Phân tích tài năng thơ ca bậc thầy của Nguyễn Du qua đoạn trích Nỗi thương mình (trích Truyện Kiều)

phan-tich-tai-nang-tho-ca-bac-thay-cua-nguyen-du-qua-doan-trich-noi-thuong-minh-trich-truyen-kieu

Phân tích tài năng thơ ca bậc thầy của Nguyễn Du qua đoạn trích “Nỗi thương mình” (trích Truyện Kiều)

Cho đến nay, Truyện Kiều vẫn là hòn ngọc sáng nhất và là đỉnh cao chói lọi nhất của tiếng nói Việt Nam, của văn học dân tộc. Khi bàn đến ngôn ngữ Truyện Kiều, Hoài Thanh có viết: “ Người đọc xưa nay vẫn xem Truyện Kiều như một hòn ngọc quý cơ hồ không thể thay đổi, thêm bớt một tí gì, như một tiếng đàn lạ gần như không một lần lỡ nhịp ngang cung”. Thiên tuyệt bút này của Nguyễn Du là sự kết tinh tinh hoa của cả quá trình mấy trăm năm hình thành và phát triển nền văn học cổ điển viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Mặc dù mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng ngôn ngữ để xây dựng tác phẩm Truyện Kiều lại được Nguyễn Du khai thác từ văn học dân gian Việt Nam.Dưới bàn tay của thiên tài Nguyễn Du, tiếng Việt của chúng ta trở nên tinh túy, đặc sắc hơn. Nguyễn Du đã thừa kế, chắt lọc những phần tinh tú nhất trong lời ăn, tiếng nói của nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ văn học dân gian, thông qua việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo và dày đặc các khẩu ngữ, ngoa ngữ, thành ngữ, ca dao, tục ngữ và một số thành ngữ Hán Việt đã được thuần Việt. Bên cạnh đó, Nguyễn Du đã tiếp nhận ngôn ngữ văn học nước ngoài, từ hệ thống thuật ngữ, khái niệm triết học, Phật, Nho đến nguồn điển cố, thi liệu giàu có, phong phú của văn học Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng quý là dù tiếp thu từ truyền thống hay từ ngoại lai, Nguyễn Du luôn có sáng tạo độc đáo.

“Nỗi thương mình” trong Sách giáo khoa lớp 10 hiện nay là một trích đoạn Truyện Kiều thể hiện khá rõ cái nhìn vượt thời đại và tinh thần nhân đạo mới mẻ, đặc biệt tài năng nghệ thuật độc đáo của đại thi hào Nguyễn Du. Đoạn trích chỉ vỏn vẹn hai mươi câu, từ câu 1229 đến câu 1248, cho thấy tâm trạng đau đớn, tủi nhục, nỗi cô đơn, thương thân trách phận và ý thức sâu sắc về thân phận bất hạnh của Thúy Kiều ở chốn lầu xanh.

Kiều đã trải qua 15 năm lưu lạc, gặp biết bao sự lọc lừa, đau khổ nhưng lần đau đớn nhất là bị Mã Giám Sinh lừa bán vào lầu xanh, Kiều đã rút dao tự tử nhưng không thành. Ở lầu Ngưng Bích, Kiều lại mắc bẫy Sở Khanh, bị Tú Bà đánh đập dã man để rồi mở ra những tháng ngày ê chề nhục nhã của nàng trong vai trò kĩ nữ – gái làng chơi.

“Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh”.

