Phân tích tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai qua cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của ông khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

phan-tich-cuoc-dau-tranh-noi-tam-gay-gat-cua-nhan-vat-ong-hai-trong-truyen-ngan-lang-cua-kim-lan-13164-2

Cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng.

  • Mở bài:

Sinh ra và lớn lên ở làng Phù Lưu thuộc tỉnh Bắc Ninh, một làng quê đẹp, thơ mộng, vốn nổi tiếng giàu truyền thống văn hoá, nên ngay từ thuở thiếu thời nhà văn Kim Lân đã rất yêu và am hiểu sâu sắc về làng quê của mình. Trước và sau Cách mạng tháng Tám, ông đã có rất nhiều bài viết đặc sắc về làng quê và cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Trong số đó, ta có thể kể đến tác phẩm Làng, một truyện ngắn đặc sắc được ông sáng tác trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nổi bậc lên trong tác phẩm là tấm lòng yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai đã được khẳng định rõ ràng qua cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của nhân vật ông Hai sau khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.

  • Thân bài

Truyện ngắn Làng khai thác một tình cảm lớn, bao trùm và phổ biến trong mỗi con người Việt Nam thời kháng chiến đó là tình yêu làng, yêu nước, yêu cách mạng. Đó là một tình cảm mang tính cộng đồng ai cũng có những sự thành công của Kim Lân là đã diễn tả một cách sinh động, sâu sắc tình cảm chúng ấy trong một con người cụ thể, đó là nhân vật ông Hai.

Trước hết, nổi bật ở ông Hai là tình cảm yêu làng nồng nàn tha thiết, gắn bó máu thịt với mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên. Ông luôn tự hào về làng quê của mình. Đi đâu, gặp ai ông cũng khoe về làng của ông mà không biết chán, biết mệt. Ông tự hào vì làng chợ Dầu của ông là một trong những làng sầm uất nhất tỉnh. Con đường làng toàn lát đá xanh, dù trời mưa bùn cũng không dính gót. Mùa khô, phơi thóc, phơi rơm tốt thượng hạng. Phòng thông tin rộng rãi và sáng sủa nhất vùng.. Đài phát thanh cao bằng ngọn tre

Những gì ông Hai tự hào về làng quê của mình đối với người khác có thể họ sẽ thấy tầm thường vụn văt, không có gì đáng để tự hào nhưng đối với ông Hai, ông lại tự hào về tất cả những thứ đó bởi ông mang trong mình một tình yêu làng nồng nàn tha thiết. Đối với ông cái gì của làng cũng đẹp, cũng hay, cũng đáng để tự hào, ca ngợi.

Yêu làng một cách mãnh liệt, đôi lúc ông có những hành động, suy nghĩ lệch lạc, thái quá. Ông vẫn luôn tự hào về cái sinh phần của viên quan tổng đốc trong làng. Nó to lớn bề thế mà không có một làng nào có được. Ông đã từng dẫn một người bà con xa đến xem để mà ca ngợi, khâm phục. Mãi sau ông mới hiểu ra rằng cái sinh phần ấy để có được nó là biết bao mồ hôi, công sức và xương máu của người dân trong làng. Nó đã gây ra đau khổ cho làng ông và bản thân ông mà ông không hề hay biết.

Từ hồi tản cư, sống trong không khí kháng chiến, tình yêu làng trong ông Hai bắt đầu có sự thay đổi, chuyển biến. Yêu làng, nhưng ông không còn tự hào về những cái tầm thường, vụn vặt ấy nữa mà thay vào đó là niềm tự hào lớn lao về cái tinh thần kháng chiến của người làng chợ Dầu. Giờ đây ông tự hào cái làng ông đã trở thành một làng kháng chiến, cũng góp sức mình vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc.

Người làng chợ Dầu tinh thần dữ lắm. Ông vẫn còn nhớ như in ở làng ông trong những ngày kháng chiến không khi rất sôi nổi tươi vui, nào đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá; ngay cả những cụ già râu tóc bạc phơ cũng vác gậy tập một, hai. Chao ôi, độ ấy sao mà vui thế, ông thấy mình dường như trẻ lại, cũng đào đường đắp ụ, hát hỏng, bong phèn suốt cả ngày cùng anh em trai tráng trong làng mà không biết mệt, biết chán.

Chính vì vậy mà ta chợt hiểu vì sao trong những ngày xa làng đi tản cư, xa rời bầu không khí tươi vui ấy, ông Hai cảm thấy buồn bã, bứt rứt, ông nhớ quay quắt cái làng quê của mình. Cho nên sau mỗi buổi tối, khi cơm nước xong xuôi, ông liền chạy sang nhà bác Thứ, kể lể chuyện làng mình cho khuây khoả nỗi nhớ.

