Phân tích đoạn trích Đất nước (trích Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-doan-trich-dat-nuoc-trich-mat-duong-khat-vong-cua-nguyen-khoa-diem-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích đoạn trích Đất nước (trích Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm (dưới góc độ thi pháp)

Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện một quan niệm nghệ thuật mới về con người trong mối quan hệ với Đất Nước. Trong lịch sử văn học Đông – Tây xưa nay, con người được nhìn ở nhiều dạng thái như con người vũ trụ, con người cộng đồng, con người cá nhân, con người xã hội, con người tâm linh… Con người Việt Nam trong Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm được nhìn trong mối quan hệ với

Đất Nước thể hiện ở các phương diện văn hóa dân gian, lịch sử, tâm linh, thông qua cả quá trình con người dâng hiến để góp phần làm nên hình hài, dáng vóc và thần thái Đất Nước. Theo đó, con người là một phần của Đất Nước, mỗi tế bào của Đất Nước; con người hóa thân vào Đất Nước như một lẽ sinh tồn cao đẹp vinh danh hai tiếng con người. Quan niệm đó, cách diễn trình đó mang lại những dáng nét mới trong chân dung cao đẹp của con người Việt Nam, cùng với những đóng góp của các nhà văn khác làm nên sự hoàn mỹ trong chân dung nhân cách, tâm hồn, tư tưởng và bản lĩnh con người Việt Nam xưa nay. Cũng từ đó, chân dung Đất Nước được dựng lên những chiều kích, dáng vẻ, thần thái bình dị mà sâu sắc từ một góc nhìn mới: Đất Nước là sự kết tinh từ những tinh chất của địa lý, hùng khí lịch sử, tâm hồn và trí lực con người…, dồn tụ, lưu chuyển không ngừng trong mọi miền trầm tích của văn hóa dân gian với những cổ tích, ca dao, huyền thoại xưa nay và trong những sự dâng hiến của biết bao lớp người của hiện tại và tương lai. Chính quan niệm nghệ thuật mới đó đã chi phối cái nhìn nghệ thuật của tác giả trong việc xây dựng tập hợp những đối tượng thẩm mỹ với những sắc thái đa dạng, phong phú nhưng đều hướng đích, đồng tâm trong một hệ thống nghệ thuật chặt chẽ.

Đất Nước được nhìn từ những giá trị tinh thần, tư tưởng, tình cảm kết tinh làm nên đất nước Việt Nam. Những đặc điểm đó có trong những sinh hoạt văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa đến nay: trong trầm tích văn hóa dân gian, trong sinh hoạt lao động, học tập, chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc của nhân dân ta:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Các điểm nhìn nghệ thuật được được điểm xuyết có vẻ tản mạn, nhưng lại mang tính chắt lọc, lựa chọn, có tính tiêu biểu cho những góc nhìn từ huyền thoại, ca dao, cổ tích, sinh hoạt đời thường của gia đình, cuộc sống học tập và chiến đấu của nhân dân.

Điểm nhìn trong Đất Nước có lúc thể hiện Đất Nước là một khái niệm chung; có lúc lại tách ra hai thành tố riêng là Đất và Nước: Đất là nơi anh đến trường,/ Nước là nơi em tắm;/ Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”. Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”;/ Đất là nơi chim về,/ Nước là nơi rồng ở…

Đất và Nước ở từng cặp câu thơ vừa có ý nghĩa từ vựng cụ thể chỉ sự vật, đồng thời có ý nghĩa ẩn dụ chỉ tinh thần, văn hóa, tình cảm của con người; lại vừa tạo nên một sự kết hợp đầy chất thơ và có ý nghĩa trong liên tưởng và cảm thụ của người đọc.

Cái nhìn nghệ thuật của tác giả uyển chuyển và linh hoạt: khi nhìn Đất và Nước gắn liền một khối, khi thì tách riêng thành hai phạm trù có mối liên hệ mật thiết, khi lại tồn tại ở dạng kết tinh văn hóa của dân tộc và nhân dân Việt Nam trong mỗi một con người Việt Nam cụ thể như một phần Đất Nước, và liên kết tất cả lại, sẽ có một Đất Nước vẹn tròn:

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn.

Từ tư duy và quan niệm nghệ thuật như thế, Nguyễn Khoa Điềm thể hiện một cái nhìn mới về Đất Nước. Đó là Đất Nước của nhân dân. Tác giả thể hiện cái nhìn đó ở nhiều điểm nhìn: Tư tưởng, lịch sử, địa lý, thổ nhưỡng, phong tục, văn hóa dân gian, danh lam thắng cảnh, hoạt động quan trọng, sinh hoạt đời thường…

Những điểm nhìn đó không được sắp xếp thành hệ thống có tính lô gic nhưng lại có liên hệ mật thiết với nhau, gắn kết với nhau trong tính chỉ đạo về tư tưởng và tình cảm của cái nhìn. Qua cái nhìn và điểm nhìn nghệ thuật như thế, một chân dung Đất Nước hiển hiện sinh động và đẹp đẽ cả về hình thức với các phương diện vật chất và cả về nội dung với các phương diện tư tưởng, tinh thần, tình cảm, ý chí và tâm linh của nhân dân Việt Nam.

Phân tích đoạn trích Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Đoạn thơ: Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm) - SGK Ngữ văn 12, tập 1 - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.