Phân tích nhân vật Mị và A Phủ trong truyện Vợ Chồng A Phủ

Phân tích nhân vật Mị và A Phủ trong truyện “Vợ Chồng A Phủ”.

  • Mở bài:

“Truyện Tây Bắc” là một thành công xuất sắc của Tô Hoài và cũng là một trong những thành công đầu tiên của nền văn học mới viết về đề tài miền núi. Truyện Tây Bắc là kết quả của những đợt nhà văn đi thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người vùng Tây Bắc. “Vợ chồng A Phủ” là một trong ba truyện ngắn được rút ra từ tập truyện Tây Bắc được tô hoài hoàn thành năm 1952 khi ông gia cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Bằng vốn sống và tình cảm của mình dành cho những người dân nghèo miền núi nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Mị và A Phủ, những số phận tiêu biểu cho số phận của những người dân nghèo miền núi bị áp bức bóc lột. Vợ chồng A Phủ là tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

  • Thân bài:

Thông qua cuộc đời của đôi vợ chồng trẻ người dân tộc Mèo, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã miêu tả chân thực số phận nô lệ đầy khổ cực của người dân lao động nghèo miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến. Những người dân nghèo miền núi đã bị bọn thống trị cướp hết ruộng đất và biến họ thành những người làm thuê mà thực chất là những nô lệ.

Không những thế chúng còn dựa vào cường quyền và thần quyền để hành hạ đánh đập bất cứ ai mà không sợ bị trừng phạt. Tiêu biểu cho những cuộc đời đầy khổ bất hạnh ấy chính là Mị và A Phủ. Hai con người ấy đều bị cha con nhà thống lý Pá Tra bóc lột va hành hạ đến tàn tệ thân xác. Mị là con dâu gạt nợ còn A Phủ cũng là người phải làm thuê để trả nợ. Thực chất họ đều là nô lệ trên danh nghĩa gán nợ trong nhà thống lý Pá Tra.

1. Số phận đáng thuwong của nhân vật Mị và A Phủ:

Cha mẹ Mị lấy nhau nhưng không đủ tiền cưới phải đến vay nợ nhà thống lí, bố của Thống lý Pá Tra bây giờ. nhưng vì cuộc sống khốn khó, đến cuối cuộc đời, dù làm lụng vất vat, trả nợ triền miên mà cha mẹ Mị vẫn không thể trả hết món nợ ấy. Mị từ một thiếu nữ xinh đẹp trẻ trung chỉ vì món nợ truyền kiếp từ đời trước mà bị bắt về làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra.

Từ khi bị bắt về chúng trình ma nhà thống lý Pá Tra, có tới hàng tháng trời, đêm nào cô cũng khóc. Phải chăng Mị cũng đã phần nào hiểu được nỗi khổ nhục của thân phận làm dâu gạt nợ? Và cũng từ đây cuộc đời Mị đã hoàn toàn thay đổi. Từ một cô Mị trẻ trung, xinh đẹp “có bao người ngày đêm đi theo” đã biến thành một cô Mị lúc nào cũng cúi mặt buồn rười rượi. Suốt ngày chỉ “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.

Mị sống âm thầm như một cái bóng câm lặng, chỉ biết làm lụng và cam chịu. Đã có lúc Mị tìm đến cái chết Nhưng vì thương cha mẹ Mị đành chấp nhận quay lại nhà thống lý. Rồi cha Mị chết đi nhưng Mị không buồn nghĩ đến cái chết bởi ở lâu cái khổ “Mị quen khổ rồi”. Nỗi khổ thân xác và sự đầy đọa tinh thần cùng cực đã khiến Mị không còn nhận thức được bản thân. Đã có lúc “Mị tưởng mình là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, việc đi làm mà thôi”.

Sự thật, cuộc đời Mị lúc này cũng chẳng khác gì thân ngựa trâu. Mị chỉ biết phục tùng, chỉ biết làm theo những gì được sai bảo. Hễ làm sai hoặc chưa kịp làm là phải nhận những đòn roi khủng khiếp. Ngày cũng như đêm, mùa mưa cũng như mùa nắng, lúc nào Mị cũng vùi đầu vào công việc.

Mị không bao giờ được đi chơi dù đó là ngày Tết. “Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết”. Chỉ có công việc nối tiếp nhau ngày này qua ngày khác. “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi”. Thậm chí, cuộc đời Mị còn đau khổ hơn kiếp sống của thân trâu ngựa. “Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi  chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào làm việc cả đêm cả ngày”.

Trong cái địa ngục trần gian ấy Mị đang chết dần cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cô suốt ngày chỉ lùi lũi và câm lặng không giao tiếp với ai. Căn buồng Mị ở chẳng khác nào một nhà tù. “Căn buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”. Khái niệm về không gian và thời gian đối với Mị lúc này không còn nữa. Cô không còn phân biệt được đó là sáng hay chiều, mùa đông hay mùa hè.

