Phân tích cái tôi trữ tình và cái tôi sử thi trong thơ Cách mạng (1945-1975) qua một vài tác phẩm đã học

phan-tich-cai-toi-su-thi-trong-tho-cach-mang-1945-1975

Phân tích cái tôi trữ tình và cái tôi sử thi trong thơ Cách mạng (1945-1975) qua một vài tác phẩm đã học

Bước sang giai đoạn 1945 – 1975, các nhà thơ tuyên bố rời bỏ cái “tôi” cá nhân, cái tôi riêng tư để hòa vào trong cái chung: “Phá tan cô đơn để hòa nhập với người” (Chế Lan Viên), hình thành nên cái “tôi” sử thi. “Tôi cùng xương cùng thịt với nhân dân tôi” (Xuân Diệu). Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của giai đoạn này, cái tôi cá nhân quả là nhỏ bé, yếu đuối vô nghĩa nếu như nó không theo sát đời sống của dân tộc. Giai đoạn này dường như không có nhà thơ nào đứng ngoài lề lịch sử mà đều hòa chung vào dòng thác lịch sử luôn lao về một hướng. Độc lập, tự do gạt bỏ những dòng chảy riêng tư, lạc điệu. Những toan tính cá nhân trở nên tầm thường, nhỏ bé trước cuộc sống vĩ đại và lớn lao của dân tộc. Con người kháng chiến sống với những biến cố dữ dội, những sự kiện lịch sử, những rung động mạnh mẽ và mới lạ, họ chỉ thực sự tìm được niềm vui và niềm tin tưởng trong đội ngũ đông đảo của tập thể, của giai cấp, của dân tộc.

Cái tôi trữ tình.

Thơ kháng chiến giai đoạn 1946 – 1954, đã sáng tạo hình ảnh cái tôi trữ tình quần chúng và đó là dạng thức phổ biến và tiêu biểu nhất của trong thơ giai đoạn này. Tiếng nói trữ tình là sự tự biểu hiện của quần chúng được chắt lọc. Để nói được tiếng nói, tâm tình, ý nghĩ của quần chúng, các nhà thơ đã tìm đến phương thức trữ tình nhập vai quần chúng. Đó là cách mà Tố Hữu sử dụng rất thành công trong “Phá Đường”, “Bầm ơi”, Hồng Nguyên trong “Nhớ”, Hoàng Trung Thông trong “Bài ca vỡ đất”. Vì vậy trong thơ giai đoạn này ta thường bắt gặp hình tượng trữ tình quần chúng được thể hiện từ điểm nhìn, giọng điệu, ngôn ngữ, cảm xúc của chính những nhân vật quần chúng. Cái tôi trữ tình đã có ý thức chính trị, ý thức về vai trò và sức mạnh của tầng lớp của thế hệ mình. Không ít bài thơ mở đầu bằng cách xưng danh, tự giới thiệu của nhân vật quần chúng với lòng tự hào, tự tin mà trước đây chưa thể có:

“Em là con gái Bắc Giang
Rét thì mặc rét nước làng em lo”

(Tố Hữu – Phá Đường)

“Chúng ta đoàn áo vải
Sống cuộc đời rừng núi bấy nay”

(Hoàng Trung Thông – Bài ca vỡ đất)

Cái tôi quần chúng xuất hiện với những tình cảm mới cùng với những mối quan hệ giàu ý nghĩa: tình yêu quê hương đất nước, tình đồng bào, tình quân dân. Hướng vận động của cái tôi trữ tình giai đoạn này là hướng vận động của tâm trạng, cảm xúc từ tôi đến ta, từ mình hướng đến những người khác, mỗi cá nhân hướng tới và thực sự hòa hợp trong cộng đồng, tầng lớp, giai cấp, dân tộc. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận ở giai đoạn này khi cái tôi cá nhân phải hòa tan trong cái chung của cuộc đời thì tiếng nói riêng, phong cách cá nhân trong nghệ thuật chưa được coi trọng và chưa thể có điều kiện để phát triển.

Cái tôi trữ tình của thơ ca giai đoạn 10 năm sau kháng chiến chống Pháp đã trở về với cái tôi riêng tư, cùng với nó là những xu thế trữ tình hướng nội đã tăng lên. Vẫn chủ yếu đề cập đến những vấn đề và tình cảm ý nghĩa chung như khẳng định cuộc sống mới, tình cảm với miền Nam và khát vọng, ý chí thống nhất đất nước. Nhưng trong nhiều trường hợp, các tác giả đã đề cập và tiếp cận, cảm nhận cái chung ấy từ những cách nhìn, sự trải nghiệm hay kỉ niệm, ấn tượng của riêng mình.

Tình yêu quê hương đất nước trong thơ Tế Hanh gắn liền với tình yêu quê hương của chính tác giả. Cái làng quê nghèo ở một cù lao trên sông Trà Bồng đã nuôi dưỡng tâm hồn Tế Hanh, đã trở thành nguồn cảm xúc vô tận để ông viết nên những vần thơ tha thiết, lai láng như “Nhớ con sông quê hương”, “Quê hương”, “Trở lại con sông quê hương”. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung – Quãng Ngãi, một vùng đất cằn cỗi, quanh năm chỉ có gió và cát, một vùng quê nghèo, do hoàn cảnh bắt buộc, ông rời xa quê hương từ thuở thiếu thời.

