Cảm nhận 13 câu thơ đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

phan-tich-bai-tho-voi-vang-xuan-dieu

Cảm nhận 13 câu thơ đầu bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu

  • Mở bài:

Nếu Tản Đà là người “đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc dạo chơi tân kì đương sắp sửa” thì có lẽ Xuân Diệu là người đã đưa những khúc nhạc ấy đến một vị trí xứng tầm trong lòng bạn đọc khi cho ra đời tập: “Thơ thơ” được xem là đỉnh cao trong phong trào thơ mới. Bài thơ “Vội vàng” được trích từ tập thơ ấy, tiêu biểu cho một phong cách thơ được cách tân rất mới mẻ về nội dung và hình thức của Xuân Diệu. “Một hồn thơ rạo rực băn khoăn trong những câu thơ lời ít ý nhiều như đọng lại bao tinh hoa”. Sự rạo rực và băn khoăn ấy được biểu hiện rõ ràng trong 13 câu thơ đầu bài thơ “Vội vàng”.

  • Thân bài:

Giữa lúc các thi sĩ khác mải mê tìm kiếm nơi nương tựa cho tâm hồn ở những sức mạnh ngoài cuộc đời thì Xuân Diệu là người đã “đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới”. Lòng yêu đời yêu cuộc sống tha thiết đã khiến tâm hồn của thi sĩ bám chặt lấy cuộc sống trần thế, không thoát ly hoàn toàn như các nhà thơ khác. Với đời, ông có một khát khao cháy bỏng:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”

Nhà thơ sử dụng những câu thơ ngắn với âm điệu nhanh, ngôn ngữ thơ dứt khoát để thể hiện ứơc muốn mãnh liệt muốn níu giữ thời gian. Bởi lẽ thời gian là nỗi ám ảnh nhất trong cuộc đời:

“Ôi đau đớn ! Ôi đau đớn ! Thời gian ăn cuộc đời”

(Bauxtelaire)

Là một hồn thơ rạo rực, tha thiết với đời, ông muốn tận hưởng những khoảnh khắc tươi đẹp nhất của trần thế nhưng ngặt một nỗi:

“Thời gian thấm thoắt thoi đưa
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai”

(Tục ngữ)

Vì thế thi nhân rất trân trọng những giây phút tươi đẹp của cuộc đời. Người dùng tất cả giác quan tạo hoá ban tặng để cảm nhận thời gian. Thời gian vốn vô hình, vô vị, vô tình đi vào thơ Xuân Diệu bỗng rất hữu hình, nên thơ qua hình ảnh “nắng”, “gió”. Từ “tôi muốn” được điệp lại kết hợp với những động từ mạnh như “tắt” (nắng), “buộc” (gió) thể hiện một tư thế chủ động muốn đóng băng thời gian vì một lẽ đời tươi đẹp phía trước:

“ Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa”

Những câu thơ với âm điệu nhẹ nhàng, hình ảnh tươi sáng đã vẽ nên một khung cảnh thiên nhiên đậm sắc, hương, thanh. Vạn vật đang ở độ đương thì tươi ngon nhất, đẹp đẽ nhất. Chim chóc, hoa lá, ong bướm như vực dậy để tận hưởng cảnh xuân tươi tắn, mựơt mà. Cảnh vật không tĩnh lặng mà náo động linh hoạt với những hình ảnh liên tưởng độc đáo của thi sĩ. “Tuần tháng mật” của đôi vợ chồng đắm say trở thành mùa của ong bướm dập dìu rất lãng mạn.

Tiếng hót của chim yến chim oanh trở thành “khúc tình si” hút hồn biết bao con người yêu cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Và ánh nắng được nhân hoá như một nàng tiên e thẹn với những ánh mi dài cuốn hút vạn vật. Tất cả như chan hoà làm nên một mảnh vườn đẹp nên thơ mà rất trần đời. Từ đó cái đẹp của mùa xuân thiên nhiên còn ẩn dụ như cái đẹp của con người ở độ sắc xuân, đương thì. Qua đó, ta thấy được thi sĩ có sự cảm nhận mùa xuân rất tinh tế và có tài khéo léo vẽ lại những hình ảnh ấy với một thứ sức sống căng tràn, nảy nở. Nói bóng bẩy như Vũ Bằng thì thứ thứ nhựa sống mỡ màng ấy như “ máu căng lên trong lộc của loài nai, như những mầm non háo hức muốn bức ra từ những thân cây”.