Chẳng khác cuộc đời của Mị là bao chẳng khác cuộc đời là bao, A Phủ là một chàng trai nghèo nhưng khỏe mạnh, tự do. A Phủ “biết đúc lưỡi cày, lưỡi cuốc, cày bừa giỏi và săn bò tót rất bạo”. Người trong bản ai cũng khen chàng trai hiền lành ấy. Họ nói, ai mà lấy được A Phủ làm chồng là như có được con trâu tốt, chẳng máy chốc mà giàu thôi.

Thế nhưng, cuộc đời thật nghietj ngã. Chẳng biết tai bay vạ gió từ đâu, A Phủ bỗng dưng trở thành đứa ở trừ nợ trong nhà thống lý trị vì dám đánh con quan. cuộc đời A Phủ trong nhà thống lí cũng chẳng khác nào một nô lệ, anh phải làm việc quần quật quanh năm suốt tháng không ngơi nghỉ chỉ có một thân một mình “ A Phủ đốt rừng cuốc nương , xăn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình, rong rủi ngoài gò, ngoài rừng”.Với những trang viết thấm đậm chất hiện thực,  nhà Văn Tô Hoài đã phản ánh đầy đủ,  sắc nét về số phận của Mị và A Phủ  nói riêng, số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi Nói chung dưới dưới Ách áp bức của giai cấp phong kiến miền núi.

Vợ chồng A Phủ một mặt phản ánh một cốc chân thực số phận của những người nghèo dưới áp bức của giai cấp thống trị. Mặt khác Vợ chồng A Phủ còn tố cáo mạnh mẽ bản chất độc ác, dã man của giai cấp thống trị ở miền núi.  Mị và A Phủ không chỉ bị bóc lột sức lao động mà còn bị hành hạ một cách dã man.

Ngày tết, A Sử cùng đám bạn đu chơi “mấy ngày mấy đêm”, còn Mị không những không được đi chơi mà cô còn bị A Sử đánh đập tàn nhẫn. Thậm chí còn bị trói đứng vào cột tưởng chừng sẽ chết: “nó xách cả một thùng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc Mị lên cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa”. Chính vì cái cách hành hạ dã man này mà trong nhà thống lý Pá Tra trước kia đã có người đàn bà phải chết.

Khi A Sử bị đánh vỡ đầu, dù người Mị đau ê ẩm, chân đau không lết được Mị vẫn phải vào rừng tìm lá thuốc và cả đêm ngồi xoa thuốc cho A Sử nhưng chỉ vì mệt quá “gục đầu nằm thiếp đi” đã bị A Sử “đạp chân vào mặt”.

Cùng chung số phận như Mị, A Phủ vì đánh A Sử, con trai thống lí Pá Tra, mà phải trở thành nô lệ cho nhà thống lí. Qua cảnh xử kiện A Phủ, nhà văn đã cho độc giả thấy được bản chất dã man của giai cấp thống trị miền nùi. Bọn chúng lợi dụng việc A Sử bị đánh mà kéo đến nhà thống lí Pá Tra để xử kiện, để ăn cỗ và để hút thuốc phiện. Bọn chức việc khắp vùng Hồng Ngài đến nhà thống lí Pá Tra dự đám xử kiện. Các lí dịch, quan làng, thống quán, xéo phải đội mũ quấn khăn, xách gậy, cưỡi ngựa kéo đến xử kiện và ăn cỗ.

Thế là suốt từ chiều đến đêm và cho tới tận sáng hôm sau có tới hàng mấy chục người thi nhau hút, cứ sau mỗi đợt bọn chức việt hút thuốc phiện xong A Phủ lại quỳ ra giữa nhà, lại bị người xô đến đánh. Xong mỗi lượt đánh lại kể, chửi, lại hút, cứ như thế càng hút,càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút. Còn A Phủ phải quỳ một chỗ chịu đòn, im như cái tượng đá không nói được nói nửa lời. Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt giập chảy máu. Cuối cùng A Phủ bị phạt vạ một trăm đồng bạc trắng. Vì A Phủ không có số tiền nộp mà A Phủ đã phải trở nợ bằng cả cuộc đời. Không phải một kiếp mà là nhiêu kiếp “bao giờ có tiền gải thì tao cho mày về, chưa có tiền giả thì tao bắt mày ở lại làm con trâu, con ngựa cho nhà tao. Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”.

Đau xót hơn đó là khi A Phủ phải “đứng lên cầm con dao, chân đau bước tập tễnh, cùng với mấy trai làng, ta chọc tiết lợn” để làm cỗ hầu chính những kẻ đã biến anh thành nô lệ. Giai cấp thống trị miền núi không dựa vào cường quyền mà còn lợi dụng thần quyền để bóc lột, áp bức bóc lột, áp bức người dân nghèo miền núi. Việc bắt Mị về làm dâu cũng chẳng có cưới hỏi mà chỉ cúng trình ma và ngay cả cái việc cho A Phủ vay một trăm đồng bạc trắng cũng không cần bất kì thứ giấy tờ nào mà chỉ khấn gọi ma nhận mặt người vay nợ: “A Phủ cúi sờ lên đồng bạc trên tráp, trong khi Pá Tra khấn xong, A Phủ cũng nhặt xong bạc, nhưng nhặt xong lại đặt cả xuống mặt tráp. Rồi Pá Tra lai trút cả bạc vào tráp”.

2. Sức mạnh phản kháng của Mị và A Phủ.

Với tình cảm sâu sắc dành cho những người dân nghèo miền núi, Tô Hoài đã chứng minh cho người đọc thấy một điều kì diệu đó là trong tận cùng của sự khốn khổ, cùng cực nhưng sức sống của con người vẫn không bị mất đi. Cuộc đời của Mị và A Phủ cũng chính là minh chứng cho điều đó. Mị cho dù đã bị biến thành một con người hoàn toàn khác, một con người sống trong câm lặng và tâm hồn đã hoàn toàn tê dại nhưng trong sâu thẳm con người ấy vẫn cháy âm ỉ một sức sống mãnh liệt hễ có cơ hội là nó lại bùng cháy. Sức sống ấy đã bất chợt bùng cháy vào một đêm tình mùa xuân.

Ngày Tết, Mị cũng uống rượu, Mị lén lấy hũ rượu “cứ uống ừng ực từng bát” . Đó là gì nếu không phải là sự trỗi dậy của sức sống tiềm ẩn? Đất trời sang xuân những tiếng sáo gọi bạn tình cứ lửng lơ ngoài đường đã đánh thức tâm hồn Mị, Mị thấy lòng mình phơi phới trở lại, Mị thấy mình vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi và chuẩn bị để đi chơi, khát vọng của Mị vừa lóe sáng đã bị A Sử dập tắt. A Sử trói đứng Mị vào cột nhà, tóc Mị xõa xuống. A Sử quấn luôn tóc Mị lên cột nhưng ngay cả trong hoàn cảnh đó sức sống của Mị vẫn trỗi dậy mãnh liệt. Cả đêm ấy Mị sống trong ảo giác, tâm hồn cô vẫn đi theo những cuộc chơi, những tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết trên đầu núi.

Như một quy luật tất yếu, sức sống tiềm ẩn ấy đã một lần trỗi dậy thì sẽ không bao giờ và không thế lực nào có thể dập tắt, để rồi nó lại bùng cháy vào một đêm mùa đông năm sau. Nhìn A Phủ bị trói đứng và cột đã mấy đêm rồi và đêm nào Mị cũng thấy điều đó khi ra sưởi lửa nhưng Mị không có cảm giác gì kể cả khi “A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi” . Bởi lúc này tâm hồn Mị đã nguội lạnh và cô đang sống trong trạng thái vô cảm. Thế nhưng khi Mị nhìn thấy những giọt nước mất lăn dài trên gò mà đã xám đen của A Phủ thì tình thương con người trong Mị được đánh thức.

Mị nhìn A Phủ mà nghĩ về những ngày đã qua của mình. Mị cũng đã từng bị chúng trói đứng như vậy. Mị thấy chúng thật độc ác. Từ chỗ thương mình đến chỗ thương người, Mị ngầm so sánh hai cái chết. Mị thấy thương cho A Phủ, trong đầu Mị bất chợt có ý nghĩ chết thay cho A Phủ “Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi (…).Người kia việc gì mà phải chết thế”. Và Mị đã đi đến một quyết định hết sức táo bạo: cắt dây trói cho A Phủ và cùng bỏ trốn với A Phủ.

Đây là một hành động tạo nên một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Mị. Mị đã cùng một lúc vượt ra khỏi sực áp bức của cả cường quyền và thần quyền để đến với một cuộc đời mới. Mị và A Phủ chạy đến Phiềng Sa và nên vợ chồng. Cả hai được cán bộ cách mạng A Châu giác ngộ. Họ đi tham gia đội du kích ở Phiềng Sa.

Vợ chồng A Phủ đã từ đấu tranh tự phát vươn lên tự giác khi gặp ánh sáng của Đảng. Qua đó ta thấy lòng thương yêu, niềm đồng cảm sâu sắc của nhà văn đối với thân phận những người nghèo khổ. Đó là thái độ căm thù các thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người, là niềm tin của tác giả vào cách mạng và tương lai tươi sáng của người dân nghèo miền núi Tây Bắc.

  • Kết bài:

“Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Thành công của tác phẩm đã chứng tỏ tài năng bậc thầy của Tô Hoài và cũng chứng tỏ sự am hiểu, niềm đồng cảm sâu sắc của nhà văn với người dân nghèo miền núi Tây Bắc. Đồng thời tác phẩm cũng đã phản ánh được những chính sánh đúng đắn của Đảng đối với người dân nghèo miền núi.

Phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang