Phân tích dòng chảy cảm xúc trong bài thơ Tây Tiến

phan-tich-dong-chay-cam-xuc-trong-bai-tho-tay-tien

Dòng chảy cảm xúc trong bài thơ “Tây Tiến”

  • Mở bài:

Quang Dũng là người có tài năng nhiều mặt: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Bài thơ Tây Tiến được viết hoàn toàn bằng cảm xúc của một nỗi nhớ chơi vơi, xao xuyến của thi sĩ về đoàn quân Tây Tiến, đơn vị cũ. Cả bài thơ là dòng chảy cảm xúc lúc đằm thắm, lúc cuộn trào, lúc dịu êm, lúc dữ dội, có khi mơ màng trong màu sắc thiên nhiên tươi xanh, có khi ảm đạm trong khói sương miền biên giới. Mạch cảm xúc của bài thơ Tây Tiến bắt đầu bằng nỗi nhớ dòng sông Mã  và kết thúc cũng với dòng sông thiêng liêng, đầy kỉ niệm ấy.

  • Thân bài:

Khơi mạch dòng chảy cảm xúc trong bài thơ “Tây Tiến” nỗi nhớ miền Tây da diết. Đó là nỗi nhớ về những người đồng đội của đơn vị Tay Tiến năm xưa:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sông Mã, Tây Tiến là tên gọi cụ thể. Chắc chắn cũng gợi nhớ về những năm tháng, miền đất, có sông, có rừng, có núi. Hai câu thơ mở đầu đã định hướng cụ thể cho cảm xúc của toàn bộ bài thơ. Sông Mã đại diện cho vùng đất miền Tây. Hai hình tượng song song kết đọng nỗi nhớ. Đó là miền Tây Bắc Bắc Bộ và người lính Tây Tiến. Nỗi nhớ ấy không bình thường: “Nhớ chơi vơi”. Hai tiếng “chơi vơi” tái hiện những kí ức lúc đạm, lúc nhạt. Nó bồng bềnh khó tả. Có lúc nó chợt đến bằng hình ảnh vừa sống động, vừa lung linh.

Từ nỗi nhớ mở đầu, mạch cảm xúc tái hiện lại cuộc hành quân chiến đấu đối với những thử thách, gian khổ, hi sinh và cả tình quân dân thắm thiết. Kế đó là nỗi nhớ về những đêm liên hoan và một vùng Châu Mộc đầy thơ mộng. Khung cảnh thiên nhiên ấy làm nổi bật hình ảnh người lính với những cảm hứng lãng mạn anh hùng, nét hào hoa của những chàng trai Hà Nội với tâm hồn thơ mộng và đậm chất bi tráng. Nỗi nhớ là yếu tố liên kết ý thơ.

Nỗi nhớ đã gọi về, dựng lên trong tâm trạng nhân vật trữ tình bao hình ảnh, những kỉ niệm không kém phần sâu sắc về một thời đẹp đẽ, hào hùng của tuổi trẻ. Nỗi nhớ đã tạo nên cảm xúc mãnh liệt. Thơ hay là thơ tạo ra cảm xúc ấy. Câu thơ ba, bốn gợi cho ta nhận thức được những địa danh tên đất, tên làng. Đó là Sài Khao, Mường Lát. Đỉnh Sài Khao bốn mùa mây bao phủ:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Sài Khao, Mường Lát mang vẻ đẹp hấp dẫn của xứ lạ. Câu thơ diễn tả vể đẹp huyền ảo. Đoàn quân đi trên đỉnh núi cao mù sương và dừng chân ở những bản làng, với gió núi hoa rừng… đầy lãng mạn. Nỗi gian khổ vì thế cũng vơi đi. Mặt khác trong 14 âm tiết chỉ có ba âm tiết là thanh trắc, 11 thanh bằng tạo âm hưởng đều đều, lan tỏa, lung linh huyền ảo trong nỗi nhớ. Người đọc chỉ nhận ra núi, bản làng, hoa và sương khói bàng bạc. Nỗi vất vả mệt mỏi giường như bị lùi đi. Người lính Tây Tiến hiện lên giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Hình ảnh “hoa về trong đêm hơi” thật độc đáo, “hoa về” chứ không phải là hoa nở, “đêm hơi” chứ không phải là đêm sương. Vì nhìn từ xa, đoàn quân Tây Tiến hành quân về Mường Lát mang theo những ngọn đuốc giống như một dòng sông hoa lung linh, ẩn hiện trong đêm sương mờ ảo. Đọc đến đây, cái “mỏi” của đoàn quân dường như tan biến. Quang Dũng thật tài tình khi viết một câu thơ hầu hết là thanh bằng, lâng lâng, chơi vơi như sương, như hoa, như hồn người. Bên cạnh cái khắc nghiệt của núi rừng, nguy hiểm của chiến tranh là những giây phút người lính thả hồn đầy lãng mạn. Đó cũng là chất thơ toát lên từ hiện thực cuộc chiến, rất đặc trưng cho hồn thơ tài hoa của Quang Dũng.

Trong kí ức của nhà thơ, thiên nhiên như cùng hát lên, cùng âm điệu với khúc quân hành của người lính ra trận. Còn với Quang Dũng, bối cảnh thiên nhiên hiện ra trong kí ức và tâm trạng là những hình ảnh sóng đôi của sự trái ngược:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Bước hành quân gian lao của người lính vệ quốc mở ra trong không gia nhiều chiều. Ta như nghe thấy bước chân và hơi thở trên đường trường chiến gian lao của người lính qua câu thơ đầy những vần trắc: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”. Ta cũng thấy hiển hiện một lộ trình đầy gian lao, đầy bất ngờ khi Quang Dũng viết: Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống.

Đặc biệt hơn nữa, hình ảnh “Heo hút cồn mây, súng ngửi trời” thì câu thơ không phải chỉ diễn tả bước gian lao trên đường hành quân đánh giặc mà ta còn thấy cả chất lính, tính của lính qua sự liên tưởng bất ngờ mà thú vị: súng ngửi trời.

Biết bao nhiêu gian lao thử thách, vừa như muốn quật ngã người lính cách mạng, lại vừa như kích thích họ đi tới, dẫn tới của sự chinh phục. Cảnh rừng núi hiểm trở với dốc lên khúc khuỷu, với hun hút cồn mây, với độ cao thấp đến choáng ngợp của “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, thế mà hình ảnh của sự sống vẫn chợt hiện ra như tạo nên thế cân bằng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Bên cái hiểm trở dữ dội của thiên nhiên là sự sống thanh bình của con người khiến cho giọng điệu và tâm tình trong thơ Quang Dũng chợt như lại, tạo nên sự linh hoạt đã thành rất đỗi tài hoa trong bút pháp thể hiện:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Chỉ hai câu thơ thôi mà gieo vào lòng ta tất cả những sự khắc nghiệt của miền rừng núi này – một miền núi rừng âm u với thú dữ đe doạ con người. Một vùng núi rừng biên ải hiện lên với tất cả sự khắc nghiệt, dữ dội của thiên nhiên. Đó là những khó khăn mà người chiến sĩ Tây Tiến phải vượt qua trên con đường hành quân. Cái trắc trở, gian lao cùa con đường Tây Tiến chợt làm chúng ta nhớ đến câu thơ của Lí Bạch: Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên. (Đường xứ Thục khó đi, khó hơn lên tận trời xanh). Đó là tất cả những gian khổ, nguy hiểm do thiên nhiên đem đến mà người chiến sĩ Tây Tiến phải chịu đựng mãi mãi là ấn tượng in sâu trong trí nhớ:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ, bỏ quên đời!

Quang Dũng nói cái thực trên con đường Tây Tiến. Bao người chiến sĩ đã nằm lại trên con đường hành quân. Có một điều lạ làm toả sáng cả ý thơ là người lính Tây Tiến đến lúc gục xuống vẫn cố gắng trong tư thế của người lính, chết rồi nhưng súng mũ vẫn còn đó, hành trang của người chiến sĩ vẫn còn trong tư thế tiếp tục cuộc hành trình. Bao cảnh gian khổ khó khăn, khắc nghiệt dữ dội của con đường hành quân, của thiên nhiên xứ lạ đã thử thách người chiến sĩ Tây Tiến một cách ghê gớm. Có những người lính đã vượt qua được, và cũng không ít những người phải nằm lại phía sau. Người lính dãi dầu qua mưa nắng, đi từ khó khăn này đến gian khổ khác, chịu hết thử thách này đến thử thách thác mà dường như vẫn chẳng nể hà; đến khi kiệt sức phải gục xuống thì cũng cố gắng gục xuống trong tư thế của người chiến sĩ.