Thi sĩ chọn thời điểm rạo rực nhất “tháng giêng” , tươi mới nhất ”mỗi buổi sớm”, để miêu tả khiến bức tranh thiên nhiên mùa xuân càng tinh khôi ,xinh đẹp. Không chỉ vậy, nhà thơ còn tạo nên một thiên đường của xúc cảm. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác được dùng rất linh hoạt từ xúc giác ”tuần tháng mật”, thính giác ”khúc tình si”, thị giác “ánh sáng chớp hàng mi”.

Tâm hồn của thi nhân rạo rực, tha thiết, bâng khuâng trước cảnh trần thế xinh đẹp vô cùng đã khơi nguồn nên những hình ảnh sáng tạo độc đáo trong những vần thơ. Vào lúc ấy, hồn thơ, hồn người, hồn của thiên nhiên đất trời như giao hòa để Xuân Diệu viết nên một câu tuyệt bút:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

”Tháng giêng” vốn vô hình bỗng trở nên hữu hình căng đầy một tình yêu trần thế. Một thứ tình cảm rạo rực, cháy bỏng trong tâm hồn thi nhân đã được dồn nén kết tụ trong một từ “ngon” duy nhất rất tài hoa. Câu thơ với điểm nhấn là từ “ngon” được dùng rất đắt thể hiện một quan điểm mĩ học rất mới mẻ về sự cảm nhận thiên nhiên phản phất sắc thái của “nhục thể”. Tuy vậy, ý thơ không gây thô tục mà có phần mới lạ. Nhà thơ cảm nhận rất tinh tế ý vị của thời gian nên có sự chuyển đổi xúc giác sang vị giác. Quả thật, Xuân Diệu bên cạnh có đôi mắt nhìn đời rất tinh tế còn có một tâm hồn rất thiết tha, nhạy cảm với cuộc sống.

Những câu thơ: “Của ong bướm này đây tuần tháng mật”,”Của yến anh này đây khúc tình si” và ” Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” mang một quan điểm mĩ học rất mới so với thơ ca truyền thống trước đó. Thơ trung đại con người được các nhà văn, nhà thơ tạo tác trên những chuẩn mực của thiên nhiên. Bút pháp ước lệ tượng trưng luôn gắn liền với việc miêu tả con người:

“Râu hùm, hàm én, mày ngài”
“Làn thu thuỷ, nét xuân sơn”

(Nguyễn Du)

Thế mới thấy thơ Xuân Diệu đã hoàn toàn lột xác và hướng về một nguồn quan điểm mới rất gần với Shakespears:
“Con người là kiểu mẫu của muôn loài”

Nhà thơ đã lấy con người làm khuôn mẫu để tạo ra những hình thái thiên nhiên mang một sức hấp dẫn kì lạ, một sự tươi mới chưa từng có. Người cảm nhận thiên nhiên bằng một lăng kính trái hình với thi ca thời xưa . Qua đó, ta thấy thêm tin yêu một hồn thơ mới đã đem đến cho ta một hình ảnh đầy thi vị, một ánh màu mới mẻ trong thơ ca.

“Thơ Xuân Diệu là một niềm khát khao giao cảm với đời”

(Nguyễn Đăng Mạnh)

Hình ảnh của cuộc sống đi vào thơ Xuân Diệu như một thứ ánh sáng được khúc xạ qua lăng kính tình yêu rất tinh khôi và giàu sức sống. Càng yêu đời, nhà thơ càng luyến tiếc trước dòng chảy của thời gian. Thời điểm vạn vật đang căng tràn nhựa sống cũng chính là lúc đang đứng trên ranh giới của sự lụi tàn, héo úa. Vì thế từ những câu thơ gãy gọn ở khổ đầu, nhà thơ đi vào khổ hai với những câu thơ dài, âm điệu chậm như bước chân người thư thái dạo ngắm vườn xuân muốn tận hưởng giờ khắc huy hoàng ấy. Thi sĩ từ tốn chỉ cho người đọc những gì tinh hoa, tươi đẹp nhất của trần gian với một thái độ mến yêu, trân trọng ”này đây”.

Đọc thơ Xuân Diệu, ta thấy từng dòng chữ rất mới, những tư tưởng tiến bộ thoát ly hoàn toàn những khuôn sáo cổ điển, tuy say mà tỉnh, mộng nhưng thực. Cảnh sắc xuân như xô đẩy câu thơ, khuôn khổ thơ bị xê dịch như “một đống hỗn độn đẹp xô bồ vừa say dậy” (Bích Khê). Đó là điều khiến thơ của thi sĩ từng bước chứng tỏ sức sống mãnh liệt qua thời gian mặc dù người khen rất nhiều người chê cũng không ít.

  • Kết bài:

13 câu thơ đầu bài thơ Vội vàng đã thể hiện một một khát vọng sống thiết tha mãnh liệt rất trần đời. Một hương vị lạ góp phần làm đa dạng sự mới mẻ trong phong trào thơ mới. Dù rằng thơ Xuân Diệu mang một phong cách rất Tây nhưng nhìn chung lầu thơ của ông được xây dựng trên mảnh đất thơ ca truyền thống. Sự tiếp thu những tư tưởng mới, biết hoà nhập nhưng không hoà tan là nét chung rất đáng ngợi ca khâm phục của Xuân Diệu nói riêng và các nhà thơ mới nói chung. Vì thế Xuân Diệu xứng đáng là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh).


Bài tham khảo:

13 câu thơ đầu bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu

Mở bài:

Xuân Diệu Được coi là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới. Ông là nhà thơ trữ tình lãng mạn, luôn khát khao giao cảm với đời đến cuống quýt, cuồng nhiệt. Bài thơ Vội vàng tập trung cao nhất cái khát vọng mãnh liệt ấy. Xuân Diệu đặt khát vọng giao cảm giữa tuổi trẻ và xuân tình, qua đó bộc lộ một xúc cảm triết học, một quan niệm nhân sinh mới mẻ, hiện đại. Phong cách thơ ấy được thể hiện rõ ràng qua 13 câu thơ đầu bài thơ “Vội vàng”

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại,
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

  • Thân bài:

Xuân Diệu yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp đến mãnh liệt đến cường tráng nhưng bên trong những vần thơ của ông vẫn gây cho người đọc một cảm giác chênh vênh, hụt hẫng . Bởi tình yêu luôn gắn với nỗi đau, niềm vui song song với nỗi buồn, bởi niềm vui đó rồi cũng phải hết, không thể tồn tại vĩnh hằng được. Đọc “Vội vàng”, chúng ta nhận ra “một hồn thơ rạo rực băn khoăn trong những câu thơ lời ít ý nhiều như đọng lại bao tinh hoa”.

Xúc cảm vội vàng dường như đã được thể hiện ở khổ đầu tiên của bài thơ:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại,
Cho hương đừng bay đi.

Khổ thơ năm chữ duy nhất trong bài thơ mà phần lớn là những câu thơ tám chữ. Thể loại thơ tám chữ gợi cho ta nghĩ đến cách nói vốn có của ca trù và cách sử dụng của Xuân Diệu cùng thể hiện một nét mới của thơ mới. Còn cách đặt những câu thơ ngắn trong trường hợp này làm nên giọng điệu gấp gáp giống như một hơi thở hối hả của một con người đang tràn đầy cảm xúc. Mặt khác, Xuân Diệu đã đặt ở đầu tiên những câu lẻ hai chữ “ tôi muốn ”, và chủ đề trữ tình lập tức xuất hiện.

Nhà thơ thể hiện cái tôi công khai, ngang nhiên không lẩn tránh hay giấu giếm, cái tôi đầy thách thức, đi ngược lại với thơ ca trung đại, nơi rất ít dám thể hiện cái Tôi. Cách nhà thơ công nhiên khiêu khích thẩm mĩ thơ của thời đại trước, chính là để thể hiện cái tôi trong một khao khát lớn lao, cái tôi muốn đoạt quyền tạo hoá để làm những việc mà chỉ tạo hoá mới làm được như “ tắt nắng đi “ và “buộc gió lại “. Nhưng trong cách diễn đạt của nhà thơ thì “tắt nắng” và “buộc gió” không phải là ý muốn cuối cùng, vì những câu chẵn của khổ thơ đều bắt đầu bằng một chữ “cho”.

Khát vọng ngông cuồng kia cũng xuất phát từ mong muốn giữ lại cái đẹp đẽ cho sự sống. Những câu thơ gợi cảm giác lo âu rằng cái đẹp sẽ giảm hương sắc đi, màu nắng sẽ bớt rực rỡ nếu nắng cứ toả, và làn hương kia sẽ bớt nồng nàn nếu gió cứ bay. Nhưng mong muốn càng trở nên thiết tha hơn khi nhà thơ dùng đến hai lần chữ “đừng” – chứa đựng một nguyện vọng thiết tha. Từng chữ một của bốn câu thơ đều nói lên nỗi ham sống đến vô biên, tột cùng đến trở nên cuồng si, tham lam, muốn giữ lại cho mình và cho đời vẻ đẹp, sự sống ở trong tạo vật:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