Tình yêu nước, yêu kháng chiến, yêu cách mạng thể hiện ngay trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Ở nơi tản cư, xa làng, xa anh em đồng chí, ông Hai lo lắng cho tình hình cách mạng. Ngày ngày ra phòng thông tin nghe ngóng tin tức. Từ tin tức nghe được, tinh thần kháng chiến của nhân dân bồi dưỡng thêm tình yêu làng, yêu nước ở ông hai. Ông khâm phục những hành động vô cùng dũng cảm của những con người sẵn sàng hi sinh bản thân mình vì nhân dân, đất nước. Đó là hình ảnh “một em nhỏ trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kì lên Tháp Rùa”, là sự hi sinh anh dũng của “một anh đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc”. Ông hả hê trước những thất bại của kẻ thù. Cứ mỗi lần nghe thấy ở đâu quân ta thắng lớn, giặc thua to thì “ruột gan ông cứ múa cả lên.”

Yêu nước ông tin tưởng vào tương lai tiền đồ của đất nước, tin tưởng vào lãnh tụ. Ông tin rằng chẳng mấy chốc thằng Tây sẽ cút khỏi đất nước của mình, người dân lại được sống lại những tháng ngày hoà bình êm ấm. Nhưng có lẽ tình yêu làng, yêu nước yêu kháng chiến nồng nàn tha thiết của ông Hai thể hiện rõ ràng nhất là khi ông nghe tin làng chợ Dầu của mình theo giặc, trong ông đã diễn ra một cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt, kịch liệt.

Qua lời nói chuyện của người đàn bà vừa ở dưới quê mới lên, cái tin làng chợ Dầu theo giặc nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Ông hai như chết lặng khi nghe cái tin dữ ấy. Bao nhiêu nỗi vui mừng hân hoan phần khởi ban nãy dường như tan biến mà thay vào đó là tâm trạng buồn bã, đau đớn, nhục nhã.

Cái tin làng chợ Dầu theo giặc đến một cách bất ngờ đột ngột quá khiến ông không khỏi bàng hoàng, sửng sốt, không nói được một lời nào, có cái gì đó đau đớn, tức tưởi, nhục nhã, xấu hổ. Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Đến khi bình tĩnh trở lại, không tin điều đó là sự thật ông hỏi đi hỏi lại người đàn bà kia nhưng bà ta cứ đinh ninh khẳng định mình “vừa ở dưới ấy lên” thì làm sao mà lầm được. Với lại bà ta kể lại rành rọt quá nào là Tây vào làng, chúng nó bảo nhau vác cờ thần ra hoan hô, nào là thằng chánh Bệu,..toàn những người làng cả làm sao mà không tin cho được.

Lúc về đến nhà ông “nằm vật ra giường”, “nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Ông xót xa khi nghĩ đến một ngày con mình sẽ bị người ta coi thường, rẻ rúng, hắt hủi vì là trẻ con làng Việt gian bán nước. Xấu hổ nhục nhã biết chừng nào. Nó chỉ mới có mấy tuổi đầu nào có tội tình gì! Càng thương con ông càng căm ghét những kẻ Việt gian bán nước trong làng. Chúng ăn cái giống chi mà không biết suy nghĩ thiệt hơn lại đi làm cái chuyện phản dân hại nước để rồi gây ra biết bao đau khổ, nhục nhã cho ông và cho biết bao người dân vô tội trong làng.

Ông lo lắng không biết cuộc sống của cả gia đình mình rồi đây sẽ ra sao. Những suy nghĩ cứ luẩn quẩn trong đầu óc: “Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước”. Đau đớn, buồn bã, đêm đến ông cứ thao thức trằn trọc không ngủ được. Hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài ngao ngán.

Rồi suốt mấy ngày sau đó, ông cứ quanh quẩn ru rú trong nhà chẳng dám nhìn mặt ai. Thấy một đám đông túm lại ông cũng để ý, chột dạ vì nghĩ rằng người ta đang bàn tán đến chuyện ấy. Lúc nào ông cũng nơm nớp lo sợ. Rõ khổ, nếu ông không yêu cái làng của mình một cách nông nàn chân thành tha thiết thì có lẽ ông đã không phải khổ sở đến thế.

Khi mụ chủ nhà nghe phong phanh làng chợ Dầu theo giặc và có ý không muốn cho vợ chồng ông ở lại nhà mình nữa, ông cũng không phiền hà trách giận bởi ông biết: không chỉ riêng ở cái đất Thắng này mà ở đâu có người chợ Dầu, người ta cũng sẽ đuổi như đuổi hủi. Và dẫu cho có chính sách của cụ Hồ, người ta chẳng đuổi đi chăng nữa thì mình cũng chẳng còn mặt mũi nào đi đến đâu. Đến lúc ấy thì quả thật là tuyệt đường sinh sống.

Bị đẩy đến bước đường cùng, không còn cách nào khác ông đã từng nghĩ đến việc trở về làng. Nhưng khi ý nghĩ đó vừa loé lên thì ông lão đã vội gạt đi: “Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến bỏ cụ Hồ”. Thì ra cái lý do khiến ông lão băn khoăn lưỡng lự không muốn trở về làng chính là chỗ ấy “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”, là quay lưng lại với đồng bào, đồng chí nhân dân, cam tâm làm tay sai cho kẻ thù, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Ta nghe đâu đây tiếng nói của ông Hai đầy đau đớn, tức tưởi nhưng cũng rõ ràng, dứt khoát: “Không làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.

Kim Lân đã để cho nhân vật của mình trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng vô cùng quyết liệt để rồi cuối cùng đi đến một quyết định vô cùng khó khăn, đau đớn. Đó là phải từ bỏ làng quê của mình để một lòng một dạ thuỷ chung với cách mạng, với Bác Hồ. Đối với ông Hai và biết bao người dân quê ngày đó làng là nơi rất đổi thiêng liêng, là mảnh đất nơi ta đã sinh ra và lớn lên chất chứa bao kỉ niệm, là nguồn cội tổ tiên, gia đình, quê hương bản quán mà tưởng chừng như suốt cuộc đời không thể nào từ bỏ được. Vậy mà cuối cùng con người cũng phải đành đoạn từ bỏ nó. Chính cái quyết định đầy đau đớn ấy đã nói lên rằng trong trái tim của mỗi người nông dân ngày đó.

Ngoài tình yêu làng họ còn có một tình yêu khác lớn lao hơn, mãnh liệt hơn đó là tình yêu đất nước, yêu kháng chiến. Vì đất nước, họ sẵn sàng từ bỏ những gì minh yêu quý mà không hề tiếc nuối. Kim Lân đã kịp thời phát hiện, trân trọng và ngợi ca những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Ở họ, tình yêu làng hòa quyện trong tình yêu đất nước. Vì tổ quốc thiêng liêng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, họ có thể từ bỏ tất cả.

Cái hay của nhà văn Kim Lân không chỉ dừng lại ở đó. Ông miêu tả cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của nhân vật ông Hai một cách thật sâu sắc kể từ khi quyết định bỏ làng của mình. Từ sau khi quyết định từ bỏ làng quê của mình, buồn bã quá không biết tâm sự cùng ai, ngày ngày ôm thằng con Út vào lòng trò chuyện cùng nó. Có thể nói, khi nghe tin làng theo giặc, ông Hai rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng khi nghĩ tới tương lai.

Để vợi bớt nỗi đau đớn, dằn vặt trong lòng và yên tâm về quyết định của mình, ông Hai tâm sự với đứa con trai út (thằng Húc). Qua lời tâm sự với con, ông Hai bày tỏ tình yêu sâu nặng với làng Chợ Dầu (nhà ta ở làng Chợ Dầu), bày tỏ tấm lòng thủy chung son, sắt với kháng chiến, với Cụ Hồ (chết thì chết có bao giờ dám đơn sai), một lòng sống vì đất nước (làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù). Dù cái tin làng chợ Dầu theo giặc cứ chồng chéo đan xen trong lòng ông lão nhưng trong ông vẫn cháy lên một niềm tin tưởng sắt đá, tin tưởng vào Cụ Hồ, tin tưởng vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Niềm tin ấy đã phần nào giúp ông có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn này.

Ở nhân vật ông Hai, tình yêu làng thống nhất, hòa quyện trong tình yêu nước. Từ tình yêu làng, yêu nước tự nhiên, thiết tha (tình yêu làng, yêu nước tự phát), chuyển biến lên thành tình yêu làng, yêu nước sâu đậm nhờ sự soi rọi của lý tưởng cách mạng (tình yêu làng, yêu nước tự giác, có ý thức). Tình yêu nước, lợi ích của đất nước được đặt cao hơn tình làng và lợi ích của cá nhân ông Hai. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại cách mạng. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp sớm giác ngộ và đứng về phía cách mạng.

Qua những lời nói đầy cảm động, thiết tha và nội tâm mãnh liệt, tác phẩm khẳng định mạnh mẽ tinh thần yêu kháng chiến, yêu cách mạng, yêu lãnh tụ của nhân vật ông Hai. Ông hỏi con cũng là tự hỏi mình. Câu trả lời của con cũng chính là câu trả lời của chính lòng ông đó thôi.

Nhưng rồi cái tin làng chợ Dầu theo giặc chỉ là một tin đồn thất thiệt. Thế là sau bao ngày tháng đau khổ giờ đây “cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên”. Ông đi khắp nơi cải chính với mọi người cái tin làng chợ Dầu theo giặc, nào là Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa…cho biết…cái tin làng chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Ra láo. Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả.”. Đi đến đâu ông lão cũng bô bô như thế.

Có một điều thật lạ, Tây nó đốt nhà ông rồi. Mai mốt trở về lấy gì mà làm ăn sinh sống? Cả một đời lao động nhọc nhằn vất vả, tích cóp dành dụm mới có được mái nhà để dung thân, bây giờ Tây đốt nhẵn có, gia tài sản nghiệp tan thành mây khói . Nhưng ông lão vẫn cứ cười một cách sung sướng. Ông nào có tiếc nuối về cái nhà của mình, cái ông quan tâm đó là làng chờ Dầu không theo giặc. Từ đây, ông có thể ngẩng cao đầu mà sống, ông lại có thể tiếp tục khoe khoang làng của mình còn chuyện nhà mình có bị Tây nó đốt cũng chẳng sao, ông chẳng hề bận tâm lo lắng.

Chính chi tiết này một lần nữa nhà văn Kim Lân đã cho thấy tình yêu làng yêu nước nồng nàn của ông Hai nói riêng và của những người nông dân ngày đó nói chung. Yêu làng yêu nước con người có thể hi sinh những quyền lời của cá nhân mình mà không hề tiếc nối. Chính tình yêu làng yêu nước chân thành thắm thiết ấu đã biến thành sức mạnh giúp cho bao người nông dân ngày đó sẵn sàng xả thân mình để bảo vệ đất nước. Chính họ với những tình cảm cao đẹp chất phác đó đã biến họ thành những người anh hùng của thời đại, chính họ đã làm ra đất nước.

Làng được coi là một trong những truyện ngắn rất đặc sắc và tiêu biểu của Kim Lân về đề tài người nông dân sau cách mạng tháng Tám. Có thể nói, qua truyện ngắn này, với nhân vật ông Hai, ông đã khắc hoá thành công hình tượng một người nông dân giàu lòng yêu làng, yêu nước yêu cách mạnh với những diễn biến nội tâm vô cùng cụ thể, sinh động và mãnh liệt. Từ niềm vui mừng hân hoan trước những thắng lợi của quân ta và sự thất bại thảm hại của quân thù, cho đến nỗi xẩu hổ nhục ngã khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, từ thái độ căm ghét, giận dữ đối với bọn Việt gian bán nước trong làng cho đến

Kim Lân rất thành công trong nghệ thuật tự sự, sử dụng ngôn ngữ nhân vật bình dị, đậm chất dân dã được lấy từ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người bình dân chân thật. Nhà văn đã để cho nhân vật nói năng, hành động, suy nghĩ một cách rất tự nhiên chân thật, gần gũi để từ đó gợi lên biết bao tình cảm, vẻ đẹp tâm hồn những đặc điểm về tính cách, trình độ văn hoá xuất thân của nhân vật. Kim Lân đã sử dụng một cách khéo léo làm cho câu chuyện thêm phần sinh động hấp dẫn, thú vị. Phải yêu tha thiết và am hiểu, gắn bó với làng quê của mình thì ông mới có được cái vốn ngôn ngữ dân gian sinh động phong phú, đa dạng ấy.

Cũng khai thác về hình tượng người nông dân, so với những tác phẩm trước đây, người ta thấy có những chuyển biến mới mẻ trong tình cảm của người nông dân thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở truyện ngắn Làng, ta không còn hiện tượng trong tư thế của một kẻ bị áp bức bóc lột, cuộc sống đói nghèo, làm lũ, có gì đó tầm thường, nhỏ hẹp, bế tắc; quanh năm chỉ làm bạn với con trâu cái cày ruộng vườn, sống quẩn quanh chật hẹp. Giờ đây, con người trở nên lớn lao hơn bởi họ mang trong mình sức mạnh và những tình cảm lớn của thời đại, không còn là cuộc đời của những con người tầm thường, nhỏ bé nữa. Cuộc sống của họ, số phận của họ gắn liền với vận mệnh quốc gia dân tộc. Người nông dân đã nhận ra sứ mệnh lịch sử lớn lao của mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước trước kẻ thù xâm lược.

  • Kết bài:

Khắc họa cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của nhân vật ông Hai, Kim Lân đã không hề tô vẽ, không biến nhân vật thành một người phát ngôn cho chính sách của cách mạng. Với cách kể chuyện chân thực, xúc động, nhà văn từng bước thể hiện rõ vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật ông Hai. Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất,hòa quyện như tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự là gì? - Theki.vn
  2. Làm sáng tỏ ý kiến: Nội tâm nhân vật thường có nét riêng cho thấy những bí ẩn của tâm hồn, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật. Đặc biệt là những thay đổi trong ý thức, thái độ sống và tâm lí

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.