Phân tích đoạn kịch Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục

Phân tích đoạn kịch Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục

  • Mở bài:

Mô-li-e ( 1662-1673) là nhà viết hài kịch nổi tiếng của chủ nghĩa cổ điển Pháp. Nét độc đáo của kịch Mô-li-e là tác giả luôn phát hiện ra những khía cạnh bi đát của xã hội Pháp thời vua Lu-I XIV và thể hiện chúng dưới hình thức hài kịch. Vở hài kịch Trưởng giả học làm sang của Mô-li-e được trình diễn lần đầu ngày 14-11-1670 tại Sămbơ cho triều đình xem. Đây là một trong những vở kịch xuất sắc nhất của ông. Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục là lớp kịch kết thúc hồi II của vở kịch 5 hồi Trưởng giả học làm sang.

Trưởng giả học làm sang là một trong những vở hài kịch thành công nhất của Mô-li-e. Tác giả đã tạo nên bức tranh xã hội Pháp thế kỉ XVII vô cùng sinh động và chân thật: những gã trọc phú học đòi quý tộc một cách ngu ngốc, kệch cỡm; những tên quí tộc kiểu cách rởm đời, giả dối, xảo trá, tham lam. Mô-li-e đặt niềm tin ở thế hệ trẻ, những người có hiểu biết, giàu lòng nhân ái. Ông đề cao giá trị đích thực của cá nhân.Nhà viết kịch đã sử dụng tiếng cười như một vũ khí sắc bén để tấn công lối sống cầu kì rởm của tầng lớp quí tộc Pháp đương thời và đám trưởng giả lố bịch đang quí tộc hoá.

  • Thân bài:

Lớp kịch gồm hai cảnh:

– Cảnh 1: Trong phòng khách nhà ông giuốc-đanh, có một ông Giuốc-đanh, gai nhân, thêm bác phó may và một tay thợ phụ mang lễ phục vào, tất cả là bốn nhân vật. Cảnh này chủ yếu là những lời đối thoại của ông Giuốc-đanh và bác phó may.

– Cảnh 2: Vẫn khung cảnh trên nhưng có thêm bốn tay thợ phụ nữa, tất cả là tám nhân vật. Cảnh này cũng chỉ có hai người là ông Giuốc-đanh và tay thợ phụ đến lúc đầu đối thoại với nhau, nhưng có thêm bốn tay thợ phụ xúm xít xung quanh nên thành ra Giuốc-đanh như nói chuyện với cả năm người. Mà đâu chỉ có miệng nói, ông Giuốc-đanh còn “ cởi áo, mặc áo, chân bước” “ đi đi lại lại giữa đám thợ”, và tất cả những hành động ấy “đều theo nhịp của dàn nhạc”. Với số lượng nhân vật đông hơn và nhiều hành động hơn, cảnh sau nhộn nhịp, sôI động hơn so với cảnh trước.

Tính cách trưởng giả học đòi làm sang của ông Giuốc-đanh:

Cảnh 1: Cuộc đối thoại giữa ông Giuốc-đanh và bác phó may xoay quanh một số việc như bộ lễ phục, đôI bít tất, đôI giày, bộ tóc giả và lông đính mũ, nhưng chủ yếu vẫn là bộ lễ phục.

– Ai cũng biết rằng khi may áo, hoa phải hướng lên trên.Không biết bác phó may do kém cỏi, do sơ suất hay do cố tình biến ông Giuốc-đanh thành trò cười mà lại may bộ lễ phục ngược hoa. Ông Giuốc-đanh còn tỉnh táo nên đã phát hiện ra điều này.Nhưng chỉ cần bác phó may vụng chèo khéo chống, bịa ra lí lẽ những người quý phái đều mặc hoa ngược là ông ưng thuận ngay.

– Đoạn này có kịch tính cao. Bác phó may đang ở thế bị động( bị chê trách may áo ngược hoa) lại nhanh chóng thuyết phục ông Giuốc-đanh và chuyển sang thế chủ động tấn công bằng hai đề nghị liên tiếp: “Nếu ngài muốn thì tôi sẽ xin may hoa xuôi lại thôi mà”, “Xin ngài cứ việc bảo”. Còn ông Giuốc-đanh thì cứ lùi mãi : “Không, không”, “Tôi đã bảo không mà. Bác may thế này được rồi”, sau đó né tránh bằng cách lảng sang chuyện khác hỏi bộ lễ phục ông mặc có vừa vặn không.

– Ông Giuốc-đanh lại phát hiện ra bác phó may ăn bớt vảI của mình. Ông lại chuyển sang thế chủ động, trách bác phó may bằng hai lời thoại.Bác phó may không giám phủ nhận chỉ chống đỡ yếu ớt: “Chẳng là thứ hàng đẹp quá nên tôi đã gạn lại một cái áo để mặc”. Nhưng rồi sau đó bác nhanh chóng gỡ thế bí bằng cách gợi ý ông Giuốc-đanh thử bộ lễ phục theo đúng thể thức của các nhà quý phái: mặc áo có người hầu và theo nhịp nhạc. Nước cờ này khá cao tay vì nó đã đánh trúng tâm lí ông Giuốc-đanh đang muốn học đòi làm sang.

Cảnh 2: Tác giả chuyển tiếp từ cảnh trước sang cảnh sau một cách tự nhiên và khéo léo.Khi ông Giuốc-đanh vừa mặc xong bộ lễ phục là tay thợ phụ tôn xưng là “ông lớn” ngay, khiến ông sung sướng vì tưởng rằng cứ mặc bộ lễ phục vào là nghiễm nhiên trở thành quí phái. Tay thợ phụ ranh mãnh nắm đúng điểm yếu của ông Giuốc-đanh nên dùng mánh khoé nịnh hót để moi tiền.Mức độ ranh mãnh của tay thợ phụ và tính cách trưởng giả học làm sang của ông Giuốc-đanh cứ tăng tiến dần qua các danh xưng càng lúc càng tôn cao dần: từ “ông lớn” đến “cụ lớn” rồi đến “đức ông”.

Đoạn này còn hé ra nét tính cách của một gã trọc phú giàu có và keo kiệt. Ngay trong giây phút ngây ngất hạnh phúc, ông Giuốc-đanh vẫn tỉnh táo nghĩ đến túi tiền của mình. Khi tay thợ phụ không tung hô thêm nữa, ông nghĩ ( qua lời nói riêng): “Nó như thế là phảI chăng, nếu không ta đến mất tong cả tiền cho nó mất thôi”. Nhưng chính qua chi tiết này, tác giả càng tô đậm hơn tính cách trưởng giả học làm sang của ông Giuốc-đanh: dù keo kiệt nhưng lão sẵn sàng cho hết cả tiền để được làm sang.

Nghệ thuật gây cười:

Thành công của Mô-li-e là đã xây dựng được nhân vật ông Giuốc-đanh trở thành một nhân vật hài kịch bất hủ, đem lại tiếng cười sảng khoáI cho khán giả. Khán giả cười ông Giuốc-đanh ngu dốt chẳng biết gì, chỉ vì thói học đòi làm sang mà bị bác phó may và tay thợ phụ lợi dụng để kiếm chác.

Tác giả đã xây dựng nhiều tình huống và hành động kịch có tính cường điệu để khắc hoạ đậm nét tính cách này: Ông Giuốc-đanh ngớ ngẩn đến mức tưởng rằng phải mặc áo hoa ngược mới là sang trọng; tung tiền ra để được tôn xưng bằng những cái danh hão.Khán giả được dịp cười sảng khoái khi chứng kiến cảnh ông Giuốc-đanh bị bốn tay thợ phụ lột quần áo ra, mặc cho bộ lễ phục lố lăng mà vẫn vênh vang ra vẻ ta đây là nhà quý phái.

  • Kết bài:

Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục, một vở kịch trong vở trưởng giả học làm sang của Mô-li-e, được xây dựng hết sức sinh động, khắc hoạ tài tình tính cách lố lăng của một tay trưởng giả muốn học đòi làm sang, tạo nên tiếng cười sảng khoái cho khán giả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang