Phân tích 13 câu thơ đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

phan-tich-13-cau-tho-dau-bai-tho-voi-vang-cua-xuan-dieu

Phân tích 13 câu thơ đầu bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân….”

(Trích “Vội vàng”, Xuân Diệu)


Dàn bài gợi ý:

  • Mở bài:

– Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới (Hoài Thanh). Bài thơ Vội vàng nằm trong tập Thơ thơ – là tập thơ đầu tay của nhà thơ Xuân Diệu, ngay khi mới ra đời đã gây được tiếng vang lớn. Vội vàng là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của tập thơ.

– Bài thơ thể hiện cái tôi khao khát giao cảm với cuộc đời cũng như quan niệm sống độc đáo, mới mẻ của tác giả. 13 câu thơ đầu bài thơ “Vội vàng” là biểu hiện của tôi say đắm, cuồng nhiệt, thiết tha với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế.

  • Thân bài:

a. Tình yêu thiết tha cuộc sống trần thế:

– Mở đầu bài thơ là khổ thơ ngũ ngôn thể hiện cái ước muốn kỳ lạ của thi sĩ, là ước muốn quay lại quy luật của tự nhiên:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”

+ Đây là 4 câu thơ của ước muốn. Điệp ngữ “tôi muốn” được nhắc lại hai lần. Sau hàng ngàn năm của văn học phi ngã, thơ mới luôn khẳng định cái tôi cá nhân, Xuân Diệu mở đầu khẳng định bằng cái tôi ước muốn.

+ Nhà thơ muốn tắt nắng, buộc gió. Nắng, gió là hiện tượng thiên nhiên vĩnh cửu, bất biến trong vũ trụ.Ước muốn này sẽ trở nên phi lí vì khó có thể thực hiện được.

+ Các từ “cho”, “đừng” điệp trong câu 2, 4: “Cho màu đừng nhạt mất; “Cho hương đừng bay đi”

Điệp từ “cho” gợi cảm giác van nài, khẩn khoản. Cảm hứng thơ đã xuất hiện ý thơ của tác giả: nhà thơ muốn tắt nắng, buộc gió để nắng đừng phai màu, để gió đừng thổi, để hương còn giữ mãi. Hoá ra cách nói tắt nắng, buộc gió không phải vì ghét nó mà là cách nói rất thơ, rất lãng mạn để thể hiện một niềm vui yêu vô cùng, say đắm vô cùng của thi nhân yêu vô cùng những màu, những hương của cuộc đời và nâng niu, trân trọng và giữ gìn trong vòng tay, trong tâm hồn tha thiết yêu của mình.

⇒ 4 câu thơ đâu thể hiện tình yêu thiên nhiên cuộc sống và khát vọng mãnh liệt muốn đoạt quyền tạo hóa để lưu lại hương sắc cuộc đời thông qua ước muốn táo bạo: Tắt nắng, buộc gió.  Khát vọng mãnh liệt muốn đoạt quyền tạo hóa để lưu lại hương sắc cuộc đời thông qua ước muốn táo bạo: Tắt nắng, buộc gió,….

– Thi sĩ say đắm với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

+ Từ “của” nối liền 4 câu thơ trên với 9 câu thơ dưới, Xuân Diệu muốn tắt nắng, buộc gió để giữ hương sắc của cuộc đời.

+ Điệp ngữ: “này đây” điệp lại nhiều lần gợi cảm giác hân hoan, sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Ở đây có sự giàu có phong phú đến mức thừa thãi, đến mức tuyệt vời của hương sắc mà nhà thơ muốn níu giữ.Này đây hiện hữu hương sắc của cuộc sống không phải quá khứ, nơi khác mà ở ngày đay, trong lúc này.Một lần nữa cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế hiện hữu cả ở không gian và thời gian.Sau điệp ngữ này là bức tranh cuộc sống hiện ra.

– Bức tranh chan chứa xuân tình được nhìn bằng trái tim mê đắm, khao khát được tận hưởng, chiêm ngưỡng, chiếm lĩnh:

+ “Ong bướm này đây tuần tháng mật” vừa là mật ngọt của thiên nhiên, hoa trái vừa liên tưởng đến tuần trăng mật của đời người. Tuần trăng mật là thời gian ngọt ngào nhất, nồng nàn nhất của những ý vị yêu đương.Thông qua sự liên tưởng này, với Xuân Diệu thời gian của đời người hình như lúc nào cũng là tuần trăng mật của lứa đôi, lúc nào cũng ngọt ngào nhất.