Câu thơ thứ tư đang từ nhịp điệu gấp gáp của những dòng năm chữ, thì đột ngột đổ tràn ra trong những dòng tám chữ. Một sự chuyển đổi rất đẹp của bài thơ, làm trải ra trước mắt người đọc một bức tranh xuân tuyệt diệu. Trong bốn dòng thơ ấy đầy ắp những tiếng “này đây” rải ra khắp các dòng thơ, vừa trùng điệp vừa biến hoá. Những câu thơ gợi hình dung về một con người đang mê man, đắm đuối, cuống quýt trước mùa xuân đang trải ra cuộc đời. Đó không chỉ là một bức tranh xuân, xuân sắc, xuân tình mà còn là cách để tác giả nói đến cái mê đắm về một mùa xuân của tuổi trẻ, của tình yêu. Vì vậy, không có một loài vật nào khác ngoài “ong bướm, yến anh”, bởi nó gợi ra vẻ lả lơi, tình tứ,và “bướm lả ong lơi “ gợi ý niệm về mùa xuân và tình yêu. Khúc nhạc của tình yêu, và hơn thế, “của tình si”, gợi nên sự mê đắm.

Bên cạnh đó, chữ “của” trở đi trở lại cùng với “này đây” như một cặp không thể tách rời. Đó là cách để Xuân Diệu biểu hiện cảm xúc trước thiên nhiên luôn có sự kết đôi, mọi vật quấn quýt lấy nhau, là của nhau không thể tách rời. Tất cả đều mang vẻ đẹp của sự trẻ trung và sức sống. “ Hoa “ nở trên nền “ xanh rì “ của đồng nội bao la, “lá ” của “ cành tơ ” đầy sức trẻ và nhựa sống. Cảm giác non tơ, mơn mởn ấy lại được tôn lên trong sự hiệp vần “ tơ phơ phất ” ở sau. Và như thế, cuộc sống hiện ra trong hình ảnh của một vườn địa đàng, trong xúc cảm của một niềm vui trần thế. Giá trị nhân văn của những câu thơ và cả bài thơ chính là ở đó.

Nếu như bốn câu thơ trên có vẻ như đã cân xứng, hoàn chỉnh rồi, thì câu thơ thứ chín xuất hiện bằng ba chữ “ và này đây ”, như thể một người vẫn còn chưa thoả, chưa muốn dừng lại, trong cảm xúc đầy tiếc nuối muốn giăng bày cho hết niềm vui được sống. Nhưng đây không còn là những hình sắc cụ thể như “lá, hoa, ong bướm “ mà trừu tượng hơn là ánh sáng, niềm vui, thời gian – những vật thể không hữu hình. Đó cũng là cách để nhà thơ bộc lộ quan điểm thẩm mĩ mới mẻ và thú vị.

Thiên nhiên đã thôi không còn là chuẩn mực của vẻ đẹp trong quan niệm của Xuân Diệu. Vẻ đẹp của thiên nhiên chỉ được coi là đẹp khi mang dáng dấp của vẻ đẹp con người. Ánh sáng đẹp vì gợi ra liên tưởng về “hàng mi” của một đôi mắt đẹp. Niềm vui đẹp vì gợi ra liên tưởng về một vị thần, đại diện cho con người. Và xúc cảm thẩm mĩ được nâng lên trong câu thơ về tháng giêng, gợi nên vẻ đẹp của sự táo bạo, cuồng nhiệt, làm người đọc thơ phải sửng sốt:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Mùa xuân hiện ra trong sức gợi cảm kì lạ bởi một vẻ đẹp như đang đợi chờ , đang sẵn sàng dâng hiến. Vì thế, mùa xuân như sinh ra cho con người tận hưởng, cho hạnh phúc đến với con người, làm nên một khía cạnh khác nữa của tinh thần nhân văn của bài thơ. Ở đó, cái quí giá, đẹp đẽ nhất của con người lại là chính con người. Vì vậy, con người là thực thể cao nhất, chứ không phải là thiên nhiên, là tôn giáo hay một chuẩn mực đạo đức nào. Con người trong câu thơ này đã được tôn lên làm chuẩn mực thẩm mĩ, làm cho người đọc ngạc nhiên, sửng sốt.

Tác giả đưa ra ý niệm về một tháng trẻ trung nhất của một mùa trẻ trung nhất trong năm : “tháng giêng “. Nhưng sự bất ngờ lại đến từ chữ thứ ba – “ngon”, điều mà ít ai có thể ngờ. Và càng không ai có thể nghĩ rằng tác giả lại so sánh với “cặp môi gần”. Nhưng có được sự so sánh ấy thì thời gian trừu tượng mới trở nên gần gũi, do vậy mùa xuân hiện lên trong cảm xúc của một tâm hồn đang thèm khát tận hưởng. Vẻ đẹp của mùa xuân như đã bị hoàn toàn chiếm hữu.

