Phân tích lời nhắc nhở về thái độ sống uống nước nhớ nguồn, thủy chung với quá khứ nghĩa tình qua bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy

phan-tich-thai-do-song-uong-nuoc-nho-nguon-thuy-chung-voi-qua-khu-nghia-tinh-qua-bai-tho-anh-trang-cua-nguyen-duy

Lời nhắc nhở về thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, thủy chung với quá khứ nghĩa tình qua bài thơ “Ánh Trăng” của Nguyễn Duy

  • Mở bài:

Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chông Mĩ cứu nước. Bài thơ Ánh trăng được sáng tác năm 1978. Bài thơ là một khoảnh khắc đối diện quá khứ nghĩa tình để tự vấn lương tâm; và cũng từ đó nhắc nhở mọi người về thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, thủy chung cùng quá khứ. Chắc chắn rằng, khổ thơ 4 và 6 chứa đựng chủ đề và cảm xúc của toàn bài thơ. Đó là hai khổ thơ có sức ám ảnh trong lòng người đọc.

  • Thân bài:

Cả bài thơ có sự kết hợp giữa hình thức tự sự và chiều sâu cảm xúc. Trong dòng diễn biến của thời gian, sự việc ở các khổ 1, 2, 3 bằng lặng trôi nhưng khổ thứ 4 “đột ngột” xuất hiện một sự kiện tạo nên bước ngoặt để nhà thơ bộc lộ cảm xúc, thê hiện chủ đê tác phàm. Vầng trăng hiện ra soi sáng không chỉ không gian hiện tại mà còn gợi nhớ kỉ niệm trong quá khứ chẳng thể nào quên. Cái “giật mình” ở khổ thơ thứ 6 là lời nhắc nhở thủy chung.

“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn “.

Vầng trăng là một hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát, là người bạn tri kỉ suốt thời tuổi nhỏ rồi thời chiến tranh ở rừng, ngỡ như không bao giờ quên được vầng trăng nghĩa tình ấy. Thế nhưng, khi hoàn cảnh thay đổi, tất cả mọi thứ dường như chao đảo. Con người vô tình quên đi người bạn thân thiết, quên đi nghĩa tình năm xưa.

“Thình lình”, “tắt”, “vội”, “đột ngột”: Những từ gợi sự bất chợt đặt liền nhau khiến giọng thơ tràn đầy cảm xúc ngỡ ngàng, thảng thốt. Cái cảm giác thảng thốt đó chính là sự thức tỉnh của tác giả vì đã dửng dưng với vầng trăng nghĩa tình (như người dưng qua đường).

Sự xuất hiện bất chợt của vầng trăng thực này đã đánh thức vầng trăng bị lãng quên, nghĩa là cái quá khứ nghĩa tình mà đã bị “ánh điện”, “cửa gương” xóa nhòa, vầng trăng không chỉ là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình mà còn là vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng (cứ tròn vành vạnh, im phăng phắc) như là nhân chứng nhắc nhở con người.

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”.

Sự lặng im “phăng phắc” đó là lời nhắc nhở nghiêm khắc về sự thủy chung. Người ta phải giật mình vì suốt cả thời bình, sống ở thành phố, đầy đủ tiện nghi (ánh điện,cửa gương), đã có lúc không còn nhớ đến những gian lao, nghĩa tình.

Trong một bài thơ khác, Nghe tắc kè kêu trong phố (1978), Nguyễn Duy cũng có giây phút “giật mình” như vậy:

“Tôi giật mình
Nghe
Trên cành me gốc đường Công Lý cũ
Cái âm thanh của rừng lạc về”

Sự gặp gỡ tình cờ với trăng (chỉ khi đèn điện làm ùa dậy bao kỉ niệm khiến con người nhận ra sự vô tình của mình. Vầng trăng tròn là hình ảnh ẩn dụ sâu sắc thể hiện một quá khứ nghĩa tình mà hôm nay vẫn nguyên vẹn, tròn đầy, không hề thay đổi. Đây là khổ thơ dẫn dắt người đọc đi vào suy ngẫm của nhân vật trữ tình trước người bạn tri kỉ ngày nào (ánh trăng).

Bài thơ như một câu chuyện, có sự kết họp hài hòa tự nhiên giữa tự sự và trữ tình. Giọng điệu tâm tình bằng thể thơ năm chữ. Nhịp thơ khi thì trôi chảy tự nhiên, nhịp nhàng theo lời kể, khi thì ngân nga thiết tha cảm xúc, lúc lại trầm lắng biểu hiện suy tư. Kết cấu, giọng điệu bài thơ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, tạo tính chân thực, chân thành, sức truyền cảm sâu sắc, gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

Mỗi người đều có một quá khứ. Trong quá khứ có quê hương, có người thân, có bạn bè … tất cả một thời gắn bó với ta ân tình, ân nghĩa. Do đó, phải biết trân trọng quá khứ nghĩa tình của mình, biết cài hoa vào quá khứ, biết hướng về tương lai để tiếp tục hành trình sống tốt đẹp hơn. Điều này thể hiện thái độ sống “uống nước nhớ nguồn” của mỗi người.

  • Kết bài:

Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm, Ánh trăng của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân tình thủy chung cùng quá khứ.

MỘT SỐ CÂU HỎI ÔN TẬP LUYỆN THI:

1. Ý nghĩa nhan đề “Ánh trăng”:

Trăng vốn là đề tài quen thuộc, là một quý ngữ trong thi ca. Với bài thơ Ánh trăng, Nguyễn Duy đã làm phong phú và giàu có thêm vẻ đẹp cũng như ý nghĩa của vầng trăng đã quen thuộc từ ngàn đời.

Trước hết, Ánh trăng của Nguyễn Duy là hình ảnh đẹp của thiên nhiên với tất cả những gì là thi vị, gần gũi, hồn nhiên, tươi mát. Ánh trăng gần với tuổi ấu thơ của tác giả. Vầng trăng ấy hồn nhiên như cuộc sống, như đất trời.

Vầng trăng còn là một biểu tượng nghệ thuật đa nghĩa. Vầng trăng ấy đã đánh thức ký ức của tác giả, của thế hệ trẻ Việt Nam trong những ngày đánh Mỹ, tháng Mỹ.

Ánh trăng lặng lẽ toả sáng trong bài thơ hay lặng lẽ như lời nhắc nhở giản dị mà sâu lắng, không được phép lãng quên quá khứ, có những thử thách, những hy sinh, những tôn thất thời đánh Mỹ ác liệt mới có cuộc sống hoà bình ngày hôm nay.

2. Hình ảnh vầng trăng và cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Duy qua bài thơ “Ánh Trăng”:

 Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ là một hình tượng đa nghĩa. Trước hết, vầng trăng là một hình ảnh của thiên nhiên khoáng đạt, hồn nhiên, tươi mát. Trong hai khổ thơ đầu, vầng trăng hiện ra trong không gian của ruộng đồng, sông biển, núi rừng. Đó là vầng trăng của “hồi nhỏ sống với đồng” và sau này là “hồi chiến tranh ở rừng”. Lúc ấy, con người sống giản dị, “trần trụi với thiên nhiên – hồn nhiên như cây cỏ”. Vầng trăng trở thành người bạn tri kỷ, thành “vầng trăng tình nghĩa” gắn bó trong suốt những năm tháng từ thuở ấu thơ ở quê nhà, đến hồi chiến tranh sống ở rừng.

+ Đến khi về thành phố, sống giữa những tiện nghi hiện đại “quen ảnh điện, cửa gương”, con người bỗng quên đi cái vầng trăng “ngỡ không bao giờ quên” kia, bỗng vô tình với “cái vầng trăng tình nghĩa” kia. Sự vô tình đến mức tàn nhẫn:

“Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường”

Rồi đến một đêm nào đó:

“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”

Con người đã quen với đèn điện nên quên trăng. Vầng trăng vẫn có đó nhưng “như người dưng qua đường”. Phải đến khi đèn điện tắt, con người mới lại nhìn thấy và nhận ra vầng trăng. Phải đột ngột như thế. Phải bất ngờ như thế, vầng trăng mới làm thức dậy trong tâm trí con người bao cảm xúc:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng”

“Ngửa mặt lên nhìn mặt”, mặt người và mặt trăng đối diện nhau. Đó là khoảnh khắc bất ngờ gặp lại “cố nhân”. Khoảnh khắc gặp gỡ đó khiến hồn người “rưng rưng” cảm xúc. Vầng trăng làm ùa dậy trong tâm trí những hình ảnh của thiên nhiên, của quê hương đất nước.