+ “Hoa đồng nội xanh rì/ lá cành tơ phơ phất: vẻ đẹp tràn đầy sức sống, một màu xanh tràn đầy sức sống với những sắc hương hoa. Từ láy phơ phất, tơ phơ, cụm từ nhiều thanh bằng cành tơ phơ phất đã gợi hình ảnh những cành lá nõn nà, non tơ, mềm mại đung đưa trong gió, gợi vẻ yếu đuối, mong manh khiến người ta muốn nâng niu, giữ gìn.

+ “Yến anh này đây khúc tình si”: tiếng hót của chim chóc được Xuân Diệu cụ thể hoá qua hình ảnh của chim yến và chim anh. Chim yến và chim anh là loài chim biểu tượng của tình yêu lứa đôi, hạnh phúc (loài chim luôn bay cùng nhau).Tiếng hót của của chúng không chỉ hiện lên với âm thanh véo von, ríu rít mà còn là khúc tình si mê đắm của lứa đôi.

+ “Ánh sáng chớp hàng mi/ Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa” ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp nơi trần thế. Nếu văn học trung đại, thiên nhiên là chuẩn mực của cái đẹp thì đến với thơ mới, Xuân Diệu ông quan niệm hoàn toàn khác: còn người là chuẩn mực của cái đẹp, thiên nhiên muốn đẹp thì phải trong sự so sánh với con người (Lá liễu dài như một nét mi). Trong bài thơ này, anh sáng ấy không phải toả ra từ mặt trời mà toả ra từ sau cái chớp mắt của hàng mi thiếu nữ. Sau cái chớp mắt ấy ánh sáng toả khắp nơi đem đến tình yêu, sự sống cho khắp thế gian. Nên nhà thơ đón đợi ánh sáng như thần Vui hằng gõ cửa.Chúng ta có thể cảm nhận cái bồn chồn bên trong trong nghe tiếng gõ của bên ngoài.Đó là xúc cảm niềm yêu của nhà thơ. Niềm yêu của nhà thơ không muốn bỏ lỡ một ngày, một giờ, một khoảng khắc của một ngày mới, những nhiều vui mới, say đắm mới.

+ “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, câu thơ 8 chữ ngắt 3/5 trọng tâm ngon.Tháng giêng ngon – ẩn dụ chuyển đổi cảm giác mùa xuân tuyệt vời, tuổi trẻ tuyệt vời. So sánh có sắc thái nhục cảm như một cặp môi gần, gợi cái mê đắm, quyến rũ, mê đắm. Tất cả cuộc đời ấy như đang trong tầm tay, giữ tuổi trẻ tuyệt vời nhất. Bức tranh chan chứa xuân tình, bức tranh làm nên niềm đắm say, khao khát tận hưởng là nguyên nhân cho ước muốn nhà thơ thể hiện trong bốn câu đầu.

⇒ Xuân Diệu đã phát hiện và say sưa ca ngợi một thiên đường ngay trên mặt đất với bao nguồn hạnh phúc kì thú. Nhà thơ sử dụng những hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp của mùa xuân: tuần tháng mật của ong bướm, hoa đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất, ánh sáng chớp hàng mi, tháng giêng ngon như cặp môi gần…. kết hợp với điệp khúc “này đây…” để miêu tả sự phong phú bất tận của thiên nhiên: vạn vật căng tràn sức sống, giao hòa.

Ở hai câu cuối, nhà thơ sung sướng nhưng vội vàng, muốn tận hưởng hết vẻ đẹp của thiên nhiên, tuổi xuân. Đó là một quan niệm mới: Trong thế giới này đẹp nhất và quyến rũ nhất là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu:

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân….”

+ “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”, câu thơ ngắt nhịp 3/5 với dấu chấm ngắt giữa dòng giống như ngừng lặng sau những xúc cảm. Nhà thơ sung sướng vì vẻ đẹp cuộc sống nơi trần thế, ngay lập tức thi nhân đã ngừng lặng vì cảm giác “vội vàng một nửa”. Một nửa sung sướng, một nửa vội vàng. Nhà thơ vừa sung sướng vừa vội vàng. Nhà thơ vừa khao khát yêu, khao khát sống vừa lo âu, hoài nghi, chán nản vì cuộc đời ngắn ngủi.

