Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến qua khổ thơ: Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc… Sông Mã gầm lên khúc độc hành

phan-tich-hinh-tuong-nguoi-linh-tay-tien-qua-doan-tho-tay-tien-doan-binh-khong-moc-toc-tay-tien-quang-dung

Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến qua khổ thơ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

  • Mở bài:

Quang Dũng đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng người lính Tây Tiến. Đó là vẻ đẹp bi tráng và hào hoa của những con người trẻ tuổi quyết tâm chiến đấu với kẻ thù trong những năm tháng đầy gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong hai đoạn thơ đầu mà nhà thơ đã thành công trong việc vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về núi rừng Tây Bắc vừa nguy hiểm dữ dội, vừa thơ mộng bằng những nét vẽ vừa gân guốc, táo bạo lại vừa mềm mại uyển chuyển. Nhưng ở đoạn thơ thứ ba này, nhà thơ lại dành tất cả những tình cảm cùng sự trân trọng của mình để nói về những mất mát hi sinh lớn lao của những đồng đội mình, họ là những người lính Tây Tiến:

“Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
(……………………..)
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

  • Thân bài:

Toàn bộ bài thơ là một nỗi nhớ được nhà thơ viết theo dòng hồi tưởng. Chính vì vậy những hình ảnh được ông miêu tả là những hình ảnh rất thật thậm chí là trần trụi của cảm xúc thăng hoa nhưng lại được nhìn qua lăng kính của cặp mắt lãng mạn. Đoạn thơ thứ ba này chính là một minh chứng cho điều đó. Mở đầu đoạn thơ, người đọc gặp ngay một hình ảnh khá ấn tượng và bất ngờ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Hình ảnh những con người da xanh tái, đầu thì không có tóc không khỏi làm cho người đọc có cảm giác ngỡ ngàng hoặc cho đó là sự tưởng tượng thái quá của nhà thơ. Thức tế đây không phải là sản phẩm do nhà thơ tưởng tượng mà đó là sự thật khắc nghiệt với những người lính Tây Tiến.

Đối với những người lính Tây Tiến đó đâu phải là chuyện lạ bởi trong số các anh có nhiều người ra đi từ đất Hà thành, mang trong mình dòng máu lãng mạn của tuổi trẻ thì có người cạo trọc đầu giống những anh Vệ quốc để khi đáng giáp là cà với giặc cho thuận tiện. Song phần nhiều, họ bị căn bệnh sốt rét rừng quái ác hành hạ không có thuốc chữa khiến cho tóc rụng hết. Căn bệnh quái ác ấy hầu như người lính nào cũng từng trải qua.

Trong bài thơ Đồng chí, nhà thơ Chính Hữu cũng đã ít nhất một lần nhắc đến căn bệnh đó:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người trán đẫm mồ hôi”.

(Đồng chí, Chính Hữu)

Còn trong Cá nước, Tố Hữu cũng không quên viết về những anh vệ quốc:

“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ”.

(Cá nước, Tố Hữu)

Nhưng với Quang Dũng, qua cách nói mang đậm chất lính người đọc có cảm giác như thể tóc của những chiến binh Tây Tiến “không thèm mọc” vậy. Đâu chỉ có vậy, cái dáng vẻ ấy làm khuất lấp đi cái đói, rét và ốm đau bệnh tật của những người lính. Đối với những người lính Tây Tiến những gian khổ ấy không thể làm nhụt đi ý chí chiến đấu mà càng tôi luyện thêm ý chí vốn đã trở nên sắt đá của họ.

Khác hẳn với vẻ bề ngoại, ẩn bên trong những người lính ấy còn mang một tâm hồn lãng mạn của những chàng trai hào hoa đất Hà thành. Vì vậy trái tim trẻ trung của họ vẫn khao khát yêu thương, bay bỗng, lãng mạn họ vẫn “gửi mộng qua biên giới”. Họ gửi mộng mơ của mình về một nơi xa nào đó nào ai biết! Họ vẫn  nhớ nhung những bóng hình kiều diễm, thướt tha của những thiếu nữ của đất Hà thành nghìn năm văn hiến “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Trước đây, đã một thời gian bài thơ Tây Tiến có một “số phận” thăng trầm chính bởi những câu thơ này bị phê phán là ủy mị, là xa lạ, làm nhụt đi ý chí chiến đấu của người lính. Nhưng kì thực đây là những tình cảm rất chân thật của những người lính bởi họ đâu chỉ đơn giản là những người lính chỉ biết chiến đấu cho lí tưởng mà thôi. Họ còn mang trong mình một tâm hồn trẻ trung, khát khao yêu thương của tuổi đôi mươi và có thể chín những ước mơ thấm đẫm chất nhân văn ấy lại chính là động lực giúp họ vững tin trên những chặng đường hành quân đầy gian khổ. Phải chăng họ “chẳng tiếc đời xanh” là để cho một Hà Nội thanh bình và cho cả những “dáng kiều thơm” ấy.

Những người lính Tây Tiến hầu hết đều là những chàng trai gốc Hà Nội, họ ra đi vì lí tưởng cao đẹp, vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vì thế họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng:

“Rãi rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Mạch thơ đột ngột chuyển sang âm điệu da diết khi nói về sự hi sinh mất mát của những người lính chứ không còn bay bổng như khi nói về cuộc sống của họ. Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” với hầu hết là các từ Hán Việt tao nên âm hưởng thiêng liêng khi nói về sự hi sinh. Chiến tranh tàn khốc, bóng đen của thần chết luôn rình rập, những nấm mồ “viễn xứ” nằm rải rác khắp biên cương không một tấm bia, không một dòng địa chỉ. Thật là xót xa!

Với những chiến binh Tây Tiến, cho dù họ luôn phải chứng kiến cảnh những nấm mồ của đồng đội nằm lạnh lẽo “rải rác” trên suốt chặng đường hành quân nhưng họ vẫn sẵn sàng hi sinh khi Tổ quốc cần đến họ: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Họ không tiếc đời ra đi chiến đấu vì quê hương, vì Tổ quốc bởi cuộc đời sẽ như thế nào nếu không có Tổ quốc. Câu thơ vang lên âm hưởng “một đi không trở lại” của những tráng sĩ, dũng sĩ thuở nào và như một lời thề danh dự của những chiến binh Tây Tiến anh hùng.

Biết rằng ra đi không hẹn ngày trở lại nên những người lính Tây Tiến coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”. Vì vậy  sự hi sinh của họ được hình dung trong tư thế của những chiến binh anh hùng:

“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn lúc đó, khi nằm xuống những người lính có khi không có cả chiếu để bọc thân là một sự thật nhưng với Quang Dũng họ lại được bọc trong những chiếc “áo bào” trang trọng khi trở về với đất nước thiêng liêng. Cụm từ “anh về đất” thật nhẹ nhàng. Cái chết của các anh vẫn sống mãi với quê hương.

Cái chết của người lính bi tráng mà không hề bi lụy. Sự hi sinh của các anh làm cho núi sông quặn thắt và rồi dòng sông Mã quê hương đã tấu lên một bản nhạc hùng tráng thay lời tiến biệt đưa các anh về với đất mẹ yêu thương “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Không một giọt nước mắt, không một lời tiễn biệt nhưng bằng những câu thơ chất chứa nỗi đau xót và niềm thương tiếc vô hạn chính là tấm lòng, sự trân trọng, là nén tâm hương mà Quang Dũng thắp lên để tưởng nhớ đồng đội.

  • Kết bài:

Bằng ngòi bút sắc sảo, tinh tế cùng với bút pháp lãng mạn, Quang Dũng đã xây dựng thành công hình tượng người lính Tây Tiến trong những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ với vẻ đẹp hào hoa, hào hùng. Đây cũng là đóng góp to lớn của Quang Dũng với nến thơ ca kháng chiến. Tây Tiến xứng đáng là “một bức tượng đài bất tử về những người lính vô danh”.

Xem thêm:

5 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích bài thơ "Tiếng hát con tàu" của nhà thơ Chế Lan Viên - Theki.vn
  2. Cảm nhận hình ảnh oai hùng trước cái chết và bức chân dung lẫm liệt của người lính Tây Tiến - Theki.vn
  3. Cảm nhận vẻ đẹp cảm hứng lãng mạn trong đoạn thơ: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa... trong Tây Tiến của Quang Dũng - Theki.vn
  4. Phân tích vẻ đẹp bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng - Theki.vn
  5. Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (dưới góc độ thi pháp) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.