Cho dù Quang Dũng có nói sự thực về một vùng rừng núi che lấp con người, nhưng chính những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ đã đưa họ bay lên, vượt lên trên cái gian khổ và thiếu thốn. Quang Dũng là một người trong cuộc, rừng là chiến sĩ Tây Tiến, chính vì vậy mà nhà thơ viết về cuộc sống gian khổ của người chiến sĩ Tây Tiến một cách hết sức cảm động. Cái khắc nghiệt, khổ và dữ dội của một miền biên ải, những gian truân mà người chiến sĩ Tiến phải chịu đựng và những ấn tượng không thể nào quên.

Quang Dũng viết về người lính Tây Tiến không như những nhà thơ khác; ông nói thật về sự khổ, hi sinh của người lính một thời. Thế nhưng, hình ảnh anh bộ đội Tây Tiến không vì thế mà trở nên uỷ mị, ngược lại càng thêm cao đẹp hơn. Miêu tả nét chiến sĩ với cái bi, nhưng là “bi tráng”. Nói cái gian khổ để đề cao chiến thắng nói hi sinh để nâng hình ảnh người lính lên một tầm cao thời đại cũng là một cách “vẽ mây nảy trăng” trong hội hoạ vậy. Bởi chiến thắng có giá trị gì khi chiến thắng dễ dàng, không có hi sinh? Và hình ảnh người lính sẽ không thật cao đẹp nếu họ không trải qua những thử thách gian truân của cuộc sống chiến đấu khắc nghiệt.

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải vay.

Đó là một lời đúc kết kinh nghiệm về giá trị của chiến thắng, giá trị cả phẩm chất con người. Giữa bao cái gian khổ, khắc nghiệt đã thành ấn tượng niềm vui, dù ít ỏi, con người Tây Tiến hiện lên giữa không gian vừa dữ dội, vừa thơ mộng, càng đáng nhớ hơn:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói ….
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Dường như để trả trạng thái tâm hồn chúng ta về thế cân bằng sau khi chùng xuống trước cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ Tây Tiến, Quang Dũng hồi tưởng lại nhiều hình ảnh vui, ấm áp. Khói bếp, mùi thơm cơm nếp gợi cái ấm cúng của cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Sức nóng của nó đủ làm tâm hồn dần ấm lại sau những phút giây chứng kiến những gian khổ của người lính, đuốc hoa là hình ảnh có sức khơi gợi, gợi cho ta cái cảm giác tươi vui như đang chứng kiến lễ hội đông vui. Có thể chỉ ngày hôm sau một người nào đó trong số họ phải nằm lại nơi núi rừng u tịch, nhưng hôm nay làm hồn họ vẫn mộng mơ, mơ đến những hình ảnh đẹp của thi và hoạ, xây hồn thơ. Và như vậy, họ sẵn sàng đón nhận mọi thử thách tiếp theo, coi đó như một việc bình thường mà đời lính phải chấp nhận.

Không lên gân, không khiên cưỡng, mọi gian khổ hi sinh đối với người lính là chuyện binh thường và tất yếu, vì vậy mà họ vẫn lạc quan, vẫn yêu đời, vẫn sống với lâm hồn trẻ trung, tươi mát. Cũng vậy mà người lính Tây Tiến có thể vẫn nhớ một dáng thuyền độc mộc, hoặc một bông hoa trên dòng nước lũ. Những hình ảnh rất bình thường ấy, ngỡ rằng sau bao sự thử thách về tinh thần, người lính sẽ quên đi. Nhưng không, họ vẫn nhớ. Những hình ảnh ấy in sâu vàu tâm hồn ngựời lính Tây Tiến, là nguồn động viên thúc giục họ chiến đấu, dù tiếp tục đón nhận những thử thách mới:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” của “đoàn quân không mọc tóc” khơi dậy nhiều cảm xúc nhớ thương. Đó chính là hình ảnh oai hùng, sức mạnh tinh thần của anh “Vệ trọc” nổi tiếng một thời rét nên tóc rụng, vả lại, cái cách nói đoàn quân không mọc tóc ấy phần nào cũng dựng nên hình ảnh người tráng sĩ với dáng dấp thật hùng dũng và hiên ngang. Ta cảm động trước hình ảnh người sĩ Tây Tiến, và chợi nhớ đến hình ảnh người chiến sĩ trong một số bài thơ đương thời.

Chìm sâu trong trí nhớ là những lần ly biệt. Cái cuộc sống tâm hồn ấy là nguồn động lực giúp người lính tiếp tục chiến đâu để giành lây độc lập, tự do cho Tổ quốc thân thương. Và cũng vì thế, người chiến sĩ chấp nhận sự hi sinh:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Câu thơ đầu đọc lên nghe thật là buồn thảm. Nhưng câu thơ sau như một lực nâng vô hình, đã đưa câu thơ đầu lên cao, cái thảm giờ đây đã trở thành bi tráng. Nó bi tráng và hào hùng bởi Quang Dũng nói được một điều cốt lõi trong nhân cách của người lính: biết hi sinh, biết gian khổ nhưng vẫn cứ ra đi giải phóng quê nhà. Họ ra đi chẳng tiếc đời xanh, bởi quãng đời tươi đẹp ấy đã hiến dâng cho một lí tưởng cao đẹp: chiến đấu vì Tổ quốc. Họ ra đi và ngã xuống thanh thản không một chút vướng bận, cái chết được xem nhẹ tựa lông hồng:

Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Cách dùng từ áo bào của Quang Dũng làm cho câu thơ trở nên cổ kính, áo bào chứ không phải chiến bào; người chiến sĩ như những danh tướng thời xưa da ngựa bọc thây là một điều vinh quang. Cũng như thế, người lính coi việc hi sinh trên chiến trường là một nghĩa vụ thiêng liêng. Người chiến sĩ Tây Tiến ngã xuống và thanh thản về đất. Đất sinh ra anh và lại đón nhận anh về sau khi làm tròn nghĩa vụ. Anh về đất như một hành động tựu nghĩa của những anh hùng. Mở đầu bài thơ là hình ảnh sông Mã, kết thúc bài thơ vẫn là tiếng gầm thét của dòng sông này. Dòng sông tiễn anh ra đi chiến đấu lại đón anh về:

Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Quang Dũng khẳng định lại một lần nữa cái ý chí bất khuất ra đi là không trở lại trong niềm tự hào. Đó cũng là ý chí quyết tâm của cả một thế hệ, của một thời đại. Những gian khổ, hi sinh của cuộc kháng chiến là những kỉ niệm không thể quên. Sẽ không bao giờ còn có lại thời kì gian khổ đến mức ấy và cũng hào hùng đến mức ấy. Và cũng khó có thể có được bài thơ Tây Tiến thứ hai.

Với những kỉ niệm về binh đoàn Tây Tiến rất khó mờ phai trong tâm trí, lại thêm bút pháp hoài niệm rất đỗi tài hoa, qua hàng loạt những hình ảnh trái ngược mà hài hoà bổ sung cho nhau, Quang Dũng đã làm sống dậy hình ảnh nười lính Tây Tiến, rừng núi Tây Tiến trong nỗi nhớ thật chơi vơi về Tây Tiến. Những chuỗi kỉ niệm về thiên nhiên và con người đó như những thước phim vừa chân thực sinh động vừa rất huyền ảo, tình cảm và tài hoa đã góp phần tạo nên thành công cả về nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Có người nhận định rằng với bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã dựng nên bức tượng đài bằng thơ về hình tượng người lính đánh Pháp trong cuộc kháng chiến mà dũng cảm và cũng đầy chất thơ của nhân dân ta.

  • Kết bài:

Đọc bài thơ, ta hiểu thêm về người lính Tây Tiến, hiểu thêm những điều ẩn phía sau của “đoàn binh không mọc tóc” và hiểu hơn về nguồn cội của sức mạnh mà người lính đem vào trận chiến. Yêu quý, khâm phục, tự hào là những dư vang tha thiết trong lòng người đọc khi biết về binh đoàn Tây Tiến qua vần thơ của Quang Dũng. Dòng chảy cảm xúc trong bài thơ “Tây Tiến” đã được nhà thơ nắm bắt và trình bày bằng lớp ngôn từ ảo diệu, gây được sức ám ảnh sâu sắc trong thi ca.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Người lính Tây Tiến vừa "có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước" vừa "mang vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp". - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.