Giọng điệu trong tiểu thuyết sử thi 1945 – 1975

Giọng điệu trong tiểu thuyết sử thi 1945 – 1975.

Đứng về mặt tư duy thể loại mà xét, giọng điệu trong thơ khác với giọng điệu trong tiểu thuyết. Nếu thơ ca là tiếng nói “độc bạch” thì tiếng nói trong văn xuôi đa dạng hơn. Đó là thứ giọng điệu mà theo G.N Pospelov, mang tính khách quan, lạnh lùng. Bản chất của thể loại tự sự đòi hỏi nhà văn phải có cái nhìn tỉnh táo hơn về đời sống chứ không quá nghiêng về “tự thuật tâm trạng” như thể trữ tình. Tìm hiểu giọng điệu văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, cần chú ý giọng điệu của người trần thuật và giọng điệu nhân vật. Khi nghiên cứu về tiểu thuyết sử thi Việt Nam giai đoạn 1945-1975, đa phần các nhà nghiên cứu đều nhất trí coi tiểu thuyết giai đoạn này là loại tiểu thuyết đơn thanh. Tư duy nghệ thuật sử thi đã chi phối một cách sâu sắc đến cách tổ chức và thể hiện giọng điệu của các nhà văn. Cảm hứng hùng ca của thời đại gắn chặt và thống nhất với giọng điệu chủ đạo của tiểu thuyết sử thi 1945-1975. Trong phạm vi bài viết, bước đầu xin được khảo sát các sắc thái giọng điệu trong tiểu thuyết sử thi Việt Nam 1945-1975.

Là tiểu thuyết đơn thanh nên trong tiểu thuyết sử thi Việt Nam giai đoạn 1945-1975 không có hiện tượng nhiều bè như trong tiểu thuyết đa thanh mà chỉ có các sắc điệu làm nổi bật chủ âm của thời đại. Nói cách khác , bên cạnh giọng điệu chính vẫn có những giọng điệu khác nhưng các giọng này không bình đẳng, không mang tính đối thoại mà chủ yếu bổ sung cho nhau, “làm đẹp” nhau và tôn thêm giọng điệu chủ yếu là giọng điệu hùng ca. Vì giữa giọng điệu người trần thuật và nhân vật có sự thống nhất nên trong tiểu thuyết sử thi 1945-1975 rất ít giọng điệu giễu nhại. Ngôn ngữ suồng sã cũng theo đó trở nên “hiếm hoi”. Thực ra trong tiểu thuyết sử thi vẫn có “đất” cho ngôn ngữ thông tục (chủ yếu được thể hiện qua lời nhân vật) nhưng nó không phản ánh quan điểm của nhân vật mà là quan điểm của người kể chuyện được ngụy trang bằng giọng của nhân vật mà thôi. Sự hoà hợp giữa cái “tôi” và cái “ta” là một đặc điểm quan trọng của tiểu thuyết sử thi 1945-1975. Cái nhìn nghệ thuật ấy tất yếu có quan hệ sâu sắc đến nghệ thuật thể hện giọng điệu của nhà văn.

Chủ âm của tiểu thuyết sử thi 1945-1975, như đã nói, là giọng điệu anh hùng ca. Tuy nhiên trên cái “giọng nền” ấy, vẫn xuất hiện nhiều giọng điệu khác. Đây là sự đa dạng nhưng lại thống nhất trong giọng điệu tiểu thuyết sử thi giai đoạn này. Đọc tiểu thuyết sử thi 1945- 1975, chúng ta nhận thấy những giọng điệu cơ bản sau:

1. Giọng điệu hào hùng, sảng khoái.

Có thể nói ở mức độ này, mức độ khác, mỗi một tiểu thuyết giai đoạn 1945-1975 là một bài ca về cuộc sống vĩ đại của dân tộc. Tâm thế của nhà văn là tâm thế của người ca sĩ hát lên những khúc ca đẹp nhất dâng tặng quê hương, xứ sở mình. Để ngợi ca đất nước chân thật hơn, say sưa hơn, ai cũng nỗ lực hết mình như câu thơ của Chế Lan Viên: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ”. chất giọng hào hùng thể hiện trước hết qua nhan đề tác phẩm: Đất nước đứng lên, Mặt trận trên cao, Vỡ bờ, Sóng gầm, Sống mãi với thủ đô, vùng trời…

Như vậy các nhà văn đều muốn hướng tới những không gian rộng lớn, hoặc là đầy nóng bỏng, hoặc là trên cao. Chỉ không gian ấy, con người mới dễ vươn thành Phù Đổng, Thạch Sanh của thờ đại mới. Để tạo nên chất giọng này, nhất thiết nhà văn phải biết tạo cảm hứng say mê, truyền sang cho nhân vật niềm say mê ấy.

Thử đọc đoạn văn sau đay của Nguyên Hồng ta sẽ thấy rõ điều đó: “Trong tâm trí Thanh, những dòng chữ in to đỏ của tờ báo kỉ niệm ngày 14-7-1789 ra mấy tháng trước lại giật lên bùng bùng. Những chữ Basstille, Saint Just, Babeuf, Robespierre và hình ảnh những người chiến sĩ nọ lại càng nổi rõ. Từ vầng trán, đôi mắt, mái tóc đến cái cổ áo của từng người chiến sĩ lịch sử đã khuất nọ, cứ như một màn ảnh chiếu ra với bao nhiêu cảnh ngùn ngụt của bão lửa, gươm súng. Ngục Basstille của phong kiến Pháp đã bị đạp đổ. Vua Louis XVI và vợ Marie Antoinette đã bị đưa lên máy chém. Lịch sử nhân loại đã tiến một bước dài. Nhưng vẫn còn bao nhiêu ngục Basstille khác của đế quốc chủ nghĩa với vô vàn những vua chúa giàu sang, tàn bạo, thối nát, vẫn còn đè nén các dân tộc, đặc biệt là đè lên các dân tộc thuộc địa. Con đường sống của nhân loại trước và sau chỉ có thể vượt lên bằng cách mạng. Đấu tranh và cách mạng. Đảng cộng sản và xã hội chủ nghĩa. Lực lượng chính, lực lượng đi hàng đầu của cách mạng ngày nay. Lý tưởng của cách mạng ngày nay!…” (Sóng gầm)

Đây là đoạn văn nói đến ý thức giác ngộ tư tưởng của nhân vật. Lập trường ấy chắc chắn phù hợp, thống nhất với tư tưởng của tác giả. Để nhấn mạnh tính hào hùng cua cách mạng, Nguyên Hồng sử dụng rất nhiều động từ, tính từ có sắc thái biểu cảm mạnh, thể hiện sự mãnh liệt: giật giật bùng bùng, ngùn ngụt, bão lửa, đạp đổ…Bên cạnh đó nhà văn có ý thức tạo nhịp qua sự lặp lại: đã bị đạp đổ, đã bị đưa lên máy chém. Cách nói này giúp người đọc cảm nhận rõ hơn về sức mạnh bão cuốn của cách mạng. Để xác định con đường đi tới, nhà văn đã tạo nên tính dồn dập của hơi văn bằng cách thiết lập nhiều câu văn ngắn cạnh nhau, giữa các câu có sự lặp từ để tạo trùng điệp. Những thủ pháp mà Nguyên Hồng sử dụng trên đây đã làm cho Sóng gầm cất lên tiếng “gầm” dũng mãnh trên con đường hướng tới tương lai. Lối tạo nhịp điệu nhanh, dồn dập này cũng có mặt trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu:

“- Thề chiến đấu trả thù cho các đồng chí hi sinh! Xin thề! Xin thề! Từng loạt tiếng hô nổ ra như những loạt súng. Những cánh tay quấn băng nâng những khẩu súng trường và tiểu liên, những khẩu súng máy lên quá đầu: Tiêu diệt hết bọ Mĩ dã man ăn cướp! Tiếng thét diệt địch vang lên giữa những dịp cười. Tiếng thét phát ra từ những trái tim đang bốc lửa. Tiếng thét đông đặc, phẫn nộ, rùng rùng khép kín như một hàng ngũ siết chặt(Dấu chân người lính).

Ở đoạn văn này, nhà văn muốn nhấn mạnh tinh thần quyết chiến của chiến sĩ ta qua những cách nói lặp, cách tạo trùng điệp về nhịp: Tiếng thét diệt địch… tiếng thét phát ra… tiếng thét đông đặc…

Tâm thế ngợi ca khiến các nhà văn yêu thích và ưa dùng những gam màu sáng, những biểu tượng gợi cảm giác về sự hùng vĩ. Không phải ngẫu nhiên mà trong Đất rừng Phương Nam, Đoàn Giỏi đã cài vào mạch chuyện sự tích người anh hùng Võ Tòng đả hổ, Trần Hiếu Minh trong Rừng U Minh cài vào những câu hát, Nguyên Hồng hay gợi lại không khí lịch sử trong Cửa biển, Nguyên Ngọc thì dùng huyền thoại ông Tú trong Đất nước đứng lên “ông Tú chết rồi nhưng sông núi ông Tú vẫn còn”. Việc sử dụng các yếu tố biểu trưng khiến cho hơi văn trở nên mạnh mẽ, nhịp văn trở nên hào hùng, sảng khoái. Nghe Bok Sung kể chuyện, không chỉ mọi người mà “Lửa cũng suy nghĩ, nó thấp ngọn xuống. Cả nhà rông im lặng”. Những câu chuyện của ông Tú vang lên giữa núi rừng như những tiếng vọng trầm hùng của lịch sử, thức dậy ở thế hệ con cháu lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Không gian đẫm màu huyền thoại này về sau được Nguyên Ngọc sử dụng lại trong đoản thiên Rừng xà nu. Những câu chuyện xảy ra trong thời hiện đại đã được các nhà văn đẩy lùi vào quá khứ, bao bọc chúng trong một không gian “thiêng hoá”, và tại đây, khoảng cách sử thi xuất hiện khiến cho câu chuyện trôi trong âm hưởng hào hùng.

2. Giọng điệu trữ tình, thống thiết.

Gắn liền với giọng điệu hùng ca là giọng điệu trữ tình thống thiết. Nó là hai mặt của một vấn đề. Giọng điệu này xuất phát từ cảm hứng “rưng rưng” trước vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam trong những ngày gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Sự có mặt của loại giọng điệu này ít nhất có hiệu quả như sau: trước hết tái hiện lại một cách chân thực không khí bi tráng của thời đại, sau nữa đánh vào tâm can của người đọc khiến họ nhận thấy được chiều sâu và vẻ đẹp của cuộc kháng chiến. Nhiều nhà văn đã sử dụng chất liệu này để tạo nên những áng thơ trữ tình bằng văn xuôi. Về nỗi đau của nhân vật Xiêm cũng như mảnh đất rừng núi im lặng và thiêng liêng nơi đây, gót chân xâm lược bao năm đã giày xéo, dù hôm nay bom đạn có lát kín thì mặt đất cũng không vì thế mà đau đớn hơn”. Đó là những nỗi đau thầm lặng mà Xiêm phải chịu đựng. Người con gái không may mắn ấy cuối cùng cũng tìm thấy nụ cười khi gặp Lượng.

Còn thiên nhiên? Nguyễn Minh Châu vẫn tiếp tục cách tả đầy chất trữ tình ấy: “Nhưng hôm nay thung lũng khe Sanh đẹp đẽ từng đau khổ đang trở dạ. Mặt đất mang đầy vết tích bom đạn đang trải ra giữa hương thơm mùa xuân để đón gót chân những người chiến sĩ Giải phóng dậm lên. Nơi đây khắp vùng phía Nam thung lũng, đi chỗ nào cũng thấy dấu tích những trận bom B52. Cây cối đều bị quật ngã, các dòng suối đục ngầu, thuốc bom khét lẹt ám đầy nương rẫy. Bom đạn đào xới lên tất cả vậy mà có một giống cỏ được các chiến sĩ gọi là cỏ vạn thọ vẫn mọc tươi tốt, mùa xuân đến vẫn khoe một sắc hoa vàng sẫm như nghệ”. Vậy là trong cái nhìn của nhà văn, bom đạn có thể cày nát đất đai nhưng không tiêu diệt được sự sống. Sự sống vẫn “tươi tốt”, “khoe sắc” qua hình ảnh một loài hoa (vạn thọ = bất tử). Rõ ràng, Nguyễn Minh Châu muốn coi cái bi là nền để cái tráng cất lên những giai điệu đẹp đẽ nhất. Màu sắc lãng mạn và giọng điệu trữ tình cũng được Nguyên Hồng ưa dùng. Nếu chất thơ trong văn Tô

Hoài tinh tế thì chất thơ trong văn Nguyên Hồng mang đầy hương vị phù sa châu thổ qua những câu văn “lực lưỡng”. Nguyên Hồng đặc biệt nhạy cảm với tình mẫu tử. Nếu như trước Cách mạng ông đã có những câu văn đầy xúc động trong hồi kí Những ngày thơ ấu thì trong Cửa biển, đoạn văn ông miêu tả tình cảm của Huệ Chi cũng rất cảm động. Có thể chính tuổi thơ ấu thiếu vắng tình mẹ đã ám ảnh mãi trong tâm hồn ông, và bằng trái tim mẫn cảm trước những giá trị cao cả này mà Nguyên Hồng đã tạo nên những đoạn văn đầy cảm hứng lãng mạn và giọng điệu thấm đầy chất trữ tình đến vậy chăng?

Chất giọng trữ tình nhiều khi được đẩy lên đến mức thốnh thiết. Trong tiểu thuyết sử thi 1945 – 1975, rất nhiều đoạn văn bắt đầu từ các thán từ “Chao ôi”, “ôi”, cùng với các từ chỉ mức độ, trạng thái khá dày đặc. Trong Hòn Đất, Anh Đức đã sử dụng giọng điệu trữ tình trong nhiều trường đoạn khác nhau. Miêu tả cảnh vùng Hòn, nhà văn viết:
“Hòn Đất nổi trên Hòn Me và Hòn Sóc, gối đầu lên xóm, về tháng này trông xanh tốt quá. Bây giờ vừa sang tháng chạp ta, đã nghe thấy gió tết hây hẩy lùa trong nắng. Cây cối trên Hòn và các xóm nằm trên Hòn vụt rạo rực, tràn trề nhựa sống. Vùng Hòn với đủ các loại cây ăn quả đều sum suê, nhẫy nhợt”.

Có thể nói, Anh Đức đã tạo ra một bức sơn mài bằng chất liệu ngôn từ để miêu tả vẻ đẹp thơ mộng và sự trù phú của vùng Hòn. Bức tranh ấy sẽ không còn nguyên vẻ rực rỡ nếu thiếu đi các động từ, tính từ: hây hẩy, rạo rực tràn trề nhựa sống, sum suê, nhẫy nhượt”. Còn đây là cảnh chị Sứ ngắm con: “Đã không biết bao nhiều lần chị Sứ lặng lẽ nhìn con một mình một cách mê đắm như thế. Chị lắng nghe hơi thở của con, đoái triều ngắm từng sợi lông mơ, sợi tóc, vầng trán hay những ngón tay búp măng nhỏ xíu trắng hồng của nó” (Hòn Đất). Nếu thiếu đi các từ và các cụm từ như: lặng lẽ ngắm, mê đắm, lắng nghe, đoái triều ngắm, thì đoạn văn sẽ mất đi rất nhiều sức gợi.

Màu sắc tình cảm của lời văn và giọng điệu trữ tình một khi được dùng đúng chỗ sẽ đạt hiệu quả lớn. Nó khiến cho câu chuyện có độ co giãn, hài hoà.

3. Giọng điệu phi sử thi, suồng sã.

Loại giọng điệu này xuất hiện trong tiểu thuyết sử thi giai đoạn này không nhiều. Nó tựa như một đám nhỏ giữa một bức tranh lớn bạt nàng màu sử thi. Dưới đây xin khảo sát đoạn văn nói về một cha đao trong Xung đột của Nguyễn Khải như sau:

“Bà Nhàn ngồi nghe một cách trịnh trọng, mặt cứ dại đi như một đứa trẻ:

– Trình cha, cha dùng bữa có ngon được như xưa không ạ? Cha cười ầm ầm:

– Mình ăn suốt ngày, thật như con trẻ, năm bữa, sáu bữa, mỗi bữa cơm năm vực đầy. Bây giờ thì mình có thể sống thêm vài chục tuổi nữa”

(Xung đột)

Đoạn văn tập trung xây dựng tương quan đối lập. Một bên con chiên nghe một cách “trịnh trọng”, thưa bẩm tử tế “trình cha”, thể hiện niềm quan tâm không giấu diếm, ngôn ngữ đầy chất nghi thức. Một bên, “cha cười ầm”, ngôn ngữ thông tục. Để hai kênh ngôn ngữ cạnh nhau, Nguyễn Khải đã làm nổi bật sự yếu kém và mù quáng trong nhận thức của các con chiên ngoan đạo và sự tầm thường của các cha sứ

Nguyễn Thi với tiểu thuyết ở xã Trung Nghĩa đã vượt qua cách miêu tả thông thường, tiến sát đến hiện thực bằng cái nhìn tỉnh táo và thể hiện đối tượng bằng giọng điệu khách quan của tựn sự hiện đại: “Một tiếng động nhỏ như đất lở ngoài bờ mương. Ông Tư giở chiếu, ngồi chồm hổm, dòm qua khe vách. Vẫn hơi thở như tiếng rên của bà vợ và tiếng dế gáy u u trong lỗ tai. Ngoài kia, giữa rặng cây so đũa, ánh đèn gác trên bót dân vệ hắt lên nền trời một ánh sáng lờ mờ như cái mụn bọc”. Mười năm của Tô Hoài cũng sử dụng chất giọng thế sự khá hiệu quả. Chất giọng này không được coi là trọng khi mà giọng điệu sử thi và giọng điệu trữ tình được coi là giọng điệu hữu hiệu nhất trong việc thể hiện vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Có những màn đối đáp rất gần với cách nói suồng sã ngoài đời:

“Gạch hỏi Trung:
Anh Trung quê ở đâu, nói thật nào?
Ai nói dối cô phải tội, tôi dân Thái Lọ.
Thôi đi, nói cái đầu gối cũng không nghe được. Người Thái Bình đâu có cái răng trắng như răng lợn luộc thế kia.
Tôi thề…
Thề bồi gì rồi nó vận vào người rồi vợ con mất nhờ. Em đoán tướng cho anh nhé. Đoán đi. Đồ anh lại bố đánh như thế nào lại đi lêu bêu, chứ ngữ anh thì thiết gì cái nghề vác đất đốt lò này. Hôm nào đưa em về chơi cho biết nhà nhé! Nhà tôi xa lắm. Hay là ba bốn phòng rồi không dám… Chẳng tin thì thôi, không nói chuyện nữa Dở hơi à? Hay dỗi thế!”

Trong đoạn văn trên, hệ thống từ ngữ thông tục: hư đốn, lêu bêu, dở hơi…, cách sử dụng thành ngữ, so sánh, nói bỡn kiểu: Thái bình, Thái Lọ, trắng như răng lợn luộc… khiến cho câu chuyện gần gũi với hơi thở đời sống.

Trong một giai đoạn mà giọng điệu quan phương và trang trọng đóng giữ vai trò thống ngự, sự xuất hiện của giọng điệu suồng sã, giễu nhại tuy còn ít ỏi nhưng nó phần nào đã góp phần “cân bằng” để tạo nên những màu sắc thẩm mĩ độc đáo, khiến cho tiểu thuyết sử thi vẫn gắn bó với đời sống thường nhật. Nói khác đi, góc nhìn đời tư vẫn xuất hiện trong tiểu thuyết sử thi 1945 – 1975, mặc dù sự xuất hiện của nó còn rất khiêm tốn. Sự có mặt của loại giọng điệu này, về phương diện nào đó, cũng tạo nên sự đa dạng của giọng điệu tiểu thuyết 1945 – 1975.

Có thể nói, giọng điệu hào hùng – sảng khoái, giọng điệu trữ tình – thống thiết, giọng điệu phi sử thi suồng sã là ba sắc thái giọng điệu chính của tiểu thuyết sư thi giai đoạn 1945 – 1975. Các sắc thái giọng điệu này cùng với các màn đối thoại được dựng lên trong tiểu thuyết giai đoạn này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của tác giả. Tất cả đều phục vụ cho những cách kết thúc “có hậu”, đều hướng về tương lai tươi sáng của dân tộc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang