Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca của Thanh Thảo

phan-tich-nhung-dac-sac-nghe-thuat-dan-ghi-ta-cua-lor-ca-cua-nha-tho-thanh-thao

Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca” của Thanh Thảo

  • Mở bài:

Thanh Thảo là một trong những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mi cứu nước. Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều suy tư trăn trở về các vấn đề thời đại. Mạch suy cảm trữ tình trong thơ Thanh Thảo thường hướng tới những vẻ đẹp tinh thần của con người. Ông dành mối quan tâm đặc biệt cho những con người sống có nghĩa khí, nhân cách ngời sáng dù số phận có thể ngang trái. Đàn ghita của Lor-ca là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của ông, thể hiện sâu sắc phong cách thơ ấy.

  • Thân bài:

Hình ảnh Lor-ca hiện lên qua chính thơ Lor-ca và cái chết bi tráng của ông:

Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Li – lu li – la li – la
Đang lang thang về miền đơn độc
Với vầng trăng chếnh choáng
Trên yên ngựa chẳng mòn.

Đoạn thơ phảng phất chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng. Nhà thơ đã bắn những tia hồi quang còn đọng lại trong kí ức những hình ảnh đã lặn sâu vào tiềm thức Thanh Thảo khi ông đọc được thơ Lor-ca và những tác phẩm của Hê-minh-uê viết về xứ sở Tây Ban Nha: áo choàng đỏ gắt, vầng trăng chếnh choáng, yên ngửa mỏi mòn. Những hình ảnh thơ lãng đãng mơ hồ, mờ ảo ấy kì điệu thay lại gắn kết một cách vô thức, một cách tình cờ làm cho người đọc nghĩ tới xứ sở Tây Ban Nha (áo choàng đỏ gắt, nghĩ tới đấu trường, những đấu sĩ, những cuộc đấu bò tót vốn là đặc trưng của Tây Ban Nha) và mường tượng xa gần ám ảnh tới con người, cuộc đời, số phận Lor-ca.

Đi lang thang về miền đơn độc gợi hình ảnh Lor-ca thường thíc đi khắp xứ sở như một gã Di-gan đơn độc mà hát lên những bài thơ của mình. Vầng trăng chếnh choáng trên yên ngựa mỏi mòn gợi nhớ câu thơ của Lor-ca về con ngựa đen – vầng trăng đỏ.

Hay nói cách khác, những hình ảnh thơ ấy giúp ta hình dung ra không khí, không gian rất Tây Ban Nha, thời Lor-ca sống. Cũng là cái nền ảm đảm để xuất hiện hình ảnh Lor-ca chàng kị sĩ cô đơn. Những hình ảnh này không chỉ gợi Lor-ca mà còn có ý nghĩa tượng trưng: đây đâu chỉ là khung cảnh của một đấu trường với cuộc đấu giữa những võ sĩ với bò tót mà còn là một đấu trường đặc biệt của người chiến sĩ Lor-ca với nền chính trị độc tài, người nghệ sĩ Lor-ca có khát vọng cách tân nghệ thuật già nua cằn cõi của xứ sở Tây Ban Nha.

Những hình dung từ: chếnh choáng, mỏi mòn, đơn độc còn gợi hình ảnh Lor-ca trong cuộc đấu tranh ấy còn cô đơn, đơn độc. Phải chăng đó là bi kịch chung của những người chiến sĩ tiên phong? Những hình ảnh này còn được Thanh Thảo xử lý theo trường phái tượng trưng: giàu chất biểu tượng và thể hiện theo phép tương giao và nhất là được viết theo lối sắp đặt gợi sự tương phản:

Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

Hai dòng thơ này gợi lên sự tương phản gây gắt giữa âm thanh bé nhỏ và sắc màu gay gắt; giữa tiếng đàn nghệ sĩ và áo choàng đấu sĩ; giữa vẻ khiêm nhường và sự ngạo nghễ; giữa nghệ thuật và bạo lực; giữa số phận con người và hiện thực dữ dội (Chu Văn Sơn). Nó làm ta liên tưởng đến người nghệ sĩ Lor-ca trong cơn bão cuộc đời, liên tưởng đến người chiến sĩ đấu tranh cho tự do và người cách tân nên nghệ thuật già nua. Trong hoàn cảnh đó, bi kịch đến với Lor-ca là không thể tránh khỏi.

Tóm lại chỉ mấy thi ảnh được thể hiện bằng bút pháp của trường phái ấn tượng, tượng trưng, Thanh Thảo đã giúp ta cảm nhận được một bức tranh thơ: trên bầu trời ảm đạm, lạnh lẽo của đất nước Tây Ban Nha xuất hiện chàng kị sĩ – nghệ sĩ Lor-ca đơn độc, mòn mỏi như biểu tượng cho người chiến sĩ đấu tranh cho tự do chống lại chế độ độc tài và cách tân nghệ thuật già nua.

Tấm lòng ngưỡng mộ của Thanh Thảo với Lor-ca được thể hiện qua nhạc điệu. Đoạn thơ mở đầu này giống như một khúc tiền tấu cho một tráng ca. Câu thơ “những tiếng đàn bọt nước” giống như một chủ âm mở đầu cho một ca khúc gợi hình ảnh thơ Lor – ca một thi sĩ, một nhạc sĩ đang cất lên bài ca.

Thú vị và bất ngờ là Thanh Thảo đã cấy, đã khảm lên bức tranh thơ một chuỗi âm thanh: li – la li – la li – la, gợi một cú về ghi ta của người đệm đàn. Chuỗi âm thanh mở đầu này như phần dạo đầu để người hát bắt đầu trình diễn ca khúc.

Chính chuỗi âm thanh dìu dặt ấy gợi lên hình ảnh Lor-ca, dùng lời ca để ca ngợi Lor-ca, hợp lời, hợp cách. Đó mới là tri âm, đồng thời bộc lộ lòng ngưỡng mộ của Thanh Thảo với nghệ sĩ thiên tài Tây Ban Nha này:

Tây Ban Nha
Hát nghêu ngao
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ
Lor – ca bị điệu về bãi bắn
Chàng đi như người mộng du

Cả bài thơ là những khúc nhạc mơ hồ, những thi ảnh lãng đãng về Lor-ca viết theo bút pháp tượng trưng siêu thực. Riêng sáu dòng thơ này nhà thơ lại chen mấy dòng tự sự làm cho hình ảnh cái chết của Lor-ca hiện rõ. Có lẽ Thanh Thảo đã quá xúc động trước cái chết thương tâm của Lor-ca. Nó làm chấn động mạnh tâm hồn Thanh Thảo và cái chết ấy như hiện rõ mồn một trong tâm trí Thanh Thảo và trên trang thơ:

Tây Ban Nha
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ

Từ áo choàng đỏ gắt trở thành áo choàng bê bết đỏ. Từ “đỏ gắt” gợi ngọn lửa đấu tranh, gợi khát vọng đấu tranh đã chuyển thành bê bết đỏ – gợi màu máu – gợi cái chết thương tâm bi tráng đầy ấn tượng. “Tôi không muốn nhìn thấy máu”. Có lần Lor – ca đã kêu lên như thế nhưng máu của Lor – ca đã đổ. Hay nói cách khác: Lor – ca muốn chết tử tể trên chiếc giường nhà mình, muốn nằm trong đất với cây đàn, thơ. Chí ít chàng muốn mình như một đấu sĩ vào đấu trường trong cuộc chiến một mất một còn với con bò tót định mệnh. Con bò cô đơn với trái tim cao thượng, chàng trai sẵn sàng chết trước cặp sừng oai hùng của nó.

Nhưng chàng không ngờ cái chết lại đến với mình bi thảm thế – lén lút thế – bọn phát xít đã hèn hạ ám hại chàng – chàng đi như người mộng du. Mâu thuẫn giữa hiện thực phũ phàng và tâm trạng của Lor-ca càng làm tăng thêm tính bi kịch của cuộc đời Lor-ca, càng làm cho bạn đọc đau đớn và càng thêm khinh bỉ bọn phát xít.

Rời bỏ âm thanh vang động, Thanh Thảo trở về với nhưng suy nghĩ về sức sống của thơ Lor-ca và cái chết bất tử của ông:

Tiếng ghi ta nâu
Bầu trời cô gái ấy
Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
Tiếng ghi ta ròng ròng
Máu chảy

Tiếng ghi ta (nghệ thuật) được điệp lại và mở đầu những dòng thơ như diễn tả cảm xúc mãnh liệt và đa chiều về thơ Lor-ca. Đồng thời khẳng định nội dung phong phú kì diệu của thơ Lor-ca. Tiếng ghi ta (nghệ thuật của Lor – ca) lại được viết theo lối sắp đặt trong quan hệ tương phản (sự sống – cái chết, vĩnh hằng – nhỏ nhoi, nâu – xanh – đỏ) như muốn ngợi ca thơ Lor-ca là sự biểu hiện những thái cực tương phản của sự sống và của tâm hồn Lor-ca. Tiếng ghi ta (nghệ thuật của Lor – ca) lại được diễn tả theo phép tương giao mà là những biểu tượng giàu chất triết lý.

Tiếng ghi ta nâu, lá xanh: âm thanh đã được cảm nhận qua màu sắc. Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan: âm thanh được cảm nhận qua hình khối. Tiếng ghi ta nâu: gợi nghệ thuật Lor-ca gắn bó với cuộc đời, thiên nhiên. Bầu trời cô gái ấy: gắn với tình yêu lồng lộng, cao đẹp. Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy: nghệ thuật gắn bó với cuộc sống xanh tươi dù sương gió. Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan. Tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy.

Và nghệ thuật cũng tham gia vào cuộc đấu tranh như những người chiến sĩ nên cũng vỡ tan máu chảy – cao cả bi tráng. Nghệ thuật Lor-ca thật phong phú bình dị và cao cả, nhẹ nhàng mà thấm thía, cụ thể mà sâu xa, lãng mạn mà thực tế, siêu thực mà hiện thực. Đó là nghệ thuật bình dị gắn bó với cuộc đời, với tình yêu và cuộc đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội nên vô cùng bình dị gần gũi và cũng vô cùng cao cả. Nghệ thuật của Lor – ca là tiếng nói của cuộc sống và cả cái chết nữa.

Thơ tức là người. Qua thơ Đàn ghi ta của Lor-ca, Thanh Thảo đã làm sống lại con người Lor-ca, là hình tượng của một con ngời yêu tha thiết quê hương mình, đất nước mình là tâm hồn có một tình yêu thật đẹp, cao rộng – người gắn bó mãnh liệt với thiên nhiên cây cỏ, bầu trời, mặt đất. Là người nghệ sĩ có năng lực sáng tạo phi thường, và là người nghệ sĩ – chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh cho tự do và tiến bộ xã hội.

Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng

Có cách hiểu một cách máy móc: Di chúc của Lor-ca Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn thế mà không ai chôn cất. Di chúc của Lor-ca không ngừi thực hiện (nỗi xót xa của Thanh Thảo). Không ai hiểu, không ai tri âm với Lor-ca. Lor-ca muốn sau này khi mình qua đời, sự sáng tạo cũng chấm dứt thì hãy chôn nghệ thuật của mình đi để kẻ hậu sinh khỏi bị cái bóng của mình ngăn cản. Đó là đạo đức của một vĩ nhân – sẵn sàng hi sinh danh vọng cá nhân để cộng đồng phát triển: Tiếng đàn như cỏ mọc hoang

Nghệ thuật thiếu vắng người dẫn đường, vắng bóng người định hướng. Câu thơ là tiếng thở dài, lời tiếc nuối trước cái chết của một nhà cách tân. Với nghệ thuật so sánh tiếng đàn như cỏ mọc hoang là lời ca ngợi nhà thơ đã chết nhưng sức sống của thơ ông vẫn tiềm tàng bất diệt không gì ngăn cản nổi. Câu thơ là bài thơ ca ngợi sức sống mãnh liệt của thơ Lor-ca (câu này gợi câu nói Bao giờ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây của Nguyễn Trung Trực, lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp. Ông đã dùng sức sống mãnh liệt của cỏ để ví với sức chiến đấu bền bỉ dẻo dai của nhân dân Nam Kì).

Tác phẩm nghệ thuật là con đẻ của người nghệ sĩ nhưng khi nghệ sĩ đã trao phó cho công chúng thì sự sống chết mất còn là sức sống của chính tác phẩm quyết định. Nhiều khi trái tim người nghệ sĩ đã ngừng đập nhưng nghệ thuật của họ vẫn tồn tại có khi vĩnh hằng (chỉ riêng nghệ thuật có thể đứng ngoài cái chết Sê – đu – rin). Tuy nhiên, đỉnh điểm của lời ca ngợi vẫn là hai câu thơ:

Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng

Câu thơ viết theo lối sắp đặt – bị lược bỏ những quan hệ từ làm cho bạn đọc tha hồ liên tưởng, sáng tạo cùng tác giả. Có thể hiểu câu thơ ca ngợi thơ Lor-ca tiếng nói của tình yêu và cái đẹp – đẹp như ngọc ngà, lung linh như ánh sáng sẽ tồn tại mai mãi trong tâm hồn bạn đọc. Một cách hiểu khác đó chính là nỗi xót thương (giọt nước mắt) của Thanh Thảo trước vầng trăng Lor-ca như vầng trăng sáng là hình ảnh của cuộc đời trường cửu vĩnh hằng dưới tầng tầng nước phủ soi sáng mãi với đời.

Theo Chu Văn Sơn thì cặp thơ này, bạn đọc có thể hiểu theo nhiều mối quan hệ: giọt nước mắt (là) vầng trăng đồng nhất tạo nên nhiều nghĩa phong phú – đó là sự hàm súc:

Giọt nước mắt (và) vầng trăng – đẳng lập
Giọt nước mắt (như) vầng trăng – so sánh
Giọt nước mắt (của) vầng trăng – sở hữu

Nước mắt biểu tượng cho tình thương, cho sự tri âm. Vầng trăng biểu tượng cho nghệ thuật (của Lor – ca). Hai câu thơ khẳng định quân thù dù quẳng xác Lor – ca xuống giếng để phi tang nhưng tình yêu và cái đẹp trong thơ Lor – ca đã kết thành thứ ánh sáng kì ảo vĩnh hằng trong tâm hồn các thế hệ sau. Thơ Lor – ca bất từ nên ông cũng bất tử theo. Lor – ca từ giã tất cả để làm nên sự sống:

Đường chỉ tay đã đứt
Dòng sông rộng vô cùng
Lor – ca bơi sang ngang
Trên chiếc ghi ta màu bạc

Đường chỉ tay đã như biểu tượng cho thái độ chấp nhận định mệnh như một quy luật phũ phàng. Định mệnh hữu hạn đặt dấu chấm hết cho số phận một con người. Dòng sông rộng vô cùng là biểu tượng cho dòng sông số phận cũng là ranh giới giữa cuộc sống và cái chết, dòng sông vô hạn của thực tại và hư vô.

Chiếc ghi ta màu bạc là biểu tượng cho cái đẹp của nghệ thuật. Nó trở thành con thuyền chở Lor – ca sang ngang đi vào cõi siêu sinh bất tử. Thanh Thảo tôn vinh thơ Lor – ca bất tử nên người sáng tạo nên nó cũng bất tử theo. Chàng ném là bùa vào cô gái Di – gan: Vào xoáy nước. Lá bùa là biểu tượng cho cái đẹp huyền bí có thể trấn an mọi xoáy nước hung dữ thì trái tim ông biểu tượng cho tình yêu có thể giúp tâm hồn bạn đọc xao động không yên.

Chàng nén trái tim minh
Vào im lặng bất chật
Li – la li – la li – la

Lor -ca đã mang cái đẹp, tình yêu đến giáp mật với sự chết hòa vào sự chết để mở ra những nẻo đường kì ảo cho cuộc sống, cho tâm hồn con người (Thanh Thảo). Nhà thơ đã ươm những hạt giống thơ của mình vào tận trong lòng sự chết của cuộc sống có thể nở hoa.

Li – la li – la li – la. Chuỗi âm thanh kết thúc bài thơ là sự giao thoa giữa thanh âm và thi ảnh. Nó không chỉ gợi một cú vê ghies ta vang vọng sau khi lời ca đã ngừng mà còn gợi hoa tử đinh hương – loài hoa có màu tím ngắt được người phương Tây ưu chuộng. Chuỗi âm thanh liên tiếp gợi hình ảnh những đóa hoa từ đinh howng với những bông nở liên tiếp. Đó là hoa của Thanh Thảo, hoa của người đời dâng trước tượng đài Lor – ca, hay nó là những đó hoa thể hiện sự sống đang nảy nở từ cái chết đau thương của nhà thi sĩ, hay là những đóa hoa thể hiện sự sống bất diệt của nghệ thuật Lor – ca.

Có lần Thanh Thảo đã nói: “Phần tích diện, phần thu góp là cả một quá trình nhưng sáng tạo là khoảnh khắc”. Đàn ghi ta của Lor-ca chính là khoảnh khắc xuất hiện phần thăng hoa của tâm hồn thi sĩ như ông đã tâm sự. Bài Đàn ghi ta của Lor-ca được viết liền một mạch trong khoảng thời gian rất ngắn khi đạm đạo về thơ của Lor-ca với vài người bạn tâm đắc.

  • Kết bài:

Bài Đàn ghi ta của Lor-ca quả là có cách thể hiện mới mẻ hiện đại nhưng đọc kĩ ta thấy nó cũng giản dị như nhiều kiệt tác khác (cái đẹp chính là sự giản dị). Bài thơ giản dị ở nội dung và cũng giản dị cả cách thể hiện nữa. Nó khẳng định thơ Việt Nam có thể tiếp cận và học tập cách thể hiện phương Tây trên cơ sở giữ được bản sắc văn hóa phương Đông.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Ý nghĩa lời đề từ bài thơ "Đàn ghi-ta của Lor-ca" (Thanh Thảo) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.