Phân tích Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-binh-ngo-dai-cao-cua-nguyen-trai-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (dưới góc độ thi pháp)

Bình Ngô đại cáo là bài cáo viết bằng văn ngôn do Nguyễn Trãi soạn thảo vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo về việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến với nhà Minh, khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt. Đây được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam, sau bài Nam quốc sơn hà.

Bình Ngô đại cáo là tác phẩm văn học chức năng hành chính quan trọng không chỉ đối với lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển văn học sử Việt Nam. Trong tác phẩm này, tác giả đã kết hợp một cách uyển chuyển giữa tính chân xác lịch sử với chất sử thi anh hùng ca qua lối văn biền ngẫu mẫu mực của một ngọn bút tài hoa uyên thâm Hán học.

Tiếp cận Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi từ góc độ thi pháp học, ta thấy có hai phương diện khá nổi bật: Một là kết cấu nghệ thuật với các mối quan hệ nhân – quả và tương phản trong hình tượng; hai là ngôn từ nghệ thuật được tổ chức theo chủ đề tư tưởng.

Thứ nhất, về kết cấu nghệ thuật, hai mối quan hệ cơ bản nhân – quả và tương phản là những nét nổi bật trong hình tượng, mang đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mỹ đặc biệt.

Quan hệ nhân – quả được xây dựng và triển khai trong suốt cả tác phẩm Đại cáo bình Ngô. Ngay ở câu mở đầu, tính chân lý được khẳng định như một định đề, tính nhân – quả đã được thể hiện:

Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Trong câu này, vế trước là nhân, vế sau là quả theo kiểu vì – nên. Các phần tiếp theo cũng được triển khai trong quan hệ nhân – quả: Vì nước Đại Việt có nền văn hiến, có chủ quyền về cương vực và lãnh thổ, có văn hóa riêng nên luôn xây dựng thành công các triều đại hùng mạnh, độc lập. Tiếp theo, là nhân – quả giữa việc họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận, nên quân cuồng Minh thừa cơ gây họa xâm lược nước ta; là nhân – quả giữa việc vì giặc Minh cuồng bạo, dã man nên thất bại; quân dân ta đoàn kết, khắc phục gian nan, Đem đại nghĩa thắng hung tàn./ Lấy chí nhân thay cường bạo nên đã chiến thắng.

Quan hệ tương phản thể hiện ở đặc điểm, tính chất trong cái nhìn và được thể hiện qua sự đối sánh giữa quân ta và quân cuồng Minh xâm lược. Sự tương phản và trái ngược được thể hiện ở nhiều phương diện:

Một là, tương phản về mục đích, ý nghĩa việc tham gia chiến tranh của mỗi bên. Giặc Minh đến nước ta đã gây nên cuộc chiến tranh phi nghĩa. Mặc dù chúng lấy cớ sang nước ta là phù Trần diệt Hồ, nhưng thực chất là xâm lược:

Vừa rồi, nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
Để trong nước lòng dân oán hận.
Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa,
Bọn gian tà bán nước cầu vinh.

Còn chúng ta thực hiện cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc, nhân dân:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Hai là tương phản về hành vi của hai phe trong cuộc chiến: Giặc Minh cuồng bạo, dã man, độc ác, tham lam:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế,
Gây binh kết oán trải hai mươi năm.
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi…

Quân dân ta chiến đấu vì nhân nghĩa, trung thành và thủy chung với truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và giải phóng nhân dân:

Ngẫm thù lớn há đội trời chung,
Căm giặc nước thề không cùng sống (…).
Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về đông;
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.

Giặc Minh không chỉ tàn độc, dùng sức mạnh bạo lực mà còn ngoan cố:

Tưởng chúng biết lẽ ăn năn, nên đã thay lòng đổi dạ;
Ngờ đâu vẫn đương mưu tính, lại còn chuốc tội gây oan.

Quân và dân ta chiến đấu với triết lý và phương châm, chiến lược là “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Ba là tương phản về chung cục của chiến tranh. Quân cuồng Minh thua trận như là một lẽ tất yếu, hậu quả của bạo lực, tàn ác, dã tâm trước sức mạnh đoàn kết quân dân, sức mạnh nhân nghĩa của Việt Nam, chiến lược và chiến thuật cũng như phép dụng binh tài tình của những người lãnh đạo cuộc kháng chiến yêu nước chính nghĩa. Trong tình thế thua cuộc, quân cuồng Minh xuất hiện bằng những hình ảnh nhục nhã: ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc, về đến nước mà vẫn tim đập chân run. Ngược lại, chúng ta đã ứng xử nhân văn, không những không trừng trị những kẻ xâm lược bại trận mà còn cung cấp phương tiện, điều kiện để họ về nước, nhằm giữ quan hệ bang giao, hòa hiếu. Đồng thời chọn phương kế vì dân, nên Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.

Một phương diện khác trong kết cấu Bình Ngô đại cáo là hình tượng quân và dân ta được xây dựng theo tuyến của lộ trình trong các giai đoạn kháng chiến: lý do kháng chiến, mục đích kháng chiến, thời mới dấy binh khó khăn, những giai đoạn chiến thắng với những chiến công liên tiếp và vang dội, chiến thắng hoàn toàn, đất nước độc lập, thanh bình. Đặc điểm này trong kết cấu nghệ thuật của tác phẩm đã làm bật lên được hình ảnh con người Việt Nam qua các phương diện về bản lĩnh dân tộc, tư tưởng yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đoàn kết, niềm tự hào chiến thắng và ứng xử nhân đạo vì hòa bình, vì nhân dân.

Thứ hai, nghệ thuật tổ chức ngôn từ theo chủ đề tư tưởng trong Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi tạo nên tính thống nhất cao về tư tưởng và nghệ thuật của áng thiên cổ hùng văn này. Lý do ra đời của Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi là sau khi cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nhân dân ta thắng lợi vẻ vang, Nguyễn Trãi thừa lệnh
Lê Lợi viết tác phẩm này để bá cáo cho toàn dân biết cuộc kháng chiến đã thành công, đất nước hòa bình. Với nhiệt tâm và thiên tài nghệ thuật của mình, Nguyễn Trãi đã viết nên khúc ca khải hoàn bất tử làm bật lên nhiều giá trị tinh thần, tư tưởng cao đẹp, nhất là sức mạnh, bản lĩnh Việt Nam, nhân nghĩa Việt Nam. Đại cáo bình Ngô là một trong những đỉnh cao chói lọi của văn học Việt Nam, một sự hài kết tuyệt vời giữa thể văn chính luận và nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật ngôn từ là một trong những giá trị to lớn góp phần làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của tác
phẩm này.

Theo đó, các trường ngôn từ được xây dựng theo chủ đề: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Theo đó, vì mục tiêu của nhân nghĩa là để yên dân, nên toàn bộ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đều được nhìn theo hệ tham chiếu hướng đến mục tiêu ấy. Ngôn từ được xây dựng trong trường ngôn ngữ xoay xung quanh trục tư tưởng đó. Do vậy, dù rằng mở đầu tác phẩm, tác giả nêu chân lý mang tính khách quan bằng cách dùng cụm từ từng nghe (chân lý hiển nhiên đã có từ trước) nhưng trong thực tế, các nội dung nhân nghĩa được triển khai là mới mẻ so với nội dung khái niệm này của Nho giáo. Nhân nghĩa của

Nguyễn Trãi là lấy dân làm tiêu chí đánh giá, hướng đến dân là mục tiêu. Từ đó, việc khẳng định nền văn hóa của Đại Việt: “Như nước Đại Việt ta từ trước,/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,/ Núi sông bờ cõi đã chia,/ Phong tục Bắc Nam cũng khác” là cũng xuất phát từ những giá trị bất tử trong nền văn hiến Đại Việt thuộc về nhân dân. Phục vụ cho chủ đề đó, trường ngôn từ lấy dân làm cốt lõi được xây dựng trong các hình tượng của tác phẩm: tội của nhà Hồ là chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận; tội của giặc Minh là gây họa, nướng dân đen, vùi con đỏ, dối trời lừa dân, bại nhân nghĩa…, ai bảo thần dân chịu được (cũng là hại nhân dân, vì việc nhân nghĩa cốt ở yên dân).