Một cuộc sống hoang đàng, thác loạn, nhơ nhớp chốn lầu xanh và thân phận bẽ bàng của người kĩ nữ đã được Nguyễn Du tái hiện qua những từ ngữ đặc sắc với cách viết tạo điệp khúc. Nhịp thơ ở các câu lục 2-2-2, câu bát 4-4 kết hợp lối nói thành ngữ (câu lục trên : bướm lả ong lơi, câu lục dưới : lá gió cành chim), tất cả đều mang tính kể lể “biết bao”, “dập dìu”, “đầy tháng”, “suốt đêm”, “sớm đưa”, “tối tìm’’. Tính trùng điệp như thế đã giúp đoạn thơ gợi ra được một nhịp sống triền miên, ngày qua ngày lại, hôm sau cứ lặp lại hôm trước, trác táng này đến trác táng khác, đau khổ tiếp nối sự khổ đau hết ngày này sang ngày khác. Không những thế, nó còn thể hiện được nỗi ê chề ngao ngán trong giọng điệu thơ không còn phân biệt được là lời của tác giả hay nỗi ê chề của người kĩ nữ khi phải đong đưa, lả lướt đón khách tới rồi lại đưa khách về trong tiếng cười khả ố của những kẻ phóng đãng.

Không chỉ dừng lại ở cách nói trùng điệp, Nguyễn Du bằng bút pháp ước lệ tượng trưng đã miêu tả thật sống động bức tranh sinh hoạt ở chốn lầu xanh. Chỉ với những từ “biết bao”, “ suốt đêm”, “sớm đưa”, “tối tìm”, Nguyễn Du đã lột tả tài tình sự đông đúc, nhộn nhịp, bát nháo của những khách làng chơi Kiều phải tiếp trong chốn lầu xanh ấy. Bằng những hình ảnh ẩn dụ “ bướm lả ong lơi, cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm” và các điển tích điển cố: “lá gió cành chim”, “Tống Ngọc, Trường Khanh”, Nguyễn Du cho thấy nỗi bất hạnh và trớ trêu trong tình cảnh của Thúy Kiều, tuy sống trong cảnh lầu xanh tưởng như thanh tao, phong nhã nhưng thực chất đó chỉ là giả tạo, hằng ngày Kiều phải làm công việc nhơ nhuốc, tiếp đủ các loại khách đến mua vui từ bốn phương. Quả là một sự vớt vát đầy tế nhị của Nguyễn Du, phải chăng ông muốn sử dụng bút pháp ước lệ để giữ được chân dung cao đẹp của nàng.

Có thể nói, Nguyễn Du đã mỹ lệ hóa cho cảnh sống ấy bằng một thứ ngôn ngữ ước lệ rất tài tình: ước lệ theo thành ngữ dân gian, ước lệ theo điển tích làm cho sự hồi tưởng kiếp sống đớn đau của Kiều trở nên tao nhã.Với nhiều kĩ nữ, họ có thể bình thản coi việc làm của mình rất đỗi bình thường, nhưng Kiều vốn từ cảnh sống “êm đềm trướng rủ màn che” bỗng nhiên bị ném vào bùn nhơ một cách phũ phàng để rồi hằng đêm người con gái ấy phải tự mình gặm nhấm nỗi đắng cay của một nhân cách cao đẹp bị vùi dập. Quả là, tao nhã mà vẫn rất xót xa, rất bẽ bàng, đó là tài năng hay tấm lòng đau xót của thi nhân?

Tâm trạng của Thúy Kiều ở đoạn thơ tiếp theo có thể nói là lời độc thoại đầy ám ảnh, nỗi ám ảnh ấy đã được tác giả thể hiện rõ trong những câu thơ nhức nhối ruột gan người đọc:

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường ?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân !
Mặc người mưa Sở, mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.”

Có thể nói, ngắt nhịp linh hoạt và biến hóa là một tài năng đặc biệt của Nguyễn Du. Nhịp thơ có sự thay đổi giữa hai câu thơ trên từ nhịp 3/3 chuyển sang nhịp 2/4/2. Hai chữ “giật mình” kết hợp với cách ngắt nhịp ấy đã diễn tả sự biến đổi đột ngột trong tâm hồn Kiều. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nhịp điệu, thủ pháp trùng điệp, biện pháp tiểu đối đã giúp Nguyễn Du khắc họa đậm nét cảm xúc của nhân vật Thuý Kiều. Chữ “giật mình” thể hiện sâu sắc cái bàng hoàng, tê dại, ngơ ngác, thảng thốt của Kiều trước thực tại.

Nếu ở đoạn đầu, tiểu đối đều nằm ở câu bát, thì ở đây bất ngờ thay đổi, tiểu đối nằm ngay ở câu lục : “Khi tỉnh rượu / lúc tàn canh”. Nhịp 3/3 cũng là một bất ngờ so với các câu lục trước. Tất cả đã thể hiện cái giật mình đau xót của Thuý Kiều khi tàn cuộc rượu. Cái “giật mình” ấy đi liền với sự “ thương mình” diễn tả tận đáy sự ý thức về nhân cách, phẩm giá và quyền sống của bản thân đang bị nhơ nhuốc. Đó là giọt nước mắt nuốt vào trong gan ruột thật xót xa, thấm thía. Đặc biệt là sự ăn nhập lạ lùng giữa câu lục với câu bát. Nếu nhịp 3/3 vừa gợi cái đột nhiên sực tỉnh, thì sang câu bát, nhịp 2/4/2 cùng với chữ “mình” được điệp lại tới ba lần và từng chữ đều rơi vào đúng những điểm nhấn ngữ điệu, lại gợi ra được một tâm trạng đứt gãy, không nguôi ngoai của một nỗi lòng không thể san sẻ cùng ai. Lời thơ cứ đay đi đay lại như nỗi vật vã chua xót vẫn hằng ngày dằn vặt, đay nghiến khiến Thúy Kiều rơi vào sự bẽ bàng, tủi hổ. Cái giật mình từ thẳm sâu bên trong tâm hồn ấy làm nên sự khác biệt đầy đau đớn nhưng cũng đầy cao đẹp của Thúy Kiều so với các kĩ nữ khác ở chốn lầu xanh ô trọc.

Sự dằn vặt của nàng được hiện ra cụ thể bằng hàng loạt những lời tra vấn: “ Khi sao”, “giờ sao”, “mặt sao”, “thân sao”. Những từ ngữ có vẻ rất nôm na, bình dị ấy nhưng vì đặt đúng chỗ nên đã phát huy cao độ. Nàng đối chiếu hiện tại bùn nhơ với quá khứ trinh bạch mà đau đớn, tủi khổ. Quá khứ êm đềm, bình yên, hạnh phúc còn hiện tại tiếc thay lại đầy phũ phàng, hiện thực khổ liệt ấy như muốn chôn vùi quá khứ chỉ còn trong hoài niệm lúc tàn đêm. Điệp khúc dai dẳng đay đả ấy như một nhát dao cứa vào tâm can trong trắng của nàng, cho thấy sự chán chường, mỏi mệt, ghê sợ chính bản thân khi bị đẩy vào cảnh ngộ trớ trêu. Từ “sao” kết hợp với các thành ngữ tạo thành giọng thơ chán ngán, buồn khổ nhức buốt người đọc. Nỗi đau xót cho thấy niềm khát khao phẩm giá, ý thức về một nhân cách trong sạch vẫn nguyên vẹn dù phải chịu cảnh: “Biết bao bướm lả ong lơi”, với những “Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm”. Vì thế, bị vùi trong dục lạc, Kiều vẫn chỉ dửng dưng : “ Riêng mình nào biết có xuân là gì”. Người càng : “Mưa Sở, mây Tần” thì nỗi đau ấy càng dâng lên đến tột đỉnh song nỗi đau,sự cô độc tận cùng ấy cũng là sự tuyệt vời của sự sáng trong ở tâm hồn Kiều.