Trong thời gian xa quê ông viết rất nhiều tác phẩm, chủ yếu là về quê hương, bằng tất cả những tình yêu, nỗi nhớ của mình. Trong đó có nói con sông quê mà ông đã từng gắn bó. Đọng lại trong tâm trí bạn đọc khi đến với Nhớ con sông quê hương là những kỉ niệm đẹp của một thời thơ ấu của chủ thể trữ tình đã tạo nên dòng cảm xúc dào dạt, thiết tha như đang hướng về cội nguồn:

“Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bẩy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi đưa tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ”.

(Nhớ con sông quê hương)

Cái tôi trữ tình trong “Núi đôi” của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam đều xuất phát từ những kỉ niệm tình yêu cá nhân trong cuộc đời của chủ thể trữ tình để hướng đến những tình cảm cao đẹp, thiêng liêng gắn liền với tình yêu Tổ quốc:

“Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ.
Oán thù còn đó, anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này!

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”.

(Núi Đôi – Vũ Cao) 

“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao “

“Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi…
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi”

(Quê hương – Giang Nam)

Cái tôi trữ tình trong “Tiếng gà trưa” của nhà thơ Xuân Quỳnh, trên con đường hành quân vất vả nghe tiếng gà trưa lại sống về với những kí ức tuổi thơ với:

“Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái tơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng”

Quê hương gắn với hình ảnh người bà thân thương, hiền hậu.

Cái tôi trữ tình sử thi.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, cái tôi trữ tình của thơ Việt giai đoạn 1945-1975 chủ yếu là cái tôi trữ tình sử thi bởi nội dung của văn học giai đoạn này là nội dung lịch sử, dân tộc. Sử thi là một khái niệm dùng để chỉ đặc điểm của một thể loại hoặc một loại hình nội dung văn học thường xuất hiện trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Nhân vật trung tâm của nó thường là những con người đại diện cho giai cấp dân tộc với tính cách dường như kết tinh đầy đủ cho phẩm chất cao quý của cộng đồng. Cái tôi sử thi xuất hiện với tư cách con người công dân – chiến sĩ mang cảm hứng lịch sử thời đại. Cái tôi sử thi thường xuất hiện với tâm thế trữ tình cao rộng, với tư cách phát ngôn cho cả dân tộc, đất nước, nhân dân. Cái tôi sử thi đại diện cho tiếng nói dân tộc, lương tri của nhân dân để lên án, kết tội kẻ thù:

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

“Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô, nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn, lưỡi dài lê sắc máu”

(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

Cái tôi sử thi đứng ở đỉnh cao của thời đại để bao quát cả không gian và thời gian, lịch sử và hiện tại, dân tộc và nhân loại, quá khứ và tương lai để nhìn nhận, suy ngẫm và dự đoán về một vấn đề hệ trọng của dân tộc, lịch sử.

“Chào 61! Ðỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu”

(Bài ca mùa xuân 61- Tố Hữu).

Cái tôi sử thi luôn mang những vẻ đẹp tiêu biểu đại diện cho vẻ đẹp lí tưởng của cộng đồng, dân tộc: ý thức cao độ về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm trước nhiệm vụ lịch sử trước đất nước, tình yêu tổ quốc, tinh thần đoàn kết giai cấp, niềm lạc quan tin tưởng vào ngày mai tươi sáng… Đặc biệt khi hướng tới tình yêu đôi lứa, cái tôi sử thi luôn tìm thấy được sự tương đồng với tình yêu Tổ quốc. Không có cái buồn sầu, bi lụy của con người trong tình yêu như giai đoạn trước cách mạng, không có khát vọng hưởng thụ trong tình yêu như trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932-1945, tình yêu của thơ ca giai đoạn 1945-1975 hòa vào tình yêu Tổ quốc, gắn liền với những nhiệm vụ chung:

“Anh yêu em như yêu đất nước
Vất vả gian lao trong sáng vô ngần”

(Đất nước – nguyễn Đình Thi)

Chế Lan Viên tin tưởng vào cuộc sống mới trên những vùng đất xa xôi của Tổ quốc, những vùng đất vẫn còn mang những vết thương mà chiến tranh để lại với những con người vừa bước ra khỏi cuộc chiến như những người hùng trong “Tiếng hát con tàu”.

“Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

Cái tôi sử thi luôn hướng tới một tương lai tươi đẹp. Sự sống dù có trải trên nền bom đạn hủy diệt vẫn đượm màu hồng, màu xanh tươi mát, non tơ, vẫy gọi, hồn nhiên, sinh sôi, nảy nở, biểu hiện sự bất diệt của tinh thần và tư thế không thay đổi của con người. Với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khắc họa hình tượng người lính lái xe với nhưng vết chạm trổ gân guốc, đầy ấn tượng:

“Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi” 

Trên nền của mưa bom bão đạn, những tiểu đội xe thành tiểu đội xe không kính: “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”, nhưng con người thì vẫn lạc quan, trẻ trung:

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cái tôi đời tư thế sự trong thơ sau 1975 đến hết thế kỉ XX - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.