Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

phan-tich-mua-xuan-nho-nho-thanh-hai

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

  • Mở bài:

Thanh Hải sinh ra và lớn lên trên đất cố đô Huế. Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam, của nhân dân Thừa Thiên là nguồn cảm hứng chủ yếu trong thơ Thanh Hải. Thơ ông bình dị, đôn hậu và chân thành như tính cách con người Huế. Bài thơ mùa xuân nho nhỏ thể hiện sâu sắc đặc điểm phong cách thơ ấy của ông. Thanh Hải viết Mùa xuân nho nhỏ khi trên giường bệnh, khoảng hai tháng trước khi ông mất. Bài thơ là lời tự bạch chân thành với những tâm niệm đầy tính nhân văn về đất nước và đời thơ; về tình yêu cuộc sống và cuộc chiến đấu kiên cường. Tất cả làm toát lên một vẻ đẹp tâm hồn lung linh hiếm có trong nền thơ Việt nam.

  • Thân bài:

Thi phẩm nhanh chóng chinh phục người đọc trước hết bởi âm hưởng, ngân nga mà sâu lắng, bởi năng lượng cảm xúc dồi dào truyền tải và lan toả. Chính cái giọng điệu dịu ngọt, chan chứa tình yêu đời, yêu cuộc sống đã tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc và góp phần làm nổi bật lên cấu tứ, hình ảnh, hình tượng và ngôn từ của bài thơ.

Mở đầu bài thơ là bức tranh mùa xuân tươi xanh, rộng lớn của thiên nhiên đất nước:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.

Không gian thiên nhiên mùa xuân được gợi ra từ hình ảnh rất riêng, rất đậm chất Huế: “dòng sông xanh”, “bông hoa tím biếc”, “con chim chiền chiện hót vang trời”. Một mùa xuân dịu dàng tươi sáng bởi màu sắc, náo nức rộn ràng bởi âm thanh, và lồng lộng cao vời của không gian rộng lớn. Thiên nhiên tươi xanh căng tràn nhựa sống trong cuộc tuần hoàn mãnh liệt của đất trời. Sự hoà hợp giữa màu xanh của dòng sông và sắc tím của bông hoa tạo nên một cảm giác mát dịu đến mê li.

Khung cảnh còn được gợi lên bởi âm thanh quen thuộc rộn ràng tươi vui của chim chiền chiện – loài chim thường xuất hiện vào mùa xuân và được xem là tín hiệu báo xuân. Tiếng hát vang trời của chiền chiện làm không khí mùa xuân trở nên náo nức lạ thường. Thủ pháp chấm phá đặc sắc của Thanh Hải khiến cho khổ thơ vừa gọn gàng, súc tích vừa gọi mở đến vô biên.

Từ một bông hoa “vừa trôi vừa nở” trên dòng sông, đến “từng giọt long lanh rơi” vừa như thực như mơ đẹp đến ngỡ ngàng. Cảnh vật có sức quyến rũ mê hồn, khiến thi sĩ như tỉnh như say. Nhà thơ thầm hỏi, hay thốt lên “hót chi mà vang trời”, tưởng như nghe được tiếng lòng trìu mến bao dung, quyến luyến cõi đời của một người thơ xứ Huế.

Tiếng chim hồn nhiên, trong trẻo, vừa gắt gỏng vừa đắm say mà da diết phía bầu trời cao vút lại như kết đọng thành những giọt âm thanh rơi xuống hồn người, chạm vào cõi sâu lặng, khuấy lên bao nỗi niềm, dìu nhà thơ vào cõi mộng: “Tôi đưa tay tôi hứng” lấy như sợ nó sẽ vun vỡ khi chạm vào đất.

Từ cảm hứng về thiên nhiên, Thanh Hải bất ngờ chuyển hướng. Thì ra, ông nói mùa xuân thiên nhiên chỉ là nguyên cớ để đi vào mùa xuân của đất nước và con người trong cuộc sống và chiến đấu:

“Mùa xuân người cầm súng
Lộc dắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”.

Hình ảnh con người hiện ra trong cảnh sắc mùa xuân thật vững vàng và cao đẹp. Họ là những người đại diện cho hai nhiệm vụ cơ bản của đất nước Việt Nam trong mùa xuân tươi đẹp, hạnh phúc mà không quên nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu.