Trong Truyện Kiều, nhiều lần Nguyễn Du cũng đã phá vỡ nhiều cấu trúc cố định để tạo thành những kết hợp không đâu có. Chẳng hạn “gìn vàng giữ ngọc, gió thảm mưa sầu, gió trúc mưa mai, gió giục mây vần, hồn rụng phách rời, lấy gió cành chim , tiếc lục tham hồng, liễu ép hoa nài, liễu chán hoa chê, ngày gió đêm trăng…” được sử dụng rất sáng tạo. Và trong những câu thơ trên, những từ “bướm chán ong chường , giày gió dạn sương, bướm lả ong lơi” cũng có cách cấu tạo đặc biệt như thế. Các cấu tạo đặc biệt này diễn đạt một trạng thái sự vật có ý nghĩa phổ quát , diễn ra nhiều lần và đặt trong ngữ cảnh của Truyện Kiều lại càng có ý nghĩa. Những cụm thành ngữ, những điển tích, những lối nói ước lệ như “bướm lả ong lơi, lá gió cành chim, phong gấm rủ là, dày gió dạn sương, bướm chán ong chường, mưa Sở mây Tần,…” ấy đối với bạn đọc ngày nay có vẻ xa lạ bởi rào cản, sự gián cách về phông văn hóa thời đại. Nhưng chính những cách nói ấy đã giúp Nguyễn Du thể hiện sự tế nhị khi phải diễn tả những điều khó nói đến thế về thân xác và nhân phẩm của một người con gái dễ tổn thương như Kiều. Bởi vậy, việc sử dụng nhuần nhuyễn những chất liệu ngôn ngữ này lại cũng chính là một nét thần tình của ngòi bút Nguyễn Du. Đó là sự sáng tạo vượt rào của Nguyễn Du cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Bởi như ta đã biết, trong văn học cổ điển việc sử dụng bút pháp ước lệ và các điển tích, điển cố ít nhiều hạn chế cá tính sáng tạo của các tác giả trung đại đúng như Giáo sư Phan Ngọc từng nhận định “Các nghệ sĩ xưa của ta chỉ được múa một tay còn một tay bị trói chặt bởi tính truyền thống”. Tuy nhiên, với những cá nhân kiệt xuất thì vượt rào thi pháp càng thể hiện được tài năng của họ mà Nguyễn Du là một điển hình tiêu biểu. Sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du còn được thể hiện rõ ở đoạn thơ cuối khi đi sâu vào bi kịch của Thúy Kiều:

“Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai”

Thiên nhiên tươi đẹp đủ cả, nhưng càng đầy đủ, càng tao nhã thì càng xót xa, bẽ bàng, đó là một sự mỉa mai, giễu cợt được ngụy trang, che đậy rất khéo. Bởi thế, đọc những câu thơ cuối, người đọc cảm nhận rõ nỗi đau uất nghẹn, sự nhục nhã của nàng Kiều. Đó là nỗi đau, nỗi xót xa thường trực, luôn dằn vặt Kiều. Tâm trạng ấy được thể hiện tài tình qua việc lặp đi lặp lại hai từ “đòi phen”. Đặc biệt, từ một nỗi đau cụ thể, Nguyễn Du đã khái quát và khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa cảnh và tình. Vì thế, bức tranh phong cảnh đã trở thành bức tranh tâm cảnh mang giá trị phổ quát cho mọi người:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Nhưng đau đớn nhất, bi kịch nhất của Thúy Kiều có thể nói tập trung ở hai câu:

“Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai?”

Đó là một sự gồng mình, một sự cố gắng đến tội nghiệp qua từ “gượng”, sống mà như đã chết là ở đó. Dù không “mặn mà với ai” nhưng trớ trêu là nàng Kiều luôn phải đóng kịch, diễn thật tốt vai diễn nhơ nhuốc của mình để rồi lại dằn vặt trong xa xót. Nỗi lòng tê tái ấy được bày tỏ đắc địa và xúc động qua ngôn ngữ nửa trực tiếp với câu hỏi tu từ xoáy sâu vào sự trăn trở của người đọc.

Với sự học hỏi và sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du, ngôn ngữ Truyện Kiều mang phong cách của một cá tính nghệ thuật, tác phẩm đã trở thành “nguồn mạch dân tộc” và là một phần máu thịt trong đời sống tâm hồn của dân tộc Việt Nam góp phần đưa Nguyễn Du lên vị trí bậc thầy trong ngôn ngữ thơ ca cổ điển, đồng thời để lại cho ngày nay nhiều bài học quý giá trong vận dụng và sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật nói chung và ngôn ngữ nói riêng mà trong đó đoạn trích “Nỗi thương mình” là một minh chứng tiêu biểu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.