Phân tích đoạn trích Trong lòng mẹ (trích “Những ngày thơ ấu” – Nguyên Hồng)

phan-tich-doan-trich-trong-long-me-nguyen-hong

Phân tích đoạn trích “Trong lòng mẹ” (trích “Những ngày thơ ấu” – Nguyên Hồng)

  • Mở bài:

– Nguyên Hồng là nhà văn hiện thực xuất sắc với giọng văn trữ tình, đằm thắm yêu thương. “Những ngày thơ ấu” là cuốn hồi kí cảm động về chính cuộc đời thơ ấu tác giả. Tiêu biểu là đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã thể hiện trọn vẹn tình yêu thương mẹ thiêng liêng, cảm động của bé Hồng.

  • Thân bài:

– Chú bé Hồng – nhân vật chính của truyện lớn lên trong một gia đình sa sút. Người cha sống u uất, trầm lặng, rồi chết trong nghèo túng, nghiện ngập. Người mẹ có trái tim khao khát yêu đương đành chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc hôn nhân không có hạnh phúc. Sau khi chồng chết, người phụ nữ đáng thương ấy vì quá cùng quẫn phải bỏ con đi tha hương cầu thực và bị người đời gán cho cái tội “chưa đoạn tang chồng mà đã chửa đẻ với người khác”. Bé Hồng phải sống trong gia đình người cô giàu có mà cay nghiệt. Chịu những nỗi đau giằng xé về tinh thần.

– Tuy đau khổ, sống xa mẹ nhưng bé Hồng vẫn dành cho mẹ những tình cảm yêu thương trọn vẹn. Trong cuộc đối thoại với bà cô, tình cảm mãnh liệt của đứa con đã giúp bé Hồng vượt qua những lời lẽ xúc xiểm, những dụng ý xấu xa mà người cô cố tình gieo rắc vào lòng cậu bé. Với trái tim nhạy cảm, sự thông minh tinh ý, Hồng đã nhận ra phía sau lời nói thản nhiên, điệu cười rất kịch của cô là những rắp tâm tanh bẩn muốn bé khinh miệt và ruồng rẫy mẹ mình. Em chỉ biết khóc, nước mắt chan hoà. Giọt nước mắt vì uất ức, tủi cực và thương mẹ sâu sắc vì nghĩ mẹ không đáng bị sỉ nhục như thế.

– Không chỉ thế, bé  Hồng còn nhận thức sâu sắc nguyên nhân nỗi đau khổ của đời mẹ. Em căm tức những thành kiến tàn ác đã khiến mẹ phải xa lìa con thơ.

– Lòng thương mẹ mãnh liệt tới mức: “Giá những cổ tục…mới thôi”. Hàng loạt các động từ mạnh được nhà văn sử dụng theo chiều hướng tăng tiến: vồ, cắn, nhai, nghiến…đã thể hiện thái độ kiên quyết bảo vệ mẹ trước những cổ tục độc ác của xã hội cũ.

– Như vậy, dù hơn một năm trời, mẹ không gửi cho một lá thư, không một lời hỏi thăm, không cho đồng quà, lại bị bủa vây bởi những  lời cay độc của bà cô nhưng bé vẫn không nghĩ xấu về mẹ. Trái lại, em cảm thông và thương mẹ đến tột cùng.

→ Ở bé Hồng, ta thấy ngời sáng lên vẻ đẹp của một tâm hồn trẻ thơ thánh thiện, sự bao dung và lòng hiếu thảo.

– Tình thương, nỗi nhớ mong, khao khát được gặp mẹ và niềm hạnh phúc vô biên khi được sống trong tình yêu thương của mẹ. Bé Hồng luôn khao khát được sống trong tình thương của mẹ. Chỉ thoáng thấy bóng người giống mẹ mình, bé đã chạy theo gọi rối rít: “Mợ ơi!”. Tiếng gọi tha thiết của bé Hồng khuấy động cả không gian, gửi trọn tình yêu thương và nỗi khát khao tình mẹ luôn thường trực, cồn cào trong trái tim non nớt. Điều này đã được cụ thể hoá trong hình ảnh so sánh: mẹ như dòng nước trong mát còn con như người bộ hành sắp gục ngã giữa sa mạc.

