dưới một hình thức thuần túy và độc lập. Một điều cũng cần lưu ý là, nắm bắt các biện pháp trên đây cũng chỉ là nhằm mục đích hiểu một cách đầy đủ và chính xác về nhân vật trong tác phẩm văn học.

5. Một số biện pháp xây dựng nhân vật văn học.

Ðể xây dựng thành công một nhân vật văn học, nhà văn phải có khả năng đồng cảm, phát hiện những đặc điểm bền vững ở nhân vật. Ðiều này đòi hỏi nhà văn phải hiểu đời và hiểu người. Nhưng có một điều không kém phần quan trọng là nhà văn phải miêu tả, khắc họa nhân vật ấy sao cho có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc. Ðây là vấn đề liên quan trực tiếp đến những biện pháp xây dựng nhân vật trong tác phẩm văn học.

Có nhiều biện pháp khác nhau trong việc xây dựng nhân vật. Ở đây chỉ xét một số biện pháp chung, chủ yếu nhất: miêu tả nhân vật qua ngoại hình, nội tâm, ngôn ngữ và hành động.

Khái niệm nội tâm nhân vật nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện thuộc cuộc sống bên trong của nhân vật. Ðó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lí… của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống mà nó gặp phải trong cuộc đời.

Trong quá trình phát triển của lịch sử văn học, việc thể hiện nhân vật qua nội tâm ngày càng có vai trò quan trọng. Trong văn học Việt Nam, so với các giai đoạn trước, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đạt được những thành tựu rực rỡ. Tác phẩm chứng tỏ Nguyễn Du có khả năng nắm bắt một cách tài tình những ý nghĩ, tình cảm sâu kín của nhân vật và diễn tả nó một cách sinh động.

Sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Nói như L. Tônxtôi: “Mục đích chính của nghệ thuật…là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được”. Ðể làm được điều đó, nhà văn phải hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất đời sống bên trong của nhân vật.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.