⇒ Thông qua phép điệp từ, điệp ngữ, láy vần, điệp thanh, hoán dụ, ẩn dụ, có cả sự chi phối của quan niệm con người là chuẩn mực cái đẹp, Xuân Diệu làm nổi bật bức tranh hình ảnh cuộc đời tràn đầy âm thanh, màu sắc, tràn đầy nồng nàn tình yêu khiến cho bức tranh thiên nhiên như cựa quậy, sinh sôi vận động đầy hương sắc khiến cho thi nhân vừa mê đắm, vừa lo sợ sao phải giữ gìn nó cho nó khỏi tuột khỏi tầm tay.

b. Nghệ thuật biểu hiện:

– Đoạn thơ thể hiện quan niệm sống mới mẻ, vội vàng, cuồng nhiệt, cuống quýt như chạy đua với thời gian để tận hưởng màu sắc, hương vị, vẻ đẹp của cõi trần gian và cũng là thể hiện cái tôi ham sống, muốn tận hưởng cuộc sống,…

– Sử dụng nghệ thuật điệp từ, điệp ngữ, các tính từ mạnh cộng với nghệ thuật liệt kê để thể hiện nhịp sống hối hả, sôi nổi, cuồng nhiệt gấp gáp, cuống quýt của tác giả. Thể thơ tự do, ngôn từ hết sức táo bạo và đầy sáng tạo là một thành công đặc sắc của Xuân Diệu.

  • Kết bài:

13 câu thơ đầu bài thơ “Vội vàng” thể hiện một khát vọng sống thiết tha, mãnh liệt rất trần đời.Một hương vị lạ góp phần làm đa dạng sự mới mẻ trong phong trào thơ mới. Dù rằng thơ Xuân Diệu mang một phong cách rất Tây nhưng nhìn chung lầu thơ của ông được xây dựng trên mảnh đất thơ ca truyền thống. Sự tiếp thu những tư tưởng mới, biết hoà nhập nhưng không hoà tan là nét chung rất đáng ngợi ca khâm phục của Xuan Diệu nói riêng và các nhà thơ mới nói chung. Vì thế Xuân Diệu xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới (Hoài Thanh).


Tham khảo:

Cái tôi yêu đời, cuồng nhiệt với cuộc sống qua 13 câu thơ đầu bài thơ “Vội vàng”

  • Mở bài:

Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Đây cũng là ba chủ đề chính trong sự nghiệp thơ ca của ông trước cách mạng tháng Tám. Với 13 câu thơ đầu tiên, bài thơ “Vội vàng”, thể hiện một cái tôi yêu đời, yêu cuộc sống đến mãnh liệt:

“Tôi muốn tắt nắng đi
(…………….)
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân….”

  • Thân bài:

Có thể nói trong thơ ca trung đại ít có nhà thơ nào dám khẳng định cái tôi cá nhân của mình một cách táo bạo, và đến với phong trào Thơ mới, cái tôi Xuân Diệu đã bộc lộ một cách vô cùng độc đáo:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”.

Mùa xuân là mùa tươi đẹp nhất trong năm cũng như tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Bốn dòng thơ ngũ ngôn như lời đề từ của bài thơ, khẳng định ước muốn đoạt quyền tạo hóa của thi nhân. Xuân Diệu muốn ngăn cản bước đi của thời gian để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất, đáng nhớ nhất. Thi sĩ khao khát giữ lại ánh nắng để “màu đừng nhạt mất”, giữ lại gió để cuộc sống luôn tràn ngập sắc hương. Khao khát “tắt nắng”, “buộc gió” thể hiện ý thức làm chủ thiên nhiên của con người. Điều này vừa hợp lí bởi nhà thơ “yêu tha thiết cái chốn nước non lặng lẽ này” (Hoài Thanh) nhưng cũng vừa vô lí và không thể thực hiện được bởi con người làm sao có thể cưỡng lại được quy luật của tạo hóa, làm sao nắm bắt, điều khiển được những thứ vốn là mỏng manh, ngắn ngủi, không tồn tại được mãi mãi. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được những ước muốn đó khi có phép nhiệm màu. Đồng thời khao khát này cũng thể hiện sự ham sống bồng bột đến mãnh liệt và quan niệm về thời gian của ông. Thời gian tuyến tính một chiều, khi đã trôi qua rồi thì không trở lại nên nhà thơ có khao khát giữ nắng, giữ gió để tận hưởng hết vẻ đẹp của đất trời.

Ý thơ như trào dâng theo cảm xúc ở thể ngũ ngôn đã lột tả được ước muốn chân thành mà táo tạo của “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Đặc biệt, sự xuất hiện của chủ thể trữ tình, của cái tôi cá nhân đã thoát ra khỏi những hệ thống các quy ước, ràng buộc của văn học trung đại. Nhân vật trữ tình xưng “tôi” một cách đầy tự tin và quyết đoán. Cái tôi cá nhân ấy không ẩn sau cái “ta” chung của cộng đồng, dân tộc mà nó đứng riêng lẻ đầy khí chất bởi với Xuân Diệu, cái tôi là lẽ sống:

“Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất
Không có chi bạn bè nổi cùng ta”.

(Hy Mã Lạp Sơn)

Sự lặp lại về cấu trúc và hình thức ở các câu thơ 1 – 3, câu thơ 2 – 4 cùng tiết tấu câu thơ nhanh, dồn dập đã thêm một lần nữa tô đậm ước muốn đoạt quyền tạo hóa của Xuân Diệu.

Nếu các nhà thơ trung đại gửi lòng mình vào chốn bồng lai tiên cảnh thì Xuân Diệu lại phát hiện ra một thiên đường trên mặt đất có ngay trong tầm tay với của con người:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Những dòng thơ tiếp theo là sự lí giải nguyên nhân vì sao nhà thơ lại muốn “tắt nắng”, “buộc gió”. Con mắt “xanh non”, “biếc rờn” của thi sĩ về mùa xuân đã nhận ra vẻ đẹp của cuộc đời, thiên nhiên với những thực đơn phong phú. Mùa xuân của ong bướm, cỏ cây, hoa lá, mùa xuân của tạo vật tràn trề nhựa sống. Mùa xuân được phát hiện bằng vẻ đẹp của tháng giêng với những gì tinh túy nhất. Có thể nói đó là bức tranh tuyệt đẹp, là khu vườn tình ái đầy hương sắc của mùa xuân trên mặt đất. Chỉ có Xuân Diệu mới có thể nhìn thấy được “tuần tháng mật” của ong bướm, thấy được sắc màu xanh non của cành tơ với những chiếc lá đang “phơ phất”. Tất cả vẻ đẹp căng tràn, tươi nguyên ấy như được trưng bày ra trước mắt nhà thơ và bạn đọc qua điệp từ “này đây”. Chỉ có người thi sĩ ấy mới thấy được những bông hoa của đồng nội và nghe được khúc tình si của chim yến, chim anh. Và cũng chỉ có ông mới cảm nhận được: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.

Mùa xuân đẹp và quyến rũ như đôi môi người thiếu nữ và tháng giêng là tháng đẹp nhất của mùa xuân. Tác giả sử dụng từ “ngon” để thể hiện một khát khao, một cảm nhận riêng đến lạ lùng mà ta chỉ có thể bắt gặp ở Xuân Diệu. Ông như người họa sĩ tài năng đang đứng trước bức tranh thiên nhiên tươi đẹp để chỉ cho chúng ta thấy vẻ tươi non, nõn nà của mùa xuân. Mùa xuân đẹp và tình tứ, vạn vật đều có đôi, gắn bó, quấn quýt với nhau một cách thân thiết. Lứa đôi gắn bó với nhau trong sự ngọt ngào, say đắm, hương gắn kết với hoa để khoe sắc trên đồng nội “xanh rì”. Những cánh yến anh trên bầu trời đang chao liệng để gửi gắm lời yêu thương cho nhau mỗi độ xuân về.

Tác giả đã lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp để nét vẽ của mình in sâu trong tâm trí người thưởng thức. Thiên đường, bữa tiệc của thiên nhiên có ngay trong cuộc sống này, có ngay trong tầm tay với của con người. Đoạn thơ như một bản đàn du dương mà Xuân Diệu sử dụng để “đốt cảnh bồng lai và đưa ai ấy về hạ giới” (Hoài Thanh), về với nơi ngự trị của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Biện pháp liệt kê khiến những vẻ đẹp của mùa xuân được phơi bày một cách sinh động và chân thực.

Có thể nói, chỉ với Xuân Diệu, vẻ đẹp của mùa xuân mới hiện lên nguyên vẹn và tươi non đến thế. Sự sống như bày ra một bữa yến tiệc mà mỗi chúng ta là một vị khách được mời đến tham dự. Nhà thơ đã “say đắm với tình yêu, hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm chim” (Thế Lữ). Ông đã thức tỉnh tất cả các giác quan để nếm vị ngọt, mùi thơm nồng nàn của mùa xuân và sự sống “mơn mởn”. Đôi mắt tinh tế của Xuân Diệu đã nhìn thấy sức sống tươi mới, một sức trẻ khỏe khoắn, một mùa xuân phơi phới làm mê đắm lòng người. Nhà thơ có ước muốn níu giữ tất cả vị “ngon” của tình yêu và mùa xuân khi nó đang trong thời kì hương sắc nhất.

Xuân Diệu đang chìm đắm trong thế giới diệu kì của nhân gian, vũ trụ thì chợt bừng tỉnh:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

Tác giả đặt mình trong hai trạng thái nửa “sung sướng” mãn nguyện nửa “vội vàng”, xót xa. Dấu chấm ngăn cách giữa dòng thơ tạo nên hai câu đặc biệt. Thi sĩ nhận ra vẻ đẹp vô giá của cuộc đời nhưng ngay lập tức cũng biết rằng thời gian là không chờ đợi. Dấu chấm làm mạch cảm xúc bị đứt đoạn, Xuân Diệu đang ngây ngất trong thiên đường mùa xuân thì chợt nhận ra cuộc đời con người rất ngắn ngủi và mỏng manh. Đang ở trong khu vườn trần thế đầy tình tứ mà Xuân Diệu đã lo sợ cuống cuồng những vẻ đẹp sẽ tan biến, mất đi trong hư vô mà không đọng lại chút dư âm. Nhà thơ muốn chạy đua với thời gian, muốn hòa tan mình vào thiên nhiên để trường tồn cùng thời gian.

Mùa xuân đã trở thành người bạn tri âm của Xuân Diệu, luôn được Xuân Diệu chào đón bằng tình yêu nồng nhiệt trong bất cứ hoàn cảnh nào:

“Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng”.

(Xuân không mùa)

Đây là mùa để ấp ủ, gieo mầm gặp gỡ, giao hòa của vạn vật và là nơi nảy nở tình yêu của mỗi cá thể. Ông quan niệm rằng: “Tình không tuổi và xuân không ngày tháng” (Xuân không mùa) nhưng cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc, hoa nở rồi cũng tàn theo quy luật của tạo hóa. Dường như biết trước được quy luật khắc nghiệt ấy nên Xuân Diệu “không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Nhà thơ đã nhận ra được bước đi vô tình mà tàn nhẫn của thời gian nên ông không chờ một điều gì đó qua đi mới cảm thấy hối tiếc, ông không đợi mùa xuân đi hết chặng đường của mình rồi mới nhớ thương, tiếc nuối.

  • Kết bài:

13 câu thơ đầu bài thơ “Vội vàng” là lời ca ngợi vẻ đẹp, sức sống của thiên nhiên. Qua đó, nhà thơ đã khẳng định rằng không nơi nào đẹp hơn khu vườn trần thế ở mặt đất. Những vần thơ của ông là “nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này” (Hoài Thanh). Được sống là niềm hạnh phúc, khát khao lớn nhất của mỗi chúng ta, vì vậy, chúng ta cần biết trân trọng sự sống và có thái độ sống tích cực.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Kết cấu triết luận và trữ tình trong bài thơ "Vội vàng" (Xuân Diệu) - Theki.vn
  2. Làm rõ quan niệm về thời gian của Xuân Diệu qua bài thơ "Vội vàng" - Theki.vn
  3. Cảm nhận 13 câu thơ đầu bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.