Vầng trăng trong bài thơ còn có ý nghĩa biểu tượng: biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, biểu tượng cho vẻ đẹp bình dị và vĩnh hằng của đời sống.

Vầng trăng đâu chỉ làm ùa dậy trong tâm trí những hình ảnh của thiên nhiên, của quê hương đất nước, mà còn đánh thức trong tâm trí con người bao kỷ niệm hồn nhiên của thời tuổi nhỏ, bao kỷ niệm nghĩa tình của một thời gian lao chiến đấu.

Khổ thơ cuối cùng là nơi tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng:

“Trăng cứ tròn vành vạnh
Kẻ chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.”

Mặc cho con người vô tình, “trăng cứ tròn vành vạnh”. Đó là hình ảnh tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên chẳng thể phai mờ. “Ánh trăng im phăng phắc”, phép nhân hoá khiến hình ảnh vầng trăng hiện ra như một con người cụ thể, một người bạn, một nhân chứng, rất nghĩa tình nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc đang nhắc nhở con người đừng quên đi quá khứ. “Ánh trăng im phăng phắc” nhưng đủ làm để làm con người “giật mình” nhận ra sự vô tình không nên có, sự lãng quên đáng trách của mình. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên, nhưng thiên nhiên và nghĩa tình quá khứ thì vẫn nguyên vẹn, vĩnh hằng.


Bài tham khảo:

Phân tích 2 khổ thơ cuối của bài thơ “Ánh trăng”

Trăng và con người đã gặp nhau trong một giây phút tình cờ: sự cố thành phố cúp điện, nơi sống chìm vào bóng tối. Con người và vầng trăng đối diện trong khoảnh khắc bất thường khiến cho cảm xúc bị dồn nén tột cùng:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng”

Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thế đối mặt: “mặt” ở đây chính là vầng trăng tròn. Con người thấy mặt trăng là thấy được người bạn tri kỷ ngày nào. Cách viết thật lạ và sâu sắc – dùng những từ không trực tiếp để diễn tả sự xúc động cảm động chợt dâng trào trong lòng anh khi gặp lại vầng trăng.

Cảm xúc “rưng rưng”: tâm hồn đang rung động, xao xuyến, gợi nhớ gợi thương. Nhịp thơ hối hả dâng trào như tình người dào dạt. Niềm hạnh phúc của nhà thơ như đang được sống lại một giấc chiêm bao.

Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng làm ùa dậy ở tâm trí nhà thơ bao kỷ niệm quá khứ tốt đẹp khi cuộc sống còn quá nghèo nàn, gian lao. Lúc ấy con người với thiên nhiên trăng là tri kỷ, tình nghĩa.
Khổ thơ kết lại bài thơ bằng hai vế đối lập mà song song:

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”

Ở đây có sự đối lập giữa “tròn vành vạnh” và “kẻ vô tình”, giữa cái im lặng của ánh trăng với sự “giật mình” thức tỉnh của con người. Vầng trăng có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Hình ảnh “vầng trăng tròn vành vạnh”, ngoài nghĩa đen là vẻ đẹp tự nó và mãi mãi vĩnh hằng của cuộc sống còn có nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp của nghĩa tình quá khứ, đầy đặn, thuỷ chung, nhân hậu bao dung của thiên nhiên, của cuộc đời, con người, nhân dân, đất nước.

Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” có ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt. Sự không vui, sự trách móc trong lặng im của vầng trăng là sự tự vấn lương tâm dẫn đến cái “giật mình” ở câu thơ cuối. Cái “giật mình” là cảm giác và phản xạ tâm lý có thật của một người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, sự nông nổi trong cách sống của mình.

Cái “giật mình” của sự ăn năn, tự trách, tự thấy phải đổi thay trong cách sống. Cái “giật mình” tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được làm người phản bội quá khứ, phản bội thiên nhiên, sùng bái hiện tại mà coi rẻ thiên nhiên. Thiên nhiên thật nghiêm khắc, lạnh lùng nhưng cũng thật ân tình, độ lượng bao dung, vầng trăng và thiên nhiên là trường tồn, bất diệt. Thì ra những bài học sâu sắc về đạo lý làm người đâu cứ phải tìm trong sách vở hay từ những khái niệm trừu tượng xa xôi. Ánh trăng thật sự đã như một tấm gương soi để thấy được gương mặt thực của mình, để tìm lại cái đẹp tinh khôi mà chúng ta tưởng đã ngủ ngon trong quên lãng.


Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ tượng trưng cho điều gì?

– Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ trước hết là vầng trăng của tự nhiên. Nhưng vầng trăng còn là biểu tượng của quá khứ đầy tình cảm, khi con người trần trụi giữa thiên nhiên, hồn nhiên, không so đo, tính toán. Khi đó, tâm hồn con người rộng mở, khoáng đạt như sông, như đồng, như bể như rừng.

– Tất cả là những hình ảnh thiên nhiên rộng dãi, hùng vĩ. Nhưng khi kháng chiến thành công thì con người nhốt mình vào cửa kính, buyn-đinh, sống riêng cho mình, cho cái cá nhân nhỏ bé. Bởi thế mà không gần gũi, không mặn mà với vầng trăng. Lúc này trăng tượng trưng cho quá khứ ân tình, cho những tình cảm lớn lao mộc mạc nhưng bất tử, sáng trong mãi mãi.

– Con người có thể quên quá khứ, nhưng quá khứ không bao giờ quên. Trăng cứ tròn vành vạnh cũng như quá khứ tươi đẹp không bao giờ mờ phai, không bao giờ khuyết thiếu. Chỉ có những ai mê mải với cái riêng mới có thể dửng dưng. Nhưng vầng trăng ấy bao dung, không “kể chi người vô tình”. Chính thái độ lặng im cao thượng ấy càng làm những ai sớm quên quá khứ nghĩa tình phải giật mình.


Thông điệp từ bài thơ “Ánh trăng”

Bài thơ “Ánh trăng” là tâm sự của Nguyễn Duy, là suy ngẫm của nhà thơ trước sự đổi thay của hoàn cảnh sống, khi mà con người từ chiến tranh trở về cuộc sống hoà bình. Những sông, đồng, biển, rừng là hình ảnh tượng trưng, nhưng cũng là hình ảnh thật của những người kháng chiến. Thành phố là môi trường mới, là hình ảnh thật của những người kháng chiến không đặt chân tới (trừ các chiến sĩ hoạt động bí mật). Môi trường mới ???nghỉ mới, hoàn cảnh mới làm cho con người sống cách biệt với thiên nhiên cũng có nghĩa là xa dần quá khứ, lạnh nhạt dần với quá khứ. Ánh trăng cảnh bao hiện tượng suy thoái về tình cảm, sẽ dẫn đến suy thoái lối sống, suy thoái đạo đức. Nó nhắc nhở con người cần thuỷ chung với quá khứ, với những điều tốt đẹp của quá khứ, đừng (có mới nới cũ).


Cảm nhận ý nghĩa khổ cuối bài thơ “Ánh trăng”

Khổ thơ cuối cùng là nơi tập trung nhất ý nghĩa – biểu tượng của hình ảnh vầng trăng:

Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình

Mặc cho con người vô tình, “trăng cứ tròn vành vạnh”, đó là vẻ đẹp tự nó và mãi mãi vĩnh hằng. Đó còn là hình ảnh tượng trưmg cho vẻ đẹp và những giá trị truyền thống.

Phép nhân hoá: “Ánh trăng im phăng phắc” khiến hình ảnh vầng trăng hiện ra như một con người cụ thể, một người bạn, một nhân chứng, rất nghĩa tình nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc đang nhắc nhở con người. “Ánh trăng im phăng phắc” nhưng đủ làm để làm con người “giật mình” nhận ra sự vô tình lãng quên quá khứ tốt đẹp, tức là con người đang phản bội lại chính mình. Nó còn có ý nhắc nhở con người nên trân trọng, giữ gìn vẻ đẹp và những giá trị truyền thống.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Thông điệp từ bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy làm mỗi chúng ta không khỏi “giật mình” - Theki.vn
  2. Cảm nhận bài thơ "Ánh Trăng" của Nguyễn Duy - Theki.vn
  3. Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ "Ánh Trăng" của Nguyễn Duy - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.