Hình ảnh so sánh ấy như một người đang đợi chờ, sẵn sàng dâng hiến cho tình yêu. Và hẳn phải có một tình yêu thật nồng nàn với cuộc đời thì tác giả mới tạo ra được một hình ảnh lạ kì đến thế: “Tôi sung sướng…”. Những tiếng tất yếu được thốt lên sau tất cả những gì viết ở trên. Nhưng sau ba chữ ấy lại là một dấu chấm ở giữa câu, khiến cho niềm sung sướng ấy như bị ngắt lại, chặn lại giữa chừng để trở thành một niềm vui dở dang, không trọn vẹn. Bởi sau dấu chấm là một chữ “ nhưng “ dự báo một cảm xúc hoàn toàn mới lạ. Cái ám ảnh của sự vội vàng xuất hiện ở nửa sau . Nhà thơ dường như không thể tận hưởng hết được mùa xuân vì cái cảm giác hoài xuân ngay khi mùa xuân chưa hết. Và cảm xúc của nhà thơ đã đi sang một phía ngược lại, xuất hiện một phản đề : “Nhưng vội vàng một nửa”.

Ai đã được nghe hai câu đầu của sự phản đề cũng đều có ấn tượng sâu sắc. Chính vì nhận ra cuộc đời mình ngắn ngủi hữu hạn sẽ không thể tận hưởng trọn vẹn mãi những vẻ đẹp kia nên nhà thơ mới “vội vàng” nhưng chỉ một nửa. Bỗng câu thơ chùng xuống và ngắt nhịp đột ngột bởi dấu chấm ở giữa câu. Dấu chấm như chia cắt hai dòng cảm xúc, một bên là niềm sung sướng tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp, còn bên kia là sự thẫn thờ tiếc nuối, tiếc ngay khi xuân đang đẹp nhất, đang ngập tràn sức sống. Và không chần chừ gì nữa, thi sĩ buộc lòng thốt lên vội vã: “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Phải mau lên! Vội vã lên! Nắng hạ rồi thì tiếc xuân còn ý nghĩa gì nữa? Hãy tận hưởng nó ngay khi ta còn có thể!

Xuân Diệu là thế đấy, hễ yêu là phải yêu đến “toàn tâm toàn ý toàn hồn”. Thế nên, thi nhân thường thức nhận bằng mọi giác quan đê khao khát, để hưởng thụ đến vồ vập say mê. Yêu như thế thì thật không ai vượt qua khỏi. Ngôi vị ông hoàng của tình yêu thật xứng đáng dành cho ông. Xuân Diệu từng nói:

“Ta kẻ đưa răng bấu mặt trời
Kẻ uống tình yêu dập cả môi”.

Mùa xuân đẹp lắm, tuyệt vời lắm. Ai cũng không muốn nó mất đi để rồi thương nhớ. Nhưng điểu đó chỉ là mơ ước đen khi nó mất rồi thì tất cả những sự vật đều phải ngậm ngùi xót xa và từ đó những câu thơ của Xuân Diệu ở những dòng thơ sau trở nên buồn bã. Buồn cũng bởi vì yêu và rồi lại khát khao cuồng nhiệt hơn nữa. Nói tóm lại, nếu Vội vàng là tuyên ngôn của quan niệm sống gấp, sống vội thì khổ thơ đầu đã thay lời cho sự lí giải căn nguyên tại sao Xuân Diệu lại phải sống như vậy. Đơn giản chỉ vì chữ “tình” bời quá yêu cuộc đời, khát khao vô biên mà ra.

  • Kết bài:

13 câu đầu bài thơ “Vội vàng” thể hiện một cái tôi yêu đời, yêu sự sống đến tha thiết cuồng nhiệt cùng quan niệm nhân sinh tích cực: Hãy sống cao độ cho những phút giây của tuổi trẻ.

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Những yếu tố mới mẻ qua thi phẩm “Vội vàng” của nhà thơ Xuân Diệu - Thế Kỉ
  2. Cảm nhận lòng yêu đời và ham sống của tuổi trẻ trong thơ Xuân Diệu - Theki.vn
  3. Dàn ý cảm nhận bài thơ "Vội vàng" của Xuân Diệu - Theki.vn
  4. Phân tích cái "tôi" trong thơ Xuân Diệu - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.