Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-bai-tho-voi-vang-cua-xuan-dieu-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu (dưới góc độ thi pháp)

Tiếp cận từ thi pháp, Vội vàng của Xuân Diệu có hai phương diện thể hiện rõ những đặc điểm thẩm mỹ và tư tưởng làm nên giá trị của bài thơ này: Quan niệm nghệ thuật về con người và thời gian nghệ thuật. Đương thời, Xuân Diệu được nhà phê bình văn học Hoài Thanh vinh danh là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới. Cái mới trong thơ Xuân Diệu thể hiện ở nhiều phương diện, trong đó, quan niệm nghệ thuật về con người là một trong những phương diện nổi bật nhất, mà Vội vàng là một trong những thi phẩm tiêu biểu, diễn trình một số nét mới và lạ trong quan niệm nghệ thuật về con người của Xuân Diệu.

Thi phẩm Vội vàng đưa ra một triết lý sống mới, một phương thức hành xử mới của con người. Toàn bộ bài thơ là những kiến giải, lập luận, minh chứng cho quan niệm sống là phải vội vàng, và vì sao phải vội vàng. Tuy nhiên, đó không phải là một triết luận khô khan đơn thuần về lý thuyết, mà được thể hiện trong một thế giới nghệ thuật sống động. Những lập luận và minh chứng của nhà thơ là những hình ảnh thiên nhiên và con người tràn đầy chất thơ. Đặc biệt, với cái nhìn mới đối với vũ trụ, thiên nhiên và vạn vật, Xuân Diệu sáng tạo một thế giới tự nhiên tươi mởn, quyến rũ, đầy sức hấp dẫn người đọc. Đồng thời, ông cũng thể hiện sự chuyển biến của thế giới đó trong xu thế từ non sang già; tươi xanh, hồng thắm sang héo tàn, phôi phai trong những hình ảnh có sức chinh phục sâu sắc đối với người đọc. Cội rễ của quan niệm đó, cái nhìn đó là một trái tim yêu tha thiết và đắm say cuộc đời, khát khao hưởng thụ cuộc sống với những gì đáng được hưởng. Từ đó, Vội vàng đã thực sự mở rộng và nâng cao năng giới thẩm mỹ và đạo đức cho người đọc. Và đó cũng là giá trị nhân văn mới và lạ của Vội vàng.

Quan niệm như thế đã chi phối kết cấu bài thơ phù hợp cho sự diễn trình lập luận vội vàng. Tiếp sau khổ thơ đầu như lời tuyên ngôn về ước muốn có tính chất khái quát là khổ thơ được dùng chủ yếu để mô tả những hương sắc của xuân xanh, xuân hồng, của thời tươi với rất nhiều hình ảnh của thiên nhiên đẹp đẽ, sinh động, hấp dẫn và quyến rũ: ong bướm, tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, ánh sáng chớp hàng mi, buổi sớm, thần vui, ngon, môi gần…

Đến cuối khổ thơ thứ hai, tác giả bắt đầu chuyển giọng điệu từ ngợi ca, say mê sang thảng thốt, âu lo: Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:/ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân. Trong kết cấu của khổ thơ thứ hai cũng đã thể hiện rõ ý đồ nghệ thuật của tác giả. Đó là, không phải toàn bộ khổ thơ được dùng để miêu tả sự sống hấp dẫn, tươi đẹp, mà điều đó chỉ được diễn trình ở phần lớn khúc đầu khổ thơ, còn hai câu cuối bắt đầu có sự chuyển điệu, đổi tình. Trong đó, ngay trong câu Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa, dấu chấm câu (.) được đặt
giữa dòng thơ như dấu hiệu của sự tách rời, thay đổi.

Điều đó được tiếp nối sang khổ thơ thứ ba, tập trung giải thích, lập luận của nhà thơ về lý do vì sao phải vội vàng. Do vậy, nếu trong khổ thơ trước, tác giả hào hứng và sôi nổi bao nhiêu thì ở khổ thơ thư ba này, giọng điệu đầy âu lo, thảng thốt, băn khoăn. Đó cũng là lý do chi phối việc tác giả vận dụng các trường từ ngữ khác nhau để biểu đạt cảm xúc và tư tưởng. Trong khổ thơ thứ hai, ngôn từ mang xúc cảm tự hào trong cách giới thiệu này đây và của mang tính khẳng định quyền sở hữu được điệp đi điệp lại. Nhưng sang khổ thơ thứ ba, ngôn từ mang tính giải
hích, biện luận. Do vậy, nhiều câu thơ có kết cấu theo kiểu câu thơ vắt dòng, các từ ngữ mang tính giải thích như nghĩa là và các câu hỏi tu từ nhằm khẳng định lập luận với từ nghi vấn phải chăng được điệp nhiều lần, kế tiếp nhau.

Đặc biệt, nếu trong khổ thơ thứ hai, các đối tượng miêu tả được nhìn trong dạng thái hiện tồn, hiện hữu thì trong khổ thơ thứ ba, chúng lại được nhìn trong thế lưỡng thể: vừa là cái đang hiện tồn, hiện hữu nhưng cũng vừa là cái đã thay đổi; có khi cái hiện hữu và cái biến đổi cùng tồn tại trong một dạng thể đối tượng miêu tả. Điểm chung trong xu hướng biến đổi của các đối tượng thẩm mỹ là: “Non sang già, còn sang mất”.

Sau khi đã tin chắc lập luận hoàn toàn thuyết phục với những cách cắt nghĩa, với những minh chứng thuyết phục, giọng điệu chuyển sang than vãn thảng thốt, tiếc nuối: Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…, để chuyển tiếp sang lời giục giã: “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”. Từ đó, lời thổ lộ và tuyên bố Ta muốn ôm được đặt trọng vẹn trong một dòng thơ, gia tăng sự mạnh mẽ trong tư tưởng vội vàng. Cũng theo lô gich đó, khổ thơ cuối khẳng định cho khát vọng sống vội vàng trong những ham muốn, khát khao vồ vập, hào hứng, mạnh mẽ, đắm say. Vậy nên, trong khổ thơ cuối này, từ ta được dùng thay cho từ tôi ở khổ thơ đầu, kết hợp ta muốn được điệp lại để khẳng định chủ ý sống vội vàng là sống như thế nào, và để làm gì.

Bình diện thứ hai đáng chú ý trong thi pháp của Vội vàng là thời gian nghệ thuật. Tính luận đề của Vội vàng thấm sâu và xuyên suốt tác phẩm này, từ tiêu đề bài thơ cho đến từng hình ảnh, và đặc biệt trong triết lý nhân sinh và nghệ thuật của Xuân Diệu. Trong đó, cái gốc của vấn đề là tư tưởng và triết lý về thời gian tuyến tính – khác với triết lý và quan niệm thời gian tuần hoàn, hồi cố trong văn học trung đại. Triết lý và quan niệm thời gian tuyến tính trong quan niệm nghệ thuật của Xuân Diệu là kiểu triết lý hiện đại, ảnh hưởng từ triết học và văn chương phương Tây, nhất là của Pháp. Tiêu đề Vội vàng là sự bộc lộ tâm trạng, và toàn bộ bài thơ giải thích vì sao lại vội vàng. Trong khổ thơ đầu, ý muốn tắt nắng đi và buộc gió lại chính là muốn dừng thời gian, vì thời gian trôi chảy chính là nguyên nhân làm tàn phai xuân hồng, thời tươi.

Theo đó, tác giả diễn trình hai trạng thái hệ thống hiện tượng sự vật trái ngược nhau: Cái đẹp hấp dẫn, quyến rũ trong hiện tại, và mất đi, tàn phai, héo úa của cái đang hiện tại một khi thành quá khứ. Hiện tại là tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, khúc tình si, mây đưa gió lượn, cánh bướm tình yêu, mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc thời tươi, xuân hồng…). Hiện tại đó sẽ thành quá khứ trong tương lai với màu nhạt mất, hương bay đi, độ phai tàn sắp sửa, mùa ngả chiều hôm…)

. Điều quan trọng là theo cái nhìn và triết luận của Xuân Diệu, thì chính cái tương lai héo úa, tàn phai…, đã ngầm ẩn ngay trong cái hiện tại tươi xanh mơn mởn này. Nói một cách khác, thời gian nghệ thuật trong Vội vàng không phân kỳ quá khứ – hiện tại – tương lai rõ ràng, mà là thời gian gối đấu, thời gian xâm thực nhau giữa tương lai và hiện tại. Do vậy, hình tượng thời gian của bài thơ giúp người đọc nhận chân hiện thực, mở rộng năng giới mọi giác quan để hưởng thụ những giá trị đáng được hưởng, giúp con người biết quí yêu hơn mỗi giây mỗi phút trong cuộc đời. Đó cũng là đặc điểm nổi bật trong giá trị nhân văn của Vội vàng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.