Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử (dưới góc độ thi pháp)

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử (dưới góc độ thi pháp)

Đây thôn Vỹ Dạ là bài thơ do thi sĩ Hàn Mặc Tử sáng tác vào khoảng năm 1938, in lần đầu trong tập Thơ Điên (về sau đổi tên thành Đau thương). Bài thơ lúc đầu có tên là Ở đây thôn Vỹ. Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở thôn Vỹ Dạ Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng, thi phẩm là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người

Bài thơ đẹp và lạ, nhưng thấm buồn. Thi nhân dệt nên bức tranh thơ tuyệt diệu này trong thời gian ấy đang ở một hoàn cảnh vô cùng éo le, bi thiết vì anh đang mắc phải một chứng bệnh không chỉ là nan y lúc bấy giờ, mà còn phải chịu sự xa lánh của xã hội, thậm chí ngay cả với người thân. Tình cảnh đó tạo nên sự thèm khát gần gũi con người, nhất là người thương yêu, nhưng thực tại thì lại rất phũ phàng. Điều đó chắc hẳn đã ít nhiều góp phần tạo nên những đặc sắc trong thi pháp bài thơ, thể hiện rõ nhất qua kết cấu nghệ thuật và ngôn từ nghệ thuật.

Về kết cấu, thi phẩm này chỉ vỏn vẹn có 3 khổ thơ, với 12 dòng thơ, nhưng 3 khổ thơ ấy đã tạo nên một kết cấu thẩm mỹ độc đáo. Trong đó có sự hài phối giữa con người và thiên nhiên, những tình tiết được miêu tả trong cái nhìn gần và cái nhìn xa, thực và ảo, rõ nét và nhạt nhòa. Các tình tiết trong khổ thơ đầu được nhìn trong tầm gần, rất gần. Chính bởi nhìn gần chứ không phải nhìn ở tầm xa nên các hình ảnh thơ, từ nắng hàng cau nắng mới lên, và đặc biệt là sắc thái mướt quá của vườn ai và lá trúc che ngang mặt chữ điền mới được tái hiện cụ thể và sinh động như vậy. Những hình ảnh tươi mới, sinh động, ấm áp và tràn đầy sức sống ấy hiển hiện những nét thực và hé lộ tấm chân tình yêu mến cuộc sống thiết tha của thi nhân.

Tuy nhiên, trong kết cấu bức tranh, ở khổ thứ hai đã thay đổi so với khổ thơ thứ nhất. Cái nhìn, tầm quan sát của thi nhân trong khổ thơ thứ hai chủ yếu là ở tầm xa, từ đối tượng gió, mây ở trên cao, cho tới thuyền và bến sông trăng. Các tình tiết được miêu tả không cấu kết hướng tâm như trong khổ thơ thứ nhất, mà ly tâm, chia rời, tách biệt; đồng thời cũng mang sắc thái nhạt nhòa, mờ ảo chứ không rõ nét như ở khổ thơ thứ nhất. Sang khổ thơ thư ba thì thiên nhiên biến mất trong kết cấu chung, chỉ còn lại con người, nhưng không phải con người có đường nét mặt chữ điền cụ thể đan cài với thiên nhiên, hay hơi ấm con người trong những hàng cau sáng lên trong nắng mới của vườn mướt xanh như ngọc nồng đượm tình người; cũng không phải con người gắn với thuyền đậu bến sông trăng ít nhiều còn có tính xác định, mà là con người tâm trạng của nhân vật trữ tình đang mơ tưởng, khắc khoải, hồ nghi.

Như vậy, một bức tranh thơ nhưng có đến ba mảng khối khác nhau, và chiều hướng chuyển biến của kết cấu là từ thực sang ảo, từ chân xác sang mơ hồ; từ tươi mới, rõ nét, sinh động, quần tụ sang mờ nhạt, chia phôi, tách biệt và nghi hoặc. Đó là một phần tâm trạng trữ tình của thi nhân lúc bấy giờ. Với diễn tiến và biến thái của cái nhìn thể hiện trong kết cấu như thế, ngôn từ nghệ thuật được vận dụng để triển khai ý tưởng và mỹ cảm của nhà thơ một cách rất hiệu quả. Trong đó, đặc trưng nổi bật của thi pháp ngôn từ là sự phối kết tuyệt vời giữa sắc màu và xúc cảm.

Đây thôn Vĩ Dạ đang đẹp đẽ là thế, trọn vẹn là thế, bỗng bị xé lẻ ra một gió, một mây, một trăng, một thi nhân thả hồn ôm bóng một giai nhân…để rồi cuối cùng hoài nghi, hỏi người mà như tự vấn: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Vậy chẳng phải đó là một thế giới hài hòa và đẹp, nhưng cũng thật mong manh, được thụ cảm bởi một nhà thơ mang trong mình một căn bệnh quái ác, giữa lúc tuổi còn quá trẻ, còn quá tha thiết với cõi đời?

Nhìn chung, ngôn từ trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử là một hệ thống nghệ thuật, chứa đựng các tín hiệu tư tưởng và thẩm mĩ. Hệ thống các yếu tố ngôn từ được chọn lọc và sử dụng tạo nên một sự biến chuyển, thay đổi, có giá trị chuyển tải tư tưởng và tình cảm của tác giả. Nhìn một cách tổng quan, sự biến chuyển và thay đổi đó có thể được hình dung theo một hình tuyến là: Ngôn từ tươi đậm sắc màu chuyển sang mờ nhạt, cụ thể xác thực chuyển sang huyễn hoặc, hư ảo; từ thực chuyển sang mộng; từ khẳng định sang hồ nghi.

Sau câu hỏi có tính đa nghĩa, nhiều giọng: mời gọi, tự hào, hờn trách “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” là bức tranh thôn Vĩ với tập hợp các từ ngữ có sắc màu đậm đà, tươi mới, tràn đầy sức sống:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Nắng được tăng cấp sắc màu để thêm tươi, thêm mới: nắng hàng cau là nắng có đối tượng tương tác, xác định và sự phối kết của nắng với vẻ đẹp của hàng cau càng làm nắng đẹp thêm. Hơn nữa, lại là nắng mới lên. Nắng mới lên là nắng vàng chanh, mát ngọt; còn nắng chiều là nắng quái, vàng ruộm, nắng rát và gắt. Đi liền với nắng là vườn mướt quá xanh như ngọc. Cũng như hình ảnh nắng đẹp, tươi, mới qua phép tăng cấp, từ chỉ màu xanh của vườn cũng được định tố cụ thể làm rõ dáng nét (mướt quá), và vị ngữ của câu khẳng định thêm đặc tính, sắc màu của xanh (như ngọc).

Việc tăng tính chất, cấp độ sắc màu của sự vật thể hiện lòng nhiệt hứng trước thiên nhiên và cuộc đời, sự khẳng định niềm tin yêu cuộc sống. Đặc tính của sự biểu hiện ngôn từ qua lá trúc, che ngang, mặt chữ điền có tính biểu hiện rõ, đậm, sống động, góp phẩn làm tăng độ đậm, sáng của ngôn từ trong khổ thơ thứ nhất.  Và quan trọng nhất là trong bức tranh này có sự tin yêu, nồng đượm tình người.

Nói chung, nhìn từ thẩm mỹ hội họa thì sắc màu ngôn từ trong khổ thơ thứ nhất là gam màu nóng. Sắc màu nhạt dần, phôi pha theo trục hình tuyến của bài thơ. Trong khổ thơ thứ hai, tác giả chỉ nêu sự vật, không diễn tả trạng thái sắc màu sự vật qua các tính từ. Tuy nhiên sắc màu và xúc cảm sự vật hàm ẩn ngay trong ngôn từ:

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Sắc màu và xúc cảm của gió và mây là chia phôi, tương quan và hô ứng với dòng nước buồn thiu. Và đặc biệt là sắc màu của hoa bắp: hoa bắp có màu xám nhạt, khi bị gió lay thì các cánh hoa dễ rơi theo gió, gợi buồn thương vì chia ly, rơi rụng, tàn phai. Trong khổ thơ này có hình ảnh của thuyền, bến sông, và nhất là trăng nhưng chỉ với tác dụng làm nhạt mờ dáng nét cảnh và vật, tăng tính không xác định, và bắt đầu thể hiện sự hồ nghi ở mức nhẹ. Từ góc độ hội họa, ngôn từ trong khổ thơ này thuộc gam lạnh. Điệu xúc cảm theo đó cũng đã chuyển từ khổ thứ nhất là tự hào, thiết tha, tin yêu sang nghi hoặc, buồn thương.

