Phân tích nghệ thuật miêu tả chân thật và khắc họa tâm lý nhân vật sắc sảo của Nam Cao

phan-tich-nghe-thuat-mieu-ta-chan-that-va-khac-hoa-tam-ly-nhan-vat-sac-sao-cua-nam-cao

Sáng tác của Nam Cao giàu sức khám phá sáng tạo. Với phong cách nghệ thuật độc đáo Nam Cao đã thể hiện tài năng bậc thầy trong việc thể hiện tâm lý nhân vật. Hướng ngòi bút vào thế giới bên trong của con người, miêu tả tâm lý trong chiều sâu của sự vận động và phát triển của nhân vật là đóng góp nổi bật của Nam Cao về phương diện nghệ thuật.

Đầu thế kỉ XX sự xuất hiện của con người cá nhân, ý thức cá nhân đòi hỏi văn học phải tập trung khám phá thế giới nội tâm sâu kín của con người. Tuy nhiên, mỗi nhà văn lại đáp ứng yêu cầu đó bằng cách riêng của mình và ở những mức độ khác nhau. Trong số đó Nam Cao là nhà văn đáp ứng xuất sắc nhất yêu cầu này của văn học. Điều đó xuất phát từ quan điểm nghệ thuật về con người của Nam Cao. Ông quan niệm: “Sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là hành động nữa, nhưng hành động chỉ là phần phụ: có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động. Bản tính cốt yếu của sự sống chính là cảm giác và tư tưởng. Cảm giác càng mạnh, càng linh diệu, tư tưởng càng dồi dào càng sâu sắc thì sự sống càng cao”.

Ông luôn đề cao con người tư tưởng, đặc biệt chú ý tới hoạt động bên trong của con người, coi đó là nguyên nhân của những hành động bên ngoài. Đối với Nam Cao, cái quan trọng nhất trong tác phẩm không phải là bản thân sự kiện, biến cố mà là con người trước sự kiện, biến cố. Cho nên ông thường tập trung miêu tả, phân tích đời sống tinh thần bên trong của nhân vật hơn là miêu tả những sự việc, biến cố bên ngoài của sự sống. Trong hầu hết các sáng tác của Nam Cao các sự kiện, biến cố nói chung đều được miêu tả trong sự ảnh hưởng của chúng tới tâm hồn nhân vật. Ông lấy thế giới nội tâm nhân vật làm đối tượng chính của sự miêu tả.

Hướng ngòi bút của mình vào việc khám phá con người trong con người,miêu tả và phân tích mọi biểu hiện, mọi chuyển biến trong thế giới tâm hồn của nhân vật. Trong“Đời thừa” nhà văn không hướng ngòi bút vào miêu tả nỗi khổ cơm áo mà tập trung thể hiện nỗi đau đớn, dằn vặt tinh thần của nhân vật trước gánh nặng áo cơm làm mai một tài năng và xói mòn nhân cách. Nam Cao đã đi sâu vào diễn tả nỗi băn khoăn, day dứt, dằn vặt, ân hận của Lão Hạc khi buộc phải bán con chó để làm nổi bật phẩm chất lương thiện của lão.

Nam cao đã sử dụng nhiều thủ pháp, nhiều phương tiện để miêu tả tâmlý nhân vật, tạo nên một chủ nghĩa tâm lý trong sáng tác của ông. Nam Cao thường sử dụng thiên nhiên làm phương tiện để thể hiện trạng thái tâm lý của nhân vật. Cảnh vật thiên nhiên qua ngòi bút của ông khi thì hiện lên trong sắc thái tương phản, lúc lại hòa hợp với tâm trạng nhằm khắc họa rõ nét tâm trạng của nhân vật. Cảnh thiên nhiên rộn rã những âm thanh, “không gian là một đám hội xôn xao và rực rỡ” càng là nổi bật tâm trạng cô đơn, chua chát của Phúc (Điếu văn) khi ốm đau mà vẫn bị vợ bỏ rơi, không chút đoái hoài.

Đọc “Sống mòn” người đọc bị ám ảnh mãi bởi cái nắng chiều úa vàng được lọc qua tâm hồn đang chết mòn của Thứ: “Ở bên ngoài nắng nhạt dần. Nắng úa vàng. Sức nắng giảm rất mau. Thứ tưởng như trông thấy thời gian trôi và ngày chết dần đi”. Như vậy những cảnh vật thiên nhiên trong truyện của Nam Cao thường gắn liền vớitâm trạng của nhân vật. Nó là phương tiện quan trọng góp phần khắc sâu tâm trạng của nhân vật, qua đó thể hiện tư tưởng của tác phẩm.

Ngòi bút nam Cao có khả năng miêu tả trực tiếp cả quá trình vận động và phát triển tâm lý, tính cách nhân vật. Sức mạnh và chiều sâu của chủ nghĩa tâm lý trong sáng tác của Nam Cao còn được thể hiện ở chỗ quá trình tâm lý của nhân vật được ông thể hiện như là quá trình đấu tranh, sự chuyển hóa lẫn nhau của những mâu thuẫn, những mặt đối lập trong thế giới tâm hồn của mỗi con người. Xung đột chủ yếu trong những tác phẩm của Nam Cao là xung đột của thế giới nội tâm nhân vật. Và những sự kiện cũng được triển khai chủ yếu trên cái nền xung đột bên trong đó. Nhìn chung trong mỗi nhân vật của Nam Cao luôn tồn tại hai khuynh hướng đấu tranh với nhau, phủ định lẫn nhau: khuynh hướng sống sao cho sướng hơn và khuynh hướng sống sao cho tốt hơn, có ích, có ý nghĩa hơn.

Những tác phẩm viết về người trí thức đều thể hiện cuộc đấu tranh triền miên, căng thẳng, sự giằng xé phức tạp, quyết liệt diễn ra trong tâm hồn con người giữa chủ nghĩa nhân đạo cao cả và chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, giữa lí tưởng, khát vọng cao đẹp và thực tại nghiệt ngã, phũ phàng, giữa thái độ buông xuôi phó mặc cho hoàn cảnh và sự vùng vẫy, gắng gượng thoát ra khỏi thực trạng đó.

Trong tác phẩm Nam Cao thường miêu tả ảnh hưởng của các quan hệ xã hội, của hoàn cảnh đối với việc hình thành tâm lý, tính cách con người. Và ông đã miêu tả những diễn biến tâm lý do hoàn cảnh quyết định một cách chính xác. Qua việc miêu tả, phân tích quá trình tâm lý tư tưởng của nhân vật tác giả phản ánh hiện thực xã hội. Nam Cao đã sử dụng linh hoạt nhiều hình thức và thủ pháp nghệ thuật để thể hiện tâm lý nhân vật, đặc biệt ông sử dụng rộng rãi và đầy hiệu quả hình thức độc thoại nội tâm. Trong số những nhà văn hiện thực phê phán Việt Nam, Nam cao là người sử dụng thành công nhất hình thức độc thoại nội tâm để diễn tả chân thực những suy nghĩ sâu kín nhất trong tâm hồn con người.

Có thể nói chủ nghĩa tâm lý đã trở thành một ý thức nghệ thuật thấm nhuần trong sáng tác của Nam Cao, tạo nên một đặc điểm nghệ thuật nổi bật đem đến cho sáng tác của ông một sức hấp dẫn to lớn. Nam cao không chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà còn đi sâu vào miêu tả, phân tích sâu sắc thế giới tinh thần của nhân vật, thể hiện đời sống tinh thần bên trong của họ, qua đó làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.