Phân tích đoạn trích Nỗi Thương mình (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

phan-tich-doan-trich-noi-thuong-minh-trich-truyen-kieu-nguyen-du

“Nỗi Thương mình”
(trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Đoạn trích Nỗi thương mình trích từ câu 1229 đến câu 1248 trong Truyện Kiều miêu tả cảnh sống ô nhục của Kiều ở lầu xanh.

1. Cảnh sống xô bồ ở lầu xanh:

Bốn câu đầu của đoạn trích tả cảnh sống xô bồ ở lầu xanh với những trận cười, cuộc say… diễn ra triền miên:

Biết bao bướm lả, ong lơi!
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm

Bằng những hình ảnh ẩn dụ, ý nhị mang tính chất ước lệ (bướm lả ong lơi, Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm – Dập dìu lá gió cành chim, Tống Ngọc, Trường Khanh), Nguyễn Du đã lột tả được thực chất cuộc sống trăng gió, trác táng lấy đêm làm ngày ở chốn thanh lâu. Đoạn thơ chủ yếu là lời kể – tả khách quan của tác giả về hoàn cảnh sống của nàng Kiều. Bề ngoài thì như vậy, còn tâm trạng, nỗi niềm thực của nàng thì sao?

2. Tâm trạng, nỗi niềm của Kiều:

Đến những dòng thơ này, lời kể, ngôi kể có sự chuyển đổi tự nhiên từ khách quan (bốn câu trước) sang chủ quan. Lời thơ cũng chính là lời giãi bày, tâm sự bày tỏ tâm trạng, nỗi niềm của Kiều:

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Tỉnh dậy khi đêm tàn canh, Kiều giật mình đối diện với chính mình. Giật mình vừa là sự tự ý thức về nhân phẩm, vừa là nỗi thương thân xót phận.

Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương?
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?

Thái độ xót xa của Kiều được thể hiện trực tiếp ở những câu thơ: Giật mình mình lại thương mình xót xa, Khi sao…, Giờ sao… Sự đối lập giữa thực tại và quá khứ thể hiện sự tiếc thương thân mình bị vùi dập và nỗi đau về sự thay thân đổi phận. Càng nghĩ đến quá khứ gần, đến cuộc sống êm đềm, phong lưu, nền nếp trước đây, Kiều càng ngơ ngác, đau xót, không hiểu vì sao có thể thay đổi thân phận nhanh như vậy. Nhịp thơ nhanh, gấp gáp cùng các điệp từ (mình, khi, sao), các phép đối xứng, những câu hỏi tu từ… thể hiện tâm trạng nhức nhối trong trái tim người con gái bất hạnh.

Không chỉ thương thân xót phận, những lúc tỉnh rượu, tàn canh, Kiều càng thấm thía hoàn cảnh sống nhơ nhớp của mình. Nếu bướm lả ong lơi ở câu thơ trước chỉ hoàn cảnh khách quan bên ngoài – bọn đàn ông lắm tiền háo sắc – thì bướm chán ong chường ở đây lại chỉ tâm trạng chán chường, ghê sợ chính bản thân của Kiều. Từ xuân trong câu thơ không chỉ mùa xuân hay tuổi trẻ, vẻ đẹp mà chỉ hạnh phúc, niềm vui hưởng hạnh phúc lứa đôi.

Trong cái kiếp sống làm vợ khắp người ta, nàng chỉ thấy nhục nhã, trơ lì, vô cảm chứ đâu có thực lòng mong muốn cảnh sống đó. Việc Kiều phải tiếp khách, phải buông mình theo những cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm chỉ là cái bề ngoài miễn cưỡng, còn thực chất bên trong, nàng vẫn rất dửng dưng đối với khách. Thì ra, giữa cảnh sống xô bồ ở lầu xanh, Kiều vẫn còn giữ nguyên một tấm lòng trinh bạch: Mặc người mưa Sở mây Tần, Những mình nào biết có xuân là gì..

3. Nỗi cô đơn, đau khổ đến tuyệt đỉnh của Kiều:

Sau sự tự ý thức sâu sắc về cảnh ngộ, thân phận ê chề của mình, Kiều nhận thấy mình lạc lõng, cô đơn và đau khổ đến tuyệt đỉnh giữa chốn nhơ nhớp.

Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.

Hai câu thơ tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh Kiều cùng khách xem hoa, hóng gió trong đêm trăng, đêm tuyết… Kiều vốn là cô gái có đời sống nội tâm phong phú nhưng dẫu có yêu cảnh sắc thiên nhiên đến mức nào, thì ở chốn lầu xanh này, Kiều cũng không thể toàn tâm toàn trí mà hưởng thú vui. Vậy nên, việc ngắm cảnh đẹp cùng khách lúc này thực ra chỉ là sự giả tạo, nàng thờ ơ, hờ hững, dửng dưng với tất cả cảnh vật xung quanh. Hai câu thơ còn gợi tả thời gian trôi chảy hết đêm lại đêm, gợi cuộc sống lặp lại, mỏi mòn đặc biệt là nỗi cô đơn của Thuý Kiều giữa lầu xanh, giữa bao khách làng chơi, giữa cuộc say, trận cười mà vẫn hoàn toàn một mình, cô đơn, không ai chia sẻ.

Những câu thơ “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?” đã khái quát một quy luật của tâm lí con người được biểu hiện trong thơ văn. Vốn có tài năng cầm, kì, thi, hoạ nhưng ở chốn lầu xanh, Kiều cũng chỉ cố gắng tỏ ra vui một cách gượng ép vì không thể tri âm cùng ai. Đã không tri âm thì mọi thú vui đều trở thành vô nghĩa:

Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Những câu thơ này đã trở thành tuyệt bút trong Truyện Kiều, trở thành tiếng nói chung của những người có tâm, có tài và cả những người bình thường nữa, mà chẳng may số phận đẩy đưa vào những hoàn cảnh trớ trêu, éo le, bất hạnh, đều thấy đồng điệu. Lời thơ chứng tỏ Kiều là một loại người khác, một nhân cách cao thượng, khác hẳn với nghề mà nàng buộc phải làm.

Tác giả đã khai thác triệt để các hình thức đối xứng để tạo nên giá trị biểu hiện mãnh liệt cho đoạn thơ.  Các hình thức đối xứng được Nguyễn Du khai thác triệt để trong đoạn trích nhằm tô đậm nỗi thương thân xót phận của nhân vật. Đối xứng ở cấp thấp nhất là tiểu đối trong bốn chữ: bướm lả / ong lơi, lá gió / cành chim, dày gió / dạn sương, bướm chán / ong chường, mưa Sở / mây Tần, gió tựa / hoa kề. Đây là thủ pháp chẻ những cụm từ thông thường tạo thành quan hệ đối xứng nhằm nhấn mạnh mức độ cao hơn của nội dung cụm từ không có tiểu đối. So sánh bướm ong lả lơi với bướm lả ong lơi: tách hai yếu tố bướm và ong, lả và lơi ra và đặt ở thế đối xứng, thân phận bẽ bàng của người kĩ nữ được tô đậm, nhấn mạnh hơn, gây cảm giác xót xa hơn.

Đối xứng ở cấp tiểu đối trong khuôn khổ một câu: Khi tỉnh rượu / lúc tàn canh; Nửa rèm tuyết ngậm / bốn bề trăng thâu. Đối xứng kiểu này có giá trị nhấn mạnh sự liên tục, kéo dài của sự việc hay cái mênh mông của không gian. Đối xứng tạo nên giữa hai câu thơ lục / bát: Khi sao phong gấm rủ là / Giờ sao tan tác như hoa giữa đường (đối lập gay hắt giữa quá khứ êm đềm hạnh phúc và hiện tại đầy nghiệt ngã); Mặt sao dày gió dạn sương / Thân sao bướm chán ong chường bấy thân! (nhấn mạnh có ý so sánh: thân thể còn đau khổ khổ hơn là sự bẽ bàng chua chát trên vẻ mặt); Mặc người mưa Sở mây Tần / Những mình nào biết có xuân là gì (đối lập người / ta).

Các hình thức đối này có chức năng khác nhau tuỳ theo mỗi cặp đối, nhưng đều có tác dụng nhấn mạnh ý cần nói, tạo điều kiện nhìn nỗi niềm thương thân xót phận của nhân vật từ nhiều góc nhìn khác nhau (chuyển đổi góc nhìn). Trong một khuôn khổ hết sức cô đọng của câu thơ lục bát, Nguyễn Du đã có thể khai thác triệt để các khả năng tu từ có thể có để “tăng hiệu suất” tối đa.

Nhà thơ sử dụng ước lệ, điệp từ một cách hoàn hảo. Ước lệ ở đây là những hình ảnh “bướm ong”, cuộc say, trận cười (nói về cuộc sống diễn ra trong chốn lầu xanh), những điển cố, điển tích được sử dụng như Tống Ngọc, Trường Khanh (chỉ các khách làng chơi). Chúng giúp tác giả vượt qua một vấn đề nan giải, một mặt vẫn tả thực, không né tránh số phận thực tế của nhân vật chính (do đó tạo nên chất phê phán hiện thực của tác phẩm), mặt khác, vẫn giữ được chân dung cao đẹp của nhân vật Kiều, qua đó thể hiện thái độ cảm thông của mình đối với nhân vật. Thái độ này là nhất quán trong toàn tác phẩm.

Hình thức điệp từ: khi, lúc, khi sao…, giờ sao, đòi phen… kết hợp với tiểu đối có giá trị biểu cảm đặc sắc. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ điêu luyện ấy đã góp phần diễn tả tâm trạng nhân vật Thuý Kiều. Qua đoạn trích Nỗi thương mình, cùng với giá trị nội dung sâu sắc, nghệ thuật tài tình của Nguyễn Du đã khắc hoạ rõ nét tính cách của nàng Kiều tài hoa mà bạc mệnh, một người phụ nữ trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn ý thức về nhân phẩm của mình.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.