Phân tích hình tượng người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu qua bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương”.

phan-tich-hinh-tuong-nguoi-chi-si-yeu-nuoc-phan-boi-chau-qua-bai-tho-luu-biet-khi-xuat-duong

Phân tích hình tượng người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu qua bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương”.

  • Mở bài:

Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh là hai sĩ phu yêu nước nổi bậc nhất trong phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. Tuy hai đường hướng đấu tranh khác nhau nhưng cả hai chí sĩ đều chủ động dùng văn thơ là vũ khí truyền bá tư tưởng và kêu gọi đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần nhiệt huyết sôi nổi, tráng chí rộng lớn và cao đẹp của hình tượng người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

  • Thân bài:

Sinh ra gặp lúc đất nước đang trong cảnh lầm than, đói khổ dưới kiếp đời nô lê, Phan Bội Châu có ý thức nhận rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước. Dưới ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến, Phan Bội Châu xác định cho mình chí làm trai lớn lao, gắn bản thân mình với vận mệnh tổ quốc. “Lưu biệt khi xuất dương” được Phan Bội Châu sáng tác vào năm 1905, trước khi lên đường sang Nhật để từ giã bạn bè đồng chí, bài thơ vừa mang ý nghĩa cổ vũ, động viên tinh thần người ra đi, cũng vừa thôi thúc, củng cố niềm tin và tinh thần của những người ở lại về một tương lai tốt đẹp của dân tộc, với con đường cứu nước mới mẻ, nhiều hứa hẹn, mặc dù Phan Bội Châu mới chỉ bắt đầu những bước đi đầu tiên.

Hình tượng người chí sĩ yêu nước hiện lên trước tiên là ở quan điểm của danh sĩ về chí làm trai trong thời đại mới. Trong hoàn cảnh đất nước có nhiều biến động, thù trong giặc ngoài thì:

“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời”.

Phan Bội Châu quan niệm rằng kẻ nam nhi phải mong có điều “lạ”, nghĩa là không thể sống tầm thường mà phải có những hoài bão, lý tưởng cao đẹp, có bản lĩnh mưu đồ việc lớn, dám vươn mình bước ra khỏi sự giới hạn, bó hẹp khuôn phép, làm những cái mà không ai dám làm, với lòng kiên định và niềm tin vững chắc, lưu lại tiếng thơm muôn đời. Con người ấy sống chủ động, tích cực, có tinh thần làm chủ thiên nhiên, “há để càn khôn tự chuyển dời”. Nam nhi chí tại bốn phương, phải nắm giữ và làm chủ vận mệnh của mình, sống chủ động, tích cực, có tinh thần làm chủ, chớ để mặc trời đất, tạo hóa kiến sinh, buông trôi vận mệnh như chiếc lá xuôi theo dòng nước không biết sẽ lạc lõng về đâu.

Tinh thần ấy, bản lĩnh ấy đúng như Xuân Diệu từng nói: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối / Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Người nam nhi đứng giữa đất trời cũng vậy, cuộc đời ngắn ngủi 60 năm, ít nhất phải có một lần được vụt sáng lên, trở thành vĩ đại, còn nếu cam chịu cuộc đời bình lặng, đằng đẵng thì quả là uổng phí.

Ý thơ chính là sự khích lệ của Phan Bội Châu dành cho những thanh niên trẻ tuổi, phải dám đặt ngang tầm vóc của bản thân với trời đất, với tạo hóa, giành lấy thế chủ động quyết định vận mệnh của mình, thậm chí là thay đổi càn khôn bằng một khẩu khí vô cùng mạnh mẽ, tự tin và táo bạo.

Quan niệm về chí làm trai của Phan Bội Châu không phải chỉ mới xuất hiện trong thơ ông, mà nó đã từng ẩn hiện trong ca dao và thơ ca của nhiều những danh sĩ khác. Tuy không hoàn toàn giống nhưng cũng có những điểm tương đồng về khẩu khí và tính chất. Ví như trong bài thơ “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ có câu:

“Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”.

Phan Châu Trinh cũng đã từng:

“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non”.

Hay trong ca dao Việt Nam cũng có nhiều câu rất hay:

“Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên”.

Sau khi xác định vị trí của người làm trai, Phan Bội Châu tiếp tục đưa ra quan điểm về vai trò và trách nhiệm của đấng nam nhi trước thời cuộc, đó là phận sự với đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước có nhiều biến động thì người nam nhi lại càng phải đứng ra thể hiện rõ ràng vai trò, chí khí của mình để phụng sự cho Tổ quốc:

“Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai”.

Hình tượng người chí sĩ hiện lên với khoảng thời gian “trăm năm”, một là để chỉ đời người, sau là chỉ một thế kỷ nhiêu biến động của đất nước. Người chí sĩ nhận thức rõ ràng và nhấn mạnh trách nhiệm của bản thân, phải đứng lên đấu tranh cho lý tưởng, trở thành người có trọng trách vai trò to lớn, phục hưng đất nước. Làm sao cho xứng với sự sắp đặt của tạo hóa, trời đã đem đến cho ta một kỷ nguyên đầy chông gai, thì thân là nam nhi phải xác định rằng đất nước đang cần và bản thân chính là rường cột nước nhà.

Ngoài ra, người chí sĩ còn hiện lên không chỉ là sự tự nhận thức mà còn hiện lên với tầm nhìn xa trông rộng, lo nghĩ cho mai sau, cho con đường cứu quốc bằng việc lay động thức tỉnh thế hệ thanh niên tiếp nối, cổ vũ họ bằng chính tráng chí, lý tưởng của một nhà cách mạng tiên tiến. Câu hỏi “Sau này muôn thuở há không ai?” là hỏi tất cả thế hệ thanh Việt Nam bấy giờ và các thế hệ mai sau, kéo những con người đang chìm trong vũng lầy của sự bế tắc ra khỏi cảnh bất lực trước thời cuộc; đồng thời khích lệ tinh thần yêu nước, lý tưởng sống, tráng chí tung hoành bốn bể cho xứng với phận nam nhi, hướng họ đến một nhận thức mới, một niềm tin niềm hy vọng mới, khơi dậy trong tâm hồn họ sự tự tin, quyết đoán của bậc đại trượng phu.

Hình tượng người chí sĩ tiếp tục hiện lên với những nhận thức về số phận đất nước, dân tộc và cả nền Nho học vốn tùng huy hoàng nhưng nay chỉ còn là quá khứ:

“Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”

Phan Bội Châu viết “non sông đã chết”, cái chết ở đây là cái chết của chủ quyền dân tộc, đất nước bị giày xéo bởi lũ giặc ngang tàn. Trong khi ấy những kẻ vốn được coi là đầu não là xương sống, kinh mạch của một đất nước lại hèn nhát, sợ hãi, chỉ biết lo đến cái vinh hoa phú quý phù phiếm của bản thân mà quên đi vận mệnh dân tộc, chấp nhận sống đê hèn, nhục nhã dưới kiếp thuộc địa, để con dân phải lầm lũi thở than.

Một đất nước mất quyền tự chủ, một dân tộc không có người lãnh đạo có phải đã “chết” rồi hay không, chẳng khác nào một cái vỏ rỗng tuếch, những giá trị truyền thống, văn hóa của dân tộc đã bị đàn áp dưới chế độ thực dân. Như vậy việc mất nước, chính là nỗi nhục nhã của cả một dân tộc, đặc biệt là trong tư tưởng truyền thống thì đối với mỗi một kẻ đọc sách thánh hiền, một đấng nam nhi nỗi nhục ấy còn đau đớn và dằn vặt hơn gấp bội lần.

“Hiền thánh còn còn đâu đọc cũng hoài”, một danh sĩ xuất thân Nho học, nhận được sự giáo dục truyền thống từ thuở còn tấm bé, việc phủ nhận và ý thức rõ ràng về một nền Nho học lỗi thời, lạc hậu, có tiếng nhưng không có miếng, không còn phù hợp trong bối cảnh thời đại mới chính là nỗi đau đớn khó có thể chấp nhận. Việc tự nhận thức ấy, chẳng khác nào bảo một người luyện võ tự phế đi công lực của mình và phải bắt đầu lại với hai bàn tay trắng. Thế nhưng ta có thể nhận thấy rằng dẫu rằng có xót xa, nhưng người chí sĩ không hề nản chí, mà giọng thơ rất mạnh mẽ, quyết liệt sẵn sàng từ bỏ thứ vô dụng, để tiến tới một chân trời mới với tư thế hiên ngang mạnh mẽ, tâm hồn tự do và phóng khoáng.

Thoát ra khỏi ý thức hệ phong kiến, chí làm trai của Phan Bội Châu hướng về Tổ quốc và nhân dân, như ông đã viết: “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”. Tất cả vì nước, vì dân chứ không phải vì nghĩa vua – tôi: “Dân là dân nước, nước là nước dân”.

Hình ảnh con người vượt biển đi tìm một chân trời mới, thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình, cống hiến và phụng sự cho Tổ quốc với một tầm vóc vĩ đại, sánh ngang trời đất khẳng định mạnh mẽ hình tượng kì nĩ của người chí sĩ yêu nước:

“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.

Hình tượng thơ kì vĩ lên một chí lớn mang tầm vũ trụ. Không phải gió nhẹ mà là trường phong. Không phái quanh quẩn chốn quan trường hoặc nơi trường thi chật hẹp, mà là di ra biển Đông với một sức mạnh phi thường, cùng bay lèn với ngàn lớp sóng bạc. Đây là những câu thơ đẹp nhất của Phan Bội Châu biểu lộ một bầu nhiệt huyết, khát vọng hành động mạnh mẽ của người chí sĩ yêu nước. Từng đợt sóng vừa thể hiện tráng chí sục sôi trong trái tim yêu nước, vừa thể hiện những khó khăn trùng trùng phía trước, ngoài ra cụm từ “tiễn ra khơi” còn thể hiện sự ủng hộ của thiên nhiên với quyết định và lý tưởng đúng đắn của người anh hùng dân tộc.

Người chí sĩ yêu nước đứng trước thiên nhiên rộng lớn, đứng trước thời cuộc đầy biến động, vẫn giữ cho mình tráng chí ngất trời, phong thái tự tin, kiêu hãnh ra đi tìm con đường mới cho Tổ quốc và dân tộc, đó thực sự là một hình ảnh đẹp đẽ vô cùng.

  • Kết bài:

“Lưu biệt khi xuất dương” là một sáng tác mang khuynh hướng trữ tình chính trị, giọng thơ trang nghiêm, đĩnh đạc hào hùng, mạnh mẽ, lôi cuốn, nổi bật với hình ảnh người chí sĩ yêu nước với vẻ đẹp kiêu hùng, tầm vóc sánh ngang với trời đất, phong thái, tự tin, quyết liệt dựa trên cơ sở một lý tưởng và tráng chí cao đẹp – phụng sự và cống hiến cho Tổ quốc, cứu quốc bằng con đường mới mẻ. Bài thơ đã khắc họa rõ nét một tâm hồn nhiệt huyết, sôi sục ý chí chiến đấu của người chí sĩ nhưng không quá cứng nhắc, mà vẫn đủ nhưng phong thái lãng mạn, bay bổng của người anh hùng khao khát tự do và sống vì lý tưởng cao đẹp. Không phải là khẩu khí mà sự thật lịch sử đã xác nhận Phan Bội Châu đã sống và hành động như thơ ông đã viết ra.

Cảm nhận vẻ đẹp của các nhà nho yêu nước, nhà chí sĩ cách mạng vĩ đại của dân tộc ta qua hai bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông (Phan Bội Châu) và Đập đá ở Côn Lôn (Phan Châu Trinh)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.