Sang khổ thơ thứ ba, các đối tượng, đặc biệt là thiên nhiên, tính xác định cụ thể với sắc màu biểu trưng như ở hai khổ thơ đầu không còn hiện diện, độ nhòe mờ của sự vật và con người càng tăng lên, tính xác định của đối tượng càng thấp, càng nhỏ:

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Khách là lạ, mà khách đường xa lại càng lạ, cụm từ khách đường xa được điệp lại càng làm tăng tính nhòe mờ; dù rằng ở đây có màu trắng (áo em), nhưng lại là trắng quá, nên nhìn không ra, nghĩa là cũng nhòe mờ, không xác định. Các từ ngữ khác như sương khói, mờ nhân ảnh càng làm nhạt nhòa, mông lung, không xác định của sự vật, hiện tượng. Đến khổ thơ cuối này, tính nhạt, nhòe, mờ ảo đã thay thế cho tính đậm, rõ, xác thực ở khổ thơ thứ nhất, và phần nào vẫn còn – dù ở mức độ thấp – ở khổ thơ thứ hai. Màu dương chuyển dần thành màu âm, gam nóng chuyển sang gam lạnh trong sắc màu ngôn từ của bài thơ.

Xúc cảm con người trong đó cũng chuyển từ tự hào, tin yêu, khẳng định, nồng đượm…, sang nghi hoặc, âu lo, thảng thốt. Ngay cả câu hỏi tu từ ở cả ba khổ thơ cũng có bước chuyển như thế: trong khổ thơ đầu, câu hỏi mang tính đa nghĩa, vừa là cái cớ để điễn trình và tự hào về vẻ đẹp trữ tình, nên thơ của thôn Vĩ, vừa là lời hờn mát nhẹ nhàng, ý nhị; trong khổ thơ thứ hai là băn khoăn, nhưng là băn khoăn về ngoại cảnh và ở mức độ thấp; còn trong khổ thơ cuối là hồ nghi, âu lo, thảng thốt thực sự. Sự biến chuyển của ngữ điệu trong bài thơ cũng mang tính nội dung rất rõ.

Nếu trong khổ thơ thứ nhất, giọng kể xen với tả, ngữ điệu hồ hởi, vui tươi, tự hào, nhịp nhanh vừa thì sang đến khổ thơ thứ hai, giọng trầm xuống, buồn, nhịp chậm. Trong khổ thơ cuối, ngữ điệu chợt vút lên nhanh và gấp, giọng phức điệu: mong mỏi, khát khao, hoảng hốt, âu lo, hoài nghi. Ngôn từ vừa miêu tả vừa bộc lộ tâm trạng trực tiếp, nhất là trong hai câu “Mơ khách đường xa, khách đường xa,/ Áo em trắng quá nhìn không ra”, giọng vút lên như tiếng kêu thảng thốt, buồn thương. Ngôn từ của bài thơ thực sự mang nội dung tư tưởng và thẩm mỹ, không phải theo cách thông thường là cái vỏ hình thức ngôn ngữ chuyển tải nội dung mà chính ngôn từ mang tính nội dung, ngôn từ thực sự là hình tượng nghệ thuật. Hệ thống Ngôn từ đó nằm trong một trường thẩm mỹ chịu sự chi phối của quan niệm nghệ thuật.

Thơ Hàn Mặc Tử là hiện tượng phức tạp, không dễ thống nhất trong cách thẩm định và cắt nghĩa. “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ như vậy… Nhìn tổng thể, bài thơ có sự di chuyển tăng dần về phía cuối. Từ cõi thực chìm dần vào cõi mộng. Ngay từ đầu, cảnh và người thôn Vĩ cùng hiện ra như một hình dung trong mơ ước; đến khổ thứ hai đã tràn đầy mộng ảo, sang khổ thứ ba mộng toàn phần… Vì là sản phẩm của một trạng thái mơ, nên giữa các khổ thơ có vẻ “đầu ngô, mình sở”, không tuân theo lô-gíc nào cả. Nó phi lô-gíc bề mặt, nó đồng hiện và đột hiện. Nhưng nó có lô–gíc chiều sâu: tiếng của một tình yêu tuyệt vọng, thảng thốt và đau đớn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang