Phân tích sự hài hoà giữa bút pháp cổ điển với bút pháp hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh trong bài thơ Mộ (Chiều tối)

phan-tich-su-hai-hoa-giua-but-phap-co-dien-voi-but-phap-hien-dai-trong-tho-ho-chi-minh-trong-bai-tho-mo-chieu-toi

Phân tích sự hài hoà giữa bút pháp cổ điển với bút pháp hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh trong bài thơ “Mộ” (Chiều tối)

I. Mở bài:

– “Chiều tối” (Mộ) là bài thớ thứ 31 của tập “Nhật ký trong tù”. Cảm hứng sáng tác của bài thơ được gợi lên trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào cuối thu 1942.

– “Chiều tối” là bài thơ mang màu sắc cổ điển – thể hiện ở thể thơ tứ tuyệt, hình ảnh ước lệ, tượng trưng, nghệ thuật điểm xuyết quen thuộc trong thơ ca trung đại và tinh thần hiện đại – lấy sự vận động của con làm hình tượng thơ, lấy con người làm đối tượng trung tâm cho bức tranh thiên nhiên.

II. Thân bài:

1. Bức tranh thiên nhiên chiều tà (2 câu đầu)

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

– Về khung cảnh thiên nhiên: Khung cảnh thiên nhiên lúc chiều tối. Trong bức tranh thiên nhiên ấy có: cánh chim mệt mỏi bay về tổ và chòm mây lơ lững giữa tầng không.

– Về hình ảnh thơ: Hình ảnh cánh chim và chòm mây là những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca xưa – mang nét đẹp cổ điển.

– Về hình ảnh “cánh chim”: cánh chim mệt mỏi bay về tổ. Hình ảnh cánh chim điểm xuyết lên bức tranh chiều tàn tạo nét chấm phá cho bức tranh. Hình ảnh “cánh chim” gợi tả không gian rộng lớn, thinh vắng trong thời khắc ngày tàn đồng thời cũng là dấu hiệu thời gian. Đồng thời trạng thái “mỏi mệt” của cánh chim gợi điểm tương đồng giữa cánh chim và người tù nhân – chiều đã về, ngày đã tàn nhưng vẫn mệt mỏi lê bước trên đường trường. Cảnh và người hòa quyện, đồng điệu, giao cảm.

– Về hình ảnh “Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không” (“Cô vân mạn mạn độ thiên không”).

+ “Cô vân”: Bản dịch thơ gợi tả được sự vận động của đám mây “trôi nhẹ”. Cách dịch làm người đọc cảm nhận được sự thư thái, nhẹ nhàng nhưng chưa gợi tả được nổi cô đơn, lẻ loi của áng mây chiều. Cũng vì thế thi pháp chấm phá trong bản dịch chưa thể hiện nổi bật, chưa làm nổi bật được không gian rộng lớn, chưa làm nổi bật được nỗi cô độc nơi đất khác quê người của nhà thơ.

+ Hình ảnh chòm mây cô độc trôi chầm chậm trong không gian bao la của bầu trời chiều “độ thiên không”. Hình ảnh này gợi nhớ câu thơ “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” của nhà thơ Thôi Hiệu. “Chòm mây” cũng từ đó mà có hồn, mang lại nhiều suy tư về cuộc đời cách mạng gian truân của Hồ Chủ tịch – cứ đi mãi mà vẫn chưa thấy tương lai tươi sáng rọi về.

– Về tâm hồn nhà thơ qua câu thơ: Dẫu bị tù đày, xiềng xích, khổ nhục nhưng tâm hồn lại thư thái cùng thơ ca và thiên nhiên. Đồng thời qua đó ta cảm nhận được nghị lực phi thường – chất thép của một người chí sĩ cách mạng, một con người yêu và khao khát tự do mãnh liệt như áng mây, như cánh chim trời.

* Đánh giá chung: Thiên nhiên trong thơ Bác mang nét đẹp cổ điển với những hình ảnh thơ gần gũi, bình dị. Đồng thời bức tranh thiên nhiên và con người có sự giao hòa với nhau. Ẩn sau bức tranh thiên nhiên là những nỗi niềm tâm trạng của nhà thơ – tả cảnh ngụ tình.

2. Bức tranh đời sống con người:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”

(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã tực hồng)

– Hình ảnh cô gái xay ngô tối trẻ trung, khỏe khoắn, siêng năng lao động tạo nét chấm phá (điểm xuyết) cho bức tranh, trở thành trung tâm của cảnh vật. Dù là xuất hiện giữa không gian núi rừng trong đêm mênh mông nhưng hình ảnh cô gái sơn cước không hề đơn độc. Hình ảnh thơ gợi sự ấm ám cho người đọc.

– Qua hình ảnh thơ, ta còn thấy ở Bác là tấm lòng, tình yêu, sự trân trọng dành cho những người lao động – dù nghèo khó, vất vả nhưng vẫn lao động miệt mài trong tự do.

– So sánh với nguyên tác, trong nguyên tác không đề cập đến từ “tối” nhưng chính sức gợi tả trong thơ Người làm người đọc (kể cả người dịch) cảm nhận được sự trôi chảy của thời gian – từ chiều đến khuya.

– Từ ngữ đặc sắc: Từ đặc sắc, đắt giá nhất tạo thần thái cho câu thơ là chữ “hồng”. Vì từ “hồng” vừa giúp người đọc hình dung ra được thời gian, vừa làm câu bài thơ “Chiều tối” trở nên sáng rực xua tan đi bao mệt mỏi, nặng nề của bài thơ cũng như trong tâm hồn nhà thơ. Cũng vì thế mà chữ “hồng” trở thành nhãn tự của bài thơ.

* Đánh giá chung:  Lòng nhân đạo là đức tính cao đẹp nhất của Bác Hồ. Tình cảm này vừa cụ thể vừa bao la, vừa ở nhận thức vừa ở hành động. Ở Bác là một tâm hồn nhạy cảm và dễ rung động trước tạo vật và lòng người: “Thân thể ở trong lao Tinh thần ở ngoài lao”. Ở Bác là tinh thần thép kiên cường đi đôi với tâm hồn nhạy cảm, đậm chất trữ tình. Lời thơ vừa mềm mại, vừa cứng cỏi, ở đó là sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố: cổ điển và hiện đại, thể hiện nhân cách của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”.

III. Kết bài:

 “Chiều tối” vừa mang màu sắc cổ điển hàm súc lại vừa kết hợp với tính chất trẻ trung, hiện đại, bình dị. Tứ thơ vận động từ cảnh đến tình, từ trong bóng  tối đến sự sống, đến ánh sáng và tương lai. Nét vẽ linh tế, thể hiện một hồn thơ “bát ngát tình”. Bài thơ thấm đượm một tình yêu mênh mông đối với tạo vật và con người. Trong đọa đầy gian khổ, tâm hồn Bác vẫn dào dạt sự sống.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Đọc - hiểu: Chiều tối (Hồ Chí Minh) - Theki.vn
  2. Viết mở bài và kết bài phân tích bài thơ "Chiều tối" của Hồ Chí Minh - Theki.vn
  3. Dàn bài: Cảm nhận của anh (chị) về bài thơ "Chiều tối" (Mộ) của tác giả Hồ Chí Minh - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.