Đội “Quân điếu phạt” được tả, thuật và bình trong cả quá trình, từ khi mới dấy binh, hành trình gian khổ, trưởng thành và chiến thắng. Tập hợp ngôn từ theo sát từng sự kiện, sự việc quan trọng và mang tính xác thực cụ thể. Tuy nhiên, tất cả cũng đều lấy yên dân làm mục tiêu, nên “Đem đại nghĩa thắng hung tàn,/ Lấy chí nhân thay cường bạo”. Việc lên án tội ác của giặc, cũng như hoạt động chiến đấu đánh giặc và ứng xử với kẻ thù dân tộc một khi chúng đã thua cuộc cũng từ tiêu chí vì dân: “Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng,/ Ta lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức”.

Quân giặc đã “tham sống sợ chết”, ta cũng chẳng cạn tình. Quan điểm “dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo” của Nguyễn Trãi chính được biểu hiện ở đây. Theo ông, binh đao khói lửa chỉ là chuyện bất đắc dĩ, vì làm hao tổn sinh mạng, ông luôn mưu phạt tâm công, dùng áng văn chính luận có sức mạnh hơn 10 binh để tránh đổ máu mà thu phục được lòng người. Với quân tướng bại trận của giặc, ông đã tha bổng và giúp cho về nước, không giết hại: thể lòng trời, ta mở đường hiếu sinh để giữ vẹn hoà hiếu. Ta thấy Nguyễn Trãi quả là một con người nhân nghĩa, với tấm lòng nhân hậu, bác ái và thanh cao tuyệt vời!

Bài cáo kết thúc. Câu văn chuyển sang nhịp khoan thai, dàn trải, trang trọng. Giọng văn hiền hoà tươi vui:

Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới.

Nhưng niềm vui không ồn ào. Tác giả hiểu hơn ai hết cái giá đắt của chiến thắng, và cái ơn rất sâu của đồng bào và của trời đất tổ tông thiêng liêng đã đồng lòng giúp đỡ. Từ đây dân tộc bước vào một thời đại mới. Độc lập, tự do và sự yên bình lại trở về trên mỗi miền quê. Đoạn văn dựa vào những quy luật tất yếu của tự nhiên mà khái quát thành những điều tất yếu trong xã hội. Xã hội phải đối diện với “những sự đổi thay” nhưng cũng như càn khôn “bĩ rồi lại thái”, như nhật nguyệt “hối rồi lại minh”. Và dường như cũng chỉ có như vậy ta mới thấu hết được cái ý nghĩa của hình ảnh đất nước trong gian lao, và mới hiểu thế nào là “muôn thuở nền thái bình vững chắc”. Đất nước đã thanh bình, hình ảnh đất nước trong tương lai vững vàng và tươi sáng: “Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn”.

Bài cáo còn viết với nghệ thuật xuất sắc: lời văn biền ngẫu hùng tráng, hơi văn cuồn cuộn như bão giông, như sóng lớn, từ ngữ sắc bén như những nhát dao chém thẳng vào quân xâm lược, phép đối kết hợp với cấu trúc câu của loại phú cận thể tạo nên tiết tấu mạnh mẽ thể hiện được tất cả các cảm xúc hào sảng bừng bừng trong huyết quản của tác giả ngay trong những ngày nghĩa quân Lam Sơn thắng trận giòn giã. Bài cáo đã ghi lại một thời kì đau thương mà oanh liệt của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Minh với những chiến thuật hết sức đúng đắn và sáng tạo đã đem lại những trận đánh long trời lở đất làm cho quân thù phải khiếp sợ, đẩy chúng đến sự thất bại toàn diện và nhục nhã. Bình Ngô đại cáo xứng đáng là “thiên cổ hùng văn”, là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước nhà.

Tóm lại, tác phẩm Bình Ngô đại cáo tràn ngập nguồn cảm hứng trữ tình và mang tính chất hào hùng hiếm có. Chính vì vậy, đoạn trích có giá trị rất sâu sắc đối với nước ta, khẳng định nhân dân ta có tinh thần nhân nghĩa và nền độc lập riêng của mình. Đoạn thơ giúp ta hiểu rõ chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc cũng như lịch sử đấu tranh hào hùng của cha ông ta ngày trước, qua đó bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào tự tôn dân tộc, quyết tâm xây dựng, bảo vệ và củng cố độc lập chủ quyền nước nhà.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.