Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

phan-tich-nhung-dac-sac-nghe-thuat-trong-bai-tho-vieng-lang-bac-cua-vien-phuong

Những đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương

  • Mở bài:

Bài thơ “Viếng lăng Bác” là dòng chảy tâm trạng tự nhiên của Viễn Phương khi viếng thăm lăng bác. Bởi thế, tác giả không hề chú ý dụng công nghệ thuật khi viết bài thơ này. Tuy nhiên, với cảm xúc mãnh liệt, niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, nhà thơ đã sáng tạo những hình ảnh thơ hết sức đặc sắc, giàu giá trị biểu cảm.

  • Thân bài:

Cảm hứng bao trùm bài thơ là niềm xúc đông thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn sâu sắc và  niềm tự hào lớn lao pha lẫn nỗi xót đau khi tác giả từ miền Nam ra viếng lăng Bác. Cảm hứng ấy đã chi phối giọng điệu của bài thơ. Đó là giọng thành kính, trang nghiêm phù hợp với không khí thiêng liêng ở lăng, nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh yên nghỉ. Cùng với giọng suy tư, trầm lắng là nỗi đau xót lẫn niềm tự hào được bộc lộ vừa kín đáo vừa mãnh liệt.

Mạch cảm xúc đi theo trình tự của một cuộc vào lăng viếng Bác, từ khi đứng trước lăng đến khi bước vào lăng và trở ra về. Mở đầu là cảm xúc về cảnh bên ngoài lăng, tập trung ở ấn tượng đậm nét về hàng tre bên lăng gợi hình ảnh quê hương đất nước:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát…”

Tiếp đó là cảm xúc trước hình ảnh dòng người như bất tận ngày ngày vào lăng viếng Bác. Xúc cảm và suy ngẫm về Bác được gợi lên từ những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng: mặt trời, vầng trăng, trời xanh:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

Khi đứng trước linh cữu của Bác, không gian tĩnh lặng, cảm xúc của nhà thơ cũng đi vào chiều sâu của nội tâm:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Cuối cùng là niềm mong ước thiết tha khi sắp phải trở về quê hương miền Nam, muốn tấm lòng mình vẫn được mãi mãi ở lại bên lăng Bác. Mạch cảm xúc như trên đã tạp nên một bố cục khá đơn giản, tự nhiên và hợp lý của bài thơ:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…” 

Trước hết, bài thơ thành công là do cm xúc chân thành, sâu sắc của tác giả. Những người con miền Nam không có mặt trong này Bác mất (1969), mãi bảy năm sau mới có dịp ra viếng Bác. Nguyên một điều đó thôi cũng làm cho tác giả xúc động mạnh mẽ. Khi vào lăng viếng Bác, lại thấy lăng Bác với “hàng tre trong sương bát ngát” thân thuộc như mọi làng quê Việt Nam. Kết thúc bài thơ, hình ảnh cây tre lặp lại một lần nữa nhưng ý nghĩa biểu tượng lại cao hơn: “cây tre trung hiếu”. Cây tre là biểu tượng sức sống kiên trì, bền bỉ, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược.

Tình cảm của nhà thơ cũng là tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác, tình cảm của cả nước đối với Bác, Người đã làm cho đất nước, cho dân tộc vẻ vang. Chính tình cảm đó cộng với những xúc động của nhà thơ là yếu tố cộng hưởng, làm cho nhà thơ thành công. Mặt khác, những hình ảnh bình dị giàu tính tượng trưng, lời thơ giản dị, chân thành làm cho bài thơ dễ đi vào lòng người.

Phép ẩn dụ độc đáo, so sánh Bác và mặt trời của thiên nhiên, vũ trụ có tác dụng làm bừng sáng cảm xúc và cũng là sự tôn vinh, ngợi ca công ơn của Bác đối với dân tộc và đất nước:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

Bác như mặt trời trong lòng dân tộc, vừa vĩ đại, bao la, vừa gần gũi, ấm áp. Ánh sáng lý tưởng của Bác sẽ mãi mãi soi đường cho mọi thế hệ mai sau đi tới. Cách so sánh ấy cũng nhằm khẳng định Bác mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc và đất nước. Biến đau thương thành sức mạnh, nhà thơ tự nhắc mình phải sống xứng đáng với bác, với nhân dân, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc

Giọng thơ phù hợp với tình cảm, cảm xúc, giọng điệu vừa nghiêm trang, vừa sâu lắng, vừa đau xót thiết tha, xen lẫn niềm tự hào thể hiện đúng tâm trạng xúc động lúc vào lăng viếng Bác. Giọng điệu ấy tạp nên bởi nhiều yếu tố: ở thể thơ, nhịp thơ, từ ngữ, hình ảnh. Thể thơ 8 chữ, gieo vần linh hoạt, nhịp chậm, thể hiện sự nghiêm trang, thành kính. Khổ cuối nhịp nhanh hơn nhờ các điệp ngữ thể hiện mong muốn thiết tha của nhà thơ. Hình ảnh sáng tạo, vừa thực, vừa ảo, mang ý nghĩa ẩn dụ biểu tượng.

  • Kết bài:

Bài thơ giàu chất suy tưởng và chất trữ tình đằm thắm, diễn tả niềm xúc độn thành kính. Cảm xúc của bài thơ được cộng hưởng với tình cảm thiêng liêng Bác dài cho nhân dân miền Nam và tình cảm của dân tộc đối với Người. Nhà thơ đã nói lên những tình cảm của chúng ta, của dân tộc gửi tới vị cha già kính yêu. Đó không phải là nỗi đau xót mềm yếu, trái lại cho ta thêm nghị lực đi tiếp con đường của Bác như lời thơ Tố Hữu đã nói:

“Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.