– Khi được ngồi lên xe cùng mẹ, bé Hồng oà khóc và cứ thế nức nở. Nếu khi khóc với bà cô là tiếng khóc tủi hờn, uất ức thì khi gặp mẹ đó lại là tiếng khóc của niềm hạnh phúc. Trong đôi mắt của tình yêu thương Hồng thấy mẹ đẹp như một thiên thần: gương mặt tươi sáng, đôi mắt trong, nước da mịn, hơi thở thơm tho…Em như huy động mọi giác quan để tận hưởng và đón nhận tình mẹ.

– Trong lòng mẹ, mọi đau khổ đều tan biến, bé Hồng mê man trong hạnh phúc    “mẹ êm dịu vô cùng”, “Tôi không nhớ mẹ đã hỏi tôi và tôi đã trả lời mẹ những gì”

→ Cả một thế giới như đang bừng nở, hồi sinh, ăm ắp tình mẫu tử thiêng liêng và cảm động.

– Đoạn trích là bài ca đẹp về tình mẫu tử thiêng liêng mà cao quý, mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Những trang văn miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, cảm động đã ghi lại “những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại”. Giọng văn chứa chan cảm xúc, thể hiện rõ phong cách Nguyên Hồng: “Những gì tôi viết ra là những gì thương yêu nhất của tôi, những ước mong nhức nhối của tôi”

  • Kết bài

– Đoạn trích làm ngời sáng tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt. Giá trị của đoạn trích “Trong lòng mẹ” nói riêng và tác phẩm “những ngày thơ ấu” nói chung sẽ trường tồn mãi cùng thời gian bởi nó chứa đựng tình cảm nhân văn sâu sắc, thấm thía triết lí về tình cảm gia đình, thấm được chất thơ giữa cuộc đời cay cực.


* Tham khảo:

  • Mở bài:

Nguyễn Nguyên Hồng là nhà văn sống từng trải và giàu tình nhân ái Ông một cây bút đặc sắc, độc đáo của nền văn học Việt Nam hiện đại. Văn bản “Trong lòng mẹ” là chương 4 của hồi kí “Những ngày thơ ấu”. Đoạn trích khắc họa nỗi đau bị sỉ nhục, nỗi buồn cô đơn và lòng thương nhớ mẹ, kính yêu mẹ của một đứa bé mồ côi bố sau hơn một thời gian dài xa cách mẹ rồi được gặp lại mẹ.

  • Thân bài:

Chú bé Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân miễn cưỡng, không hạnh phúc. Bố Hồng vì nghiện ngập mà mất sớm, vì cùng túng quá, mẹ Hồng bỏ đi tha hương cầu thực, để bé Hồng sống một mình giữa sự ghẻ lạnh của họ hàng. Gần đến ngày giỗ đầu bố, mẹ của bé Hồng ở Thanh Hóa vẫn chưa về, bà cô với nụ “cười rất kịch”, giọng nói “cay độc” và tàn nhẫn “cố ý gieo rắc” vào đầu óc non nớt của đứa cháu “những hoài nghi”, để li gián tình mẹ con, âm mưu làm cho đứa con “khinh miệt và ruồng rẫy” mẹ mình, khiến em vô cùng đau khổ. Khi mẹ trở vè, được nằm vào trong lòng mẹ, cậu thấy vô cùng ấm áp, sung sướng và phút chốc quên hết tất cả mọi tủi cực, đắng cay. Trong niềm vui sướng hạnh phúc tột độ được gặp lại mẹ hiền, được mẹ vỗ ve an ủi, đều sáng bừng lên một trái tim yêu thương thiết tha, chân thành, những “rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại” (Thạch Lam). Giọt nước mắt của bé Hồng là giọt nước mắt của một đứa con hiếu thảo. Trong bi kịch gia đình, bi kịch tuổi thơ, em càng thương mẹ hơn bao giờ hết.

Nỗi đau đớn của bé Hồng không thể nào kể xiết. Lúc thì lòng “thắt lại”, khóe mắt “cay cay”. Lúc thì nước mắt “ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ”. Nghe người cô nói xấu mẹ mình, bé Hồng “cười dài trong tiếng khóc”, rồi cổ họng “nghẹn ứ khóc không ra tiếng”. Tuy vậy, bé Hồng vẫn thương mẹ. Em “ghê sợ” bà cô tàn nhẫn, em căm thù những cổ tục, những thành kiến “tàn ác” em muốn “vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Em vẫn giữ trọn vẹn “tình thương yêu và lòng kính mến mẹ”, quyết không để “những rắc tâm tanh bẩn xâm phạm đến…”. Qua đó, ta càng thấy tâm hồn của đứa con trong sáng biết bao. Lòng hiếu thảo của đứa con đối với mẹ hiền trong bi kịch gia đình vẫn sáng trong như ngọc. Trang tự truyện của tác giả “Thời thơ ấu” đầy nước mắt mà chân thực, nhất là khi ông nói đến tình thương mẹ.

Người mẹ đã trở về đúng ngày giỗ để làm trọn đạo lí và tự khẳng định tư cách người vợ, người mẹ trong gia đình. Mẹ đem về cho hai con nhiều quà. Tan học, trên đường về nhà, bé Hồng gặp lại mẹ sau một năm dài xa cách. Em gọi rối rít “Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!”. Cảnh hai mẹ con gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi. Mẹ cầm nón vẫy… mẹ kéo tay con, xoa đầu con hỏi… Con “òa lên khóc nức nở”, mẹ cũng sụt sùi theo …. Con sung sướng ngắm nhìn gương mặt yêu thương của mẹ, tự hào vì mẹ “vẫn tươi sáng”, “đôi mắt trong ”, “nước da mịn ”, gò má màu hồng ”.

Bé Hồng được sống trong những giây phút hạnh phúc nhất. Em được “trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình ”. Em sung sướng “đầu ngả vào cánh tay mẹ”. Bao “cảm giác ấm áp” đã mất đi, nay lại “mơn man khắp da thịt”. Miệng mẹ “xinh xắn nhai trầu” phả ra “thơm tho lạ thường”. Bé Hồng vô cùng hãnh diện về mẹ. cổ ngữ có câu “Mẫu tử tình thâm”. Tục ngữ có nói “Đứa con là hụt máu cắt đôi của mẹ”. Tình mẹ con là vô cùng thiết tha, sâu nặng. Phút giây gặp lại mẹ, bé Hồng nói là những phút “rạo rực”. Và em khẳng định ngợi ca: “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”.

  • Kết bài:

Tiêu chí để bình giá hồi kí là sự chân thực. Mọi sự đẽo gọt, tô màu sẽ làm cho hồi kí trở thành vô nghĩa. Chương “Trong lòng mẹ” rất chân thực và cảm động. Đó là giá trị văn chương đích thực. Lòng con thương nhớ, yêu kính mẹ, sung sướng và tự hào khi gặp lại mẹ, giọt nước mắt, cảm giác ôm dịu khi được sống bên mẹ hiền … đó là tình mẫu tử, lòng hiếu thảo. Những tình cảm sâu sắc ấy làm nên vẻ đẹp văn chương trong hồi kí của Nguyên Hồng, 60 năm về trước….

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn "Tôi đi học" của Thanh Tịnh - Theki.vn
  2. Cảm nhận vẻ đẹp phẩm chất nhân vật chị Dậu qua đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" (trích Tắt đèn của Ngô Tất Tố) - Thế Kỉ

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.