Phân tích hình tượng cái bao trong truyện ngắn “Người trong bao” của Sê-khốp.
- Mở bài:
Truyện ngắn “Người trong bao” là một kiệt tác văn học của nhà văn Sê-khốp. Tác phẩm ra đời vào năm 1898, khi Sê-khốp đang dưỡng bệnh tại thành phố Yalta, trên bán đảo Krym, biển Đen. Truyện ngắn ra đời trong hoàn cảnh xã hội Nga dưới chế độ Nga hoàng Nikolai II khủng hoảng và bế tắc, sinh ra kiểu người lập dị như Bê-li-cốp. Trong đó, hình tượng cái bao là một sáng tạo độc đáo của nhà văn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
- Thân bài:
– Hình tượng nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ. Trong văn học, hình tượng nghệ thuật được tạo nên từ ngôn từ, tạo dựng lên trong tâm trí người đọc một hình tượng đặc sắc, mang đến những ấn tượng mạnh mẽ.
– Chiếc bao là hình ảnh xuyên suốt truyện ngắn “Người trong bao”, nó không chỉ là hình ảnh thực về thứ vật dụng Bê-li-cốp yêu thích mà còn là phương tiện nghệ thuật để Sê-khốp truyền tải nhiều bài học nhân sinh sâu sắc.
– Trước hết, chiếc bao xuất hiện với tư cách là hình ảnh thực, đó là thứ vật dụng mà Bê-li-cốp sử dụng để đựng các loại đồ dùng.
– Chiếc bao cũng là nơi Bê-li-cốp che đậy nỗi sợ hãi cuộc sống của mình, ngay cả khuôn mặt Bê-li-cốp cũng luôn được giấu kín sau chiếc áo bành tô cao cổ, căn phòng của hắn cũng ngột ngạt, bí bách như một chiếc bao.
– Chiếc bao đã không chỉ giới hạn trong hình ảnh tả thực mà đã trở thành hình tượng kinh điển cho một lối sống tiêu cực – lối sống thu mình trong vỏ ốc, sợ hãi cuộc sống.
– Thông qua hình tượng chiếc bao, nhà văn Sê-khốp đã lên án mạnh mẽ đối với chế độ Nga hoàng, đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của mình đối với những con người phải sống trong bầu không khí ngột ngạt, tù túng ấy.
– Chiếc bao không chỉ biểu tượng cho nỗi sợ cuộc sống mà còn là biểu tượng của chế độ sa hoàng chuyên chế, bảo thủ nặng nề đã bọt nghẹt con người ta, khiến cho cuộc sống vốn đầy hi vọng trở nên nặng nề.
– Trong bản dịch của Nguyễn Hữu Vui, in năm 1957, câu chuyện này được dịch là Người mang vỏ ốc. Khi đó Nguyễn Tuân cho rằng phải dịch là “ Người mang áo bao” thì mới đúng với lời và ý trong truyện. Các dịch giả Phan Hồng Giang, Cao Xuân Hạo dịch là Người trong bao. Xét cho cùng thì hình ảnh cái bao là một hình ảnh tượng trưng (về phương diện này, vỏ ốc cũng là một thứ bao). Có những cái bao để đựng đồ vật, hình thù cái bao rất rõ ràng (bao đựng ô, đựng đồng hồ, đựng dao). Bê-li-cốp tạo ra bao, cũng là tự biến mình thành đồ vật. Nhưng vật giống như cái bao, cái vỏ (để bọc) thì không phải là một cái bao cụ thể : giầy cao su, ô, kính râm, áo bông chần, mui xe ngựa, căn phòng hẹp, giường có mắc màn… của Bê-li-cốp.
– Cả thành phố cũng là một cái bao lớn được làm thành bởi các ngôi nhà (bao nhỡ); bao nhỡ được làm nên bởi những căn phòng – bao nhỏ. Nhưng có những cái bao vô hình, không có hình dáng cái bao để con người chui vào, nhưng nó vẫn là bao. Đúng như I-va-nứt nói : “Chúng ta sống chui rúc ở thành phố này trong không khí ngột ngạt ( Người viết nhấn mạnh). Chúng ta viết những thứ giấy tờ vô dụng, đánh bài đánh bạc- những cái đó không phải là một thứ bao sao? Chúng ta sống cả đời bên những kẻ vô công rồi nghề, những kẻ xui nguyên giục bị, những mụ đàn bà nhàn rỗi ngu si, chúng ta nói và nghe đủ thứ chuyện nhảm nhí, vô nghĩa- đó chẳng phải là một thứ bao sao?”.
Như vậy cái bao là không khí ngột ngạt, là giấy tờ vô dụng, là việc đánh bài đánh bạc, là những chuyện nhảm nhí…Nó trùm lên con người một cách vô hình, nó làm cho người ta trở thành Bê-li-cốp mà không tự biết. Cái bao đó cần phải được triệt phá để con người không phải chịu cuộc sống “như cũ, nặng nề, mệt nhọc, vô vị”.
- Kết bài
– Đặt hình tượng chiếc bao trong bối cảnh hiện đại thì có thể thấy lối sống Bê-li-cốp vẫn còn tồn tại trong mỗi con người. Để sống vui vẻ, hạnh phúc đòi hỏi chúng ta phải phá bỏ những chiếc bao, vượt qua những nỗi sợ hãi để hướng đến sự tự do, thoải mái.
Tham khảo:
Hình tượng chiếc bao trong truyện ngắn “Người trong bao” của đại thi hào Nga Sê-khốp.
Để truyền tải được những quan niệm, những tư tưởng đặc biệt cho tác phẩm văn học của mình đòi hỏi nhà văn phải tạo ra được những nét riêng biệt, cá tính cho phong cách của mình. Phương tiện quan trọng và sinh động nhất để nhà văn giao tiếp với người đọc chính là những hình tượng nghệ thuật. Trong lịch sử văn học thế giới, đã từng xuất hiện rất nhiều những hình tượng nghệ thuật mang tính điển hình, mang sức sống và sức cuốn hút đầy mạnh mẽ với độc giả. Hình tượng chiếc bao trong truyện ngắn “Người trong bao” của đại thi hào Nga Sê-khốp là trường hợp như vậy. “Chiếc bao” đã trở thành hình tượng kinh điển của nền văn học thế giới, nó vượt qua ý nghĩa thẩm mĩ thông thường mà đã trở thành biểu tượng cho một lối sống, một kiểu người.
Hình tượng nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ. Trong văn học, hình tượng nghệ thuật được tạo nên từ ngôn từ, tạo dựng lên trong tâm trí người đọc một hình tượng đặc sắc, mang đến những ấn tượng mạnh mẽ. Đó có thể là hình tượng con người mang tính điển hình như: Chí Phèo, Huấn Cao, lão Đôn-ki-hô-tê….đó cũng có thể là những hình tượng về tinh thần: tiếng đàn của Lorca…, là những hình tượng vật chất hữu hình nhưng lại ngầm truyền tải những tư tưởng vô hình nhưng có ý nghĩa sâu xa như: chiếc bánh bao tẩm máu trong “Thuốc” hay hình tượng chiếc bao trong truyện ngắn “Người trong bao” của Sê-khốp.
Chiếc bao là hình ảnh xuyên suốt truyện ngắn Người trong bao, nó không chỉ là hình ảnh tả thực về thứ vật dụng mà Bê-li-cốp yêu thích và thường xuyên mang theo bên người mà còn là phương tiện nghệ thuật để Sê-khốp truyền tải nhiều bài học nhân sinh sâu sắc hơn thế.
Trước hết, chiếc bao xuất hiện với tư cách là hình ảnh thực, đó là thứ vật dụng mà Bê-li-cốp sử dụng để đựng các loại đồ dùng: chiếc đồng hồ, con dao, chiếc ô…Cuộc sống sinh hoạt của Bê-li-cốp luôn gắn liền với chiếc bao, hắn ta mang theo đến bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Chiếc bao cũng là nơi Bê-li-cốp che đậy nỗi sợ hãi cuộc sống của mình, không chỉ cất giữ những đồ dùng trong chiếc bao mà ngay cả khuôn mặt Bê-li-cốp cũng luôn được giấu kín sau chiếc áo bành tô cao cổ, căn phòng của hắn cũng ngột ngạt, bí bách như một chiếc bao.
Từ hình ảnh tả thực về thứ vật dụng yêu thích của Bê-li-cốp, nhà văn Sê-khốp đã xây dựng lên một hình tượng đặc sắc. Chiếc bao đã không chỉ giới hạn trong hình ảnh tả thực mà đã trở thành hình tượng kinh điển cho một lối sống tiêu cực – lối sống thu mình trong vỏ ốc, sợ hãi cuộc sống; cho một kiểu người thụ động, e dè trước những tác động của cuộc sống mà trở nên nhu nhược, yếu đuối, đáng khinh.
Sở dĩ Bê-li-cốp luôn mang theo những chiếc bao bởi hắn có nỗi sợ khủng khiếp với cuộc sống, chiếc bao là nơi hắn che đậy nôi sợ của bản thân, là nơi hắn có thể ẩn nấp khỏi cuộc sống xung quanh, không chỉ đồ dùng mà ngay cả bản thân hắn cũng cho vào chiếc bao ấy. Thông qua hình tượng chiếc bao, nhà văn Sê-khốp đã lên án mạnh mẽ đối với chế độ Nga hoàng, đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của mình đối với những con người phải sống trong bầu không khí ngột ngạt, tù túng ấy.
Chiếc bao không chỉ biểu tượng cho nỗi sợ cuộc sống mà còn là biểu tượng của chế độ sa hoàng chuyên chế, bảo thủ nặng nề đã bọt nghẹt con người ta, khiến cho cuộc sống vốn đầy hi vọng trở nên nặng nề, tràn ngập những nỗi sợ hãi và lo lắng. Cũng chính chiếc bao vô hình ấy đã giết chết Bê-li-cốp một cách lặng lẽ mà tàn độc, khi còn sống mọi thứ đều có thể khiến hắn sợ hãi mà sống một cách giáo điều, cứng nhắc, ngay cả khi chết đi thứ mà hắn khao khát, thứ khiến hắn cảm thấy hạnh phúc lại là chiếc quan tài.
Hình tượng chiếc bao không chỉ biểu tượng cho chế độ Nga hoàng chuyên chế ngột ngạt, u ám mà còn là lối sống tiêu cực tồn tại ở một bộ phận trí thức Nga đương thời. Tuy nhiên, đặt hình tượng chiếc bao trong bối cảnh hiện đại thì có thể thấy lối sống Bê-li-cốp vẫn còn tồn tại trong mỗi con người. Để sống vui vẻ, hạnh phúc đòi hỏi chúng ta phải phá bỏ những chiếc bao, vượt qua những nỗi sợ hãi để hướng đến sự tự do, thoải mái.