Phân tích bài thơ Tây Tiến để làm rõ ý kiến: Bài thơ là một thi phẩm xuất sắc, gần như đạt đến sự toàn bích, bài thơ Tây Tiến ở đoạn nào cũng có những câu đặc sắc, những hình ảnh thơ độc đáo.

phan-tich-bai-tho-tay-tien-de-lam-ro-y-kien-bai-tho-la-mot-thi-pham-xuat-sac-gan-nhu-dat-den-su-toan-bich-bai-tho-tay-tien-o-doan-nao-cung-co-nhung-cau-dac-sac-nhung-hinh-anh-tho-doc-dao

Phân tích bài thơ Tây Tiến để làm rõ ý kiến: Bài thơ là một thi phẩm xuất sắc, gần như đạt đến sự toàn bích, bài thơ Tây Tiến ở đoạn nào cũng có những câu đặc sắc, những hình ảnh thơ độc đáo.

  • Mở bài:

Tây Tiến của Quang Dũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nền văn học thế kỷ XX. Bài thơ không chỉ thành công ở nội dung phản ánh mà còn ở nghệ thuật biểu hiện rất độc đáo, rất riêng, thể hiện một hồn thơ Quang Dũng vừa tài hoa, lãng mạn, đắm say vừa kiên cường, mạnh mẽ, một lòng chung thủy, sắt son với đất nước. Có thể nói, bài thơ gần như đạt đến sự toàn bích, bài thơ Tây Tiến ở đoạn nào cũng có những câu đặc sắc, những hình ảnh thơ độc đáo”.

  • Thân bài:

“Toàn bích” có thể hiểu là đạt đến sự hoàn hảo, không có một khuyết điểm nào. “Độc đáo” là rất riêng, rất cá tính, giàu sức biểu hiện.

Bài thơ Tây Tiến thành công trước hết nhờ kết hợp hài hòa bút pháp lãng mạn và hiện thực. Nếu chỉ có hiện thực trần trụi, chắc Tây Tiến không thể có sức cuốn hút mạnh mẽ. Nhưng nếu chỉ có toàn chất lãng mạn, thì Tây Tiến cũng khó mà được chấp nhận.

Những yếu tố hiện thực như  “mở rừng”, “ngủ rừng”. Những cái dốc thăm thẳm “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” những chiều “oai linh thác gầm thét”, những đêm “Mường Hịch cọp trêu người”; rồi “rải rác dọc biên cương” những nấm “mồ viễn xứ”… được mô tả trong bài thơ Tây Tiến là rất thực. Những hình ảnh lãng mạn như: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Hoặc “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ kìa em xiêm áo tự bao giờ…”. Đặc biệt là hình ảnh người lính Tây Tiến vừa oai hùng, lẫm liệt vừa đầy mộng mơ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Chất hiện thực và lãng mạn đã làm cho bài thơ có gian khổ, mất mát, hi sinh nhưng cũng tràn đầy niềm lạc quan, khỏe khoắn; giọng thơ vừa chân thành vừa  bi tráng, hào hùng, phản ánh hào khí và chất lãng mạn một thời gắn với lịch sử kháng chiến anh dũng của dân tộc.

Trong bài thơ, nhà thơ đã xây dựng được những hình ảnh thơ độc đáo mới mẻ. Xuất hiện trong bài thơ, thiên nhiên miền Tây vừa có những đường nét mềm mại, uyển chuyển vừa mang dáng dấp cứng rắn, sắc nhọn, đầy ghê rợn. Hình ảnh dốc núi thì thật  hùng vĩ và độc đáo:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”

Từ khúc khuỷu đặt giữa câu thơ cho ta  cảm nhận cái quanh co hiểm trở của dốc. Mà dốc cao lắm cho nên mới thăm thẳm. Câu thơ bảy chữ thì đã có 5 chữ vần trắc như cái sự  ngoằn ngoèo gập ghềnh của con dốc:

“Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”

Câu thơ cho người đọc hình dung độ cao chót vót đến mức cồn mây  heo hút, xa vắng, đơn độc. Đến độ cao ấy thì súng có thể chạm trời, có thể ngửi thấy mùi trời. Với độ cao ngàn thước lên và xuống như vậy, cho nên khi xuống hết ngàn thước thì  câu thơ toàn vần bằng như một khoảng mở, như một sự sung sướng thở dài khoan khoái  sau khi vượt dốc:

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Câu thơ vang ngân  đọc thật thích mà nghe càng thích. Những hình ảnh thơ đẹp về thiên nhiên và con người Tây Bắc còn thể hiện ở những câu thơ khác. Chẳng hạn:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Có đường nét, có hình ảnh cơm lên khói; có mùi thơm xôi nếp, có hình ảnh  người em gái Mai Châu nấu xôi cho chiến sĩ. Xin nói thêm, mùi xôi nếp Tây Bắc vô cùng ấn tượng. Chẳng thế mà Chế Lan Viên cũng viết : “Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch/ Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương” (Tiếng hát con tàu).

Hoặc hình ảnh này:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Sương, lau, độc mộc, nước lũ là những hình ảnh thân quen đặc biệt Tây Bắc, rất Tây Bắc đẹp và thơ. Người lính Tây Tiến Quang Dũng, người đại đội trưởng Tây Tiến Quang Dũng  tài hoa và mơ mộng đã đưa vào thơ những vẻ đẹp  Tây Bắc.

Nhà thơ Tố Hữu  cũng đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ trong khung cảnh  đèo dốc núi miền Tây:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài in đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo”

(Lên Tây Bắc)

Nhưng những hình ảnh ấn tượng nhất trong thơ Tố Hữu là hình ảnh núi rừng Việt Bắc trong bài thơ Việt Bắc. Còn hình ảnh Tây Bắc là sáng tạo độc đáo, rất riêng của Quang Dũng.

Hình ảnh đẹp và ấn tượng nhất là hình ảnh các chiến sĩ Tây Tiến:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Những chàng trai trong bài Nhớ của Hồng Nguyên hoặc còn chờ độc lập mới lấy vợ, hoặc nhớ người vợ trẻ mòn chân bên cối gạo canh khuya. Còn trong bài Đồng chí  của Chính Hữu thì họ nhớ cô thôn nữ bên “giếng  nước, gốc đa” của làng quê. Các chàng trai Tây Tiến có khác. Họ mơ mộng thiếu nữ Hà Nội “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Ngoài  hình ảnh những chiến sĩ Tây Tiến làm quân thù khiếp sợ, hình ảnh Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, đầy chất thơ, trong bài thơ, tác giả đã dùng những hình ảnh, những cảm giác mới lạ.  Đôi chỗ chỉ có thể, cảm, hiểu mà khó cắt nghĩa rạch ròi như nỗi nhớ  nhớ chơi vơi, hoặc đêm hơi trong MườngLát hoa về trong đêm hơi; hoặc nữa  mùa em thơm nếp xôi trong Mai Châu mùa em thơm nếp xôi; và tiếp nữa là Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Nhà thơ Phan Quế từng bình: “Câu thơ như một tuyệt bút thiên nhiên về sông Mã. Tôi chưa đọc thấy câu thơ nào viết về con sông này hay hơn thế. Âm vang của câu thơ là khí tiết của con sông chiến trận, quả cảm và dũng mãnh trong độc khúc binh lửa của mình mà tạo nên chất hiệp sĩ của tứ thơ” (Đài tưởng niệm thơ Tây Tiến). Trong cảm xúc của Quang Dũng, dòng sông của đất nước, quê hương như cũng xúc động, gầm lên tiễn đưa những người con vinh quang của tổ quốc hi sinh thiêng liêng, bi tráng!

Có thể nói, với bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã khắc tạc nên búc tượng đài bất tử của những người lính vô danh. Bài thơ góp phần làm cho Tây Tiến sống mãi trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ.

  • Kết bài:

Thành công của bài thơ Tây Tiến thể hiện tài năng và phong cách nghệ thuật đặc sắc của Quang Dũng. Mặc dầu có những thăng trầm ở giai đoạn khi mới ra đời nhưng với thời gian bài thơ đã có được vị trí xứng đáng trên thi đàn văn học Việt Nam và trong lòng bạn đọc. Điều đó khẳng định giá trị đích thực của nghệ thuật không gì có thể phủ nhận, sẽ trường tồn với cuộc đời.

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.