Hình ảnh “lộc dắt đầy quanh lưng” người cầm súng đứng canh giữa quê hương khẳng định lúc nào họ cũng trong tư thế sẵn sàng nhưng không quên mang theo bên mình mùa xuân đất nước, mang theo tình yêu quê hương. “Lộc trải dài nương mạ” là bài ca thi đua sản xuất tràn đầy niềm tin tưởng cho một mùa xuân bội thu, tất thắng. Thiên nhiên ban tặng lộc, con người vun tay ươm mầm. Tất cả hoà quyện trong sự phồn thực của mùa xuân, mang chứa khát vọng lớn lao muôn thuở về cuộc sống hòa bình, no ấm và hạnh phúc.

Thanh Hải thật khéo léo khi hòa quyện giữa mùa xuân thiên nhiên trong mùa xuân của lòng người. Đọc xong khổ thơ, người đọc bỗng nhận thấy khắp đất trời đâu đâu cũng tràn đầy sức sống, tràn đầy niềm tin và hi vọng, những nụ cười rạng rỡ, tiếng nói cười thiết tha. Đâu ta cũng thấy sự hiền hòa dễ chịu, cảm thấy thân thương và gắn bó vô cùng.

Đó cũng là tâm hồn của Thanh Hải đấy. Ông đang vui, ông đang yêu đời, ông đang tha thiết sống. Sự sống trong ông căng trào mãnh liệt đến nỗi vượt thoát ra bên ngoài, thấm đẫm không gian. Nhìn đâu ông cũng thấy những nguồn sống đang cuồn cuộn chảy:

“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”.

Bất ngờ, nhịp thơ chùng lại, trầm tư suy ngẫm về đất nước:

“Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.

Từ niềm tự hào về cuộc sống mới, nhà thơ bỗng nghĩ về đất nước trong bốn nghìn năm lịch sử đau thương, vất vả. Đó là một đất nước anh hùng, quật cường, bất khuất, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tỏa sáng như những vì sao, cứ đi lên phía trước. Chỉ bằng vài lời ngắn gọn, Thanh Hải đã tạc nên dáng hình đất nước trong bốn nghìn năm lịch sử. Đó cũng là tư thế của dân tộc Việt Nam trong trận chiến đấu với kẻ thù. Lúc nào họ cũng hiên ngang, anh dũng và sự tàn bạo chưa giờ có thể khuất phục họ. Họ vẫn sống và chiến đấu. Họ vẫn kiên cường và tỏa sáng.

Viết nên câu thơ, tuy có chút trầm ngâm song ta vẫn nhận rõ tiếng reo vui trong lòng tác giả. Cảm hứng ngợi ca và khí thế hào sảng của câu thơ đã xác định vị trí của nhà thơ trong cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc. Đó là vị trí của một người lính trong đội ngũ tiên phong trên mặt trận chống kẻ thù. Niềm vinh dự, tự hào như chất men say thôi thúc thơ ông cất lên tiếng hát với sự dâng hiến tận cùng; lớn lao mà bình dị, rất đỗi khiêm nhường:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.

“Mùa xuân nho nhỏ”“một tiếng chim”, “một cành hoa” “lặng lẽ dâng cho đời” cái đẹp, cái ngọt ngào, cái hữu ích. Một sự hiến dâng “lặng lẽ”, không phô trương, hết sức thầm kín nhưng cao quý vô cùng. Cách xưng hô “ta làm” và ước nguyện “một nốt trầm” cũng có thể làm “xao xuyến” muôn lòng, khi người nghệ sĩ “từ chân trời của một người” đi đến và hoà nhập với “chân trời của nhiều người”, lặng lẽ hiến dâng những gì đẹp nhất, dù “nho nhỏ” của mình vào cuộc đời chung.

Và nhà thơ đã kiên định một thái độ sống như vậy từ tuổi thanh xuân đến khi tóc bạc. Đức tính ấy là đức tính quý báu của con người Việt Nam “biết hi sinh nên chẳng nhiều lời”, là đức tính của những người mẹ “nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng”. Từ mùa xuân quê hương tác giả liên tưởng đến mùa xuân đất nước, từ mùa xuân mọi người, tác giả nghĩ đến “mùa xuân nho nhỏ” của cuộc đời mình.

Bài thơ kết thúc trong niềm vui gắn kết giữa quê hương và đất nước, giữa cái riêng và cái chung trong sự hòa nhập nhất thể:

“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế…”

Nhà thơ vẫn “xin” được hát mãi khúc ca “câu Nam ai Nam bình” bằng tất cả tình yêu, trái tim đầy nhiệt huyết. Tình yêu cuộc sống bắt nguồn từ những gì thân thuộc, gần gũi của quê hương, xứ sở. Nơi chôn nhau cắt rốn, nơi thắp lên những ước mơ, nơi đã cho Thanh Hải hiểu được ý nghĩa của cuộc đời. Có lẽ vì thế mà bài thơ chẳng những mang đậm chất trữ tình dịu dàng của xứ Huế mà như một khúc hát, một bản nhạc được cất lên từ tâm hồn rất “xuân” của nhà thơ.

Liên hệ:

Tổ quốc là mẹ cha, là linh hồn của mỗi con người. Không tổ quốc, con người thể nhận rõ mình là ai, mình sống vì cái gì. Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Sao chiến thắng đã từng giải bày:

“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”…

(Sao chiến thắng – Chế Lan Viên) 

Tình yêu Tổ quốc bắt nguồn một cách tự nhiên, giản dị từ tình yêu nguồn cội, yêu mảnh đất, con người, lịch sử, văn hóa đã sản sinh, nuôi dưỡng chúng ta; từ những xúc cảm bồi hồi với cây đa, bến nước, sân đình, từ những rung động thiết tha với lũy tre làng, với những bản làng đơn sơ, những con đường thân thuộc.

Viễn phương trong bài thơ Viếng lăng Bác cũng đã có những dòng cảm xúc hết sức thiết tha về ước nguyện muốn hóa thân thành những gì thiêng liêng, vĩnh hằng của cuộc đời:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này… “

(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

Đối với nhà thơ chết không có nghĩa là hết. Phía sau cái chết còn là sự hóa thân thành những gì tươi đẹp, hữu ích cho cuộc đời. Thật đáng quý thay lý tưởng sống của người lính cộng sản. Đối với họ,sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”; “Sống là cho. Chết cũng là cho”. (“Tạm biệt” – Tố Hữu).

  • Kết bài:

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng tha thiết, yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện được hòa nhập chân thành của nhà thơ, được cống hiến cho quê hương, đất nước; góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. Với thể thơ năm chữ, cách gieo vần mềm mại, gần với các làn điệu dân ca khiến cho bài thơ giàu nhạc điệu, mang âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết như chính tâm hồn của đất và người xứ Huế.


Tham khảo:

 Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

  • Mở bài:

Thanh Hải là một trong những cây bút có nhiều đóng góp đối với nền thơ chống Mỹ của miền Nam. Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam của nhân dân Thừa Thiên, là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ Thanh Hải. Thơ ông chân thật, bình dị, đôn hậu và chân thành. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ  là tác phẩm tiêu biểu nhất, thể hiện đậm nét phong cách thơ Thanh Hải.

  • Thân bài:

Mùa xuân tươi đẹp của xứ Huế trong những vần thơ đầu tiên. Ngay từ những dòng đầu tiên của bài thơ, mùa xuân của xứ Huế đã hiển hiện ra ngay trước mắt bạn đọc.

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng. 

Mùa xuân của xứ Huế nhẹ nhàng, bình yên với những bông hoa tím, giọt sương long lanh của buổi sớm mai. Nhưng cũng không kém phần sôi động, rạo rực với tiếng chim chiền chiện hót vang trời. Giữa dòng sông xanh thẳm “mọc” lên “một” bông hoa. Với động từ “mọc” giữa dòng sông, chúng ta có thể cảm nhận được sự mạnh mẽ, kiên cường của một bông hoa mỏng manh màu tím. Bông hoa “tím biếc” gợi nhắc cho chúng ta nhớ đến hình ảnh những cô gái xứ Huế với tà áo dài tím thướt tha. Tuy mỏng manh, đằm thắm nhẹ nhàng nhưng cũng vô cùng kiên cường, mạnh mẽ vượt qua mọi gian nan, vất vả để “khoe sắc thắm” cho đời.

Thán từ “ơi” là tiếng gọi thiết tha của tác giả như muốn níu lại tiếng hót vang của những chú chim chiền chiện. Chỉ với động từ “hứng” chúng ta như trông thấy được hình ảnh giọt sương trong veo đang từ từ rơi xuống khỏi chiếc lá. Tác giả đang đưa tay ra hứng trọng giọt sương như nâng niu trân quý vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Khổ thơ đầu tiên của mùa xuân nho nhỏ đã đưa chúng ta đến với hình ảnh mùa xuân xứ Huế mộng mơ cũng như cảm xúc chân thành, muốn được hòa mình vào vẻ đẹp đó của tác giả.

Hình ảnh mùa xuân của xứ Huế đã được tác giả mở rộng ra bằng mùa xuân của quê hương đất nước:

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao 

Mùa xuân của những người cầm súng, ngày đêm nỗ lực chiến đấu trên chiến trường. Song song với đó còn là mùa xuân của những người ra đồng, luôn tích cực tăng gia sản xuất cung cấp cho tiền tuyến máu lửa.

Không chỉ là nhà thơ, Thanh Hải còn là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho cách mạng miền Nam. Bởi vậy, những vần thơ của ông vừa nhẹ nhàng nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ, rắn rỏi. Hình ảnh người lính và người nông dân hiện lên với hai chiến lược quan trọng nhất của đất nước là chiến đấu và sản xuất đều vô cùng mạnh mẽ, “hối hả”“xôn xao”.

Mùa xuân người cầm súng / Lộc dắt đầy trên lưng”. Hai câu thơ miêu tả mùa xuân của những người lính đang xung phong ra trận và tập huấn giữa rừng xanh. Để tránh địch không phát hiện được mình, những chiến sĩ phải ngụy trang với các nhành cây xanh. Những chiến sĩ đó như mang cả mùa xuân ra chiến trường bảo vệ tổ quốc.

“Mùa xuân người ra đồng / Lộc trải dài nương mạ”. Mùa xuân ở tuyến hậu phương chính là hình ảnh những người nông dân ra đồng. Mùa xuân về khắp trên các nương mạ với màu xanh tươi nhờ vào sức lao động mỗi ngày của mọi người. Mùa xuân nho nhỏ đã thể hiện được hình ảnh của cả dân tộc bước vào mùa xuân với khí thế hừng hực, rộn ràng:

Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Sau những khó khăn, vất vả mà đất nước đã phải gánh chịu, tác giả mong muốn quê hương cứ thế “đi lên phía trước”. Tổ quốc ta đã biết bao lần chịu sự dày vò của giặc ngoại xâm, từ thời các các vua hùng đến triều đại phong kiến và ngay cả hiện đại. Dù trong hoàn cảnh nào, quân và dân ta vẫn luôn một lòng gắng sức bảo vệ tổ quốc, đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Đất nước nhờ vậy luôn được bảo vệ vững chắc. Các chiến công quân và dân ta lập được như những vì sao sáng lấp lánh trên bầu trời. Để khi nhìn lại, chúng ta vẫn luôn thấy biết ơn và tự hào về những chiến công rực rỡ đó của các thế hệ cha anh xưa.

Cho tới thời điểm hiện nay, đất nước vẫn không ngừng phát triển. Với bề dày lịch sử 4000 năm, đất nước như được tiếp thêm sức mạnh để phát triển, hướng đến tương lai tươi sáng mà không gì có thể ngăn cản được. Từ một mùa xuân nho nhỏ tác giả đã hướng độc giả đến với “mùa xuân” lớn của toàn đất nước.

Những khổ thơ cuối của mùa xuân nho nhỏ, tác giả đã bộc lộ hết nỗi niềm tha thiết được dâng hiến tài năng, sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước. Tác giả muốn được hòa vào mùa xuân chung của đất nước để tô vẽ thêm nét đẹp cho quê hương.

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

Nhà thơ ước mình được trở thành chú chim nhỏ, cành hoa tươi để mang đến tiếng hót vang và màu sắc tô điểm cho quê hương. Khi cả hai nét đẹp này hòa quyện lại với nhau sẽ tạo thành “một nốt trầm xao xuyến”.

Khi còn trẻ hay lúc về già đều không thay đổi mục đích. Dù bản thân có nhỏ bé bao nhiêu thì tác giả cũng muốn đóng góp một phần sức lực vào mùa xuân chung của đất nước. Đó là mong ước thủy chung suốt cả một cuộc đời ngay cả khi tuổi 20 hay đã trở thành người già tóc bạc.

Để rồi kết thúc bài thơ là những âm điệu nhẹ nhàng của xứ Huế:

Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế…

Những điệu hò “Nam ai”, “Nam bình” đặc trưng của xứ Huế như ẩn sâu vào từng câu thơ trong đoạn kết của bài. Điều này còn thể hiện được tình yêu quê hương, niềm tự hào là người con xứ Huế của tác giả.

  • Kết bài:

Những vần thơ của bài Mùa xuân nho nhỏ như nói lên tình yêu thương quê hương đất nước của tác giả. Đồng thời thông qua đó còn thể hiện được niềm khát khao muốn cống hiến sức lực mình cho tổ quốc, quê hương. Đặc biệt, bài thơ được tác giả sáng tác vào những ngày gần cuối đời, khiến chúng ta càng thấy trân trọng hơn tấm lòng của nhà thơ.


Tham khảo:

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

  • Mở bài:

Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu cho thơ ca cách mạng miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Ông tham gia hai cuộc kháng chiến và kiên trì bám trụ ở quê hương trong những năm tháng đen tối nhất. Sau hòa bình, tâm hồn thi sĩ rộng mở, hòa chung với niềm vui của đất trời giải phóng, ông tiếp tục làm thơ ca ngợi cuộc sống mới đang hằng ngày thay da đổi thịt, không ngừng vươn lên trên con đường đi tới tương lai tươi sáng. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ sáng tác năm 1980, in trong tập Mùa xuân đất này (1982), được đánh giá là một bài thơ hay, thể hiện quan điểm sống, cái nhìn lạc quan tin tưởng của tác giả đối với đất nước và dân tộc trong giai đoạn lịch sử mới xây dựng Tổ quốc đẹp giàu.

  • Thân bài:

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước; góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.

Theo quy luật thiên nhiên muôn đời, mùa đông lạnh lẽo trôi qua là mùa xuân xanh tươi lại trở về với tiếng chim rộn rã và muôn hoa khoe sắc, khoe hương. Bức tranh xuân mở đầu bài thơ thật đơn sơ, giản dị mà không kém phần đẹp đẽ:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời

Chỉ bằng vài nét phác họa: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời, tác giả đã vẽ ra bức tranh mùa xuân tươi đẹp với không gian cao rộng và sắc màu tươi thắm. Những màu sắc có tính chất; đặc trưng của xứ Huế (sông xanh, hoa tím biếc) và cả âm thanh vang vọng của tiếng chim chiền chiện lảnh lót, tươi vui.

Dòng sông trong xanh, hiền hòa làm nền cho sắc tím biếc của bông hoa, có thể là bông hoa súng. Bông hoa nhỏ bé soi mình trên mặt nước, vươn lên đón những tia nắng mặt trời. Mùa xuân thu nhỏ trong khung cảnh đơn sơ ấy. Nhà thơ lặng ngắm và lắng nghe với vẻ say mê và tấm lòng tràn đầy một cảm xúc thanh cao, trong sáng. Ôi tiếng chim chiền chiện – con chim thân thuộc của quê hương miền Trung! Tiếng chim thánh thót như chuỗi ngọc long lanh, đọng thành từng giọt niềm vui, rơi xuống cõi lòng rộng mở của thi sĩ, thấm vào tâm hồn đang rạo rực tình xuân. Nhà thơ chào đón mùa xuân bằng tất cả con người mình, cho nên mới có những câu thơ thắm thiết ân tình đến vậy.

Cảm xúc của tác giả trước cảnh mùa xuân của thiên nhiên được diễn tả tập trung ở chi tiết rất tạo hình này:

Từng giọt long lành rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Về hai câu thơ trên, có hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất: từng giọt ở đây là giọt mưa xuân long lanh trong ánh sáng của trời xuân. Ta có thể gắn hai câu thơ này với hai câu thơ trước: Ơi con chim chiền chiện, Hót chi mà vang trời để hiểu theo cách thứ hai: nhà thơ đưa tay hứng từng giọt âm thanh tiếng chim. Ở đây có sự chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (cảm nhận được bằng thính giác) chuyển thành từng giọt long lanh ánh sáng mặt trời (hình và khối, cảm nhận được bằng thị giác) và cả bằng xúc giác (Tôi đưa tay tôi hứng). Hiểu theo cách thứ hai này thì câu thơ có nghệ thuật điêu luyện hơn nhưng cũng cầu kì hơn. Dù hiểu theo cách nào thì hai câu thơ ấy vẫn biểu hiện niềm say sưa, ngây ngất của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân.

Xuân đến với thiên nhiên, xuân đến với lòng người. Suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, hình ảnh dân tộc Việt Nam kết tụ lại ở hình ảnh người cầm súng và người ra đồng. Nhà thơ Thanh Hải nhìn đâu cũng thấy sức xuân phơi phới:

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…

Từ cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, nhà thơ mở rộng, nâng cao thành cảm nhận về mùa xuân đất nước với hình ảnh người cầm súng, người ra đồng, biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động xây dựng Tổ quốc. Ý này không mới, nhưng tác giả đã tạo nên sự rung động của câu thơ bằng hình ảnh nơi nơi tràn đầy lộc non của mùa xuân: Lộc giắt đầy trên lưng… Lộc trải dài nương mạ. Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc. Lộc là chồi non, lá nõn, tượng trưng cho may mắn, thành công và hạnh phúc. Người cầm súng bảo vệ Tổ quốc thì lộc là vòng lá ngụy trang xanh tươi giắt đầy trên lưng. Người nông dân ra đồng, lộc là nương mạ mơn mởn trải dài, hứa hẹn một mùa màng bội thu. “Tất cả như hối hả, / Tất cả như xôn xao” – điệp từ tất cả cùng với các tính từ hối hả, xôn xao làm tăng thêm sức xuân mãnh liệt trong mỗi con người và trong cả cộng đồng rộng lớn là dân tộc.

Mùa xuân của đất trời hiển hiện trong hình ảnh lộc non theo chân người cầm súng và người ra đồng còn có ý nghĩa khẳng định con người Việt Nam đang đem mùa xuân đến khắp mọi miền đất nước. Phải gắn bó với quê hương, với con người bằng tình cảm máu thịt, nhà thơ Thanh Hải mới có được những liên tưởng vừa rất chân thực, vừa rất lãng mạn như vậy.

Cảnh vật mùa xuân tươi đẹp, lòng người mùa xuân phơi phới… Điều đó gợi cho nhà thơ nghĩ tới đất nước với một niềm vui, niềm tự hào to lớn:

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Sức sống của bốn ngàn mùa xuân đất nước vất vả và gian lao được nhà thơ nhận thấy trong nhịp điệu hối hả cùng những âm thanh xôn xao của cuộc sống. Đất nước được hình dung bằng một ẩn dụ nghệ thuật rất đẹp:

Đất nước như vì sao,
Cứ đi lên phía trước.

Hình ảnh so sánh Đất nước như vì sao có ý nghĩa vô cùng sâu xa. Ngôi sao vàng năm cánh rực rỡ nổi bật trên nền đỏ thắm của lá cờ Tổ quốc là linh hồn dân tộc, là khát vọng độc lập, tự do thiêng liêng ngàn đời. Từ trong cảnh nô lệ tối tăm, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu đã anh dũng vùng lên tự giải phóng, khẳng định tên tuổi của đất nước Việt Nam trên thế giới. Việt Nam với bao chiến công lẫy lừng chiến thắng giặc ngoại xâm, rất xứng đáng là vì sao sáng ngời. Vì sao ấy giờ đây vẫn tiếp tục tỏa sáng, vượt lên mọi gian nan, thử thách trên con đường đi tới tương lai.

Mạch nguồn cảm hứng của nhà thơ vẫn có sự hòa hợp, đồng nhất giữa cái chung và cái riêng. Nhà thơ muốn góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn lao, rộng mở của trời đất và lòng người:

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Đó là khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, được cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung. Điều tâm niệm ấy được nhà thơ thể hiện một cách chân thành qua những hình ảnh tự nhiên, giản dị.

Đáng quý thay là ước nguyện khiêm nhường mà vô cùng chân thành của nhà thơ. Không ồn ào, khoa trương, tác giả chỉ xin được làm con chim nhỏ dâng tiếng hót cho đời, làm một cành hoa điểm tô thêm sắc thắm của mùa xuân đất mẹ. Trong bản hòa ca rộn rã, tưng bừng muôn nốt nhạc tươi vui, nhà thơ chỉ xin được làm một nốt trầm xao xuyến.

Thanh Hải đã mượn những hình ảnh tươi đẹp của thiên nhiên để thể hiện ước nguyện của mình:

Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.

Ở phần này, tác giả đã lặp lại hình ảnh và âm thanh mùa xuân ở phần đầu. Cấu trúc lặp lại như vậy tạo ra bố cục chặt chẽ. Những hình ảnh chọn lọc được nhắc lại đã mang một ý nghĩa mới: niềm mong muốn được sống có ích được cống hiến cho đời của nhà thơ là lẽ tự nhiên, cũng giống như con chim góp tiếng hót trong trẻo và bông hoa góp hương sắc cho đời thêm tươi đẹp.

Sáng tạo đặc sắc nhất của Thanh Hải trong bài thơ này là ở hình ảnh mùa xuân nho nhỏ, cùng với những hình ảnh cành hoa, con chim, nốt trầm xao xuyến. Tất cả đều mang một vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường, thể hiện điều tâm niệm chân thành, tha thiết của nhà thơ.

Ý thức công dân của Thanh Hải bộc lộ rất rõ qua hình ảnh giàu sức biểu cảm, gây xúc động sâu xa:

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

Tác giả đã khéo léo khẳng định: một cuộc đời hữu ích chính là một mùa xuân nho nhỏ góp phần tạo nên mùa xuân vĩnh hằng của thiên nhiên, đất nước.

Những câu thơ cuối cùng mang đậm dấu ấn của những làn điệu dân ca trữ tình xứ Huế, giống như tiếng lòng sâu lắng, thiết tha của nhà thơ:

Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.

Văng vẳng đâu đây câu ca ngân dài trên sóng nước Hương Giang trong những đêm trăng sáng: Nước non ngàn dặm đầy cái tình …, làm xao xuyến lòng người. Nhà thơ Tố Hữu, người con xứ Huế đã lấy câu ca quen thuộc ấy làm tựa đề cho một bài thơ nói về quê hương đất nước yêu dấu: Nước non ngàn dặm.

Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải viết: Nước non ngàn dặm mình, Nước non ngàn dặm tình. Trên mảnh đất này, đâu đâu cùng đẹp như gấm như hoa, đâu đâu cũng thấm đượm nghĩa tình. Để thể hiện thành công nội dung tư tưởng của bài thơ, tác giả đã sử dụng và sáng tạo những thủ pháp nghệ thuật thích hợp, tiêu biểu là ở thể thơ ngũ ngôn và các hình ảnh, từ ngữ chọn lọc, tinh tế.

Thi hứng của nhà thơ xuất phát từ cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời đến mùa xuân của lòng người trong mùa xuân rộng lớn của đất nước. Qua bài thơ, tác giả thể hiện khát vọng được hiến dâng mùa xuân nho nhỏ của cuộc đời mình vào mùa xuân bào la của cuộc đời chung.

Đọc bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, một cảm xúc thanh cao, trong sáng tự nhiên dâng ngập hồn ta. Chúng ta chia sẻ niềm vui với nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên và đất nước lúc vào xuân và mỗi người hãy làm một tiếng chim, một cành hoa góp phần tô điểm cho cuộc đời thêm đẹp. Hãy giữ cho tâm hồn mình mãi mãi thanh xuân!

  • Kết bài:

Bài thơ được viết vào thời gian cuối đời, trước khi nhà thơ đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng trong bài thơ không hề gợi chút băn khoăn về bệnh tật, về những suy nghĩ riêng tư cho bản thân. Chỉ “lặng lẽ” mà cháy bỏng một nỗi khát khao được dâng những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình cho đất nước. Đây không phải là câu khẩu hiệu của một thanh niên vào đời mà là lời tâm niệm của một con người đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của mình cho cách mạng.

Suy nghĩ về lẽ sống cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải qua đoạn thơ sau: “Ta làm con chim hót… Dù là khi tóc bạc.”

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Tài liệu tổng hợp dàn bài phân tích tác phẩm thơ và truyện lớp 9 - Học kỳ 2- Luyện thi tuyển sinh 10 - Thế Kỉ
  2. Tác giả và tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 - Theki.vn
  3. Ước nguyện chân thành, tha thiết được hoà nhập, cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước, nhân dân qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải) và Viếng lăng Bác (Viễn Phương) - Theki.vn
  4. Phân tích đoạn thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Từ đó, liên hệ với hoàn cảnh sáng tác bài thơ để nhận xét ngắn gọn về tư tưởng, tình cảm của tác giả. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.