Phân tích nỗi cô đơn buồn tủi của người chinh phụ qua 8 câu thơ đầu đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

phan-tich-noi-co-don-buon-tui-cua-nguoi-chinh-phu-qua-8-cau-tho-dau-doan-trich-tinh-canh-le-loi-cua-nguoi-chinh-phu-10807-2

Nỗi cô đơn buồn tủi của người chinh phụ qua 8 câu thơ đầu đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”

  • Mở bài

Chinh phụ ngâm là một trong những đỉnh cao của văn học Việt Nam thế kỉ XVIII do Đặng Trần Côn sáng tác bằng chữ Hán, Đoàn Thị Điểm diễn Nôm. Vào nửa đầu thế kỉ XVIII, các tập đoàn phong kiến phân tranh quyền lực, xâu xé lẫn nhau, khắp nơi diễn ra giao tranh, khói lửa không ngừng khiến cho dân tình rơi vào cảnh khốn khổ cùng cực. Nông dân bất bình nổi dậy khởi nghĩa ở khắp nơi. Nhân dân sống trong cảnh loạn li nồi da nấu thịt, cha mẹ xa con, vợ xa chồng. Cảm thương nỗi thống khổ của con người, Đặng Trần Côn rơi lệ viết Chinh phụ ngâm khúc. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”, tiêu biểu là tám câu thơ đầu thể hiện rõ nét tâm trạng cô đơn và khát khao đồng cảm của người chinh phụ trong thời gian chồng đi đánh trận, không rõ ngày trở về:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước, 
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen. 
Ngoài rèm thước chẳng mách tin, 
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng? 
Đèn có biết dường bằng chẳng biết, 
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi. 
Buồn rầu nói chẳng nên lời, 
Hoa đèn kia với bóng người khá thương. 

  • Thân bài

Sau khi tiễn chồng ra trận, người chinh phụ trẻ phải sống trong sống cảnh cô đơn, lẻ bóng với bao nỗi khắc khoải, mong chờ:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen. 

Người chinh phụ đi đi lại lại ngoài hiên vắng “thầm gieo từng bước”. Nàng hết dạo ngoài hiên vắng rồi lại vào phòng, cuốn rèm lên rồi lại buông rèm xuống không biết bao nhiêu lần “rủ thác đòi phen”. Những hành động của người chinh phụ chứng tỏ nàng không tự chủ được bản thân vì nỗi sầu triền miên, da diết, không biết san sẻ cùng ai, chỉ một mình một biết một mình mình hay và cũng cho thấy người chinh phụ như đang chờ đợi một tin tốt lành từ người chồng nơi phương xa. Qua đó, ta cảm nhận được tâm trạng cô đơn, vò võ của người chinh phụ.

Nàng càng mong ngóng tin tức của chồng mình bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu vì “thước chẳng mách tin”. Trong đêm tối phong không gối chiếc, người chinh phụ khát khao một sự đồng cảm, sẻ chia nên đã tìm đến vật vô tri, vô giác. Nàng bày tỏ nỗi ưu tư với ngọn đèn nhưng rồi cũng vô ích. Cuối cùng, thấy mình và ngọn đèn có cùng cảnh ngộ, đó là nỗi cô đơn, buồn tủi hắt hiu:

Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi. 

Bằng cách sử dụng điệp ngữ bắc cầu “ngoài rèm, “trong rèm” kết hợp với câu hỏi tu từ “Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?”  vang lên da diết, diễn tả cõi lòng cô đơn, trống vắng, làm lời than thở, nỗi chờ đợi và hi vọng trong nàng day dứt không yên. Tâm trạng nhân vật trữ tình đã chuyển giọng tự nhiên từ lời kể bên ngoài thành lời độc thoại nội tâm da diết, gợi sự ngậm ngùi của người chinh phụ.

Trong im lặng dằng dặc, dưới ánh đèn thăm thẳm, người chinh phụ trẻ chỉ còn thầm lặng chuyện trò với ngọn đèn, với cái bóng của chính mình, làm cho cảnh làm thêm trống vắng, mênh mông, con người đơn chiếc, thiếu vắng hạnh phúc.Cả vũ trụ lặng im, lạnh lùng mặc nhiên cho nỗi buồn diễn biến. Lấy hình ảnh ngọn đèn diễn tả nỗi buồn không thấu của người phụ nữ trong đêm buồn vắng vốn rất quen thuộc. Ca dao có bài Chiếc khăn cugnx nhắc đến hình ảnh ấy, nỗi buồn ấy:

Đèn thương nhớ ai 
Mà đèn không tắt 
Mắt thương nhớ ai 
Mắt ngủ không yên.

Người thiếu phụ trong “Chuyện người con gái Nam Xương” cũng đã từng nhiều đêm vò võ bên ngọn đèn dầu ôm con chờ chồng. Ngọn đèn như là chứng nhân của nỗi sầu bất tận của lòng người. Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích cũng từng đêm thương nhớ bên ngọn đèn:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya, 
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng. 

(Kiều ở lầu Ngưng Bích, Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Ngọn đèn và ánh trăng ấy, ánh sáng của niềm tin giờ đây lại cắt cứa vào trong lòng, gây ra những vết thương khủng khiếp đối với người chinh phụ. Càng chờ đợi, càng thấy bặt tăm. Càng nhơ nhung lại càng thêm đau khổ:

Buồn rầu nói chẳng nên lời, 
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.

Tám câu thơ đầu đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” là bức tranh tâm trạng sống động với các cung bậc cảm xúc của người chinh phụ: vừa cô đơn, vừa khát khao được đồng cảm, sẻ chia, được sống trong hạnh phúc lứa đôi.

  • Kết bài

Chinh phụ ngâm là tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân đạo và giá trị nhân văn cao cả. Tác phẩm là tiếng nói khao khát hạnh phúc, khao khát hòa bình của dân tộc trong thời đại nhất định. Chinh phụ ngâm góp phần vào cuộc đấu tranh cho quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của con người, đấu tranh chống lại chiến tranh phi nghĩa. 8 câu thơ đầu đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đánh thức nỗi niềm cảm thương của con người trước nghịch cảnh đáng thương của người chinh phụ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.