Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân để làm nổi bật tấm lòng của người mẹ nghèo thương con

phan-tich-nhan-vat-ba-cu-tu-trong-truyen-ngan-vo-nhat-cua-kim-lan-de-lam-noi-bat-tam-long-cua-nguoi-me-ngheo-thuong-con

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân để làm nổi bật tấm lòng của người mẹ nghèo thương con.

I. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân và truyện ngắn “Vợ nhặt”.

– Từ đó dẫn dắt về nhân vật bà cụ Tứ: một người mẹ nghèo thương con.

II. Thân bài:

1. Tấm lòng yêu thương con của bà cụ Tứ.

a. Từ ngạc nhiên đến sững sờ.

– Tình huống đặc biệt làm cho bà cụ Tứ ngạc nhiên, ấy là việc con trai mình lấy vợ. Bà cụ ngạc nhiên vì con mình nghèo, xấu xí, dân ngụ cư lại đang thời buổi đói khát, nuôi thân chẳng xong. Tràng còn dám lấy vợ, rước thêm miệng ăn.

– Khi bà cụ đi làm về muộn, thấy người đàn bà ngồi ở đầu giường con mình rất ngạc nhiên, càng ngạc nhiên hơn khi được người đàn bà chào bằng u. Bà ngạc nhiên đến mức không còn tin được vào mắt và tai mình: “Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn thì phải. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lẫn nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay sang nhìn con tỏ ý không hiểu”.

b. Cụ vừa mừng, vừa tủi.

– Khi đã vỡ lẽ, đã hiểu ra con mình “nhặt” được vợ, bà “cúi đầu nín lặng”. Bà liên tưởng đến bao cơ sự “oái ăm”, “ai oán” “xót thương” cho số kiếp của đứa con mình. Bà liên tưởng đến người chồng quá cố, đến đứa con gái đã qua đời, lòng bà trĩu nặng tủi buồn, xót xa. Bà cụ xót xa thương dâu, thương con, tủi phận mình: “bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”.

– Bà cụ Tứ mừng cho con từ nay yên bề gia thất, bà tủi thân làm mẹ không lo nổi vợ cho con. Giờ đây giữa lúc người chết đói “như ngả rạ” lại có người theo con trai bà về làm vợ. Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo cùng quẫn. Biết lấy gì để cúng tổ tiên, để trình làng khi con đã có vợ. Bà cụ Tứ khóc vì mừng con có vợ, khóc vì thương con dâu không biết làm sao vượt qua nổi khó khăn này. Bao nhiêu tình yêu thương chân thành tha thiết của người mẹ thể hiện trong những lời nói giản dị và mộc mạc.

c. Nỗi lo lắng, bồi hồi trước nghịch cảnh trớ trêu.

– Bà cụ Tứ lo lắng thực sự cho con trai, con dâu, lo cho cái gia đình nghèo túng của bà giữa lúc đói kém này liệu có nuôi nổi nhau. tương lai rồi sẽ ra sao… Bà chấp nhận cái “hạnh phúc” oái oăm éo le của gia đình. Ngẫm cái phận nghèo bà tự nhủ: “Có gặp bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được..”.

– Bà chỉ biết khuyên con, khuyên dâu thương yêu nhau, ăn ở hoà thuận với nhau để cùng vượt qua cơn khốn khó. Đó là nỗi lo, tình thương của người mẹ từng trải, hiểu đời có tấm lòng sâu thẳm đối với mình. Trong sự lo lắng, tủi hờn vẫn nhen nhóm một niềm tin.

d. Niềm tin vào tương lai.

– Trong cái mừng, cái tủi, cái lo, người đọc vẫn thấy được niềm vui của cụ. Một niềm vui tội nghiệp không sao cất cánh lên được, cứ bị cái buồn, cái lo níu kéo xuống. Nhưng bà cụ Tứ cố vui và gắng làm cho con trai và con dâu vui

+ Vui trong ý nghĩ tốt đẹp về tương lai: “Rồi ra may mà ông giời cho khá…ai giàu ba họ ai khó ba đời. Có ra thì con cái chúng mày về sau”. Bà cụ “nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng sau này”.

+ Vui trong công việc sửa sang vườn tược, nhà cửa. Bà cụ giẫy cỏ cho sạch vườn. “Cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xăm thu dọn, quét tước nhà cửa”.

+ Vui trong bữa cơm sáng, bữa cơm đầu liên có con dâu đó là một bữa ăn với món cháo loãng và món “chè khoán” đắng chát – một bữa ăn ngày đói rất thảm hại nhưng bà cụ cố tạo ra niềm vui để động viên an ủi con trai, con dâu.

– Mặc dù cuộc sống khắc nghiệt, ngặt nghèo đến tàn bạo đã đày đọa mẹ con bà nhưng bà vẫn cố tạo không khí hoà thuận ấm cúng trong gia đình và kể chuyện làm ăn, nuôi gà… tươi cười đon đả múc cho con dâu bát cháo cám.

2. Đánh giá chung.

– Nhân vật bà cụ Tứ mang nét đạo lí truyền thống: Trong cái thân hình khẳng khiu, tàn tạ, với “cái mặt bủng beo, u tối” bà vẫn nung nấu một ý chí sống mãnh liệt. Bà là hiện thân của những người mẹ nghèo khổ mà từng trải, hiểu biết: hết lòng thương yêu con, yêu thương những cảnh đời tội nghịêp, oái oăm. Bà nung nấu một khát vọng về cuộc sống gia đình hạnh phúc.

– Đặc sắc nghệ thuật: Xây dựng tình huống truyện độc đáo, bất ngờ; Khắc họa nhân vật tinh tế với những diễn biến nội tâm phức tạp; Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, gần gũi với cuộc sống, mang đậm phương ngữ miền Bắc…

III. Kết bài:

– Qua tấm lòng của người mẹ nghèo thương con, với những diễn biến tâm trạng phức tạp – dưới ngòi bút nhân đạo của Kim Lân – nội dung nhân đạo sâu sắc, cảm động của “Vợ nhặt” đã động chạm đến nơi sâu thẳm nhất của lòng người, bắt độc giả phải khóc, phải cười, phải sống cùng nhân vật của mình.

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.